Bơm 24 tỷ USD cứu SCB: Bơm đến bao giờ? Cứu được không? Ai sẽ nhận được tiền?

BBC - 20 tháng 4 2024

Chính phủ Việt Nam đã bơm 24 tỷ USD để cứu SCB sau khi khách hàng ồ ạt tháo chạy khỏi ngân hàng này. Tiền gửi của SCB hiện đã giảm 80%, xuống còn khoảng 6 tỷ USD. Liệu nhà nước có tiếp tục bơm tiền để SCB không sụp đổ? Nếu ngưng bơm tiền thì kịch bản có thể xảy ra là gì?

Chụp lại hình ảnh: Khả năng hồi phục của ngân hàng SCB được đánh giá là "rất thấp".Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES, BBC

Việc Ngân hàng Nhà nước bơm 24 tỷ USD cho SCB được coi là "vô tiền khoáng hậu" do khối lượng tiền mặt khổng lồ được bơm vào, sự phức tạp của vụ việc và mức độ tác động hiện tại cũng như tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính Việt Nam.

Reuters là hãng tin tung ra thông tin và số tiền vụ giải cứu, trích từ các báo cáo mà hãng tin này có được.

Về việc cung cấp tiền để cứu SCB, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú, nói với báo giới hôm 19/4 rằng "đến nay, ngân hàng SCB vẫn đang hoạt động ổn định và NHNN sẽ tiếp tục xây dựng một lộ trình để từng bước tái cơ cấu ngân hàng này".

Ông Tú không nói về con số cho SCB vay, mà chỉ nói: "Cho vay thì phải đảm bảo thu hồi nợ".

'Xe tải chở tiền’ đi cứu ngân hàng

Chụp lại hình ảnh: Bức ảnh ngày 10/1/2024 chụp y tá Nga (tên đã thay đổi để bảo vệ danh tính nạn nhân), một người đã nghỉ hưu nằm trong số 42.000 nạn nhân của vụ bê bối lừa đảo liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB. Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES

Từng có các vụ bơm tiền giải cứu trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, dù với quy mô nhỏ hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng có 45 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này tại Mỹ và Việt Nam, nói với BBC News Tiếng Việt rằng ông đã chứng kiến hai trường hợp nhà nước bơm tiền cứu ngân hàng theo nhiều cách.

“Năm 2012, Ngân hàng ACB lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Lúc đó có tin tổng giám đốc ACB trốn qua Mỹ. Rất nhiều người đã đến ACB để rút tiền. Tại thời điểm đó, tôi có mặt ở Việt Nam và đã thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dùng xe tải đem tiền mặt đến ACB để giúp ngân hàng này trả tiền cho khách”, Tiến sĩ Hiếu nói với BBC từ Hà Nội.

“Lần thứ hai là năm 2015, lúc đó tôi là Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Đó cũng là thời điểm NHNN mua lại ba ngân hàng, gồm Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Ocean Bank (OCB) và GP bank (GPB).

“Trường hợp này nhà nước không bơm tiền mặt để cứu ba ngân hàng mà dùng biện pháp thâu tóm với giá 0 đồng. Sau đó, NHNN giao ba ngân hàng này cho những ngân hàng lớn nhất của Việt Nam và có vốn nhà nước, trong đó có Vietcombank và BIDV, tiếp quản.

“Cho đến bây giờ, sau 9 năm, ba ngân hàng này vẫn đang hoạt động nhưng trong tình trạng hết sức ngặt nghèo”.

Về khả năng các ngân hàng hoàn tiền cho nhà nước, Tiến sĩ Hiếu nói rằng ông không có thông tin cụ thể số tiền đã bơm là bao nhiêu và có trả không, khi nào. Nhưng ông nhận định khả năng cao ACB đã trả hết vì ngân hàng này đã hồi phục sau đó và hiện là một trong những ngân hàng làm ăn hiệu quả.

Với ba ngân hàng được mua lại, ông cho biết là “tình trạng tài chính tới nay ngày càng suy sụp”.

Bơm tiền cho SCB đến bao giờ?

Chụp lại hình ảnh: Bà Trương Mỹ Lan bị buộc tội đóng vai trò chính trong vụ rút ruột hơn 12 tỷ USD từ SCBNguồn hình ảnh: GETTY IMAGES

Hiện nợ xấu của SCB đã lên tới 97%. Nếu không có nguồn thu, SCB sẽ không có khả năng trả lại tiền gửi cho khách hàng, với số tiền hiện còn phải trả là 6 tỷ USD – chiếm hơn 1% GDP Việt Nam năm 2023.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nếu nhà nước tiếp tục bơm tiền vào để trả thì khách hàng tiền gửi của SCB may mắn.

Nhưng nếu nhà nước, vì lý do nào đó, ngưng bơm tiền, thì số phận 6 tỷ USD tiền gửi này “rất mong manh”.

“Dự trữ ngoại hối quốc gia của chúng ta có đâu đó 100 tỷ thôi. Và bây giờ phải dùng 6 tỷ USD để thanh toán cho tiền gửi của SCB.

Mặc dù không dùng ngoại tệ để mà thanh toán, nhưng số tiền mà chúng ta phải thanh toán lên đến 6% trên tổng dự trữ ngoại hối của nhà nước”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích khi được hỏi về việc NHNN có thể bơm tiền cho SCB đến khi nào.

Chụp lại hình ảnh: Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàngNguồn hình ảnh: GETTY IMAGES

Khả năng nhận lại tiền của khách hàng SCB ‘rất mong manh’

Trong trường hợp ngân sách cạn kiệt hoặc vì lý do nào đó nhà nước phải ngừng bơm tiền cho SCB, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có ba kịch bản chính.

Một là nhà nước có thể in thêm tiền để tiếp tục bơm cho SCB. Trong trường hợp này, dòng tiền đi vào lưu thông sẽ gây lạm phát, nợ công cao.

Thứ hai, chính phủ Việt Nam sẽ phải làm "việc chẳng đặng đừng" là đưa SCB ra tòa để mở thủ tục phá sản. Như vậy, ngoài khoản bảo hiểm tiền gửi mà mỗi khách hàng có thể nhận được là 125 triệu đồng, khách sẽ phải đợi tòa phán quyết về số phận ngân hàng này.

Nếu tòa tuyên SCB phá sản và yêu cầu SCB trả nợ các chủ nợ theo thứ tự ưu tiên thì khách gửi tiền mới có cơ hội được trả lại tiền, còn nếu không, hoặc mất trắng, hoặc phải đợi cho đến khi nào tất cả tài sản của SCB được thanh lý.

“SCB cũng chẳng còn bao nhiêu tài sản để thanh lý. Do đó, ngoài bảo hiểm tiền gửi là khoản 125 triệu đồng thì tôi nghĩ khả năng khách hàng nhận được phần tiền gửi còn lại là rất thấp”,Tiến sĩ Hiếu nhận định.

Việc này, Tiến sĩ Hiếu nói với BBC, làm ông “thực sự đau lòng”, vì “rất nhiều người gửi tiền tại SCB là những người về hưu, gia đình thu nhập thấp và các doanh nghiệp”.

Trong trường hợp SCB không làm thủ tục phá sản, kịch bản thứ ba là NHNN có thể chỉ định chuyển giao SCB cho một ngân hàng thương mại tại Việt Nam, sau khi kết thúc giai đoạn kiểm soát đặc biệt, theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Nhưng việc này diễn ra như thế nào thì phải đợi tới ngày 1/7/2024, khi luật này có hiệu lực.

“Vấn đề nằm ở chỗ, với số nợ khổng lồ và nợ xấu tới 97% của SCB, hiện không có ngân hàng nào sẵn sàng tiếp quản. Trong trường hợp bắt buộc phải chuyển giao, thì tương lai của cả ngân hàng nhận chuyển giao và ngân hàng bị chuyển giao là SCB có lẽ không sáng sủa lắm.

“Vì ngân hàng được chuyển giao thường không có khả năng trả nợ nên sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, gây thiệt hại cho các ngân hàng được chỉ định tiếp nhận”.

“Ngoài ra, nó cũng ảnh hưởng tới toàn xã hội, vì các ngân hàng lớn có số lượng khách hàng rất lớn và tổng tài sản lớn. Ví dụ bốn ngân hàng Vietcombank, Citibank, BIDV và Agribank chiếm 40% tổng tài sản của cả hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Như vậy khi các ngân hàng này chịu thiệt hại do phải gánh thêm ngân hàng thua lỗ thì sẽ ảnh hưởng tới cả hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam”, Tiến sĩ Hiếu nói.

Thời điểm này, Tiến sĩ Hiếu cho rằng chính phủ Việt Nam không muốn để SCB phá sản, do có nguy cơ xảy ra tình trạng khách hàng tháo chạy khỏi các ngân hàng, đưa cả hệ thống ngân hàng Việt Nam vào khủng hoảng.

Do đó, khả năng cao là chính phủ Việt Nam sẽ chọn cách chuyển giao bắt buộc SCB cho một ngân hàng lớn được chỉ định.

'Nguy cơ một SCB khác trong tương lai'

Là một chuyên gia tài chính-ngân hàng nhiều kinh nghiệm, Tiến sĩ Hiếu nói ông thấy đây là một trường hợp "vô tiền khoáng hậu" mà sau 15 năm từ Mỹ về Việt Nam làm việc, ông chưa từng thấy.

“Chúng ta cần phải can đảm rút kinh nghiệm từ trường hợp của bà Trường Mỹ Lan, vụ Vạn Thịnh Phát và SCB. Với tôi, đây là một bài học rất lớn.

“Có rất nhiều vụ kiện, nhiều đại án trong ngành ngân hàng trong khoảng chục năm qua, nhưng tôi chưa thấy trường hợp nào lớn như vụ này, kéo dài cả chục năm như vụ này. Chúng ta phải nhìn thấy một điều là chúng ta đã nhắm mắt là ngơ cho một tình trạng như vậy kéo dài rất lâu, ở một mức độ rất lớn”, Tiến sĩ Hiếu nói.

Ông Hiếu cho rằng cần minh bạch ai là người chịu trách nhiệm trong việc để một vụ việc như vậy kéo dài.

Ông cũng nhấn mạnh mối nguy hiểm của "lợi ích nhóm", trong đó các đại gia bất động sản như bà Trương Mỹ Lan thường nắm những vị trí quan trọng trong hệ thống ngân hàng, sau đó dùng quyền lực để thao túng và lũng đoạn.

“Nếu nền tài chính Việt Nam, nếu hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn bị tác động bởi lợi ích nhóm, trong đó có lợi ích nhóm bất động sản, thì tôi e rằng có thể chúng ta sẽ có một SCB khác trong tương lai.

"Tôi mong rằng đây là thông điệp mà tôi muốn gửi cho Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói với BBC.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn