Lại một chu kì bất ổn mới

Phạm Đình Trọng

Mỗi con người ngoài thể xác với chiều cao, cân nặng làm nên vóc dáng hình hài còn có con người văn hoá với kiến thức văn hoá xã hội làm nên con người khí phách, tâm hồn. Số đo chiều cao, cân nặng mỗi con người chỉ là con số cơ học, chỉ là vật chất, chỉ có sức sống hữu hạn trong không gian. Kiến thức văn hoá xã hội mới là tầm vóc, là giá trị đích thực của mỗi con người, mới có sức sống vô hạn trong thời gian.

Diện tích đất đai và dân số mỗi đơn vị hành chính tỉnh, huyện cũng chỉ là con số cơ học, chỉ là phần vật chất, thể xác vô hồn. Cội nguồn lịch sử cộng đồng dân cư, hồn folklore, nét đặc sắc văn hoá dân gian, phong tục tập quán trong sinh hoạt, trong đời sống do lịch sử để lại và tình yêu máu thịt của cư dân với mảnh đất mang hồn cốt ông bà tổ tiên mới là phần hồn của một tỉnh, một địa danh.

Chung cội nguồn lịch sử, chung cội nguồn văn hoá dân gian, chung tình yêu với mảnh đất cha ông, chung cả tên gọi mảnh đất thân thương là chất keo kết dính dân cư sống lâu đời trên mảnh đất đó, tạo nên sự ổn định, bền vững của một địa danh. Phá vỡ cội nguồn lịch sử, phá vỡ cội nguồn folklore là phá vỡ sự ổn định, bền vững của địa danh đó.

Diện tích đất đai là vật chất vô hồn có thể băm vằm chia cắt, lắp ghép tuỳ thích. Nhưng lịch sử cộng đồng dân cư, văn hoá dân gian, tình yêu của người dân với miền đất, ngay cả tên đất mang hồn dân dã quê kiểng của người dân thì một chính quyền thực sự có văn hoá, có kiến thức quản lý hành chính quốc gia và biết quý trọng giá trị nhân văn không thể tuỳ hứng, tuỳ tiện chia cắt, lắp ghép. Từ thời chúa Nguyễn mở đất Nam Bộ, huyện Chợ Lách là hồn cốt, là máu thịt của người dân khai phá, mở mang dải đất phù sa sông rạch tả ngạn sông Cổ Chiên mang tên Bến Tre. Không thể tuỳ hứng cắt đất Chợ Lách của tỉnh Bến Tre ghép vào tỉnh Vĩnh Long bên hữu ngạn sông Cổ Chiên!

Mỗi vùng đất, mỗi đơn vị hành chính quốc gia có đặc thù đất đai và dân cư riêng. Có điều kiện kinh tế và sự phát triển khác nhau. Từ đó dẫn đến sự chênh lệch lớn con số cơ học diện tích lãnh thổ và dân cư giữa các đơn vị hành chính là bình thường và đương nhiên. Không can thiệp vào sự khác nhau ở con số cơ học. Bảo tồn cội nguồn văn hoá dân gian vô cùng quý giá của mỗi vùng đất, mỗi địa danh, tôn trọng tình yêu với mảnh đất sinh sống của người dân, triều Nguyễn phân định sự khác nhau về con số cơ học bằng phẩm hàm quan đầu tỉnh. Quan trị nhậm tỉnh lớn quan trọng là Tổng đốc. Quan trị nhậm tỉnh nhỏ, thấp hơn một nấc là Tuần phủ. Vậy là ổn.

Mấy trăm năm chế độ phong kiến và gần trăm năm chế độ thuộc địa thực dân chỉ có một, hai lần nhà nước phong kiến và chính quyền thuộc địa chia cắt, sát nhập đơn vị hành chính chỉ ở một, hai tỉnh, chỉ ở một vùng miền đất mới đang định hình. Không có lần nào chia cắt, sát nhập đơn vị hành chính đồng loạt trên cả nước.

Nhưng chỉ mấy chục năm dưới chính quyền công nông của đảng cộng sản, nhà nước Việt Nam đã liên tục, nhiều lần tuỳ tiện băm nát, vo viên các đơn vị hành chính từ cấp xã tới cấp tỉnh ở cả miền Bắc trước năm 1975 và ở quy mô cả nước sau năm 1975.

Để lý giải, để kể công sáng suốt, tài tình trong quản lý quốc gia qua việc chia cắt, lắp ghép địa danh hành chính, các quan chức tay cầm kéo, tay cầm lọ keo dán, lại lên mặt báo, lên truyền hình lem lẻm rằng cắt dán lại bản đồ hành chính quốc gia đã giảm bớt được hàng ngàn công chức ăn lương, tiết kiệm trụ sở, trang thiết bị làm việc và quỹ lương, mỗi năm làm lợi cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng. Lại nhớ hồi miền Bắc phải ăn độn ba mươi phần trăm ngô, trên mặt báo trong hệ thống truyền thông của đảng lại liên tiếp có những bài báo của những người xưng là bác sĩ dẫn chứng những con số khoa học khẳng định rằng giá trị dinh dưỡng của ngô cao hơn gạo. Ngô bổ béo vậy, nhưng huyện Hải Hậu, Nam Định, rốn trũng dồn đọng phù sa của châu thổ sông Hồng lại dành cánh đồng màu mỡ nhất gieo cấy loại lúa tám thơm cung cấp gạo tám thơm cho Bộ Chính trị. Đảng nhường cho dân ăn ngô giá trị dinh dưỡng cao, đảng phải ăn gạo tám thơm kém dinh dưỡng.

Khi dồn hai, ba tỉnh nhỏ lại thành một tỉnh lớn, tưởng bớt được mấy toà nhà trụ sở, giảm được vài công chức sáng ô tô đưa, chiều ô tô đón, nhưng đã gây bất ổn, lục đục, gầm gừ trong hàng ngũ công chức, chia rẽ, đấu đá giữa những công chức cùng làm việc ở tỉnh mới nhưng khác quê ở tỉnh cũ, làm tê liệt bộ máy công quyền tỉnh suốt những năm tháng dài tồn tại tỉnh lắp ghép cơ học.

Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên dồn lại thành tỉnh Bình Trị Thiên. Công chức Bình Trị Thiên liền có tổng kết khắc vào lịch sử “Quảng Bình trị Thừa Thiên”, Người Quảng Bình cai trị đất Thừa Thiên.

Sự lắp ghép cơ học không thể bình yên, không thể ổn định để tồn tại lâu dài, lại phải tách ra trở về như cũ. Lại một lần tranh giành ai đi ai ở. Tỉnh đồng bằng Bình Dương và tỉnh miền núi Bình Phước dồn lại thành tỉnh Sông Bé cho hoành tráng. Đến lúc tách ra tỉnh nào về tỉnh đó, quan chức có thế mạnh được ở lại Bình Dương, tỉnh đang rầm rộ công nghiệp hoá, kinh tế phát triển, cơ quan nguy nga, nhà riêng bề thế. Quan chức thất thế phải sang tỉnh miền rừng hoang sơ Bình Phước xây dựng cơ ngơi mới từ nền đất trống.

Những năm bảy mươi thế kỷ trước diễn ra đợt dồn đất, dồn dân lập tỉnh mới trên phạm vi cả nước kéo dài suốt mấy năm. Hai mươi năm sau, những năm chín mươi thế kỷ hai mươi lại diễn ra trên cả nước chia tách tỉnh, tỉnh nào lại về tỉnh nấy như trước khi sát nhập.

Hơn hai mươi năm đã qua. Các đơn vị hành chính quốc gia mới ổn định được hơn hai mươi năm. Nay đại hội đảng mới dựng lên quốc hội mới, chính phủ mới. Bộ trưởng trông coi, sắp xếp bộ máy quản trị quốc gia vừa ngồi vào ghế đã quyết thể hiện tài quản lý nhà nước, để lại dấu ấn, liền toan tính đưa ra những con số cơ học về đất đai, dân cư để cắt đất, dồn tỉnh, tạo ra những đơn vị hành chính quốc gia mới. Lại một chu kỳ bất ổn mới!

Quan chức bằng cấp đầy mình nhưng không tương xứng với văn hoá thực có và người dân luôn phải nghe, phải đọc những câu nói ngớ ngẩn của những ông bà chức lớn, học vị cao. Như ông tiến sĩ ngồi ghế cao ở quốc hội nói: Việt Nam là cô gái đẹp, tất cả cơ thể chỗ nào cũng đẹp. Chúng ta phải chọn những bàn tay tinh tuý nhất chứ không phải ai cũng cho vào! Học đòi ví von ca ngợi đất nước Việt Nam như cô gái đẹp nhưng tầm văn hoá nhân văn thấp, tư duy thô tục, ngôn từ nghèo nàn, diễn đạt kém cỏi, ông tiến sĩ đã biến cô gái đẹp Việt Nam thành cô gái đứng đường đón khách, phải đón được bàn tay xứng đáng với cơ thể chỗ nào cũng đẹp của cô gái đó!

Năng lực làm việc không tương xứng với chức vụ, không đáp ứng được sự đòi hỏi của công việc, không biết những việc cần làm, chỉ hăng hái làm những việc sự vụ, chăm chỉ có mặt ở mọi lễ lạt khánh thành, khai trương, hội hè và làm những việc quẩn quanh, không đáng làm, chỉ gây hại, không mang lại mảy may lợi ích gì.

Căn cứ con số cơ học về diện tích đất đai và dân số để rồi lại chia cắt, sát nhập tạo ra đơn vị hành chính mới, tạo ra những tên đất mới vô hồn là đánh phá vào cội nguồn văn hoá dân gian ngàn đời của mảnh đất thấm đấm mồ hôi và máu người dân lao động sáng tạo trên mảnh đất đó, gây tốn kém tiền bạc, bất ổn xã hội vô cùng to lớn và lâu dài.

P.Đ.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn