Âm mưu thâm độc của Đặng Tiểu Bình khi phát động cuộc chiến 1979

Phạm Viết Đào


BVN rất tán thành chủ trương “bỏ qua quá khứ hướng tới tương lai” của Nhà nước Việt Nam hiện nay trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, nhưng không vì thế mà về phương pháp nhận thức lịch sử, chúng ta lại phải xóa sạch những sự kiện đã từng diễn ra trên biên giới phía Bắc đất nước chúng ta cách đây 31 năm và từ lâu đã đi vào tình cảm thiêng liêng của 85 triệu con dân Việt Nam, hiện diện  trên bàn thờ của hàng vạn gia đình người Việt; hoặc có thái độ sợ sệt khi đề cập đến những sự kiện chấn động đó, đến nỗi phía bên kia viết ra điều gì thì sẵn sàng in lại một cách trang trọng kèm theo những lời bình đến người dân thường cũng thấy “khó ngửi”, còn phía chúng ta, hễ động đến những chuyện nóng bỏng mà toàn dân vẫn ngày đêm ghi khắc trong tim mình thì lại cấm đoán hoặc làm như không hề có, không hề biết.
Xin được hỏi ông Giám đốc NXB Văn học một câu mà dám chắc trình độ của ông khó lòng giải đáp, dù thế cũng vẫn cứ xin mạnh dạn hỏi: Chẳng lẽ bây giờ, mỗi khi cần nói tới các chiến cuộc trong lịch sử Việt Nam mấy nghìn năm: quân Hán, quân Tống, quân Nguyên, quân Thanh từng rùng rùng kéo sang xâm lược nước ta… chúng ta lại cứ phải đem các bộ Hán thư, Hậu Hán thư, Tống sử, Nguyên sử, Thanh sử ra dịch và in, còn Đại Việt sử ký toàn thưKhâm định Việt sử thông giám cương mục do sử thần ta viết ra thì phải giấu kín tận trong kho lưu trữ hoặc đem tất cả ra làm mồi cho lửa hay sao? Chính vì nghĩ như thế mà lâu nay chúng tôi cứ băn khoăn, không biết ông Giám đốc NXB Văn học có thấy cái việc ông đã làm hoặc được ai đấy bật đèn xanh cho làm (in cuốn sách Ma chiến hữu), là một hành động trơ trẽn phản ánh cả một thái độ hèn hạ mà dân tộc này không có trong cốt tính của mình hay không?
Và cũng chính vì nghĩ như thế mà chúng tôi xin trân trọng đăng lại bài viết này của nhà văn Phạm Viết Đào đã đăng trên blog của anh ngày 17-02-2010, một tiếng nói dũng cảm, một bản lược thuật tương đối kỹ càng về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, để kỷ niệm sự kiện đẫm máu không đáng có giữa hai dân tộc Trung – Việt sau chặng đường ba thập kỷ mà phía nào cũng cần rút kinh nghiệm.
Bauxite Việt Nam


Đường tấn công của quân Trung Quốc vào Việt Năm năm 1979.


Năm 1978, Đặng Tiểu Bình trở lại chấp chính, tiếp nhận cơ đồ một đất nước Trung Hoa đổ nát tiêu điều vì nội chiến và những cuộc đấu đá nội bộ đẫm máu, tàn khốc dưới thời Mao Trạch Đông.
Trở lại chính trường, Đặng Tiểu Bình lập tức đưa ra 2 cương lĩnh và phương châm hành động nổi tiếng: Chương trình 4 hiện đại và mèo trằng mèo đen không quan trọng miễn là bắt được chuột…

Để thực hiện được cương lĩnh đầy tham vọng bốn hiện đại, Đặng Tiểu Bình thấy không thể không mở cửa nền kinh tế Trung Quốc để tranh thủ vốn liếng đầu tư và kỹ thuật của phương Tây…
Thực ra cương lĩnh hành động này có từ thời Mao Trạch Đông và người đứng ra thực hiện chủ trương này là Chu Ân Lai, song do áp lực của thế lực bảo thủ Trung Quốc nên chưa dám mạnh dạn. Tuyên bố Thượng Hải là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc không chỉ “liếc mắt đưa tình” với Mỹ mà đã có những hành động chuẩn bị đục phá tảng băng quan hệ giữa hai quốc gia này.
Để trả ơn cho hành động “ngoại tình” này, chính quyền Mỹ đã lờ cho Trung Quốc đánh chiến Hoàng Sa của Việt Nam như một thứ lễ chạm ngõ hai nhà. Mỹ muốn bắt tay với Trung Quốc để chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam hao người tốn của mà Mỹ không thể thắng.
Trung Quốc muốn mặc cả, đổi chác với Mỹ bằng cuộc chiến Việt Nam thông qua những áp lực mà Trung Quốc có thể tạo ra để mưu cầu những quyền lợi khác của mình. Chiến tranh Việt Nam kết thúc, Mỹ cam chịu thất bại hoàn toàn đã làm cho phiên chợ diễn ra cuộc mặc cả đổi chác này tan và những kẻ bỏ vốn cay cú vì nguy cơ cháy túi…

Đặng Tiểu Bình giương cao chiếc mũ cowboy trong chuyến thăm Mỹ

Do vậy để bắt tay hâm nóng lại quan hệ với Mỹ, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã tiến hành hàng loạt những động thái ngoại giao và quân sự:
1/ Kích động và cung cấp tiền bạc, vũ khi cho chế độ diệt chủng Pol Pot phát động một cuộc chiến tranh biên giới phía tây nam của Việt Nam; để phát động cuộc chiến tranh này, Trung Quốc đã lôi kéo một số đồng minh ngầm hoặc công khai ủng hộ trong đó có chính quyền Bắc Triều Tiên và chính quyền Ceausescu của Romania.
Còn nhớ vào năm 1978, đích thân tôi dẫn một đoàn xuất nhập khẩu phim của Romania vào thăm thành phố Hồ Chí Minh, khi vào tới nơi, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị tôi đưa đoàn Romania đến thăm triển lãm ảnh về về cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam – Campuchia, trong đó có nhiều hình ảnh lính Paul Pot chém giết man rợ đồng bào ta ở biên giới. Khi đi tôi đã cẩn thận dặn đoàn Romania đưa máy quay phim đi, nhưng họ đã không mang. Theo dõi thái độ của các đoàn viên đoàn Romania tôi thấy nhiều người thở dài… Tôi hiểu hình như bản thân họ cũng bị đẩy vào tình thế khó xử.
Sau này, vào ngày 17/9/1979 khi Đặng Tiểu Bình phát động cuộc chiến tranh biên giới chống Việt Nam, Đại sứ Romania tại Bắc Kinh là một trong những cơ quan ngoại giao được báo tin trước một ngày, theo như lời kể của ông Constantin Lupeanu lúc đó là cán bộ phiên dịch của Romania công tác tại Bắc Kinh.
Kích động Paul Pot chống Việt Nam, Trung Quốc nhằm đạt tới các mục tiêu sau đây: Nhằm hạ nhục Việt Nam để trên cơ sở này cô lập Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN và phưong Tây; tạo dựng cớ để Trung Quốc có cớ gây ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc…

Bộ đội VN bị Trung Quốc đưa vào nhà lao, nhỏ con hơn lính Trung Quốc nhưng vẫn tỏ ra cứng cỏi.
Sau chiến thắng mùa xuân 1975, Việt Nam được thế giới biết đến như một tấm gương anh hùng chống xâm lược; phát động cuộc chiến tranh trả đũa Pol Pot, mặc dù đây là hành động tự vệ chính đáng và để cứu một dân tộc khỏi thảm hoạ diệt chủng, nhưng: việc đưa quân đội sang một quốc gia khác là một hành động làm rúng động các quốc gia láng giềng với Campuchia. Sau Campuchia liệu Việt Nam có lấn tới không? Rõ ràng hành động quân sự này cho dù là cực chẳng đã nhưng rất khó giải thích về mặt chính trị và ngoại giao và phần nào làm mờ đi hành động chống và đánh thắng đội quân xâm lược Mỹ.

Tù binh Trung Quốc bị bắt cúi đầu, thất thểu...

Đây là ý đồ thâm độc của Trung Quốc, để từ xung đột biên giới này, Trung Quốc sẽ phát động cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.
Phát động cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, Đặng Tiểu Bình nhằm hai mục đích: Một thứ sinh lễ ngoại giao của Trung Quốc để Trung Quốc bắt tay, bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Kẻ thù của kẻ thù là bạn: Mỹ đang coi Việt Nam là kẻ thù; vậy Trung Quốc đánh Việt Nam có thể coi là một cử chỉ hữu nghị mà Trung Quốc muốn sử dụng để lấy lòng Mỹ…


Bộ đội Việt Nam hy sinh anh dũng

2/ Mặt khác, khi chấp chính, Đặng Tiểu Bình tiếp nhận không chỉ một nền kinh tế điêu tàn mà cả một nền công nghiệp quốc phòng lạc hậu; do vậy song song với phát triển kinh tế là việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc – đó là một trong những nhiệm vụ số một của chính quyền Bắc Kinh dưới tay lái của Đặng Tiểu Bình…
Do vậy phát động cuộc chiến tranh biên giới 1979 chống Việt Nam, Đặng Tiểu Bình không chỉ đạt mục đích vừa lòng Mỹ, dạy cho Việt Nam một bài học để lấy le với thiên hạ mà còn có cơ sở thúc ép việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc…

Tù binh Trung Quốc bị bộ đội ta bắt

Tương quan lực lượng trong cuộc chiến 1979
Để tiến công Việt Nam, Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không. Lực lượng được huy động khoảng 600.000 binh sĩ, 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn, chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 1.700 máy bay sẵn sàng phía sau. Tướng Hứa Thế Hữu, Tư lệnh Đại Quân khu Quảng Châu chỉ huy hướng tiến công vào Đông Bắc Việt Nam với trọng điểm là Lạng Sơn và Cao Bằng. Tướng Dương Đắc Chí, Tư lệnh Đại Quân khu Côn Minh đảm nhiệm hướng Tây Bắc với trọng điểm là Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai). Đây là đợt huy động quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên.

Lính Trung Quốc bị bắn gục trên đỉnh 1509

Về phía Việt Nam, do phần lớn các quân đoàn chính quy (3 trong số 4 quân đoàn) đang chiến đấu ở Campuchia nên phòng thủ ở biên giới với Trung Quốc chỉ có một số sư đoàn chủ lực quân khu (chủ yếu là tân binh) của Quân khu I và II cùng các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện, công an vũ trang (biên phòng) và dân quân tự vệ. Lực lượng biên giới có khoảng 70.000 quân, sau được hai sư đoàn từ miền xuôi lên tiếp viện. Quân đoàn 1 vẫn đóng quanh Hà Nội đề phòng Trung Quốc đổi ý tiến sâu vào trung châu.
Diễn biến
Sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân đội Trung Quốc áp dụng chiến thuật biển người bất kể tổn thất tiến công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam.
* Hướng Lạng Sơn có quân đoàn 43, 54, 55.
* Hướng Cao Bằng có quân đoàn 41, 42, 50.
* Hướng Hoàng Liên Sơn có quân đoàn 13, 14.
* Hướng Lai Châu có quân đoàn 11.
* Hướng Quảng Ninh, Hà Tuyên (nay là Hà Giang) mỗi nơi cũng có từ 1-2 sư đoàn.
Tất cả các hướng tấn công đều có xe tăng, pháo binh hỗ trợ. Không quân và hải quân không được sử dụng trong toàn bộ cuộc chiến.
Trong giai đoạn đầu đến ngày 28 tháng 2 năm 1979, quân Trung Quốc chiếm được các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang và một số thị trấn. Các cơ sở vật chất, kinh tế ở những nơi này bị phá hủy triệt để. Tuy nhiên, do vấp phải sự phòng ngự có hiệu quả của Việt Nam nên quân Trung Quốc tiến rất chậm và bị thiệt hại nặng.
hiệu quả của Việt Nam nên quân Trung Quốc tiến rất chậm và bị thiệt hại nặng.

Quân dân ta sát cánh chống xâm lược

Quân Việt Nam còn phản kích đánh cả vào hai thị trấn biên giới Ninh Minh (thuộc tỉnh Quảng Tây) và Malypo (thuộc tỉnh Vân Nam) của Trung Quốc nhưng chỉ có ý nghĩa quấy rối.
Ngày 19 tháng 2 năm 1979, nhóm cố vấn quân sự cao cấp của Liên Xô tới Hà Nội để gặp các tướng lĩnh chỉ huy của Việt Nam. Moskva yêu cầu Trung Quốc rút quân. Liên Xô cũng viện trợ gấp vũ khí cho Việt Nam qua cảng Hải Phòng, đồng thời dùng máy bay vận tải chuyển một số sư đoàn chính quy Việt Nam từ Campuchia về.
Trong giai đoạn sau, cả hai bên đều tăng cường thêm lực lượng và cuộc chiến tiếp tục, trong đó quyết liệt nhất là hướng Lạng Sơn. Tại đây sư đoàn bộ binh 3 Sao Vàng, một đơn vị thiện chiến của Việt Nam từng đánh Mỹ cùng một số sư đoàn khác đã tổ chức phòng thủ chu đáo. Sau nhiều trận đánh đẫm máu bất kể tổn thất, quân Trung Quốc vào được thị xã Lạng Sơn chiều ngày 4 tháng 3 năm 1979. Ngày 5 tháng 3 năm 1979, Việt Nam ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Đồng thời phía Việt Nam cũng điều các sư đoàn chủ lực có xe tăng, pháo binh hỗ trợ áp sát mặt trận, chuẩn bị phản công giải phóng các khu vực bị chiếm đóng.

Lính Trung Quốc bị bắt tỏ ra ê chề

Cũng trong ngày 5 tháng 3 năm 1979, do áp lực của Liên Xô và sự phản đối của quốc tế, đồng thời cũng đã chiếm được các thị xã lớn của Việt Nam ở biên giới, Bắc Kinh tuyên bố hoàn thành mục tiêu chiến tranh, chiến thắng và bắt đầu rút quân. Mặc dù chiến sự vẫn tiếp diễn ở một số nơi nhưng đến ngày 18 tháng 3 năm 1979 quân Trung Quốc đã hoàn tất rút khỏi Việt Nam.
Dư luận thế giới về cuộc chiến tranh biên giới 1979

Cuộc chiến Việt – Trung nổ ra, tại thời điểm đó Chủ Tịch Cuba Fidel Castro lên tiếng phản đối cuộc chiến mạnh mẽ nhất và sau đó là ở Hoxha, Albania. Trung Quốc đã bị sốc khi bị sự lên án mạnh mẽ của Thế giới.
Cuộc chiến tranh Việt – Trung nổ ra cộng đồng Quốc tế đã có những phản ứng khác nhau :
1. Chính phủ Lào đưa ra tuyên bố: “Chính phủ và nhân dân Lào không muốn nhìn thấy sự kiện này, lập trường của Lào là không thay đổi kêu gọi các bên tạo khung hợp tác để cùng ngồi lại bàn đàm phán. Tất cả các binh lính Trung Quốc phải rút khỏi lãnh thổ Việt Nam ngay lập tức”. Rõ ràng chính phủ Lào công khai hỗ trợ chính quyền Việt Nam.
2. Với Liên Xô, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Gromyko khẳng định: “Ngay lúc này Trung Quốc rút quân ngay lập tức khỏi lãnh thổ Việt Nam chưa phải là quá muộn, thực hiện càng sớm càng tốt”. Có thể thấy Liên Xô đã ra lời cảnh báo rất cứng rắn và dứt khoát .
3. Chính phủ Mỹ tuyên bố rằng: “Trung Quốc có quyền trong khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và đóng vai trò ảnh hưởng chính trị nhất định… Tuy nhiên xung đột Việt – Trung cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình”. Tuyên bố của Mỹ vẫn còn nặng yếu tố Liên Xô. Các tàu chiến của Liên Xô liên minh giữa hai nước đã đẩy mạnh hoạt động tại khu vực Đông Nam Á.
4. Anh và Úc: “hai nước này đã chính thức ngưng cung cấp tài chính tái thiết cho Việt Nam để phản đối cuộc chiến của Việt Nam tại Campuchia “. Văn bản này không đề cập đến hai từ “Trung Quốc”…
5. Chính phủ Pháp cho biết: “Việt Nam nên từ bỏ cuộc chiến tại Campuchia để làm cho Trung Quốc lo ngại ở cuộc chiến này, Liên Xô đã nhiều lần đe dọa họ sẽ tham gia vào cuộc chiến… Tuy nhiên văn bản cũng cho biết Trung Quốc không nên lâm vào cuộc đối đầu rủi ro với Liên Xô”. Những tuyên bố của Pháp thể hiện sự phẫn nộ với sự “bá quyền” của Liên Xô, rõ ràng Pháp đang nghiêng về Trung Quốc.
6. Nội các Nhật Bản: “Nhật bản tỏ thái độ hối tiếc cho hai bên đã để xẩy ra cuộc chiến”. Rõ ràng đây là một phát biểu mang tính chất thường lệ của ngoại giao do ngoại giao của Nhật Bản đã phải theo Hoa Kỳ từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Với các quốc gia Đông Nam Á, họ không vội vàng xúc phạm Trung Quốc, đó là tuyên bố cơ bản của các nước ĐNA. Chỉ có Singapore đã bày tỏ mối quan tâm sâu sắc sự ảnh hưởng của cuộc chiến với sự suy thoái kinh tế Việt Nam.
Một số quốc gia và vùng lãnh thổ nghiêng về phía Trung Quốc
Chính phủ Pakistan có một tuyên bố ngoại giao làm tổn thương lòng tự trọng của Việt Nam, Pakistan cho biết: “Vi phạm hiện nay của Trung Quốc rõ ràng là để làm Hà Nội kiệt sức trong vấn đề Trung – Ấn và cả thế giới khẳng định lại một lần nữa rằng Bắc Kinh không phải là một con hổ giấy”. Đó là tuyên bố của Pakistan. Sau khi cuộc chiến Việt – Trung kết thúc, Pakistan cho biết Ấn Độ đã bí mật hỗ trợ Việt Nam và điều đó là một trong những lý do hợp tác quân sự Pakistan và Trung Quốc trở nên gần gũi hơn.
Thái độ của Bắc Triều Tiên:
Bắc Triều Tiên và Việt Nam cùng thuộc khối XHCN và cùng với Kim Nhật Thành theo dòng Stalin, với Liên Xô, Cuba lên Án Trung Quốc, ngoài Nam Tư gần như tất cả các nước Đông Âu, thậm chí cả các đồng minh của Trung Quốc tại Châu Âu, Albania đã công khai đứng về phía Việt Nam.
Riêng Kim Nhật Thành đã chống lại áp lực của điện Kremlin với các giọng điệu rõ ràng:
“Khi có tham vọng nhưng không đủ sức cộng với sự “ngớ ngẩn”, các lãnh đạo Việt Nam đã đưa đến việc phá hủy nền kinh tế, gây nguy hiểm cho nền độc lập của quốc gia họ! Một cuộc chiến với Trung Quốc, tôi không thể đánh giá hết mức độ thiệt hại, chính phủ Bắc Triều Tiên và một số nước ủng hộ Trung Quốc trong cuộc chiến tranh tự vệ với Việt Nam”.
P.V.Đ
Nguồn: http://vn.myblog.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=3888

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn