Mông Cổ thoát khỏi nanh vuốt Trung Quốc thế nào?

Lê Huỳnh Phương Thảo

Bị kẹp giữa hai người hàng xóm khổng lồ, giới tinh hoa Mông Cổ thường chua chát nói với nhau rằng: “Nếu không có Nga thì Mông Cổ đã trở thành vùng Nội Mông mở rộng của Trung Quốc. Nếu không có Trung Quốc thì Mông Cổ đã trở thành một nước cộng hoà thuộc Nga”.

Mông Cổ là quốc gia Trung Á giáp với Nga về phía Bắc, với Trung Quốc về phía Nam và phía Đông, phía Tây cách biên giới Kazkhstan tầm 40km. Mông Cổ có diện tích 1.564.115 km2, lớn thứ 19 trên thế giới. Dân số nước này chỉ khoảng hơn 3 triệu người với trên 50% là cư dân đô thị, mật độ dân cư là thấp nhất hành tinh. Thủ đô nước này, Ulan-Bato, là thành phố lớn nhất của Mông Cổ chiếm khoảng 38% dân số cả nước. Phần lớn đất đai của Mông Cổ không thể trồng trọt vì địa hình chủ yếu là đồi núi, thảo nguyên và sa mạc nhưng lại có nhiều khoáng sản như vàng, đồng, thiếc, kẽm, vonfram, uranium và than đá. Tổng cộng có 75 khu mỏ có thể khai thác ước tính trị giá khoảng 2.750 tỷ đô la Mỹ. Mông Cổ là một trường hợp kỳ lạ, quốc gia này bị kẹp giữa Nga và Trung Quốc, từng có một lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử nhân loại rồi lại có lúc phụ thuộc hoàn toàn vào một nước này hoặc nước kia, nhưng cuối cùng bao giờ người Mông Cổ cũng tìm cho mình một lối thoát ngoạn mục để phát triển đất nước theo con đường riêng của mình.

Ngược về lịch sử, vùng đất Mông Cổ xưa kia từng bị cai trị bởi nhiều đế chế du mục như Tiên Ti, Hung Nô, Nhu Nhiên. Đột Quyết... Từ năm 1206 Thành Cát Tư Hãn gây chiến tranh từ châu Á sang châu Âu và xây dựng nên đế chế Mông Cổ hùng mạnh nhất thế giới. Tiếp theo người cháu là Hốt Tất Liệt chinh phục thành công Trung Quốc vào năm 1271 và lập ra nhà Nguyên. Khi nhà Nguyên sụp đổ người Mông Cổ rút về vùng thảo nguyên và thường xuyên có xung đột với người Trung Quốc. Vào cuối thế kỷ 17 toàn bộ Mông Cổ chịu sự cai trị của triều đình Mãn Thanh lúc này đang làm chủ Trung Quốc. Đến năm 1911 khi nhà Thanh bị cách mạng Tân Hợi khai tử thì Mông Cổ tuyên bố độc lập. Chấm dứt 220 năm lệ thuộc nhà Thanh, Trung Quốc. Ngày 11 tháng 7 năm 1921 được sự hỗ trợ của quân đội Liên Xô, quân đội nhân dân Mông Cổ đã đuổi được quân đội Quốc Dân Đảng của Trung Quốc ra khỏi bờ cõi, chính thức tuyên bố độc lập và xây dựng nhà nước XHCN. Cũng từ đó Mông Cổ bước vào thời kỳ Liên Xô hoá toàn diện. Trong vòng 40 năm từ 1925 đến 1965 Mông Cổ đã phát triển vượt bậc từ một nền kinh tế thuần du mục trở thành nền kinh tế phát triển công nông tiên tiến tương đồng với Liên Xô khiến mọi người thường gọi Mông Cổ là cộng hoà thứ 16 trong liên bang Xô Viết.

Ở chiều ngược lại, Mông Cổ luôn luôn có mối quan hệ đầy ngờ vực với người láng giềng Trung Quốc. Ngay sau khi Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thành lập, Mao Trạch Đông đã tiến hành Trung Quốc hoá người Mông cổ, một hành động chống lại nền độc lập của người Mông Cổ. Thủ tướng Mông Cổ khi đó là nguyên soái Khorloogiin Choibalsan đã nói với Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Mông Cổ Sedenbal rằng: “Dã tâm của Trung Quốc là không bao giờ thay đổi, nhưng vì thông lệ ngoại giao, chúng ta sẽ gửi điện mừng cho họ”! Vì vậy Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ đã gửi điện mừng ngày thành lập Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa năm 1949. Tại Bắc Kinh, khi tiếp đoàn đại biểu Chính phủ Mông Cổ sang chúc mừng do Sedenbal dẫn đầu, Mao Trạch Đông đã nói: - Trung Quốc đã áp bức người Mông Cổ trong nhiều thế kỷ. Sedenbal lập tức đáp lại: - Người Mông Cổ chúng tôi cũng đô hộ, làm khổ Trung Quốc gần một trăm năm, (để ám chỉ việc Thành Cát Tư Hãn và hậu duệ của ông đã đô hộ Trung Quốc). Sedenbal nói tiếp: -Vấn đề này chúng ta không nên bàn nữa, nó có thể làm chúng ta đi lạc hướng, chúng ta cần phải nhìn về phía trước, hợp tác để cùng nhau phát triển! Linh cảm của Khorloogiin Choibalsan đã đúng. Chỉ mấy năm sau sự lo ngại đó đã được kiểm chứng. Cuối những năm 1950 rạn nứt trong quan hệ Mông Cổ, Trung Quốc đã xuất hiện. Người Trung Quốc bắt đầu bằng việc lợi dụng niềm tự hào của người Mông Cổ, đầu những năm 1950 người Trung Quốc rầm rộ cho xây dựng lăng mộ Thành Cát Tư Hãn ở Khu Tự trị Nội Mông nơi ông mất. Lúc này Trung Quốc đang thiếu đói, lương thực phải nhận viện trợ từ Liên Xô song họ bỏ ra số tiền cực lớn để xây lăng mộ nhằm mục đích tạo ảnh hưởng lên người Mông Cổ. Năm 1960 Mông Cổ mời nhân vật số hai TQ có xu hướng khá ôn hoà là Chu Ân Lai sang thăm theo lời mời của Sedenbal, trong lúc thăm cố đô Kara-Korum của Mông Cổ Sedenbal đầy ẩn ý nói với Chu Ân Lai: - Khi Mông cổ bị nhà Thanh đô hộ, để ru ngủ người dân Mông Cổ đang cầm vũ khí chống lại triều đình, nhà Thanh đã mánh khoé cho biến cố đô Kara-Korum thành trung tâm Phật Giáo! Chu Ân Lai đồng ý và đáp lại: - Đúng vậy, thời kỳ đó triều đình Mãn Thanh luôn thực hiện chính sách này khắp mọi nơi.

Sau chuyến thăm của Chu Ân Lai Chính phủ Mông Cổ cho phép gần 100 ngàn công nhân TQ đến không những ở thủ đô Ulan-Bator mà trên khắp đất nước. Vào năm 1973 người Mông Cổ đào được một miếng sắt ở độ sâu 1m trên đó có khắc dòng chữ Hán ghi “đây là lãnh thổ TQ” tại một khu vực rộng lớn phía đông Mông Cổ cách sông Orkhon không xa. Đây được coi là hành động của các đặc nhiệm TQ với mục đích để làm căn cứ đòi hỏi về lãnh thổ khi tạo cớ xẩy ra tranh chấp. Trên thực tế khi thống kê về kết quả hơn 90 ngàn người TQ vào Mông Cổ họ không giúp gì cho việc xây dựng mà là phá hoại. Tất cả họ đều là quân nhân trá hình hoạt động dưới sự chỉ huy của một vị tướng chuyên mặc áo bông màu xanh. Khi cần thiết đám công nhân này sẵn sàng gây bạo loạn để gây khó khăn với chính quyền Mông Cổ. Các công trình do TQ giúp đỡ đều kèm theo sự độc hại, ví dụ nhà máy thủy tinh ở Narlak cho thấy máy móc như mới nhưng là đồ bỏ đi sơn lại, chỉ mới hoạt động 2 năm đã phải bỏ, Chính phủ Mông Cổ phải nhờ sự giúp đỡ của Ba Lan để thay toàn bộ thiết bị. Nhà máy nhiệt điện 4000kw tại thành phố Sukhbaatar cũng chỉ hoạt động đúng hai năm thì ngừng hẳn, buộc phải nhờ chính phủ Tiệp Khắc thay mới. Lúc này quan hệ Mông Cổ TQ bắt đầu xấu đi, người TQ bắt đầu vu khống chống lại Mông Cổ rằng “người chăn nuôi Mông Cổ hai vợ chồng chỉ có mỗi chiếc quần, phải luân phiên nhau mặc chiếc quần đó”. Trên cánh cửa của người dân vào ban đêm còn bị dán dòng chữ bằng tiếng Nga “hãy loại bỏ Sedenbal, thủ lĩnh gia súc của Liên Xô”. Lúc này Sedenbal chơi nước cờ cao tay đó là dùng nạn nhân chạy trốn khỏi “cách mạng văn hoá” để tìm ra người Mông Cổ là quan chức bị mua chuộc đem đi thủ tiêu và danh sách bọn lãnh đạo hoạt động gián điệp vốn cũng người Mông Cổ sống ở vùng nội Mông bị Hán hóa đang hoạt động trên đất Mông Cổ, bọn này có nhiệm vụ phá hủy các công trình quan trọng khi xẩy ra chiến tranh.

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 Mông Cổ dần bước vào thời kỳ dân chủ hoá với nền kinh tế thị trường, hiện nay ở Mông Cổ có 18 chính đảng đang hoạt động. Sống bên cạnh người hàng xóm khổng lồ có dã tâm độc ác luôn muốn thôn tính, ngày nay Mông Cổ vẫn giữ mối nghi ngờ, lãnh đạm với người TQ, kể cả người gốc Mông Cổ sống ở vùng Nội Mông đã bị Hán hoá. Điều này được thể hiện qua luật lệ khắt khe với người hoa làm ăn trên đất Mông Cổ để tránh cơn hồng thủy độc di dân từ TQ (mỗi năm người TQ chỉ được phép sang Mông Cổ 6 tháng), khác hẳn với tình cảm nồng ấm và sự tôn trọng người Mông Cổ dành cho người Nga. Ngay cả việc kết hôn với người TQ đối với người Mông Cổ họ cũng không bao giờ muốn.

Là đất nước không thể chống lại TQ nếu xẩy ra chiến tranh, chính vì vậy ngoài người bạn truyền thống Nga của họ, ngày nay Mông Cổ còn kết thân với Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn và nhiều nước khác để làm chỗ dựa cho họ, điều này thể hiện qua việc hàng năm diễn ra cuộc tập trận của liên quân 14 nước trên đất Mông Cổ. Trong việc kết giao kinh tế, người Mông Cổ cũng không bao giờ cho phép TQ nắm giữ quyền quyết định trong các liên doanh.

Chính quyền và nhân dân Mông cổ ngày nay đều cho rằng Mỹ hiện nay là quốc gia phù hợp nhất để làm bạn trong chính sách “Người láng giềng thứ 3” của mình. Bị kẹp giữa hai người hàng xóm khổng lồ, giới tinh hoa Mông Cổ thường chua chát nói với nhau rằng: “Nếu không có Nga thì Mông Cổ đã trở thành vùng Nội Mông mở rộng của Trung Quốc. Nếu không có Trung Quốc thì Mông Cổ đã trở thành một nước cộng hoà thuộc Nga”.

L.H.P.T.

Nguồn: FB Phương Thảo Lê Huỳnh

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn