Thực dân Pháp xưa kia đã chia tỉnh ở nước ta như thế nào?

Lê Phú Khải

Trên toàn cõi Việt Nam, khi người Pháp chiếm đóng, họ đã chia các tỉnh mà thủ phủ của mỗi tỉnh cách nhau khoảng 60 km. Như thế, để khi dân chúng đi xin giấy tờ gì, cho dù đang ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh, người dân chỉ phải đi 30 km là đến cơ quan đầu não của tỉnh. Sáng đi, chiều có thể về đến nhà bằng xe thổ mộ, tức xe ngựa.

Nhìn trên toàn bản đồ Việt Nam, chỉ có hai tỉnh Mỹ Tho và Bến Tre, hai thủ phủ của tỉnh chỉ cách nhau chừng hơn 10 km, vì, cách nhau con sông Tiền rộng lớn.

Đùng một cái, sau ngày thống nhất đất nước, có vị lãnh đạo tối cao hứng chí ra lệnh sát nhập 2-3 tỉnh với nhau! Tỉnh Lạng Sơn nhập với Cao Bằng được gọi là tỉnh Cao Lạng. Nhưng Uỷ ban tỉnh Cao Lạng lại đóng ở Cao Bằng. Đồng bào phía Lạng Sơn muốn xin giấy tờ cấp tỉnh phải đi đường số 4 men theo biên giới Việt - Trung, một bên là vách đá cheo leo, một bên là vực sâu thăm thẳm! Đường xa, phải ngủ lại, vô cùng vất vả!

Người viết bài này lúc đó là phóng viên Đài Truyền hình Trung ương (nay là Đài Truyền hình Việt Nam), đi quay một bộ phim về cây hồi Lạng Sơn, khi muốn quay cảnh phỏng vấn ông chủ tịch tỉnh Cao Lạng phải cất công sang tận Cao Bằng. Chuyện thật nực cười!

Buổi sớm, tôi bảo anh lái xe của Đoàn 12 mà chúng tôi thuê xe đi dài ngày, rằng: Đường xa, đi sớm cho được việc! Anh ta chỉ nói nhát gừng: Để chiều tối sẽ đi. Tôi bực mình quá, than: Đường núi cheo leo, ban ngày ban mặt không đi, lại chờ đến chiều tối mới đi là thế nào?! Năn nỉ mãi, anh ta lại nói: Các anh nhà báo thì biết gì (!). Đến sẩm tối, đoàn làm phim ba người chúng tôi mới được cậu lái xe Đoàn 12 phất tay ra hiệu lên đường. Đi được chừng ba cây số thì một chiếc xe tải chở đầy gỗ phóng phăm phăm ngược chiều lao thẳng vào chiếc com-măng-ca của chúng tôi. Cậu lái xe phải nép sát vào vách đá để tránh. Chiếc xe tải đi rồi, cậu ta mới giải thích: Ở trên miền núi này, lái xe miền xuôi không ai chịu lên làm việc, nên lâm trường quốc doanh phải thuê cánh tài xế người dân tộc. Họ uống rượu say rồi nhảy lên cabin phóng ào ào! Xe lâm trường hất xe người khác xuống vực là chuyện “thường ngày ở huyện”! Vì thế, chúng tôi phải đợi đến tối, hết xe lâm trường mới đi cho chắc ăn. Thỉnh thoảng, đi qua một vách đá có hang ở bên trong, cậu lái xe lại đập tay bóp còi, tiếng động vang vào vách đá, dội lại như tiếng bom nổ! Cậu ta cười bảo: Làm thế để các nhà báo khỏi buồn ngủ.

Sang đến Cao Bằng thì trời vừa tảng sáng. Ông Chánh văn phòng uỷ ban tỉnh Cao Lạng tiếp chúng tôi niềm nở và nói: Tuần lễ qua các đồng chí vất vả lắm phải không? Rồi ông nói tiếp: Cả tuần các đồng chí leo núi quay phim, bộ đội biên phòng đều báo về tỉnh cho chúng tôi biết.

Xong việc ở Cao Bằng, chúng tôi về Hà Nội bằng đường Thái Nguyên. Trước khi về, lúc ăn cơm chia tay vui vẻ, đoàn chúng tôi có đề nghị Uỷ ban Cao Lạng nên có một văn phòng thường trực bên Lạng Sơn, để đồng bào xin giấy tờ cấp tỉnh khỏi phải vượt đường 4 cheo leo… Trong lời thuyết minh cho phim tài liệu Cây hồi Lạng Sơn, tôi đã cố cài vào vài câu mô tả sự bất hợp lý trong việc sát nhập hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng.

Khi chia tỉnh, người Pháp xưa kia còn chú trọng đến yếu tố đất đai, thổ nhưỡng, hệ sinh thái, hệ canh tác một cách khoa học, hợp lý. Hai tỉnh Gò Công và Mỹ Tho có hai hệ sinh thái khác nhau. Gò Công là hệ canh tác nhiễm mặn. Mỹ Tho là vùng ngọt. Vì thế, khi sát nhập hai tỉnh Gò Công và Mỹ Tho thành tỉnh Tiền Giang, mỗi lần Sở Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang họp để chỉ đạo sản xuất, thì khi chỉ đạo canh tác ở vùng ngọt, cán bộ các huyện thuộc Mỹ Tho ghi chép, còn Gò Công thì ngồi đợi đến …lượt mình nghe. Sau này, lại phải tổ chức hai cuộc họp riêng cho hai vùng mặn - ngọt, rất tốn kém thời gian!

Chia tách, sát nhập các tỉnh huyện là khoa học cai trị, gồm nhiều yếu tố địa lý, lịch sử, văn hoá, kinh tế… mà người cai trị đất nước phải có kiến thức, có trách nhiệm và vô cùng thận trọng.

Người Pháp đến nước ta xưa kia là những tên thực dân xâm lược, nhưng họ có khoa học cai trị. Xin kể một câu chuyện nhỏ để kết thúc bài viết này.

Mẹ tôi xưa kia có một cửa hàng thực phẩm khô, theo cách gọi của người Pháp là “magasin d’alimentation”, bán bánh kẹo, đường sữa, café, phô-mai, hồ tiêu, gạo thơm… Bà không biết tiếng Pháp nên bố tôi phải ngồi sau màn gió để phiên dịch khi bọn tây đầm đến mua hàng. Nhưng khi Nhật vào Đông Dương, bọn Pháp hốt hoảng, vội vã, khi đến mua hàng chúng xổ tiếng Việt ra nói. Có lần một thằng Tây chỉ vào một cái lọ đòi mua. Mẹ tôi cầm nhầm một cái chai. Nó quát lên: Cái lọ bé hơn cái chai (!). Thì ra chúng nó học rất kỹ, để nghe, để hiểu, để cai trị.

Chúng ta có chính quyền trong tay rồi cai trị đất nước một cách tuỳ hứng, vô trách nhiệm. Nhập rồi tách, tách rồi nhập mấy chục năm qua như thế là quá đủ rồi. Xin hãy dừng tay!

L.P.K.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn