Chở nước từ thiện

Nguyễn Thùy Dương

Khác với miền Bắc hay miền Trung có thời tiết bốn mùa rõ rệt. Miền Nam chỉ có hai mùa. Mùa nắng và mùa mưa.

Hàng trăm năm nay, ông cha người miền Nam đã thích ứng với cái tự nhiên như vậy. Sen lụi nước mặn tới. Mỗi nhà có mấy chục cái khạp, lu, kiệu để dành trước khi biết xây hồ chứa nước ngọt dự trữ. Bây giờ thử nhìn lại, còn bao nhiêu nhà ở miền Tây có lu, khạp trữ nước, bao nhiêu nhà tự xây hồ chứa nước. Đã từng có giai đoạn người miền Nam gả con gái, muốn biết nhà trai giàu nghèo thì nhìn vào số lu số khạp trữ nước cho mùa nắng. Vậy tại sao ông bà ta ứng phó được với thiên nhiên khắc nghiệt còn tới lượt chúng ta lại chở nước về miền Tây?

Đợt 1, đợt 2 còn lý giải được là đột xuất, chứ hạn mặn đã thành một quy luật thì không thể cứ chở nước về ứng cứu như vậy được.

Để xảy ra tình trạng xe chở nước ùn ùn kéo về miền Tây phải coi lại cả trách nhiệm của chính quyền sở tại lẫn người dân. Bạn sinh ra ở vùng địa lý như vậy, bạn phải có cách thích ứng với nó. Việc ứng cứu từ nơi khác chỉ là phụ trợ.

Về mặt chính quyền địa phương nên chủ động trong vấn đề duy trì nguồn nước sinh hoạt từ nguồn từ thiện (xã hội hóa). Việc thả nổi các đoàn chở nước từ thiện dẫn đến tình trạng nơi thì được cho quá nhiều. Nơi không có ai cho. Tiền một chiếc xe bồn chở nước về miền Tây có giá từ 3 triệu rưỡi đến 5 triệu đồng. 10 chiếc mất 35 đến 50 triệu. 50 triệu đủ xây chân bồn và mua một bồn chứa nước 10 khối loại tốt. Với 200 triệu có thể xây 4 chân bồn và mua 4 bồn chứa nước đặt ở vị trí tiếp giữa các ấp trong xã cho người dân tự đến lấy nước được. Nếu có nhiều hơn thì càng tốt. Từ đó, mỗi năm khi gần tới mùa ngập mặn, địa phương chủ động đưa nước từ nhà máy nước về trữ tại các bồn này. Chủ động tự cứu.

Bây giờ, có ai thử làm một phép tính tiền xe tải, xe bồn vận chuyển nước từ đầu tháng Tư đến nay tổng là bao nhiêu? Hiệu quả ra sao so với việc xây hồ chứa nước để dự trữ nước từ lúc mùa ngập mặn trong năm chưa tới? Việc hạn mặn hàng năm là dĩ nhiên và thường niên thì việc vận hành nguồn lực hỗ trợ cho hạn mặn là phải có kế hoạch cụ thể. Người dân không thể cứ tới năm là chở nước về miền Tây. Việc làm đó, sẽ khiến cho một số người ở vùng hạn mặn ỷ y vào việc rồi sẽ có đoàn chở nước tới. Và rồi chính quyền địa phương đóng vai trò gì trong việc này?

Từ khi ngồi trên ghế nhà trường những năm tiểu học, chúng ta đều được dạy “Nước là tài nguyên thiên nhiên có hạn”, cho nên tiết kiệm nước là điều tất yếu. Ở vùng ngập mặn, bạn không thể đòi hỏi có nguồn nước dồi dào như một số vùng khác. Việc khoan giếng lấy nước ngọt là đang xài luôn nguồn dự trữ nước của vùng. Cho nên trữ nước cho mùa nắng là việc phải làm, là kỹ năng sinh tồn phải có.

Thành phố Hồ Chí Minh phát cảnh báo về khả năng bị xâm ngập mặn. Miền Tây thiếu nước, miền Đông tiếp nước. Miền Đông thiếu nước, ai cứu?

Ngay từ lúc này tầm nhìn của lãnh đạo và ý thức của người dân cần phải song hành thức tỉnh để hướng tới cái nhìn lâu dài trong câu chuyện nước ngọt.

Có người hỏi, nếu là Dương làm từ thiện cho nước ở miền Tây, Dương sẽ làm gì? Thì thưa rằng:

1. Vận động xây chân bồn và đặt loại bồn nằm có nhiều van để đặt tại những vị trí dân có thể tiện đi lấy nước.

2. Mua bồn nhỏ loại 500 lít cho những nhà ở trong sâu quá có thể chứa nước.

Hông lẽ năm nào cũng chở nước về miền Tây sao? Vô lý nhất là hôm qua coi FB thấy có đoàn miền Trung chở nước vào miền Tây. Anh em 67 (An Giang) chở nước cho Bến Tre.

N.T.D.

Nguồn: FB Nguyễn Thùy Dương

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn