Ứng phó với một thế giới đầy biến động khó lường

Phương Linh 

TheLEADER– Thừa nhận những khó khăn rất lớn của thực tại, song theo GS. Phan Văn Trường, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay chính là thời cơ để các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam tái cấu trúc toàn diện, chuẩn bị vững chắc cho chu kỳ phát triển tiếp theo.

GS. Phan Văn Trường, tác giả của ba cuốn sách “Một đời thương thuyết”, “Một đời quản trị” và “Cơn lốc quản trị”

Đây là vấn đề mà ông Trường cho rằng, "dù có cuộc khủng hoảng này hay không thì sớm hay muộn, chúng ta cũng phải thực hiện. Việc tái cấu trúc cần hoàn thành càng sớm càng tốt, nếu muốn phát triển bền vững và tránh được những rủi ro".

Tác giả của cuốn sách "Cơn lốc quản trị" vừa mới phát hành nhấn mạnh sáu vấn đề mà doanh nghiệp cần phải thay đổi nhanh chóng.

Thứ nhất là trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường. Thứ hai, doanh nghiệp nhất thiết phải có được một hệ thống quản lý tài chính bền vững. 

Thứ ba là việc kế thừa ở tất cả các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp phải được bố trí từ sớm, đứng đầu là kế vị các vị trí lãnh đạo.

Thứ tư là lộ trình của doanh nghiệp phải "hiện lên" rõ cho xã hội, cho cổ đông, cho nhân viên, cho các nhà thầu phụ hay cung cấp. Điều này sẽ giúp cho khả năng dự báo sát sao hơn của toàn môi trường kinh doanh.

Thứ năm là sự đóng góp của các doanh nghiệp lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo nên một cộng đồng gắn bó hơn, nhất là khi xuất khẩu.

Cuối cùng là bổn phận của các doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân viên  những thành phần "cuối đàn" có rất ít phương tiện đ phát triển bản thân  thành thạo hơn, tốt hơn nữa.  

Thế giới đang bước vào một thời kỳ đầy biến động bất thường

– Ông từng nhận định rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay sẽ rất lâu dài và không chỉ có một mà còn có nhiều cuộc khủng hoảng khác đan xen nhau, mang tính chất toàn cầu, giống như những cơn sóng biển sau cuốn tiếp theo cơn sóng trước. Ông có thể phân tích rõ hơn về nhận định này?

GS. Phan Văn Trường: Cho đến tận bây giờ, vẫn còn rất nhiều ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước sẽ tự qua đi rất nhanh trong một thời gian ngắn. 

Mong vậy, nhưng chúng ta chớ nên quá lạc quan vì có những lý do khách quan bắt buộc nghĩ ngược lại.

Chúng ta đang sống một cuộc khủng hoảng lớn với nhiều cuộc khủng hoảng nhỏ xảy ra mọi nơi, gần như mọi lúc với nhiều yếu tố phức tạp, bất thường trên quy mô toàn cầu, chứ không riêng một quốc gia nào. 

Đáng ngạc nhiên nhất là tình hình tổng quát rất căng, bất cứ điều gì cũng có khả năng gây khủng hoảng. Do đó, rất khó để đoán thời điểm, địa điểm và bản chất của cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Lần này, những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đến kinh tế thế giới sẽ dài lâu. Mọi sự trông chờ, hay thậm chí là thái độ coi thường sẽ chỉ đưa tới sự thất vọng. 

– Theo ông những yếu tố nào đang tác động tiêu cực kinh tế thế giới hiện nay?

GS. Phan Văn Trường:  bốn yếu tố lớn đang tác động đến kinh tế thế giới.

Thứ nhất là xu hướng "toàn cầu hoá sẽ chết". Sau thời gian phát triển mạnh mẽ, sự giàu lên nhanh chóng của thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng, chiến tranh kinh tế đang diễn ra giữa nhiều quốc gia gần đây đã khiến xu hướng này bộc lộ rõ những dấu hiệu thoái trào.

Thay vì phát động “thế giới đại đồng”, cùng nhau làm việc trong sân chơi chung, giờ đây, các quốc gia đang chủ trương quay về 'tự chủ sản xuất'. Nhiều quốc gia đã nhận thấy tính rủi ro cao trong sự hợp tác nên không còn muốn trao cho nhau cơ hội cùng tham gia sản xuất, tạo chuỗi giá trị toàn cầu. 

Sự bất ổn thường trực, những tranh chấp mang tính quyền lợi tối hậu đã đẩy lùi mọi ý định tạo thêm giá trị bằng sự hợp tác. 

Có thể nói, chừng nào các tranh chấp chưa thuyên giảm, khi không mang chung quyền lợi nữa, thì không còn ai muốn trao cho bên ngoài tương lai của mình. Toàn cầu hoá đang đứng trước thách thức rất lớn, nhưng chưa có một hệ tư tưởng nào xuất hiện để thay thế. 

Những lựa chọn “tối ưu toàn cầu” đã biến mất, năng suất lao động phải định nghĩa lại, giá thành sẽ lên cao cho mọi loại sản phẩm. Từ đó, hiện tượng lạm phát sẽ mang những cá tính khác với trước. Nguyên lý của sự tăng trưởng cần phải xem lại. 

Đặc biệt, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 càng làm cho các quốc gia ý thức rõ hơn về những rủi ro của tự do di chuyển toàn cầu. Các cửa hải quan sẽ khắt khe hơn. Từ đó, những phong trào di cư sẽ mang những sắc thái khác nữa. Những người di cư mới sẽ ưu tiên đi tìm những nơi với hệ sinh thái tự nhiên an lành và dễ sống chứ không nhất thiết phải có nhiều việc làm. 

Thứ hai, những hiện tượng liên quan đến y tế sau đại dịch Covid-19 đang tạo nên những ý tưởng vô cùng nguy hiểm. Mặc cho những hoài nghi về nguồn gốc của virus này là sản phẩm của tạo hoá hay do con người, nhưng có một vấn đề thực tế là từ khi Covid-19 xuất hiện, nó đã tạo nên một guồng máy làm giàu kinh khủng cho các công ty sản xuất vaccine trên quy mô toàn thế giới. 

Con người đã cố tình huỷ bỏ việc đi tìm nguồn gốc của virus. Sự xuất hiện của virus Covid-19 đã làm cho nhiều thành phần chỉ thấy có lợi vô cùng to lớn cho họ. Từ đó, tôi mong là không ai có giấc mơ đón nhận những con virus mới với mong ước làm giàu trên sự khuấy động về y tế. 

Với quy trình sản xuất vaccine mới, các công ty này không cần thông qua quá trình kiểm định, thử nghiệm khắt khe lên tới hàng chục năm mà ngay lập tức đưa vào kinh doanh thương mại. 

Tiền lệ này vô hình chung đã khiến chúng ta đặt câu hỏi rằng, nếu có sự xuất hiện của một đại dịch nào khác, thì liệu cách ứng xử với vaccine như Covid-19 có lặp lại tương tự?

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay chính là thời cơ để các doanh nghiệp tái cấu trúc toàn diện, chuẩn bị vững chắc cho chu kỳ phát triển tiếp theo. 

GS. Phan Văn Trường

Thứ ba là thực trạng chứng khoán thế giới. Tôi có quan sát rằng, trước đại dịch Covid-19, tất cả các cổ phiếu công nghệ trên toàn cầu như Amazon, Facebook, Microsoft, Google đều có chu kỳ tăng giá rất đều đặn và nhất là khá dễ dự báo. 

Nhưng nay, điều đó không còn đúng nữa. Từ đó các khối tiền tệ bất ổn khổng lồ sẽ di chuyển thường trực trong một thời gian khá dài. Thế giới sẽ sống nhiều năm trước mặt trên một biến động tài chính.

Vấn đề thứ tư là chiến tranh giữa Nga - Ukraina. Tôi không thích nói về vấn đề này lắm vì nó xa chúng ta trên nhiều mặt, nhưng về mặt kinh tế nó lại rất gần chúng ta. Ukraina là một "vựa thóc" khổng lồ nuôi dưỡng khá nhiều quốc gia khác. 

Nếu Ukraina không còn sản xuất nhiều nữa và nếu khả năng “giao hàng” kém đi thì ảnh hưởng sẽ không nhỏ. Đây chính là yếu tố khiến bối cảnh kinh tế thế giới thêm nghiêm trọng. Ai dám dự báo rằng cuộc chiến này sẽ chấm dứt sớm và mọi sự sẽ bình thường hoá?

Đây là bốn yếu tố lớn đang tác động đến bối cảnh kinh tế toàn cầu. Tôi chưa nói tới các khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra bên Hoa Kỳ, cũng chưa dám dự báo gì đến khủng hoảng địa ốc rộng lớn bên Trung Quốc, cũng chưa nói tới chiến tranh giữa Hamas với Israel, chiến tranh này âm ỉ từ lâu, sẽ còn dài và có ảnh hưởng vượt xa khu vực Trung Đông. 

Với bốn lý do vô cùng phức tạp này, không một yếu tố nào cho phép chúng ta nghĩ rằng vấn đề sẽ sớm được giải quyết hoặc giảm cường độ, vơi bớt đi trong thời gian ngắn, ít nhất là trong vòng ba năm tới. 

– Trước những tác động đó, ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế thế giới và những ảnh hưởng của nó đến Việt Nam hiện nay?

GS. Phan Văn Trường: Mình chỉ nên dự báo những hiện tượng mình có khả năng kiểm soát. Ở đây, mọi sự đều ít nhiều ngoài tầm kiểm soát. Nhưng thế giới sẽ thích ứng thôi!

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ chậm lại, song cũng có nhiều lĩnh vực sẽ phát triển mạnh. Có thể kể đến như sự trang bị quân sự ráo riết của các quốc gia là điều dễ hiểu. Hiện nhiều quốc gia đang đẩy mạnh việc mua thêm tàu chiến, vũ khí nặng nhẹ, xe tăng, máy bay không người lái…

Đối với tình hình trong nước, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới đến Việt Nam mong là có giới hạn. Chúng ta không có một mối liên hệ quá mật thiết với tất cả bốn vấn đề lớn ở trên. 

Có lẽ chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng trên những hàng xuất khẩu vì nhu cầu và sức mua của các khách hàng quốc tế sẽ yếu đi, trong đó có các ngành du lịch và nông nghiệp. Ngoài ra giá của USD sẽ có ảnh hưởng đến lãi suất ngân hàng, điều này sẽ làm cho ngành địa ốc khó khăn thêm một thời gian.

Ngay bây giờ, tại các thành phố lớn, chúng ta chứng kiến hàng loạt cửa hàng đóng cửa, trống mặt bằng cho thuê do kinh doanh khó khăn. Nhiều công nhân, người lao động mất việc, giảm thu nhập, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống và an sinh xã hội.

Thời cơ để tái cấu trúc doanh nghiệp

– Như ông vừa nhận định rằng, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới đến Việt Nam là có giới hạn, vậy ngoài nguyên nhân từ thế giới, còn yếu tố nào khác dẫn đến những khó khăn của trong nước?

GS. Phan Văn Trường: Các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với ba vấn đề. Thứ nhất là thiếu tiền mặt. Thứ hai là sự thiếu ổn định của nhân sự trong doanh nghiệp và sự thiếu thốn về nhân sự đã được đào tạo bài bản. Khá đông lao động đã di cư về quê mà vẫn chưa muốn di cư ngược để trở lại vị trí tại các thành phố lớn. Rất dễ để tiên đoán rằng một số, chỉ một số thôi, sẽ trở về nơi làm việc cũ (hay mới).

Thứ ba là khó khăn của các doanh nghiệp trong việc lựa chọn người kế thừa. Sau thời gian hàng chục năm phát triển và thành công từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, đã đến lúc một số doanh nghiệp cần chuyển tay cho người kế thừa, lựa chọn thế hệ kế cận. Đây chẳng phải là một vấn đề dễ giải quyết.

– Doanh nghiệp Việt nên có giải pháp gì để củng cố nội lực, vượt qua khó khăn và hồi phục phát triển, thưa ông?

GS. Phan Văn Trường: Cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới nhiều khả năng sẽ kéo dài bất thường. Nó sẽ không thu hẹp vào một số ít quốc gia, mà trên vài góc độ sẽ lan rộng.

Bây giờ là lúc các doanh nghiệp Việt Nam phải mạnh dạn chuẩn hoá, sớm chuyển đổi số, tái vốn hoá, chọn một chính sách quay triệt để về chất lượng theo chuẩn mực toàn cầu. Điều này rất khó đạt với nhân sự mọi cấp bậc của ngày hôm nay. 

Ngoài ra, số đông doanh nghiệp cần tạo nên một tinh thần lãnh đạo mới tập trung vào văn hoá thay vì vào quy trình (không có nghĩa là bỏ quy trình). 

Tôi đã có nhiều dịp để trình bày về những điều cần phải áp dụng sớm như ba văn hoá bình đẳng, báo cáo và “ôn hoà và chuyên nghiệp”. Tôi đã minh hoạ về những văn hoá này trong cuốn sách mới “Cơn lốc quản trị”.

– Đó là về vấn đề quản trị, còn định hướng phát triển của các doanh nghiệp trong thời gian sắp tới thì sao, thưa ông?

 GS. Phan Văn Trường: Có thể thấy các doanh nghiệp trong nền kinh tế đang tập trung quá nhiều vào một vài lĩnh vực như bất động sản và đang có khuynh hướng muốn lợi dụng tình thế mới để trở thành công xưởng của thế giới. 

Đã đến lúc chúng ta nhìn rõ lại "lợi thế trời ban" để lựa chọn các hướng đi "thuận tự nhiên". Theo đó, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để về nông nghiệp và du lịch với nhiều thắng cảnh đẹp, tài nguyên thiên nhiên quý giá. Chúng ta chưa khai thác hiệu quả các hướng đi tự nhiên này. Việt Nam cũng có tiềm năng lớn về các ngành công nghệ thông tin. 

Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ vắng mặt trong những ngành khác như công nghiệp, nhưng theo tôi, hướng thuận tự nhiên dễ đưa Việt Nam phát triển hài hoà và tốt đẹp.

Đừng hiểu lầm tôi, tôi không nghĩ mình phải bỏ cái gì, huỷ hướng đi gì. Tôi chỉ nhấn mạnh trên điểm chúng ta hãy hiểu sâu hơn lợi thế tự nhiên của chúng ta.

Xin cảm ơn ông!

*

GS. Phan Văn Trường từng tham gia vào nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới về tư vấn, kinh tế (SEMA METRA Internationnal), thiết bị giao thông và điện lực (Alstom), nước lọc và nước thải (Suez), dầu khí (WahSeong)… từ vị trí kỹ sư đến tổng giám đốc và chủ tịch. Ông được bổ nhiệm Cố vấn chính phủ Pháp về thương mại quốc tế từ 1990. Tổng thống Pháp đã phong ông làm Hiệp sĩ Đài ghi công năm 1990 và Hiệp sĩ Bắc đẩu bội tinh năm 2006.

Ba cuốn sách “Một đời thương thuyết”, “Một đời quản trị” và “Cơn lốc quản trị” của ông gói ghém gần như trọn vẹn kinh nghiệm trong nghề quản trị và nghiệp thương thuyết của ông. Ngoài ra, ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách khác như “Công dân toàn cầu, công dân Vũ trụ”, “Một đời như kẻ tìm đường” và cũng là đồng tác giả của cuốn “Không có đỉnh quá cao” và cuốn “Không có sông quá dài”.

P.L.

Nguồn: TheLEADER

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn