Biển Đông – Cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á (Kỳ 15)

Bill Hayton

Phan Văn Song dịch

Hoàng Việt hiệu đính

Chương 6 (tiếp theo)
K
èn trống và Biểu tượng:
Chủ nghĩa D
ân tộc

(Drums and Symbols: Nationalism)

Xung quanh bờ Biển Đông nhiều cộng đồng “người Hoa” khác, - chủ yếu là con cháu của những người Phúc Kiến tạm cư khác, bị làm khó dễ, luôn tới mức thật khó chịu, với câu hỏi về lòng trung thành của họ cứ lặp đi lặp lại. Mức được thua cao nhất có lẽ là ở Indonesia, nơi mà vào tháng 5 năm 1998 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính châu Á đã xảy ra cuộc bạo loạn, người Indonesia gốc Hoa bị đặc biệt nhắm vào - một phần là do thành phần khiêu khích trong quân đội đang tìm cớ để đảo chính - mà còn do những đám đông hỗn tạp trên đường phố. Hàng trăm người gốc Hoa đã bị giết chết trong bạo loạn và hàng ngàn người khác phải bỏ đất nước ra đi – mang theo vốn đầu tư trị giá khoảng $ 20 tỉ. Nhưng trong những năm sau đó, vị trí của những người ở lại và sống sót đã được cải thiện đáng kể. Văn hóa Trung Hoa được tán tụng, phân biệt đối xử đã giảm và thịnh vượng đã trở lại. Các tranh chấp ở Biển Đông hầu như không liên quan đến họ dù TQ yêu sách một phần vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia gần quần đảo Natuna. Kể từ khi quân đội Indonesia phô diễn sức mạnh ngoài khơi mùa hè năm 1996 (xem Chương 3) Bắc Kinh đã thận trọng trong việc công khai theo đuổi tham vọng. Kết quả là vấn đề không tạo ra xúc cảm lớn lao nào trong cả nước. Khảo sát của Pew năm 2013 cho thấy 70 % người Indonesia có cái nhìn thuận lợi với TQ, so với 61 % với một cái nhìn tích cực với Mỹ. Chỉ có 3 % xem TQ như một kẻ thù.

Trên bản đồ, và đôi khi trên biển, người Malaysia có thể có nhiều lý do để lo ngại về tranh chấp. Nước này yêu sách 12 thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa và đã chiếm đóng 5 trong số đó - tất cả đều bên trong “đường chữ U”. Nằm ngay bên trong EEZ của họ là Bãi James – người Malaysia gọi là Beting Serupai, TQ gọi là Zengmu Ansha (Tăng Mẫu Ám Sa) - nơi mà Bắc Kinh chính thức tuyên bố là điểm cực Nam lãnh thổ của họ, mặc dù nó dưới mặt biển 22 mét và cách TQ “thuần tuý” (proper) hơn 1 500 km. Tàu TQ gây gián đoạn công việc khảo sát dầu ngoài khơi Sarawak, ngay bên trong EEZ của Malaysia, hai lần vào tháng 8 năm 2012 và một lần nữa vào ngày 19 tháng 1 năm 2013. Tuy nhiên, ngay cả khi tàu hải quân TQ dừng lại tại bãi ngầm này hồi tháng 3 năm 2013 để cố củng cố yêu sách của họ, sự cố đó cũng không khuấy động nhiều cảm xúc. Nếu lưu ý rằng việc này chỉ xảy ra một tháng trước cuộc tổng tuyển cử cạnh tranh nóng bỏng thì đây có thể là một thời điểm để vấn đề đó có thể được khai thác cho mục đích chính trị - nhưng không có điều đó.

Cheng Chwee Kuik, giảng viên Nghiên cứu Chiến lược tại Đại Học Quốc Gia Malaysia và là một chuyên gia về quan hệ với TQ nói “người Malaysia bận tâm nhiều hơn về những vấn đề thiết thân hàng ngày như công bằng xã hội, tham nhũng, quản trị, trách nhiệm, chính trị theo nhóm dân cư (identity politics) và an toàn công cộng”. Trong những năm gần đây một xã hội dân sự ngày càng quả quyết đã xuống đường đòi hỏi có được tiếng nói lớn hơn trong chính trị đất nước, nhưng câu hỏi về Biển Đông lại không nằm trên khẩu hiệu hoặc biểu ngữ của họ. Trên thực tế người Malaysia đã lên tiếng mạnh bạo đối với một thỏa thuận chính phủ hồi tháng 6 năm 2012 về việc thuê cặp gấu trúc Feng Yi (Phong Ấp)và Fu Wa (Phúc Oa)- của TQ với chi phí có vẻ quá đắt tới 20 triệu Ringgit ($ 6 triệu) để kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Nhưng việc lạm dụng đó chỉ đổ lên đầu của thủ tướng Malaysia chứ không phải Bắc Kinh.

Không có vẻ rằng vấn đề về quan hệ với TQ sẽ nổi lên trong chiến dịch tranh cử vì một lý do đơn giản: tiền mặt. Từ năm 2009, TQ đã là đối tác thương mại thương mại lớn nhất của Malaysia. Giao thương hai chiều trị giá $ 90 tỷ trong năm 2011 với mức thặng dư $ 30 tỷ nghiêng về phía Malaysia. Cả chính phủ lẫn phe đối lập Malaysia đều không có lợi ích nào trong việc làm xáo trộn điều đó. Kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, tầng lớp cai trị lớp trên của Malaysia đã ve vản TQ cả về kinh tế lẫn ngoại giao - và đi vào một mối quan hệ đôi bên cùng thỏa mãn. TQ đã mở cửa cho các công ty của Malaysia và các công ty Malaysia đã đáp trả sự ủng hộ bằng đầu tư và tạo việc làm. TQ thậm chí đã cung cấp viện trợ phát triển cho dù tính theo cơ sở GDP đầu người thì Malaysia giàu hơn họ nhiều. Tại Putrajaya, trung tâm hành chính liên bang, kết quả thuần là mong muốn xử lý các quan hệ với Bắc Kinh lặng lẽ và không có sức ép dân chúng. Bên ngoài chính phủ cũng không có chút mong muốn thúc đẩy tình cảm chống TQ: chỉ kiếm được vài phiếu khi tấn công vào nguồn lợi tức xuất khẩu chính của đất nước. Không có gì thôi thúc để khua trống trên đường phố phản đối các vi phạm vô hình tới chủ quyền quốc gia, không có lãnh thổ bị mất cũng không có đổ máu. Trong cuộc khảo sát Pew năm 2013, Malaysia (với Pakistan) là nước ủng hộ TQ nhất thế giới, với 81 % dân số có cái nhìn tích cực (so với 55 % đối với Mỹ).

Kết quả này là một tin tốt đối với phần tư dân số Malaysia có tổ tiên là người TQ. Trong nhiều thập kỷ sau độc lập, tầng lớp bên trên gốc Malaysia coi cộng đồng người Hoa hoặc là quá chi phối về kinh tế hoặc là cộng sản phá hoại. Thành viên của cộng đồng người Hoa thiểu số phẫn nộ các quy định và các thông lệ vẫn gò bó họ vào lớp công dân hạng hai. Quan hệ giữa các cộng đồng này đã được thử thách lần nữa sau cuộc bầu cử năm 2013 khi một số nhân vật trong đảng cầm quyền gọi kết quả sát sao như là cơn “sóng thần Trung Hoa” sau khi phe đối lập thắng ở những đơn vị người Hoa chiếm đa số. Tuy nhiên, một cái nhìn cặn kẽ hơn cho thấy liên minh đối lập Pakata đã thật sự thu được sự ủng hộ của khắp các cộng đồng thiểu số. Dù sự thù ghét vẫn còn dai dẳng ở một số khu vực, người Hoa thiểu số nói chung đang được bênh vực vừa như là một bộ phận không thể thiếu của xã hội Malaysia vừa như là một cầu nối văn hóa đến thị trường siêu khổng lồ phía bên kia biển.

Singapore là độc đáo trong khu vực Đông Nam Á vì có người Hoa là sắc dân đa số, chiếm ba phần tư dân số. Đó là lý do chính đằng sau việc nước này tách ra khỏi liên bang Malaysia vào năm 1965. Kể từ đó, đảng cầm quyền của Singapore đã nỗ lực để tạo ra một “cộng đồng tưởng tượng” riêng – một cộng đồng mà công dân của một đất nước thành phố, con cháu của một kết hợp giữa tự do mua bán Anh và kinh doanh TQ, có thể đi vào trái tim của họ. Họ tìm ra một cộng đồng hợp với kích cỡ nhỏ bé của mình. Cựu Tổng thống B. Habibie của Indonesia từng nói tới nước này như “dấu chấm đỏ nhỏ đó” và những người khác đã gọi nó là “hạt đậu nằm trong cái kẹp” giữa hai nước láng giềng lớn hơn nhiều với dân Hồi giáo đa số. Điều đó tạo cho toàn bộ đất nước một cảm giác là một thiểu số và khiến cho việc phải sống còn là một mệnh lệnh quốc gia. Sự tương tự với hình ảnh tự thân của Israel là rõ ràng, và ngay từ độc lập, hai nước có chung sự tinh thông về quân sự và một học thuyết quốc phòng dựa trên chế độ tòng quân bắt buộc và quân dự bị.

Singapore “Hoa” mức nào? Tại một trong nhiều hội nghị về Biển Đông vốn tăng lên nhanh chóng trong vài năm qua, một cựu quan chức ngoại giao Singapore rất cao cấp tâm sự với tôi rằng “đây là nước[không Trung Hoa] duy nhất do người Hoa điều hành”, lên án việc Singapore và các nước Đông Nam Á khác tham gia nỗ lực do Mỹ đứng đầu định đặt một giải pháp pháp lý cho các tranh chấp. “TQ không quan tâm đến những trò chơi này”, ông nhấn mạnh. Các nhà ngoại giao trẻ tại hội nghị đã khẳng định rằng đây là quan điểm của thế hệ cũ, bài bác suy nghĩ của ông là lỗi thời. Tuy nhiên, cựu quan chức ngoại giao Singapore Kishore Mahbubani, bây giờ là một học giả và nhà bút chiến ủng hộ “Thế Kỷ Châu Á” hiện nay của chúng ta, cho rằng điều đó quả nắm bắt sự thật cốt lõi về Singapore. Là người gốc Ấn Độ, Mahbubani vốn từ một sắc dân nhỏ trong một nước nhỏ và ông hiểu thế lưỡng nan mà điều đó mang lại. Mặc dù đã bắt rễ sâu ở Singapore, ông công nhận cộng đồng tưởng tượng đó vẫn còn tồn tại trong xã hội tạp chủng của họ. “Nếu như có một cuộc chiến tranh rõ rệt giữa Mỹ và TQ thì không có cách nào mà Singapore có thể tham gia một cuộc chiến chống lại TQ - người dân sẽ không ủng hộ nó. Nhưng đồng thời, về mặt thái độ ngoại giao, Singapore chắc chắn rất cẩn thận và ứng xử theo nhiều cung bậc. Chúng tôi không thiên Mỹ cũng không thiên TQ. Chúng tôi thiên Singapore”. Tại một hội nghị ở một khách sạn sang trọng khác, Chủ Tịch Viện Các Vấn Đề Quốc Tế Singapore, Simon Tay, chia sẻ một từ mới mà ông mới nghĩ ra để mô tả vị trí chính trị mà ông cho rằng Singapore nên theo: “equiproximate” (đẳng cận) với cả TQ lẫn Mỹ.

**********

Ba tuần sau khi Bayan và Akbayan tập hợp những người ủng hộ họ xuống đường ở Manila, một lực lượng đối kháng đã huy động bên ngoài toà đại sứ Philippines tại Bắc Kinh. Thanh niên cuồng nộ TQ tụ tập để bảo vệ quyền lợi của đất nước họ ở Bãi Scarborough (hay Huangyan [Hoàng Nham] theo cách gọi của họ). Cuộc biểu tình, vào Thứ Bảy 12 tháng 5 năm 2012, rất nồng nhiệt - và nhanh chóng bị nhà chức trách đè bẹp. Nó không kéo dài bởi vì chỉ có năm người có mặt (trong số 20 triệu dân Bắc Kinh). Mặc dù số người tham dự ít thảm hại, Tân Hoa Xã nghĩ rằng sự kiện này xứng đáng để đưa tin không những trên báo mà cả trên kênh truyền hình CNC của họ. Nhưng tại sao người biểu tình chỉ ló mặt trên đường phố đầy lá bên ngoài toà đại sứ sau khi vụ việc bắt đầu rất nhiều ngày? Đó có phải hoàn toàn là một sự bùng nổ tự phát của chủ nghĩa dân tộc quyết đoán không?

Hôm Thứ Ba trước ngày biểu tình, Bộ Ngoại Giao TQ công bố toàn văn bản trách cứ đại sứ Philippines, trong đó họ đổ lỗi cho chính phủ của ông “ phạm những sai lầm nghiêm trọng và ... tăng cường nỗ lực leo thang căng thẳng”. Chiều tối hôm đó Bộ Ngoại Giao cảnh báo các công dân TQ ở Philippines nên ở trong nhà và tránh xa những cuộc “biểu tình chống TQ”, và Truyền Hình Trung Ương TQ đưa tin một cảnh báo từ Toà Đại Sứ TQ ở Manila về các cuộc tuần hành quy mô lớn chống TQ dự kiến sẽ xảy ra ở thành phố này vào cuối tuần. Ngày đó kết thúc với tờ báo lá cải yêu thích của những người dân tộc chủ nghĩa TQ, Huanqiu Shibao (Thời Báo Hoàn Cầu), đăng một bài xã luận nói rằng sẽ là một phép lạ nếu không có sự xung đột giữa hai nước. Hôm Thứ Tư, cảnh báo về Manila là chuyện hàng đầu trên bốn trong số năm trang tin tức chính tên mạng và trang microblog weibo (vi bác -tương tự trang Twitter). Nhớ rằng các cơ quan chức năng có xu hướng ngăn chặn những nội dung mà họ không thích trên weibo nên điều trên chỉ có thể xảy ra với sự chấp thuận chính thức. Và điều tệ hại cuối cùng là trong cuộc họp báo thường kỳ người phát ngôn Bộ Ngoại Giao cảnh báo rằng vấn đề này đã dẫn đến một phản ứng mạnh mẽ và sự chú ý trong công chúng TQ ở trong và ngoài nước.

Có thể giải thích chiến dịch cố ý kích động sự phẫn nộ dân tộc chủ nghĩa này thế nào? Hai câu trả lời xuất hiện từ những bằng chứng. Thứ nhất, chiến dịch này trùng đúng với thời gian nhà hoạt động nhân quyền mù, Chen Guangcheng (Trần Quang Thành), xin tị nạn ở Toà Đại Sứ Mỹ tại Bắc Kinh. Thứ hai, việc khó xử này xảy ra một tháng sau khi cựu Bí Thư Trùng Khánh đầy tai tiếng, Bạc Hi Lai, đã bị khai trừ khỏi Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị vì hành động sai trái. Trái ngược với vụ bế tắc Bãi Cạn Scarborough, việc đưa tin về hai màn kịch này đã bị đè nén mạnh mẽ, cả trên báo chí lẫn trên các trang mạng xã hội TQ. Chiến dịch truyền thông chống lại Manila có thể một phần là một cách tốt để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi một vấn đề nội bộ nhưng không giải thích tất cả mọi thứ.

Có lẽ điều đáng chú ý nhất về màn kịch này, trong điều kiện có các quan ngại về ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc dân tuý ở TQ, là sự nhỏ bé về phản ứng công chúng. Dù có hai ngày đưa tin ở mức ưu tiên cao - bao gồm một phóng viên truyền hình được phép đến cắm cờ ở bãi cạn hôm Thứ Năm nhờ việc TQ phong tỏa ở đó và việc Tân Hoa Xã đăng lại các tường thuật của báo chí nước ngoài rằng quân khu phía Nam đã chuyển sang thời chiến hôm Thứ Sáu – nhưng chỉ có 5 người có mặt trước Toà Đại Sứ Philippines vào ngày Thứ Bảy. Sự phẫn nộ đầy rẫy trên mạng nhưng không có điều gì làm xáo trộn sự yên bình xã hội. Trong nhiều giai đoạn căng thẳng quốc tế trước đây nhà chức trách TQ đã cho phép, và đôi khi khuyến khích biểu tình trên đường phố. Có những cuộc biểu tình phản đối các cuộc tấn công vào những cư dân gốc Hoa ở Indonesia vào năm 1998, sau khi Mỹ ném bom Toà Đại Sứ TQ tại Belgrade năm 1999, sau khi Nhật Bản sửa đổi sách giáo khoa lịch sử năm 2005, sau các cuộc biểu tình ủng hộ người Tây Tạng phản đối đợt rước đuốc Olympic ở Châu Âu năm 2008, và trong cuộc bế tắc với Nhật Bản tại quần đảo Senkaku / Điếu Ngư năm 2010 và 2012. Trong mỗi trường hợp, các quan chức đều được phép biểu tình. Nhưng tháng 4 năm 2012 chẳng có ai.

Việc thiếu vắng các cuộc biểu tình đường phố không phản ánh mức độ quan tâm thấp về vấn đề này. Cuối năm 2013 Andrew Chubb, một nhà nghiên cứu Australia về hoạch định chính sách đối ngoại củaTQ, tiến hành cuộc điều tra thương mại về thái độ công chúng đối với Biển Đông. Kết quả cho thấy 53 % người dân TQ chú ý hay rất chú ý tới những diễn biến, chỉ hơi thấp hơn so với 60 % người nói điều tương tự về tranh chấp ở Biển Hoa Đông vốn đã gây bạo loạn nghiêm trọng năm trước. Về mặt tiềm năng, đây là một dân số có thể xuống đường vì các vấn đề ở Biển Đông. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra. Chubb tin rằng việc cố ý làm tăng sự phẫn nộ đối với Bãi Cạn Scarborough Shoal ngay lập tức được theo sau bởi sự đè nén mạnh bạo biểu tình đường phố cho thấy tình cảm dân tộc đã bị thao túng có chủ đích.

Giai đoạn này được đánh dấu bởi những lời bình luận diều hâu và đôi khi dọa nạt thường xuyên trên phương tiện truyền thông TQ bởi một nhóm nhỏ sĩ quan quân đội đương chức hoặc về hưu. Trong một bài viết ngày 26 tháng 4 năm 2012 về bế tắc Bãi Scarborough, Thiếu tướng Luo Yuan (La Viên) tuyên bố rằng “Philippines “đã bắn phát súng đầu tiên” về mặt chiến lược. Philippines phải trả giá cho điều này và chúng ta không thể để cho ví dụ này được thiết lập như thể sau khi họ kích động chúng ta xong họ có thể quay trở lại bình ổn qua thương lượng”. Chỉ tính riêng bài viết này, có hàng trăm ngàn người sử dụng weibo và và các trang web tin tức đã tham gia bình luận. Một bình luận viên truyền hình nổi tiếng khác là Đại Tá Không Quân Dai Xu (Đái Húc). Ngày 28 tháng 8 năm 2012, Thời Báo Hoàn Cầu đăng một bài viết của Đái Húc gọi VN, Philippines và Nhật Bản là “ba con chó chạy rong của Mỹ ở châu Á”. Ông tuyên bố “Chúng ta chỉ cần giết một con, thì ngay lập tức hai con khác phải vào khuôn khổ”. Đái Húc đã viết thậm chí nhiều bài sắt máu hơn dưới bút danh Long Tao (Long Thao). Trong một bài, ông cảnh báo các nước Đông Nam Á (không nêu rõ tên) không được khai thác hydrocarbon (dầu khí) bên trong “đường chữ U”, khi mà những giàn khoan dầu với tháp cao đó biến thành đuốc lửa liệu ai sẽ bị tổn hại nhiều nhất?

Các sĩ quan này đã dành gần như toàn bộ sự nghiệp của họ trong các học viện quân sự đảm bảo cho quân đội theo đúng đường lối của Đảng. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Phương Nam Cuối Tuần (Southern Weekend) tháng 4 năm 2012, Thiếu tướng La Viên giải bày: “Quân đội này được Đảng ta tạo ra, và từ khi chúng ta sinh ra mỗi người trong chúng ta phải biết chúng ta sống để làm gì, chúng ta tồn tại vì đâu”. La Viên thuộc tầng lớp quý tộc cộng sản: cha ông, Luo Qingchang (La Thanh Trường), là cựu giám đốc tình báo nước ngoài của Đảng. Đại tá Đái Húc cũng có các quan hệ thú vị. Khi viết dưới tên Long Tao, Đái Húc thường mô tả chính mình như là một nhà phân tích chiến lược cho một nhóm chuyên gia mù mờ gọi là Quỹ Ủy Ban Năng Lượng TQ (CEFC). CEFC do Ye Jianming (Diệp Kiến Minh) đứng đầu. Từ năm 2003 tới 2005, Ye là phó giám đốc chi nhánh Thượng Hải của Hội Liên Lạc Hữu Hảo Quốc Tế TQ (CAIFC). CAIFC được các nhà quan sát TQ, chẳng hạn như nhóm chuyên gia Đề Án 2049 có trụ sở tại Washington, coi là một tổ chức bình phong của bộ phận tình báo quân sự chủ chốt: Ban Liên Lạc của Tổng cục Chính trị Quân Giải Phóng Nhân Dân. Andrew Chubb tin rằng Ye có thể là cháu trai của cựu lãnh đạo Hải Quân, Ye Fei (Diệp Phi), hoặc cũng có thể là con của cựu giám đốc Ban Liên Lạc, Ye Xuanming (Diệp Huyền Minh).

Nói cách khác, ít nhất là hai diều hâu quân sự nổi tiếng nhất của TQ có những quan hệ cá nhân trực tiếp với trung tâm tình báo quân sự và tuyên truyền TQ. Qua việc thừa nhận của chính họ, những “diều hâu” này đang hoạt động trong vòng kỷ luật của Đảng Cộng sản và quân đội, và với việc họ tiếp cận dễ dàng với các phương tiện truyền thông, vai trò của họ dường như là để đồ đậm hình ảnh của một TQ dọa nạt. Tại sao lãnh đạo Bắc Kinh muốn phóng to những tiếng nói như vậy? Câu trả lời rất có nhiều khả năng đúng nhất là chúng phục vụ hai mục đích hữu ích: trong nước và quốc tế. Chúng thúc đẩy tình cảm yêu nước trong dân chúng và cũng khuyến khích “tuổi trẻ nổi giận” xả bớt tức bực trên mạng. Điều đó cho phép lãnh đạo viện cớ rằng họ theo đường lối cứng rắn là do áp lực trong nước - một cái gì đó giúp họ mạnh tay trong xử sự với các nước khác. Chúng cũng tạo ra ấn tượng rằng các “diều hâu” đại diện cho một nhóm thực sự trong quân đội, họ có thể giành lấy quyền kiểm soát việc hoạch định chính sách. Nếu như các chính phủ khác, đặc biệt là Manila và Washington, trở nên ngại kích động hành động phi lý của đám “diều hâu” này thì quyết tâm chính trị của họ có thể sẽ bị suy yếu. Nói cách khác, một trong những vai trò của “diều hâu truyền thông” là hù dọa các đối thủ trong khu vực và thổi phồng những cái mà TQ thiếu thốn trong sức mạnh quân sự thực tế. Họ cũng làm cho chiến lược tổng thể của TQ mờ ảo hơn và do đó khó chống lại hơn. Theo đó, chủ nghĩa sô vanh hiếu chiến, trên truyền thông, không nhất thiết là một dấu hiệu cho thấy các lãnh đạo Bắc Kinh đang vật vã để kềm chế làn sóng chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà cho thấy họ sử dụng cẩn thận tình cảm dân tộc chủ nghĩa như một công cụ ngoại giao. Nếu cho phép biểu tình trên đường phố, lãnh đạo của Đảng sẽ phải đối mặt với cùng vấn đề như đối tác VN: nguy cơ biểu tình vượt khỏi tầm kiểm soát. Việc phê phán hung hăng trên mạng dễ dàng dập tắt đi một khi tính hữu dụng của nó đã khai thác hết. Bắc Kinh thích vẻ bề ngoài bị công chúng gây sức ép mà không có sự đe dọa nào cho trật tự công cộng hơn.

Cũng như ở VN, rõ ràng là có một bộ phận đáng kể trong dân chúng cảm nhận sâu sắc về Biển Đông, nhưng đó không phải là cái dẫn dắt chính sách của TQ. Ở cả hai nước, không phải quần chúng đẩy chính phủ vào đối đầu mà là chính phủ sử dụng chủ nghĩa dân tộc để thúc đẩy xa hơn chương trình hành động của riêng họ. Hai đảng cộng sản TQ và VN tìm kiếm hai loại tính hợp pháp: vật chất và tâm lí. Cả hai ban lãnh đạo phải đem lại cho dân chúng mức sống tăng lên và cũng phải chứng tỏ họ có đủ phẩm chất đạo đức để cai trị. Cả hai đảng phải đối mặt với cùng mối đe dọa sống còn - suy giảm sự ủng hộ của nhân dân nếu họ không đem lại sự thịnh vượng và sự có mặt của đối thủ giành ngôi của họ. Họ hi vọng một vị thế mạnh mẽ ở Biển Đông sẽ đem tới quyền khai thác các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cũng chứng tỏ ưu thế của mình so với những kẻ phê phán họ. Để củng cố quyền cai trị, cả hai đảng đều đề cao các phiên bản lịch sử chính thức tô vẽ họ như là cứu tinh của dân tộc.

Năm 1991, hai năm sau khi nghiền nát cuộc biểu tình dân chủ Thiên An Môn, lãnh đạo Đảng TQ tiến hành một chiến dịch “giáo dục lòng yêu nước” để “thúc đẩy tinh thần dân tộc, tăng cường sự gắn kết, bồi dưỡng lòng tự trọng và tự hào dân tộc, củng cố và phát triển mặt trận yêu nước thống nhất trong phạm vi rộng nhất có thể, cùng chỉ đạo và tập hợp niềm đam mê yêu nước của quần chúng vào sự nghiệp vĩ đại xây dựng CNXH với đặc sắc TQ”. Hai mươi năm sau, vào ngày 1 tháng 3 năm 2011, bảo tàng quốc gia của TQ tại Quảng Trường Thiên An Môn ra mắt triển lãm lớn thường xuyên mới, “Con đường đi tới Hồi Sinh”. Dàn trải trên hai tầng cuối đầu Bắc của bảo tàng, các hình ảnh trưng bày có độ nét cao và các màn chiếu toàn cảnh kể lại câu chuyện về thế kỷ bị sỉ nhục từ Chiến tranh Nha Phiến lần đầu năm 1840 đến thắng lợi của cách mạng dân tộc năm 1949 và xa hơn nữa. Giám đốc triển lãm Cao Xinxin (Tào Hân Hân) nói với các nhà báo rằng mục đích của nó là “để cho khách viếng thấy những cảnh thực sự đã xảy ra trong lịch sử”. Mười tám tháng sau đó, nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản mới lên nắm quyền, Tập Cận Bình, đã chọn triển lãm là địa điểm để phát động ý tưởng lớn của ông – “Giấc mộng TQ”.

Từ phòng học ở các địa phương đến bảo tàng quốc gia, lãnh đạo đã ra sức tuyên truyền cho quan điểm rằng lịch sử hiện đại của TQ trước khi Đảng nắm quyền là đáng tủi hổ. Dù phần lớn thông điệp là về việc tự hào với những thành tựu hiện đại của đất nước, nó được củng cố bởi một cảm giác về xâm phạm cá nhân trước việc chia cắt lãnh thổ đất nước và việc xâm phạm tập thể nhân dân TQ dưới bàn tay của người nước ngoài. Câu chuyện này, đến lượt nó, bây giờ là nền tảng cho cuộc thảo luận chính về vấn đề lãnh thổ. Bất kỳ chất vấn nào về nó đều gây ra một phản ứng nghiêm khắc. Năm 2006, Tạp chí hàng tuần Băng Điểm của Đoàn Thanh niên Cộng sản đã đóng cửa hai tháng sau khi đăng một bài viết của giáo sư triết học nghỉ hưu, Yuan Weishi (Viên Vĩ Thì), trong đó ông nói rằng phiên bản lịch sử dạy trong các trường học của nước này giống như “uống sữa sói”. Ông lập luận “Nếu những đứa trẻ thơ ngây uống phải các viên thuốc giả thì chúng sẽ sống với những định kiến trong cuộc sống riêng và đi theo con đường sai lầm”. Đảng không đồng ý và chỉ cho phép tạp chí mở lại nếu nó đăng một bài viết dài đặt giáo sư này trở lại vị trí của mình.

Kết quả là các cuộc thảo luận về Biển Đông, dù ưu tú hoặc dân giả, dân tộc hay tự do, bây giờ đều diễn ra trong một diễn trình bắt đầu bằng việc giả định rằng các đảo đó đương nhiên là của “chúng ta”- một phần không tách rời của Tổ quốc từ xa xưa - và người nước ngoài đã vô cớ lấy chúng từ tay “chúng ta”. Tuổi trẻ nổi giận trên mạng lẫn việc hoạch định chính sách của tầng lớp bên trên đều đứng trên nền tảng đó. Quan trọng hơn, trên thực tế nó tạo ra một chuyện kể quốc gia đong đếm tính hợp pháp của tầng lớp cầm quyền theo thành quả việc làm của họ đối với các đảo nhỏ này. Khi nhà nghiên cứu Norway Leni Stenseth hoàn thành luận văn về đề tài này năm 1998, cô có thể lập luận rằng “xung đột Trường Sa chỉ tới một mức độ bị giới hạn trong một diễn trình chủ nghĩa dân tộc chính thức”, vì sự thiếu vắng tương đối các bài viết về chủ đề này trên báo chí chính thức. Mười sáu năm sau, tình hình đã thay đổi đáng kể: nhiều bài viết tuôn ra hàng ngày trên báo giấy, trang mạng và các phương tiện phát sóng. Trong cuộc đua tranh bằng lời giành ngôi vị với các bên tranh chấp đối thủ ở Đài Bắc không có cách nào mà Bắc Kinh có thể thực hiện việc rút lui có trật tự khỏi vị thế đối với Biển Đông mà không bị một dạng khủng hoảng nào đó về tính hợp pháp.

Giáo sư Kinh Tế Chính Trị Quốc Tế Zha Daojiong (Tra Đạo Quýnh), hoà nhã nhưng đanh thép của Đại Học Bắc Kinh, củng cố thêm rằng lập trường của TQ ở Biển Đông không phải do bị chủ nghĩa dân tộc đại chúng lôi kéo mà do nhu cầu tín nhiệm của lãnh đạo - ở nước ngoài và trong nước. Ông nói với tôi”Đó là việc đứng vững, chứ không phải dậm chân và vung tay lên trời mà chẳng làm gì cả”. Đối với ông, bước chuyển quan trọng xảy ra vào tháng 9 năm 2008, một tháng sau thắng lợi của Thế Vận Hội Bắc Kinh, khi 40 000 nhà đầu tư Hồng Kông tính chung mất $ 2,5 tỷ khi ngân hàng Mỹ Lehman Brothers sụp đỗ. Mặc dù ba năm sau đó hầu hết tiền của họ được trả lại, cú sốc này đã gây ra thiệt hại không thể khắc phục được đối với lòng tin của tầng lớp bên trên TQ về cách người Mỹ điều hành công việc thế giới. Trước đó, theo giáo sư Zha, các nhà hoạch định chính sách TQ vui vẻ sử dụng từ ngữ và cách nghĩ của phương Tây. Sau đó, đã có một sự đánh giá lại.

Chính trong thời gian này mà khái niệm về “Mô hình TQ” thay thế bắt đầu cất cánh. David Bandurski thuộc Đề Án Truyền Thông TQ đặt tại Đại Học Hong Kong tính rằng cụm từ này được sử dụng trong khoảng 500 tiêu đề trên mạng năm 2007, khoảng 800 năm 2008, nhưng sau khi có sự thúc đẩy của Tân Hoa Xã, con số này tăng gấp bốn lần lên đến 3 000 vào năm 2009. Kể từ đó cụm từ này đã bớt thông dụng – bị thay bằng “Giấc mơ TQ” của Chủ Tịch Tập Cận Bình - nhưng ý thức về tính đặc biệt vẫn kéo dài. Bandurski gọi đó là một “diễn trình về sự vĩ đại”, hoặc shengshi huayu (thịnh thế hoa vũ). Giáo sư Yuan truy nguồn gốc của nó từ sự bùng nổ chủ nghĩa dân tộc ban đầu vào thế kỷ XIX, cho rằng cảm giác về sự công chính đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một thừa kế tinh thần.

Về cốt lõi, việc phát triển lý lẽ của TQ phản chiếu lý lẽ của Hoa Kì: cả hai bây giờ chia sẻ một diễn trình bán chính thức, một hệ tư tưởng quốc gia, về [việc họ là] “ngoại lệ”. Niềm tin quốc gia của Mỹ – được công chúng lẫn tầng lớp bên trên cùng chia sẻ - về “vận mệnh hiển nhiên” của đất nước mình là truyền bá tự do khắp thế giới đang ngày càng ăn khớp với lý lẽ chính thức của TQ về sự công chính (righteousness) trong quan hệ quốc tế. Ý thức về sự công chính này - kết hợp việc bị hiếp đáp (victimhood) với việc tự tôn (superiority) - ngày càng có vẻ giống như hống hách đối với các nước nhỏ hơn ở đầu nhận. Và cuối cùng, cách tự nhìn nhận không phê phán này có thể làm vô hiệu toàn bộ dự án. Nó có thể kích động các nước trong khu vực chống lại các bước tiến của Bắc Kinh.

Bây giờ, “tuổi trẻ nổi giận” của các nước quanh Biển Đông đang đánh nhau trên phần bình luận của các trang mạng tin tức bằng tiếng Anh. Khi căng thẳng gia tăng ngoài biển thì sự nồng nhiệt sôi sụt trên mạng. Cộng đồng tưởng tượng mới đang được hun đúc trong việc đăng bài và cháy rực, và các hố phân chia mới được đào sâu thêm. Việc khua trống và vẩy biểu tượng là nguồn trời cho dành cho các biên tập viên muốn chuyển các tranh chấp thú vị đến khán giả kém hiểu biết, nhưng chúng lại là một hướng dẫn tệ hại về thực tế. Chính phủ TQ và VN ít khi bị ảnh hưởng bởi dư luận trong các vấn đề về chính sách đối ngoại, còn các cơ hội của một phong trào dân tộc gắn bó trở nên có ảnh hưởng hơn ở Philippines là xa vời, và ở các nơi khác trong khu vực có rất ít sự quan tâm của công chúng về các tranh chấp này. Chính vì lợi ích của tất cả các chính phủ này khiến họ làm như thể đang bị những người quốc gia nóng nảy tấn công đến mức thậm chí có thể buộc phải thực hiện điều có vẻ như là hành động dại dột nếu họ làm tăng sức nặng trước các đối thủ. Những phô diễn về sức mạnh này chắc chắn mang theo nguy cơ kích động xung đột do nhầm lẫn. Tuy nhiên cho đến nay nguy cơ lớn nhất đối với hòa bình và an ninh ở Biển Đông không phải là chủ nghĩa dân tộc nổi giận trên đường phố mà là sự tác động qua lại của các tranh chấp khu vực với sự đối đầu ngày càng tăng giữa hai cường quốc lớn trong khu vực.

B.H.

Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn