Đại án Vạn Thịnh Phát: Tham nhũng nghiêm trọng mang tính hệ thống và vấn đề cải cách tăng trưởng

Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ - PGS. TS. nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Việt Nam

25-11-2023

Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan. RFA edited

Phần 1

Đây là đại án trọng điểm, được chia thành nhiều vụ án với tính chất nghiêm trọng khác nhau, mà Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực trung ương đã yêu cầu xét xử trong năm 2023. Ngày 17/11/2023 Cơ quan Cảnh sát điều tra C03, Bộ Công an đã đề nghị truy tố 86 bị can với nhiều tội danh, trong đó bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), về ba tội: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản. Bà ta bị cáo buộc chi phối hoạt động của Ngân hàng SCB để chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng - khoảng 12,36 tỷ USD, gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ cho ngân hàng và các “trái chủ”.

Xoay quanh đại án này có nhiều chủ đề được quan tâm. Báo chí nhà nước đang khai thác và cho đăng loạt bài viết có thông tin khá “chi tiết”, chẳng hạn, vai trò “quyền lực tuyệt đối” của nữ tài phiệt họ Trương này và tham nhũng tập thể với “100% thành viên đoàn thanh tra” của Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ, v.v.

Hơn thế, vấn đề thêm “nóng” khi báo chí mới cho biết, trong cuộc họp ngày 22/11 của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực vụ án đã mở rộng, khởi tố thêm hai vụ án với 72 bị can, trong đó có 23 bị can là lãnh đạo cấp cục, vụ... có liên quan đại án VTP, bao gồm: 6 cán bộ Thanh tra Chính phủ; 12 cán bộ Ngân hàng Nhà nước; một vụ trưởng Văn phòng Chính phủ; một cán bộ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; một cán bộ Ủy ban Kiểm tra Trung ương; một chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng; một phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM… Tất cả đều phơi bày thực trạng tham nhũng nghiêm trọng và mang tính hệ thống ở Việt Nam hiện nay.

Trụ sở Vạn Thịnh Phát

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh kinh tế ảm đạm khi tăng trưởng suy giảm và cải cách khó khăn khi vấn nạn tham nhũng thêm trầm trọng, sự sụp đổ của Tập đoàn VTP cần được coi vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của tình hình, trong đó nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan kéo dài trong suốt quá trình cải cách mà không có giải pháp chính sách đúng đắn và đủ mạnh để phòng ngừa. Căn nguyên của tình trạng này mâu thuẫn giữa thể chế chính trị với chế độ độc Đảng cộng sản (CS) lãnh đạo và thể chế kinh tế thị trường. 

Thay vì cải cách thể chế theo hướng dân chủ để kiểm soát tha hoá quyền lực do độc quyền thì Đảng lại coi đây là vấn đề “nội bộ” khi đưa ra những chính sách không phù hợp trong bối cảnh kinh tế thị trường, phí tổn cao để thực hiện, phân biệt đối xử và mang nặng tính cưỡng bức, áp đặt nhưng vẫn không đạt kết quả như mong muốn. 

Sau nữa, xét thấy cam kết của Đảng vẫn tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và chống tham nhũng, bài viết nhấn mạnh vai trò quyết định của thể chế đối với tăng trưởng đặt ra sự cần thiết phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng thị trường. Bởi vậy, bốn vấn đề chủ yếu dưới đây được lựa chọn để trình bày.

Một là, trước hết cần nhận thức rõ về sự liên quan giữa tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan là nghịch lý kéo dài và ngày càng căng thẳng, đạt đến đỉnh điểm khi tăng trưởng suy giảm và tham nhũng là nguy cơ tồn vong chế độ Đảng cộng sản (CS) độc quyền lãnh đạo.

Không nên đơn giản hoá đại án VTP là đặc thù, riêng lẻ, mà theo tính chất, đặc điểm và quy mô vụ việc cần phải nhận diện nó như một điển hình của hình thức tham nhũng này. 

Từ sau Đổi mới năm 1986 kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP khá cao, duy trì trung bình khoảng 7% trong thời kỳ khá dài. Trong chính sách của Đảng CS, cùng với cải cách pháp lý tự do hơn cho hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp được tôn vinh. Nhà nước tặng các danh hiệu là cách thể hiện truyền thống. Bà Trương Mỹ Lan và chồng, ông Chu Lập Cơ, lãnh đạo VTP, từng được tặng Huân chương lao động hạng ba năm 2011. Thiết nghĩ, Đảng đã đánh giá sự đóng góp của VTP cho tăng trưởng ở thành phố Hồ Chí Minh và cả nước nói chung.

Mặc dù có nhiều lời xì xào cách thức làm ăn “mờ ám” của VTP nhưng đồn đoán về “thế lực chống lưng khủng” là “thực hư”, những mối quan hệ thân hữu giữa doanh nghiệp và quan chức là không tránh khỏi. Khi vai trò quản lý nhà nước của chính quyền cũng như của ngân hàng nhà nước thành phố cũng như trung ương bị buông lỏng, yếu kém, cũng là lúc bà Lan thâu tóm “quyền lực tuyệt đối” không chỉ trong Tập đoàn VTP mà cả trong các quan hệ tài chính ngân hàng, các dự án bất động sản. 

Việc điều tra, truy tố gặp cản trở, kéo dài không chỉ vì tính chất vụ việc mà còn vì mối quan hệ thân hữu chằng chịt, và chỉ được thực hiện khi sự phá huỷ trở nên nguy hiểm và mọi việc vỡ lở. Hàng nghìn doanh nghiệp ma, các cá nhân là pháp nhân “giả” bị bắt làm “con tin”, ký giấy tờ khống, lũng loạn nghiệp vụ ngân hàng để cho bà Lan chiếm đoạt tiền trong thời gian dài. Hơn 40 nghìn nhà đầu tư cá nhân bị lừa mua trái phiếu! Rõ ràng, nếu không có sự tiếp tay của Ngân hàng SCB, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của đoàn thanh tra, qua hai đợt năm 2017 và 2018, đã che giấu những sai phạm hoạt động nghiệp vụ là nguyên nhân quan trọng của tình hình. 

Ngoài ra, tình hình nghiêm trọng kéo dài như thế, các cảnh báo “nóng” được đưa ra bởi giới chuyên môn, mà các nhà quản lý cấp cao hơn như lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cơ quan quản lý trực tiếp và chính phủ lại không biết gì?! Họ phải có trách nhiệm liên đới!

Hai là, chính sách chống tham nhũng được cho là vấn đề “nội bộ” của Đảng, đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng hiệu quả thấp, chi phí cao trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế thị trường. 

Những kết quả tăng trưởng tương đối cao được coi là thành tích khiến giới tinh hoa “tự mãn” có đủ năng lực lãnh đạo chuyển đổi thị trường để tăng trưởng và chống tham nhũng, trục lợi, tiêu cực… cho đến khi bất ổn thể chế xảy ra.  Đặc biệt là những diễn biến căng thẳng ở “cung đình” giữa phe đảng và chính phủ từ nhiệm kỳ Đại hội 11 Đảng CS (2011-2016) đến nay. 

Không chia sẻ quyền lực độc tôn với bất kỳ đối tượng nào, kể cả các xã hội dân sự và người dân, Đảng ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá 11 năm 2011 về chống tham nhũng “trong nội bộ”. Tuy nhiên, mặc dù chính sách này của Đảng đã hai lần “nâng cấp”, sau các Đại hội 12 năm 2016 và ĐH 13 năm 2021 và, dường như, Đảng đang thắng thế khi ngày 22/11 trong phiên họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực, khi kêu gọi “hợp đồng tác chiến” giữa các cơ quan của hệ thống chính trị để chống tham nhũng trong bối cảnh tình hình tham nhũng vẫn phức tạp và nghiêm trọng trong khi tăng trưởng kinh tế trồi sụt, việc làm và đời sống người lao động khó khăn, các hiện tượng tiêu cực xã hội tràn lan. Nhưng liệu Đảng có thể sử dụng “ưu thế” của chế độ về sự khôn ngoan của Thiên tử hay minh triết của Thiên đàng để quy “trách nhiệm chính trị” cho các lãnh đạo cao cấp có liên đới, như Đảng đã từng làm đối với cựu Chủ tịch nước và cựu hai Phó thủ tướng vào tháng 1/2023 hay không?

Nguyên nhân sâu xa tình hình kinh tế - xã hội ảm đạm là sự níu kéo của ý thức hệ về chủ nghĩa xã hội (CNXH). Trong khi ưu tiên tăng trưởng GDP dựa vào thị trường, thì lại ảo tưởng về XHCN là “thiên đường” tất yếu sẽ đến, “giáo điều” về chủ nghĩa tư bản (CNTB) bất công, nền kinh tế kế hoạch hoá không hiệu quả trong cạnh tranh với CNTB. Đơn cử cá nhân cố tổng bí thư Liên Xô, M. Goocbachev đã bị đổ lỗi về sự sụp đổ của hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu và quan niệm “giản đơn” về thị trường coi nó là công cụ “biệt lập” với CNTB, và tuyên truyền gây nhầm lẫn chính sách xã hội với CNXH… 

Tất cả đã và đang cản trở cải cách và huỷ hoại nhiều cải cách đúng đắn. Giới lãnh đạo đã “nhanh quên” khi không coi trọng sự dũng cảm của những người nông dân, cố bí thư tỉnh Vĩnh Phúc, ông Kim Ngọc (1917 - 1979) đã “vượt rào” chủ trương hợp tác hoá của Đảng CS. Sự “đột phá” này đã mở đường cho đường lối Đổi mới năm 1986 và khởi đầu cho động lực tăng trưởng. Đây chính là hạt giống cho sức mạnh của CNTB, được chứng tỏ trong quá trình chuyển đổi kinh tế sang thị trường những năm tiếp theo. 

Trước tình hình bất ổn hiện nay Đảng có xu hướng quay lại mô hình toàn trị kiểu cũ, tập trung quyền lực tối đa và can thiệp nhiều hơn vào công việc hành chính và quan hệ thị trường. Xu hướng này đang gây lo ngại cho tiếp tục cải cách dân chủ và tăng trưởng kinh tế!

Phần 2

Ảnh minh họa: Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu chiến dịch chống tham nhũngAFP

Vấn đề thứ ba là, tha hoá quyền lực là căn nguyên của tình hình bất ổn, thì kiểm soát quyền lực là mấu chốt, nhưng cải cách dân chủ là mới thực sự là giải pháp chính sách đúng đắn về nguyên lý cũng như thực tế. Vượt qua sự níu kéo giáo điều của ý thức hệ, sự phát triển nhân loại theo phương thức sản xuất TBCN là quá trình phức tạp của thời kỳ đầu với bất công, phân hoá giàu nghèo, nhưng nó vẫn đang thống trị thế giới. Và trong bối cảnh hiện tại mặc dù mô hình chế độ dân chủ còn bị nhiều chỉ trích là bị chia rẽ, phân hoá và chậm chạp quyết định chính sách nhưng CNTB không ngừng cải thiện hướng tới thịnh vượng và dân chủ.

Sự cải thiện liên tục là một đặc tính và ưu thế của thị trường, trong đó môi trường tự do tư tưởng là điều kiện tiên quyết cho sự cống hiến của các nhà nghiên cứu khoa học, đặc biệt là kinh tế. Cụ thể là các trường phái kinh tế luôn có chỗ đứng trong chính sách vận hành của chính phủ. Người ta hay nhắc đến nhà kinh tế Adam Smith (1723-1790). Ông được được tôn vinh là cha đẻ của trường phái tư tưởng về thị trường tự do. Đề xuất một mô hình thị trường để giải thích sự hình thành và phát triển các trật tự xã hội loài người trên quy mô lớn, bao gồm đạo đức và kinh tế, tư tưởng kinh tế tự do với sức mạnh của động lực khuyến khích đồng thời với cảnh báo về rủi ro đạo đức và trục lợi của Adam Smith đã đặt nền móng làm “thay đổi” thế giới, khi các nhà tư tưởng kế thừa đã dựa vào, cảnh báo rủi ro tha hoá quyền lực, như câu nói kinh điển của Lord Acton (1834-1902): “quyền lực tuyệt đối có xu hướng tha hoá tuyệt đối”, hoàn thiện các công cụ thị trường, thể chế và chính sách hướng đến sự thịnh vượng và chế độ dân chủ với cơ chế bầu cử tự do và tam quyền phân lập để kiểm soát quyền lực ngăn chặn rủi ro đạo đức, hành vi trục lợi…

Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, vì ý thức hệ dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác, để duy trì chế độ,Đảng đã phủ nhận tính quy luật phát triển, nhưng vẫn phải dựa vào thị trường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Tình hình kinh tế xã hội ảm đạm, bất ổn thể chế hiện nay có nguyên nhân sâu xa là mâu thuẫn giữa đặc tính toàn trị và thị trường, mà biểu hiện là sự tha hoá quyền lực ngày càng nghiêm trọng. Như vậy, trong kinh tế thị trường việc chuyển đổi dân chủ để kiểm soát tha hoá quyền lực là xu hướng mang tính quy luật, nhưng thiết lập chế độ mới cần có thời gian. Và, hy vọng cải cách thể chế như một đột phá chiến lược trong đường lối của Đảng được thúc đẩy và hướng tới dân chủ để tăng trưởng. Chẳng hạn, giữ ổn định xã hội nhưng đồng thời cần xây dựng và đẩy mạnh nguyên tắc công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình (MB) dựa vào dân, báo chí và xã hội dân sự là một đề xuất quá độ có thể khả thi để chống tham nhũng (TN), chống tha hoá quyền lực (QL), bởi mối quan hệ ràng buộc của nó khá đơn giản về trình bày:  TN = QL – MB.

Bốn là, cải cách thị trường để chuyển mô hình tăng trưởng cũ sang mô hình mới, trong đó tập trung nhấn mạnh vai trò của thể chế đối với tăng trưởng, cải cách thể chế theo hướng dân chủ để chống tham nhũng đồng thời với tăng trưởng. 

Lý do đặt vấn đề thứ tư này xuất phát từ tình thế Đảng CS đang ở thế lưỡng nan trong bổi cảnh thoát khỏi cái nghịch lý vừa phải thúc đẩy tăng trưởng để đảm bảo tính chính danh lại vừa phải chống tham nhũng trước nguy cơ tồn vong chế độ. Tăng GDP được đánh giá tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá 15 đang diễn ra tại Hà Nội là không thể đạt mục tiêu 6-6,5% đã đề ra cho năm 2023, nhưng QH vẫn quyết định mức này cho năm 2024.

Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, thường được áp dụng trong điều kiện xuất phát điểm thấp của nền kinh tế và các yếu tố vật chất hữu hình như tài nguyên, đất đai, lao động giá rẻ và thậm chí cả lòng nhiệt tình cách mạng, đã dần hoàn thành “sứ mệnh” của nó. 

Hãy đoạn tuyệt với ảo tưởng tăng trưởng GDP với tỷ lệ cao mãi mãi. Việc tìm kiếm “mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững” mà giới lãnh đạo hay phát biểu đã trở nên vô vọng trong bối cảnh bất ổn thể chế, nhưng đề xuất một mô hình tăng trưởng mới thì ngay cả giới lý luận “cung đình” cũng chưa tự tin để sẵn sàng. Một trong những lý do có thể là sự nhạy cảm với chế độ dựa trên ý thức hệ CNXH đối lập với kinh tế thị trường.

Về nguyên lý, tăng trưởng GDP được xác định trên cơ sở kết hợp các yếu tố cơ bản là vốn, lao động, công nghệ và tổ chức. Chúng được kết hợp thông qua… sự khuyến khích kinh tế, lợi ích. Sự khuyến khích là yếu tố chủ yếu sản sinh động lực tăng trưởng trong môi trường quyền sở hữu, hệ thống luật pháp minh bạch, các nguyên tắc thị trường cởi mở cạnh tranh, một nhà nước trong sạch, hiệu năng và sự ổn định chính trị. Và đến lượt mình, các thể chế này bị ràng buộc bởi văn hoá, địa lý, lịch sử, ý tưởng và các yếu tố khác của một quốc gia cụ thể. Ngoài ra, sự kết hợp các yếu tố nêu trên là điều bí ấn để tạo ra động lực tăng trưởng.

Trong việc xây dựng mô hình mới, vai trò của các yếu tố thể chế ngày càng đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng. Trong cuốn sách được dịch sang tiếng Việt cách đây đúng một thập kỷ, năm 2013 có tên: “Tại sao các quốc gia thất bại”, hai nhà nghiên cứu Daron Acemoglu và James A. Robinson đã mang đến ý tưởng chính là khi nghĩ về sự phát triển, thịnh vượng hay nghèo đói, của đất nước, chúng ta phải suy nghĩ về thể chế của nó. Nhưng đáng buồn thay, nhiều người “hài lòng” với “các thể chế khai thác”, trong đó các tài nguyên, ví dụ ở Việt Nam như đất đai và lao động, bị “bóc lột” cho tăng trưởng, trong khi “quay lưng” với “các thể chế bao trùm” tạo ra môi trường tự do về tư tưởng và kinh doanh để khuyến khích đầu tư hoặc đổi mới, dân chủ và tôn trọng quyền con người.

Xin nêu một yếu tố để minh hoạ. Lĩnh vực bất động sản (BĐS) là một trụ cột quan trọng, chiếm khoảng 20% GDP, cho tăng trưởng trong mô hình hiện nay, nhưng thường xuyên trong trạng thái bất ổn. Nó chứa đựng sự bí ẩn của mối quan hệ các yếu tố vốn (đất) và sở hữu toàn dân, tính đại diện của chính quyền, doanh nghiệp BĐS và người dân. Luôn tồn tại có chênh lệch giá đất được quy định bởi nhà nước và giá thị trường. Thực tế đang chỉ ra rằng phần tiền chênh lệch này được chia làm ba với tỷ lệ nhiều ít tuỳ từng dự án BĐS: tiền hối lộ quan chức (đại diện), lợi nhuận chủ doanh nghiệp và cho hoạt động kinh doanh (việc làm, thu nhận người lao động và nộp thuế). 

Hơn thế, dân oan mất đất, khiếu kiện, kêu than, lấn chiếm đất công, trục lợi, gia đình bất hoà… là những hiện tượng nhức nhối, đau lòng. Luật Đất đai ở Việt Nam đã qua 5 lần sửa đổi nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế thị trường. Mới đây, Luật Đất đai sửa đổi năm 2023 đã bị đề nghị hoãn thông qua tại Kỳ họp 6 Quốc hội 15 cũng vì lý do trên.

Nhấn mạnh vai trò quyết định của thể chế đối với sự thịnh vượng hay sự sụp đổ của một quốc gia, xin nêu một số trường hợp gần gũi với nhận thức của giới lãnh đạo và trong ký ức của nhiều người dân.

(1) Sự so sánh hai thể chế tương phản CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc;

(2) Kiểu mô hình Trung Quốc và Việt Nam, dù đạt tăng trưởng cao trong một thời kỳ, nhưng về tính chất và đặc điểm cũng bị liệt vào loại “thể chế khai thác” với đặc thù Đảng CS lãnh đạo kinh tế thị trường;

(3) Nước Mỹ là một kiểu của loại “thể chế bao trùm” vượt trội khi kéo dài tăng trưởng cao từ cuối thế kỷ 19 đến nay, đưa quốc gia này trở thành cường quốc số 1 thế giới. Tuy nhiên, đánh giá về sự thành công này, các nhà nghiên cứu có nhận xét thú vị, rằng nước Mỹ đã có được “một chút may mắn”. Đó là “Hiến pháp Hoa Kỳ may mắn được viết ra năm 1776 đúng vào thời điểm mà các ý tưởng của John Locke và Adam Smith được phổ biến. Và nó thừa hưởng xu hướng phát triển kinh tế thị trường và các thể chế dân chủ. Một biên giới rộng mở, và nhiều tự do để thử những ý tưởng mới, sự sáng tạo và cách sống mới, bỏ lại những cách cũ phía sau để tiến lên…Và nước Mỹ cũng rất may mắn khi George Washington có đức chỉ dừng lại ở hai nhiệm kỳ tổng thống chứ không phải cố gắng trở thành vị vua kế tiếp”.

P.Q.T.

*Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á châu Tự do.

Nguồn: RFA Tiếng Việt


Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn