Món quà trên thịt da

Khải Đơn

18 - 8 - 2023

Bà gieo một hạt lịch sử đời sống vào tôi. Chúng tôi trở thành nhân chứng của đời sống đang biến mất và bà là loài hiếm hoi sẽ biến mất khi cù lao của bà tan vào nước. 

Tôi bắt đầu con đường đi viết của mình bằng khao khát chinh phục sự thật, một khái niệm rộng lớn và bất khả đến mức lý tưởng. Lý tưởng như chiếc khuôn đổ rau câu của người thợ nấu nhà hàng. Cuộc sống có bao nhiêu biến số và lỏng lẻo không cần biết, lý tưởng còng chất lỏng lại trong khuôn khổ dáng hình cố định. Khối thạch trong veo thay đổi hình thù theo kỳ vọng thời thượng của công chúng.

Dù sau này tôi biết lý tưởng rùng rợn như cái rìu dùng để chặt cho vừa những gì tự nhiên không theo ý muốn của kẻ chủ đích bám vào lý tưởng. Nhưng lúc đó, thật kỳ lạ là tôi thích nó.

Tôi bất tài không tìm thấy sự thật trong cõi hành nghề của mình. Tôi sờ vào sự thật và một mực không chịu tin vào nó. Có lúc tôi đi mãi trong sự u mê và quả quyết theo điều mình cho là đúng. Nhiều thứ tôi trân trọng tin cẩn, sau một thời gian lở lói mặt nạ và mang gương mặt khác, hoặc sau gương mặt đó chỉ là cái mồm to hoác kỳ dị.

**
Tại sao lại là cái mồm to hoác kỳ dị? 
 Đó là một buổi chiều ở An Giang, khi tôi chạy xe máy đến nhà một người vừa có căn nhà lở. Mấy cô ở chợ giới thiệu hãy đến tìm bà, vì nhà của bà chỉ vừa lở vài ngày trước đó. Bà dắt tôi ra nơi từng gọi là nhà.

Hai phần ba nền nhà gãy như bánh quy mỏng, vương vãi dưới mặt nước. Gạch đỏ, tường vôi xanh nhạt, xi măng xám lổn nhổn cứa khỏi miệng nước ngoi ngóp chờ đuối. Vách cù lao đất màu đỏ vàng rỡ bung thành mảng lớn, như nhìn từ hàm trong của con quái thú khổng lồ nhiều răng. Ngôi nhà đó nằm trong miệng của sự tiêu hóa vô tận vô hình. 

Nhưng tôi thấy được căn nhà đã lở trong từng câu kể của người bà đứng đó, chỉ rõ chỗ nào là bếp, chỗ nào tủ áo, chỗ nào là đoạn vỡ đầu tiên, bục cửa nằm đâu. Thằng cháu nép sát vào người bà. Ngày nào đi học về nó cũng đòi bà dắt quay lại chỗ nhà đã lở. Chiếc rễ mỏng đầu tiên của tuổi thơ bị bứng đi trong một khắc thình lình trong đêm tối. Thằng bé sẽ là thế hệ không còn đất để neo chân, không còn nơi để lưng dựa vào và đứng dậy đi ra thế giới. Vùng đất của nó, tường của nó, nền nhà của nó đã rơi xuống nước rành mạch trước mắt. Mái nhà của nó là câu chuyện bà nó đang kể cho tôi. Rồi cũng sẽ tan biến như vòng đời người đủ vòng tay ôm.

Các con số trong những mô hình lở của đồng bằng thường đi kèm với những dự đoán, lý giải lý do. Lý do phổ biến nhất người ngoài được đọc là vì Trung Quốc xây nhiều đập quá nên phù sa bị lấy hết ở thượng nguồn. Đổ tội cho thằng nước ngoài ngáo ộp to tướng vô cùng dễ. Bởi đi kèm với sự đổ tội là tiếng thở dài bất lực. Người dân bất lực vì nước mình sinh ra đã là phận hạ nguồn, là số trời định, chẳng dời đồng bằng đi đâu được, chẳng hù dọa lớn tiếng gì được kẻ mạnh. Tâm lý kẻ yếu làm ta xuôi theo số phận bất hạnh của mình. Đổ tội cho kẻ ngoại bang làm ra bất hạnh của đồng bào mình là chuyện dễ dàng. Kẻ ngoài không thương người chung khúc ruột. Sự độc ác vì vậy xuôi tai mà chịu thuận.

Không ai được chọn chốn mình sinh ra, nhưng ta được chọn thái độ mình sẽ sống thế nào. Một nửa bức tranh của kẻ chặn thượng nguồn lấy nước độc ác không che được cái ác rút tuột mái nhà vô tội như người bà đứng trước mặt tôi. Cái ác không mang gương mặt hàng xóm, mà là gương mặt có thật của những xà lan cát đang miệt mài ngay ngoài giữa lòng sông, ùng ục rút lên từng gầu, từng gầu. Nước đục xám rồi vàng ươm màu cát. Sông chảy máu ngay trong lòng đồng bào. Sông chết bằng gầu múc cơ học và xáng cạp của sự tham lam của kẻ nói cùng tiếng nói, uống cùng nước dòng sông, thở trên cùng một quê hương.

Nhiều thủy điện ở Lào và Campuchia có vốn từ chính quê hương hạ nguồn. Vậy thôi. Gọi tên kẻ ác là nước ngoài thì dễ hơn là gọi tên kẻ làm sụp đồng bằng là chính những đứa con tham lam giàu có ở chính quyền cấp tỉnh, cấp thành phố ở chính những quê hương có sông đang lở lói đó. Đổ tội cho kẻ nước ngoài thì không ai phải đương đầu. Đổ tội cho biến đổi khí hậu thì càng thiện lành. Vì biến đổi khí hậu đâu có gương mặt, là trời, là số phận, là những vô danh có mồm thật to ngoạm hết ngôi nhà của người bà tôi gặp.

Có hàng ngàn người bà và đứa cháu như vậy. Chuyến đi đó tôi gặp cả xóm bị mất nhà. Có người mất mồ mả cả cha mẹ vì trượt hết xuống sông. Xóm làng ấy không có ai làm nghề khai thác cát, không lái xà lan, không có xuồng hút cát trộm. Phải giàu mới có máy móc cơ giới. Phải có thế lực thì cảnh sát đường thủy mới thấy tàu họ vô hình lướt qua. Phải quyền lực vô cùng mới khiến cái xà lan khổng lồ giữa sông chậm rãi rút hết cát lên, ráo nước, bơi về trăm ngả xây đô thị hiện đại vô cùng ở đâu đó mà không ai hay ai biết.

Cái mồm ngoác khổng lồ đó mang gương mặt của ai? Nếu hôm nay ai đó vừa đọc một bài than khóc cho đồng bằng sụt lún tự hỏi, thì cát đó đi về những nơi cần san lấp xây biệt thự lấn sông như ở Sài Gòn, làm móng xây biệt thự biển, làm san lấp mặt bằng xây những đô thị mới. Những ngôi nhà mới mẻ và thịnh vượng của mỗi chúng ta trong các đô thị lớn được xây bởi cát và ruột gan dòng sông nơi mái nhà người bà tôi gặp sụt xuống. 

Tới đây sự thật đã hóa thành ma trận tiêu chuẩn kép mà tôi không thể làm hòa. Tôi không đủ can đảm lên tiếng ngăn cản những thủy điện mới ráo riết ra đời ở Lào, ở Campuchia mà PetroVietnam đang đầu tư. Bởi tôi sống ở Sài Gòn, đô thị tiêu xài năng lượng hàng đầu cả nước, và tôi sẽ gào lên khổ sở nếu trưa mai phải nấu cơm mà khu phố mình cúp điện thình lình. Tôi cũng không đủ can đảm truy cầu đến xương thịt của công trình xây dựng tạo nên cái chung cư mình ở. Cát họ mua từ đâu? Giá cát bao nhiêu? Cát lậu hay cát hợp pháp? Cát làm lở nhà người vô tội hay cát vô tội?  Làm sao tôi đủ can đảm để hỏi rằng nhà ai phải sụp để nhà tôi được xây?

Sự thật là miếng rau câu mà tôi cố đổ cho vừa khuôn mình muốn. Ép nó cứng lại và thành lý tưởng mình tin. Trên báo chí thì sự thật càng phải rõ ràng sắc nét như vậy. Tôi không quên được cái mồm đất vàng đỏ đã ăn 2/3 nền nhà của bà và tỏa nắng lấp lánh khi chiều xuống bên sông Vàm Nao. Số phận bà và đứa cháu còn bé hơn cả hạt cát nghiền nát thành phù sa hoặc chen mình trong những khối đúc bê tông lừng lững tạo thành cao ốc. Vì vậy, số phận họ chỉ được nhắc đến khi tôi cần viết một bài báo và họ là minh họa vừa đẹp cho câu chuyện.

Người bà tôi gặp hôm đó đã để lại vết xước không lành trong tôi. Niềm tin của tôi vào sự thật nhất quán bị thối rữa, lộ ra vết đau bầm bên dưới, thứ căn bệnh không thể gọi tên đang ăn mòn sự thật của mặt nạ hàng ngày mà tôi tuyệt bề tin tưởng. 

**

Bà cho tôi một món quà kỳ lạ. Bà đứng ở mép nền nhà gãy, chỉ tay xuống chiếc nồi đen thui nằm móp một nửa dưới nước, và kể tôi nghe đó là chiếc nồi mẹ bà cho vợ chồng bà khi mới cưới. Bà đã nấu cơm qua hết tuổi xuân cùng cả gia đình bằng chiếc nồi ấy, với chồng, với con trai, với con gái, với vợ của con trai, với đứa cháu bây giờ. Chiếc nồi ấy nằm dưới sông, một gương mặt hùng hồn của cuộc đời bà giờ đã bị ngoạm lấy bởi một sự thể mà bà không mang tội gì nhưng phải gánh kiếp nạn. Nếu đạo Phật nói là có nhân quả, thì chiếc nồi ấy là bằng chứng cho thấy nhân quả chỉ là trò lừa tôn giáo bề mặt. Bà đã mất cả ngôi nhà dù chẳng phạm tội ăn ruột dòng sông. Còn những kẻ đang cào cả con sông kia làm giàu thì thênh thang sở hữu vô vàn bất động sản và cao ốc ở nơi nào đó xa tít tắp. 

Bà chỉ nhiều thứ đồ vật nằm bể nát như loài thú chết yểu dưới sông và kể tôi nghe về lịch sử có thật mà bà đã sống. Thằng cháu bà nghe cùng với tôi. Bà gieo một hạt lịch sử đời sống vào tôi và vào nó. Chúng tôi trở thành nhân chứng của đời sống đang biến mất và bà là loài hiếm hoi sẽ biến mất theo những đồng loại khác khi cù lao của bà tan vào nước. 

Khi ấy cậu bé chỉ 4-5 tuổi gì đó. Nó có thể sẽ quên tất cả đối thoại ngày hôm đó, theo cách đứa trẻ lớn lên bình thường. Tôi có thể sẽ quên hết tất cả vì bà không liên quan gì đến tôi và tôi chỉ là khách qua đường kiếm một câu chuyện mưu sinh như những nhà báo kể đi kể lại mãi chuyện sạt lở mà chả giải quyết được gì cho những thân phận xóm làng bị diệt vong. Cậu bé sẽ lớn lên và dạt đến vùng khác mưu sinh vì quê hương nó biến mất. Tôi trở lại thế giới tiện nghi của mình và tin tưởng căn hộ mình mới thuê hay chiếc tủ lạnh mình mới mua không liên quan gì đến cơn rùng rục lở lói ở nơi nào đó không liên quan đến mình.

Bà cho tôi một cái rễ rất bé, đã bị cắt cụt cả thân cả mình, vẫn nằm im chờ sống lại dưới hình hài mới. Trong sự thật đó là gương mặt và da thịt của những người đã mất tất cả trong chớp mắt để những đô thị rờ rỡ trồi lên ở Sài Gòn và Singapore (nơi cụ thể mà cát đồng bằng đến là Cần Thơ, Sài Gòn, Singapore). Singapore cứ vài năm lại giật sập các tòa nhà cũ và xây thêm các tòa chọc trời mới trong cơn hào hứng giàu có của họ. Sài Gòn ca ngợi và kính nể những người đủ tiền mua căn hộ lấn ra giữa sông Sài Gòn trên cái nền san lấp đổ vô vàn cát xuống tạo nền mới.

Một phụ nữ lớn tuổi và một đứa cháu bé bỏng, kịp nhảy một phát ra đường trước khi mái nhà che chở họ rơi hẳn xuống nước và nghiền nát quá khứ. Đó là vết lở cho tôi thấy những sự thật tôi viết không phải là sự thật, chúng chỉ là bề mặt giả vờ che đậy nỗi bất hạnh có thật của hàng ngàn mái nhà im lặng than khóc nơi đây.

Bà cho tôi sự thấu cảm đầy mới mẻ và không cách gì xoa dịu được. Rằng chúng ta không sống giữa cõi đời này như những ốc đảo vô tri. Rằng sự rờ rỡ tiện nghi của ta đổi bằng sự tan biến của đồng loại. Rằng thành quả huy hoàng ta một mực tin tưởng ở đô thành nào đó bắt đầu bằng sự sụp đổ của một vùng đất vô tội. 

K.Đ.

Nguồn: khaidon.substack.com

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn