Những ngày Domino

Graeme Dobell điểm sách The Vietnam War in the Pacific World (Chiến tranh Việt-Nam trong thế giới Thái Bình Dương) https://insidestory.org.au/domino-days/ 

Brian CuddyFredrik Lovegevall biên tập

Nguyễn-Khoa Thái Anh dịch

Lời dịch giả

Trong 2 thế kỷ qua ngoài hai trận Thế chiến, hiếm có cuộc chiến nào gây nhiều tranh cãi, tốn nhiều giấy mực hay phim ảnh bằng chiến tranh Việt Nam. Những sai lầm của Mỹ ở VN (65-75) có thể được Lý Quang Diệu bào chữa, nhưng mối đe dọa của Trung Quốc đối với các quốc gia Đông Nam Á vẫn tiềm ẩn, hay sẽ rõ ràng và hiện hữu trong nhiều năm tới? Từ hiểm họa Cửu Long cạn nguồn, Biển Đông dậy sóng, Ai có thể thật sự đánh giá sự nâng cấp chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ?

Chuyện đáng buồn về cuộc chiến VN (Chiến tranh chống Mỹ) có lẽ là chưa bao giờ có một tiếng nói thực sự nào từ góc nhìn của người Việt trong tất cả những cái gọi là nghiên cứu, bút chiến, sách vở, phim tài liệu, được viết, trình chiếu và thảo luận tại các hội nghị trên toàn thế giới trong giới học thuật, các nhà làm phim tài liệu, các thông tấn xã, và báo chí truyền thông. Từ Hiệp định Genève 1954 cho đến Paris 1973, vẫn không có một trả lời thỏa đáng nào minh chứng hay giải oan cho sự thống nhất đất nước năm 1975. Những người ngoài cuộc - các học giả, các nhà khoa học xã hội vẫn không ai có thể đo lường được những tổn thất nặng nề và ảnh hưởng lâu dài mà chiến tranh đã gây ra cho VN và cuộc sống của người dân nước này trong 50 năm tới.

Người ta có thể phóng đại khả năng phục hồi của Nhật Bản khi dám ca ngợi khả năng sống còn và phát triển của người dân sau sự tàn phá của bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, nhưng ai có thể thực sự lượng định được những tác động, sự phân hóa và hậu quả của Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa kiểu Trung quốc ở VN? Đặc biệt là khi nhà nước vẫn còn chịu ơn, phục tòng kẻ xâm lược ngàn năm khi vẫn chưa thỏa hiệp được với việc “Thoát Trung”?

Nguyễn-Khoa Thái Anh

Những ngày tưởng niệm 50 năm chiến tranh Việt Nam – một sai lầm chiến lược lớn nhất của Mỹ trong thế kỷ 20 – sẽ tuần tự đến. Tháng Giêng đánh dấu việc ký kết Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973, tháng Ba kỷ niệm sự ra đi của người chiến binh Mỹ cuối cùng ở Việt Nam, và tháng 12 này là kỷ niệm 50 năm Giải Nobel Hòa bình được trao cho ô. Lê Đức Thọ của Việt Nam và Henry Kissinger của Hoa Kỳ cho đàm phán ngừng bắn.

Giữa những khoảnh khắc kỷ niệm đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Việt Nam vào tháng 9, là Tổng thống Mỹ đương nhiệm thứ năm đến thăm kể từ khi ô. Bill Clinton tái lập quan hệ ngoại giao vào năm 2000 và “vạch ranh giới cho một quá khứ đẫm máu và cay đắng.”

Tại Hà Nội, ô. Biden và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng “ca ngợi một giai đoạn lịch sử mới của hợp tác và hữu nghị song phương,” tạo ra mối quan hệ đối tác chiến lược cho thấy sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với “một Việt Nam hùng mạnh, độc lập, thịnh vượng và kiên cường.”

Với những khởi sắc như vậy, lịch sử cung ứng cho chúng ta một sự kiện trớ trêu, tô điểm bằng vẻ nghênh đón ngoại giao. Hãy kỳ vọng vào nhiều sắc thái trớ trêu trong tháng 4 năm 2025, kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh, khi Saigon rơi vào tay quân Bắc Việt (Hãy lưu ý cách đặt tên cho cuộc chiến: Úc cùng với Mỹ gọi đó là chiến tranh Việt Nam; người Việt Nam gọi đó là chiến tranh chống Mỹ, giai đoạn kết thúc của cuộc xung đột kéo dài ba mươi năm.)

Được thúc đẩy bởi những lo ngại về địa chính trị, những làn sóng chấn động lan khắp châu Á sau Thế chiến thứ Hai khiến các quốc gia hồi tưởng những quân domino đổ nhào trước chủ nghĩa cộng sản. Khi Pháp tháo chạy khỏi Đông Dương và Anh quốc rút lui khỏi Đông Nam Á, Hoa Kỳ đã vào cuộc để ổn định những gì họ coi là một loạt các quốc gia đang chao đảo ở Đông Nam Á.

Luận điểm cho rằng chiến tranh Việt Nam “được chiến đấu vì, bởi và thông qua Thái Bình Dương” là trọng tâm của một hội nghị tại Đại học Macquarie ở Sydney, hiện là một cuốn sách gồm 19 chương của các tác giả khác nhau.

Các biên tập viên của cuốn Chiến tranh Việt Nam trên thế giới Thái Bình Dương, Brian Cuddy và Fredrik Logevall, mô tả một khoảng cách lớn giữa lập luận của Mỹ và thực thể quân sự của khu vực. Họ viết, Hoa Kỳ tuyên bố họ tham chiến để giải nguy toàn bộ Đông Nam Á, nhưng “những dữ kiện cho thấy Washington đã đánh giá thiếu sót, không phù hợp trong mối liên hệ giữa cuộc chiến Việt Nam với địa chính trị rộng lớn hơn của khu vực.”

Trong một chương về “sự mơ tưởng đã thúc đẩy Úc tham chiến ở Việt Nam”, nhà sử học Greg Lockhart, một cựu chiến binh, viết rằng Chính phủ Menzies đã cường điệu về “mối đe dọa đỏ,” nhằm che đậy bản chất da màu của họ trong mối đe dọa từ Châu Á." Ông viết, đến năm 1950, chính sách của Úc được định hình bởi tư duy domino ban đầu của Anh quốc và “những nhát đâm sâu mạnh của cộng sản Trung Quốc,” một áp lực liên kết những hiểm họa đất đai lấy thịt đè người của Trung Hoa lục địa.

Ngay trước khi thực dân Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ năm 1954, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã tuyên bố nỗi sợ đã thúc đẩy chính sách của Hoa Kỳ: “Bạn sắp xếp một dãy domino, lật đổ dãy đầu tiên, và chuyện gì sẽ xảy ra với quân domino cuối cùng, chắc mẩm rằng nó sẽ bị lật một cách nhanh chóng.” Thuyết này cho rằng quân cờ domino của Việt Nam, với sức ép của Trung Quốc, sẽ lật đổ phần còn lại của Đông Dương. Miến Điện, Mã Lai và Indonesia và Zealand theo sau.

Lockhart chỉ trích con đường mà những nỗi sợ hãi này đã dẫn Úc đến Việt Nam:

Từ năm 1945 đến năm 1965, không có đánh giá tình báo chính thức nào của Úc tìm thấy bằng chứng ủng hộ lý thuyết domino. Hoàn toàn ngược lại, những đánh giá đó kết luận rằng Trung Quốc cộng sản không gây ra mối đe dọa nào cho Australia. Được định hình bởi ảo tưởng địa lý rằng “Trung Quốc” hay ít nhất là “người Trung Hoa” đang “tiến xuống” với một lực đẩy như dao găm xuyên qua Bán đảo Mã Lai, thuyết domino là mặt đáng sợ của ảo tưởng về chủng tộc, cơn ác mộng đã biến mất một khi nó hoàn thành chức năng chính trị của mình.

Tham vọng chiến lược của Mỹ nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở châu Á “đã đạt được phần lớn trước khi quân đội Mỹ leo thang ở Việt Nam vào năm 1965,” ô. Lockhart kết luận, bởi vì Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và Indonesia đã là “các quốc gia chống cộng sản.”

Điều tương tự nhanh chóng trở thành sự thật đối với Indonesia, nơi sự tiếp quản của quân đội năm 1965 là bước chuyển hướng mang tính quyết định về phía Mỹ, tiêu diệt đảng cộng sản lớn nhất bên ngoài khối phía Đông Âu. Tuy nhiên, Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson (LBJ) đã sử dụng Indonesia để tuyên bố điều mà nhà sử học người Mỹ Mark Atwood Lawrence gọi là “thuyết domino đảo ngược.” Lập luận của LBJ vào năm 1967 là chiến tranh Việt Nam cần thiết như một “lá chắn” cho một chu kỳ phát triển kinh tế và chính trị có đạo đức trên khắp Đông Nam Á.

Lawrence ta thán rằng rất ít người ở Washington tin theo lý luận rằng “Việc Indonesia nghiêng về phía hữu, không hề biện minh cho cuộc chiến ở Việt Nam, khiến chiến dịch đó trở nên không cần thiết bằng cách giải quyết thành công vấn đề lớn của Washington trong khu vực.” Ông trích dẫn bằng chứng trước Ủy ban Thượng viện vào năm 1966 bởi nhà huyền thoại ngoại giao Hoa Kỳ, George Kennan, rằng các sự kiện ở Indonesia đã làm cho nguy cơ lan rộng của chủ nghĩa cộng sản khắp khu vực “không đáng kể.”

Năm 1967, Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ đã đánh giá những hậu quả địa chính trị của việc cộng sản tiếp quản miền Nam Việt Nam. Lawrence cho biết một báo cáo dài ba mươi ba trang “kết luận rằng Hoa Kỳ sẽ không phải chịu thất bại vĩnh viễn hoặc tàn khốc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, kể cả ở những khu vực gần các quốc gia Đông Dương nhất, miễn là Washington thể hiện rõ quyết tâm duy trì hoạt động quốc tế sau một bước thụt lùi ở Việt Nam.” Nghiên cứu này, theo quan sát của ông, không có tác động rõ rệt nào đến suy nghĩ của LBJ. Thay vào đó, Washington mắc kẹt với những giả định “không chắc chắn” và “có vấn đề” về việc quân domino bị đổ và mối liên hệ giữa các quân cờ đó. Và sau đó mối đe dọa sẽ đổ dồn về Australia và các xã hội Đông Nam Á mới.

Đối với quốc gia mới Singapore, tách khỏi Malaysia vào năm 1965, thời đại này mang đến cơ hội xây dựng mối liên kết với Hoa Kỳ và phòng ngừa những rắc rối song phương với Malaysia và Indonesia. S.R. Joey Long viết rằng Thủ tướng Lý Quang Diệu đã biết cách sử dụng trọng tâm của Washington đang dồn vào Việt Nam về cả vũ khí và đầu tư nhằm đưa lại cho mình những lợi thế]: “Dòng vốn và trang thiết bị quân sự của Mỹ đã nâng cao năng lực của chế độ Singapore trong việc bảo vệ lợi ích của mình trước các nước láng giềng thù địch, thúc đẩy các chiến lược phát triển, phân phối các lợi ích của mình”, thưởng cho những người ủng hộ, vô hiệu hóa hoặc chiến thắng những kẻ gièm pha, và củng cố quyền kiểm soát của nó đối với thành bang.” Chương sau trích dẫn một báo cáo của CIA năm 1967 rằng 15% tổng sản phẩm quốc dân của Singapore đến từ các hoạt động mua sắm của Mỹ liên quan đến chiến tranh.

Trong suốt thời gian lãnh đạo lâu dài của mình, Lý Quang Diệu luôn tuyên bố ấn tích duy nhất còn sót lại của lập luận ủng hộ cuộc chiến tranh của Mỹ – luận điểm “mua thời gian”, cho rằng Mỹ đã tạo thời gian để phần còn lại của Đông Nam Á đủ sức phát triển để chống lại sự chao đảo domino.

Chương viết về sự kiện câu giờ của Mattias Fibiger gọi ý tưởng này là một nỗ lực “có mức bền bỉ đáng kể” nhằm biến thất bại của Mỹ thành chiến thắng. Điều mà Tổng thống Ronald Reagan sau này gọi là “chính nghĩa cao cả” đã được nâng lên thành một khoảng không gian dễ thở mang tính xây dựng. “Mỹ đã thất bại ở Việt Nam,” theo câu nói của Henry Kissinger, “nhưng nó đã cho các quốc gia khác ở Đông Nam Á thời gian để giải quyết các cuộc nổi dậy nội bộ của họ.”

Từ năm 1965 đến năm 1975, khu vực này “trở nên thịnh vượng hơn, đoàn kết hơn và an ninh hơn nhiều,” Fibiger lưu ý, và ông tìm thấy “một số sự thật trong những tuyên bố rằng chiến tranh Việt Nam đã củng cố sức mạnh cho các quốc gia không cộng sản ở Đông Nam Á, kích thích tăng trưởng kinh tế trong khu vực, và dẫn đến việc thành lập ASEAN – tất cả đều giúp khu vực ổn định và an toàn hơn.”

Việc thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào năm 1967 (với các thành viên ban đầu là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) là một cột mốc quan trọng trong ý tưởng của khu vực về căn cước của họ. Thành tựu lớn nhất của ASEAN là xua đuổi – hoặc chôn sâu – nguy cơ chiến tranh giữa các thành viên. Đây là việc xây dựng khu vực ở cấp độ cao nhất. Những nỗ lực trước đó nhằm tổ chức khu vực đã thất bại. Thật vậy, Fibiger lưu ý, xung đột dường như phổ biến đến mức một nghiên cứu năm 1962 đã đặt tiêu đề là “Đông Nam Á: Vùng Balkan của phương Đông?” ASEAN đã giúp gỡ bỏ lời nguyền Balkan.

Ông Graeme Dobell là một nhà báo từ năm 1971, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Chính sách chiến lược Úc.
The Vietnam War in the Pacific World
Edited by Brian Cuddy and Fredrik Logevall | University of North Carolina Press | US$29.95 | 382 pages

Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn