THÁNG 1O THAO THỨC - PHẦN 2:

clip_image002[6] SAO LẠI LÀ BÀI HÁT TRUNG HOA

Nguyễn Thượng Long

“Kính tặng Giáo sư - Nhà giáo

Nhân dân Nguyễn Đăng Mạnh”.

(NTL)

Những ngày này… người Việt Nam, đặc biệt là những người Việt Nam kính yêu Bác Hồ và tôn trọng sự thật đang vô cùng bâng khuâng… khi được biết dư luận xã hội đang trôi nổi câu hỏi: “Hồ Chí Minh lúc lâm chung, ông muốn được nghe câu hát nào? Câu hát Trung Hoa hay câu hát Việt Nam?”. Vào giai đoạn quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đang nồng nàn “hương ngải 16C và 4T” thì ra đáp án cho câu hỏi đó nay lại tréo ngoe nhau như thế này:

clip_image004[6]

Năm xưa: Đời tuôn nước mắt…

Nhiều thế hệ người Việt Nam đã từng vô cùng xúc động khi nghe và hát bài ca “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của cố nhạc sĩ Trần Hoàn. Bài hát này với những ca từ đã đi vào tâm khảm của nhiều thế hệ:

- “Chuyện kể rằng trước lúc người ra đi / Bác muốn nghe một câu hò xứ Huế!”…

- “Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu ví / Nhớ làng Sen từ thuở ấu thơ!”…

- “Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ / Bởi làng Sen day dứt trong tim!”…

- “Lần thứ ba Bác vẫy gọi xung quanh / Bác muốn nghe một đôi làn Quan họ!”…

Vậy mà không hiểu vì lý do gì mà báo Quân đội Nhân dân số xuân Canh Dần 25 – 01 – 2010 lại đưa ra những thông tin rất lạ:

clip_image005[6]

“Chiều hôm đó [31 – 8 – 1969] sức khoẻ của Bác có biến chuyển tốt lên một chút, Bác nói muốn nghe một câu hát Trung Quốc. Các đồng chí đề nghị tôi hát. Tôi nói thật là hát cũng không tốt lắm, nhưng để vui lòng Bác, vì tình hữu nghị Trung-Việt, tôi đã hát một bài hát mà nhiều người thuộc và hát được, bài hát có nội dung chính là ra khơi xa phải vững tay chèo. Bác nghe xong rất vui, Bác nở nụ cười hiền từ. Bác nắm nhẹ tay tôi, tặng tôi một bông hoa biểu thị cám ơn. Đó là lần thứ ba tôi thấy Bác cười. Và đó là nụ cười cuối cùng của Người”.

(Hồi ký của Vương Tinh Minh – Y tá trưởng bệnh viện Bắc Kinh, thành viên tổ bác sĩ Trung Quốc sang Việt Nam chữa bệnh cho Bác Hồ tháng 8 – 1969. Nguyễn Hoà biên dịch)

Chẳng ai ngờ sau chưa đầy 50 năm, viết về thời khắc lâm chung của Hồ Chí Minh giờ lại có những dị bản! Vì sao lại như thế? Đằng sau sự việc này là những toan tính chính trị gì mà lại khơi mào từ báo Quân đội Nhân dân ? ĐCS Việt Nam đã từng dày công xây dựng một Hồ Chí Minh thành một bậc chí thánh,“Cả một đời vì nước vì non!”, không hề màng đến chuyện riêng tư…, hình tượng đó đã từng ăn rất sâu, bám rất chặt trong tâm thức nhiều thế hệ người Việt Nam… vậy mà nay cũng đã xuất hiện những hối thúc rất cần được minh định.

Tôi còn nhớ cách đây vài năm khoảng cuối năm 2008… người ta rỉ tai nhau về sự xuất hiện cuốn “Hồi ký” của Giáo Sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Đăng Mạnh, người sở hữu giải thưởng cấp nhà nước về văn học nghệ thuật. Việc cuốn hồi ký đó ra đời lẽ ra là một hiện tượng bình thường của đời sống văn học, nhưng… chỉ vì sự hiện diện của “Chương 7” viết về cuộc tình của Hồ Chí Minh với một thiếu nữ vùng sơn cước mang tên Nông Thị Xuân và cuộc tình đó đã sớm kết thúc một cách bi thảm ngay từ 1957 mà Nguyễn Đăng Mạnh, người thầy kính yêu của nhiều thế hệ giáo viên văn học đã vấp phải những khổ nạn thật bất ngờ.

Báo chí lề đảng, đặc biệt là các tờ báo Công An, quyết tâm hạ gục tác giả bằng mọi giá và các “Sát Thủ” cầm bút tầm cỡ của tướng quân Hữu Ước như “Nguyễn Văn Lưu – Chu Giang”, “Thượng Nguyên”, “Đỗ Hoàng”, “Nguyễn Hữu Thắng”, “Thanh Trúc”, ‘Đặng Huy Giang”… được lệnh xung trận. Hàng loạt trận “so găng” (boxing) diễn ra hết sức bất công, chỉ có các ngòi bút an ninh là được ra đòn còn tác giả Nguyễn Đăng Mạnh phải ngồi im để chịu trận (xin đọc “Họ là những người vác Thánh Giá - Phần 2” của Nguyễn Thượng Long 2009).

Trong khi vấn đề Chương 7 của hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh chưa được ngã ngũ thì cũng thời gian đó đời sống mạng lại xôn xao vì sự xuất hiện của công trình “Tìm hiểu về cuộc đời Hồ Chí Minh” (Hồ Chí Minh sinh bình khảo) của học giả Hồ Tuấn Hùng, giáo sư sử học người Đài Loan, do nhà xuất bản Bạch Tượng Văn Hoá ấn hành ngày 01 – 11 – 2008 cho biết, người Việt Nam có hai cha già dân tộc, một là cha già Nguyễn Ái Quốc (1890 – 1932) và một cha già là Hồ Chí Minh - Hồ Tập Chương gốc là người Hẹ đến từ Đài Loan (1932 – 1969). Vấn đề càng rắc rối hơn khi gần đây Đại tá Phạm Quế Dương, nguyên Tổng Biên tập báo Phòng Không – Không Quân, đã gửi thẳng lời “Đề nghị làm sáng tỏ vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam hay người Đài Loan?” tới các nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam.

Như vậy, những thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh là không thống nhất, không như những gì mà nhiểu thế hệ người Việt Nam đã được giáo huấn. Lẽ ra vấn đề này rất cần được minh định thì ban lãnh đạo Việt Nam, giới sử gia… lại giữ thái độ im lặng, chấp nhận nợ người dân, nợ vong linh của Hồ Chí Minh một trả lời chính thức và như thế… là người ta quyết định thả nổi vấn đề để mặc ai muốn hiểu thế nào thì hiểu, tin thế nào thì tin.

Hồ Chí Minh là người đầu tiên du nhập học thuyết Mác Lê đầy ảo tưởng và chưa có tiền lệ là thành công ở bất cứ đâu vào Việt Nam… và sẽ hoàn toàn có lý khi nói: Các biến cố chính trị xã hội ở Việt Nam trong già nửa đầu thế kỷ 20 và cả hiện nay… dù là thành công hay là thất bại… đều liên quan đến những hoạt động của ông Hồ. Là một người hoạt động chính trị chuyên nghiệp, một nhân vật lớn, một gương mặt lớn của lịch sử, đương nhiên ông Hồ Chí Minh cùng các cộng sự của ông phải chịu trách nhiệm nhiều vấn đề trong quá khứ và cả hiện tại không chỉ diễn ra trên đất nước Việt Nam mà còn ở cả xứ Đông Dương thuộc Pháp ngày nào.

Lúc lâm chung ông Hồ muốn nghe một câu hát Trung Hoa, kể cả khi ông Hồ Chí Minh không một chút nào dính dáng đến cái ông Hồ Tập Chương người Đài Loan kia thì… điều đó cũng có thể lắm. Bởi người cộng sản quốc tế tầm cỡ như ông Hồ, quê hương của ông là thế giới đại đồng, biên giới lãnh thổ là không có ý nghĩa gì nữa thì việc ông muốn nghe một giai điệu Trung Hoa cũng không phải là điều gì quá đặc biệt. Nhưng nếu điều đó là một sự thật, thì những ai theo chủ nghĩa yêu nước thuần thành, truyền thống, tình cảm với Hồ Chí Minh đã bị một tổn thương quá nghiêm trọng.

Là con người trần gian, việc Hồ Chí Minh có nhiều người thân yêu và cả những người thù ghét ông… điều đó đâu có gì là lạ. Ông cũng có quyền có những chuyện… của những người đàn ông bình thường đến những thâm cung bí sử của các vĩ nhân cùng thời hay hậu thế đã từng có. Nhìn nhận về con người Hồ Chí Minh qua lăng kính bình dân, đời thường như thế thì hình ảnh Hồ Chí Minh càng thật hơn, nhân văn hơn, dễ tin, dễ chấp nhận hơn trong con mắt của người đời.

Có lẽ văn hoá phương Đông không có thói quen chấp nhận lãnh tụ tinh thần của mình phải đối diện với những nghi án của con người thế tục. Trong khi đó ở xã hội dân chủ, không một chính trị gia nào, dù người đó xuất chúng, tầm cỡ đến đâu… cũng không được phép miễn trừ.

Công bằng mà nói, vì lý do lịch sử mà một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn mang quá nặng căn tính của những kẻ bị trị. Vừa thoát khỏi ách cai trị của thực dân Pháp, chưa kịp biết thế nào là “TỰ DO – BÌNH ĐẲNG – BÁC ÁI”, chưa một lần được nhấm nháp “Cái Tôi!” ngọt ngào sau cả đêm trường Pháp thuộc đã phải chấp nhận “Cái Chúng Ta” hết sức bầy đàn, chưa kip hiểu thế nào là các “NHÂN QUYỀN Ở DẠNG PHỔ QUÁT”… đã lại phải sống quá lâu trong sự kìm kẹp hà khắc của một chế độ độc tài, toàn trị còn khắc nghiệt hơn cả thời thực dân, phong kiến. Tâm tưởng luôn luẩn quẩn với những ngộ nhận và một ảo vọng đến thảm thương về một xã hội công bằng, một “THIÊN ĐƯỜNG HẠ GIỚI” mà các nhà Mác xít đã tạo ra… mà quá nhiều người Việt Nam chưa rũ bỏ được tư chất thần dân, chỉ biết rập đầu, quỳ gối trước Thiên tử, chưa thích nghi, chưa hoà nhập được với một thế giới đã phẳng đi rất nhiều so với nhiều thập kỷ trước. Thật buồn… đám đông dân oan đi khiếu kiện, tố cáo quan tham lại lỉnh kỉnh là cờ đỏ cùng những bằng khen, giấy khen, huân huy chương các loại và núp dưới những ô che biểu ngữ:

“Bác ơi! Đảng ơi! Chính phủ ơi! Quốc hội ơi! Thủ tướng ơi!...

Hãy cứu chúng tôi!”.

Với một dân tộc hồn nhiên như thế… để đạt được những mục đích và lợi ích cục bộ, ở phía này, người ta sẵn sàng mô tả Hồ Chí Minh như một bậc chí thánh, một “Thiên Sứ” , một vị “Bồ Tát” mang tính siêu nhiên. Tượng ông được thờ cúng trong chùa cùng với “Đức Phật”, cùng lời sấm “Bò Đái thất thanh / Nam Đàn sinh thánh” là một dẫn chứng đắt giá. Ở phía khác, vì ân oán… lại có những người mạ lị, xúc phạm tới ông Hồ bằng những ngôn từ dung tục cùng với những phủ nhận, quy chụp hết sức bất công… khó có thể chấp nhận. Về phía quản lý nhà nước, tôi nghĩ rằng thái độ né tránh, không dám đối diện với hiện thực, chỉ đối phó lặt vặt, biện giải luẩn quẩn sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cả hai chiều ngộ nhận. Không có gì là bất ngờ cả khi cuộc vận động mọi người sống và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh đã, đang và vẫn sẽ có thể còn diễn ra nhiều lần nữa mà hiệu quả chẳng được là bao. Đạo đức xã hội vẫn tiếp tục suy vi, xuống cấp ở mức không thể chấp nhận được.

Tôi khép lại bài viết này vào những ngày hàng triệu người Việt Nam trong nước đang đau xót tiễn đưa vị tướng “HUYỀN THOẠI”, vị tướng của nhân dân, người học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh về nơi an nghỉ cuối cùng… lại cũng bằng hàng loạt các câu hỏi rất cần được giải mã:

· Là người cộng sản ở thế hệ tiền bối, điều gì đã xẩy ra mà Tướng Giáp đã từ chối nằm cùng với các đồng chí cộng sản của ông trong “Thiên Đường Mai Dịch”, để rồi ông quyết định trở về với quê hương Quảng Bình, mảnh đất đã sinh thành ra ông?

· Người ta đã ăn theo quốc tang Tướng Giáp bằng khẩu hiệu “Vô cùng thương tiếc ĐỒNG CHÍ…”, thế vì sao khi linh xa chở Tướng Giáp chưa đến được nơi cần đến thì cờ tang đã phải vội vã hạ xuống để đón “Sứ Thần” Thiên Triều Lý Khắc Cường! Sao tình cảm lại mâu thuẫn, bất nhẫn và đánh mất lòng tự trọng dân tộc nhanh đến như vậy? Dễ lún như thế, người ta dại gì mà chẳng ngày càng lấn tới! Ai là tác giả của quyết định chưa từng thấy này?

· Trong bối cảnh niềm tin của nhân dân với chế độ đã sụt giảm, hiện tượng đám đông kêu khóc trước cái chết của ông Võ Nguyên Giáp, người đã tham gia tác thành nên chế độ này, cũng đồng thời là Quan Oan cao cấp của chế độ thì ngôn ngữ nước mắt… đã nói lên những điều gì? Khi đưa tiễn các bậc Tiên Đế lúc băng hà, người dân Đại Việt xa xưa có như người Việt Nam và người Bắc Hàn hôm nay không? Hình ảnh đám đông vật vã kêu khóc như thế cho biết đám đông là một khối thuần cảm, nhưng sức mạnh tiềm ẩn xét cho cùng cũng vẫn chỉ là nước mắt!

Những dân tộc sở hữu quá nhiều nước mắt… cũng là những dân tộc phải chịu quá nhiều những bi thảm. Biểu cảm theo phương cách đó, đâu có là phương cách tối ưu làm cho nhà cầm quyền phải bối rối, mủi lòng mà nới lỏng vòng kim cô đang cuốn thít trên đầu dân tộc! Các chủng tộc văn minh liệu sẽ chia sẻ được gì với người Việt Nam cũng như người Bắc Hàn qua những hình ảnh đám đông quằn quại đẫm nước mắt đã từng tràn ngập các trang mạng?

clip_image007[6]

Một khối thuần cảm năm nay…

· Hàn Tín lúc hàn vi, chấp nhận chui qua háng thằng bán thịt giữa chợ để cuối đời trong cương vị Đại Tướng, ông đã giúp Hán Vương Lưu Bang thu phục được thiên hạ. Đại Tướng của chúng ta cũng thờ chữ NHẪN… ông đã bảo toàn được danh giá và an toàn cho mạng sống của mình trước đồng đội, còn chế độ mà ông dốc lòng tạo dựng thì ngày càng khủng hoảng, đất nước mà ông dốc công xây đắp ngày càng liêu xiêu, tụt hậu… nên tiếng khóc của người dân trong lễ tang ông ngoài sự tiếc thương dành cho ông cũng còn là khóc cho chính sự xấu số của mình, của dân tộc mình. Tôi nói như thế có gì là sai không?

Chao ôi! Đất nước tôi, đất nước của biết bao điều “HUYỀN THOẠI” mà theo Từ điển tiếng Việt 2009 của VIETLEX – Trung Tâm Từ Điển Học – Nhà xuất bản Đà Nẵng, thì “HUYỀN THOẠI” nào cũng chỉ là “Câu chuyện không có thật, mang vẻ thần bí, kì lạ do tưởng tượng…”, thế thì bài hát nào mà Hồ Chí Minh muốn nghe trong lúc lâm chung và hiện tượng “Đời tuôn nước mắt - Trời tuôn mưa” cùng những “truyền kỳ…” của thời @ đang vây bủa xung quanh cuộc đời của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp… cũng nằm trong bộn bề của biết bao tín điều cần phải giải mã hay sao?

Trong những ngày tháng cuối năm này, tôi vẫn đinh ninh rằng, kể cả khi phải nghe những trả lời có thể dẫn tới mặc cảm bất hạnh đến thế nào… thì bản lĩnh của giống nòi Lạc Việt được hun đúc suốt chiều dài lịch sử nhiều nghìn năm… vẫn còn đủ mạnh để giúp chúng ta, những người Việt Nam của thế kỷ 21 không thể gục ngã. Dân tộc, tuy mắc phải hội chứng mau nước mắt, nhưng vẫn dư thừa nội lực để bảo nhau đứng dậy và đi lên dù hành trang có thể sẽ còn tiếp tục được lấp đầy là những giải mã cay đắng và bất ngờ đến như thế nào./.

Tháng 10 - 2013

Hà Đông, những ngày Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp

N. T. L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn