“Một dân tộc không còn biết mơ mộng sẽ không có tương lai”

Tuần VN : 27/01/2010
LBT - Vào những năm đầu Thế chiến II, một ông giáo tiểu học người Italia tên là Giodani Rodari hết tuổi ra trận, mà có ra trận cũng chẳng biết cầm súng bắn ai, trong khi loanh quanh dạy học ở hậu phương, đã lẩn mẩn ghi lại những việc làm và suy nghĩ về dạy Văn cho trẻ em xoay quanh việc dạy thao tác tưởng tượng.

Giodani Rodari đã đề nghị nên có một khoa nghiên cứu về "Phép tưởng tượng" (Imaginatique, có thể dịch là "Tưởng tượng pháp" tương ứng với "Thi pháp").

Một em nhỏ không được học tưởng tượng, học mơ mộng, khi lớn lên sẽ thành con người thô kệch, khó mà có một tương lai hạnh phúc. Và nếu như tất cả trẻ em qua lớp Một không được học tưởng tượng thì cái hậu họa sẽ là "một dân tộc không còn biết mơ mộng" nữa. Nhưng, ngoài nguyên nhân về Giáo dục, có còn nguyên nhân gì khác khiến cả một dân tộc không còn biết mơ mộng nữa?

Xin cảm ơn giáo sư Cao Huy Thuần đã cho phép BVN dùng bài này mở đầu cho cuộc tái ngộ sau một tháng … bị buộc phải ngừng mơ mộng.

Bauxite Việt Nam
"Một dân tộc không còn biết mơ mộng nữa là một dân tộc không có tương lai" - Giáo sư Cao Huy Thuần.

- Thưa ông...

GS Cao Huy Thuần: Tôi còn quá trẻ, chúng ta anh chị với nhau nói chuyện vui hơn.

- Vâng, thưa anh, anh từng viết: "Vạn đại dung thân là gì nếu không phải là cái thấy chiến lược bừng sáng trong đầu về một chân trời mới mở rộng ra trước mắt, không phải cho một đời Nguyễn Hoàng, mà cho cả ngàn ngàn đời một dân tộc thường xuyên đi tìm lối thoát khỏi một vị thế địa dư trứng nằm dưới đá". Từ bài học địa-chính trị của người xưa về vị thế giữa đất và biển, anh kiến giải thế nào về hành trình mở cõi của cha ông để lại cho con cháu nguyên vẹn hình chữ S mà khởi nguồn chỉ là một nửa chữ S ?

GS Cao Huy Thuần: Hành trình mở cõi bắt đầu từ khi nước Việt Nam mới sinh. Tôi xin phép nói đùa như vậy để nhấn mạnh tầm quan trọng quyết định của yếu tố địa dư. Lập nước trên miếng đất như vậy, chữ "Nam Tiến" nằm sẵn trong tử vi. Chị xem địa hình miền Bắc: châu thổ, núi, sông. Châu thổ bằng phẳng như bàn tay, núi cheo leo tràn vào đất, và sông thì tuyệt vời anh hùng lao động, không ngừng dâng bầu sữa thơm bú mớm cho đồng bằng.

Lúc nhỏ, tôi học: đồng bằng Bắc bộ chỉ rộng 15.000 cây số vuông mà phải nuôi 6.500.000 nông dân. Nông dân ấy thở với sông Hồng và phập phồng với nó: lúc nó giận dữ, sóng ầm ầm cuộn nước lên bờ, mùa màng mất sạch, dân đói. Chỉ có một cách đối phó với đe dọa thường xuyên của nó mà thôi là đắp đê. Nhưng lịch sử ghi chép bao nhiêu lần đê vỡ, lôi cuốn theo nổi loạn của nông dân cùng khổ.

Đất chật, người đông, thiên tai, lũ lụt thường xuyên, nhưng chính đồng bằng sông Hồng đã tạo ra con người Việt Nam, đầy nghị lực, can trường, gian lao không quản, khổ nhọc không lui. Với những đức tính đó, những con người đó sẽ dần dần chinh phục những đồng bằng phía nam như một sức đẩy tự nhiên.

- Nhưng mới đầu, khi vào Thanh Hóa, Nghệ An, rồi sau đó dần dần tiến vào suốt dải đất miền Trung, những con người ấy chỉ gặm được một khúc xương...

GS Cao Huy Thuần: Một khúc xương giữa núi và biển, đất chỉ rộng từ 25 đến 50 cây số. Thanh Nghệ đồng khô cỏ cháy, những con người ấy lại phải vật lộn với thiên nhiên, với đói kém. Sâu hơn nữa về phía nam, làng biển lại thường xuyên vật vã với phong ba, với nước mặn tràn vào ruộng. Nhắc lại những điều kiện địa dư đó - mà ai cũng biết - để nói rằng Nam Tiến là giải pháp duy nhất của dân tộc Việt Nam, là vấn đề chết sống.

Phát xuất từ đồng bằng sông Hồng, những nông dân sống với ruộng nước phải tìm ruộng nước để sống. Núi non không phải là đất sống của nông dân. Con người Việt Nam cho đó là xứ sở của ma thiêng nước độc. Cho nên hồi Pháp mới xây dựng thuộc địa, 20 triệu người Việt Nam sống trên 75.000 cây số vuông, trong khi 2 triệu dân "thiểu số" chiếm 246.000 cây số vuông. Còn biển cả, dân Việt Nam không phải là một dân tộc thủy thủ tuy sống dọc theo một bờ biển dài trên 2000 cây số.

Tế Hanh làm thơ : "Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới / Nước bao vây cách biển nửa ngày sông", nhưng dân chài trong làng ông chẳng dám mạo hiểm ra xa, đánh cá qua đêm rồi sáng hôm sau "chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm". Sau này, các chúa Nguyễn canh tân tàu thuyền và người Pháp, khi mới đến, rất đổi ngạc nhiên về kỹ thuật đóng tàu tinh xảo của miền Nam, nhưng trước đó, biển không phải là đất, là ruộng, giản dị như vậy.

Văn minh Việt Nam là đất và ruộng. Đất để sống và ruộng để ăn. Giản dị vậy thôi, người nông dân Thuận Quảng tiếp nối Nam Tiến của truyền thống sông Hồng. Họ lại càng sống chết với đất và ruộng khi chúa của họ cũng sống chết như thế. Cả chúa lẫn tôi đều không có giải pháp nào khác.

Nam Tiến thành công, một phần là nhờ địa lý đã hun đúc nên những đức tính cần thiết cho những con người xông pha mở đất, nhưng phần chính là vì không có giải pháp nào khác. Khi đã một sống một chết thì cứ thế một đường mà đi. Mà đến. Chúng ta hiện nay đang ở trong tình thế như vậy, hoặc sống hoặc chết. Chúng ta đang bị dồn vào trong tình thế không có giải pháp nào khác.


Khi đã một sống một chết thì cứ thế một đường mà đi. Ảnh: terregalerria.com

- Anh viết: "Nam Tiến ngày hôm nay là Nam Tiến trong cái đầu". Câu đó có nghĩa gì?

GS Thuần: Tổ tiên chúng ta đã làm Nam Tiến với lưỡi gươm và lưỡi cày. Với lưỡi gươm... Đừng quên rằng Chiêm Thành lúc đó là một dân tộc văn minh không kém, và thiện chiến. Họ không lấn vào Nam được vì vương quốc Khmer lúc đó đang ở trong thời cực thịnh vàng son. Họ phải xông lên phía bắc, nhiều lần xâm lấn, cướp bóc Nghệ Tĩnh.

Thạo đường thủy, Chế Bồng Nga có lần uy hiếp Thăng Long. Không bình Chiêm thì làm sao trị quốc? Chiến tranh với Chiêm Thành cũng góp phần bồi đắp ý thức Việt Nam. Nhưng cái tài của Việt Nam là đã Nam Tiến với lưỡi cày.

Lúc đầu, người Việt len lỏi lao động hòa bình bằng cách khai khẩn đất bỏ hoang của người Chàm. Rồi cũng như người Do Thái lúc mới lấn chiếm Palestine, họ mang theo kỹ thuật canh tác hiệu năng hơn, mô hình tổ chức xã hội chặt chẽ hơn, một ý chí lập nghiệp vững như núi, bấy nhiêu điều kiện đó giúp họ dần dà trở thành những ông chủ ruộng cấy.

Tất nhiên, dân bản xứ phản ứng, nhưng đàng sau lưỡi cày là lưỡi gươm, lưỡi cày cứ lấn tới, lấn tới đâu dân tràn tới đó. Khi một nước đã có dấu hiệu suy, chính trị, văn hóa, đạo đức, xã hội suy trước, suy từ từ, chậm chậm, trong một thời gian dài, không để ý, cho đến khi kết liễu với thất bại quân sự.

Nước Chiêm Thành đã suy như thế, suy luôn cả trên mặt trận tình ái, vì mắc gì phải cắt đất để đính hôn? Đất là của dân, của gì ông vua, dù là đa tình? Một dân tộc đang suy, lại chạm trán với một dân tộc lực lưỡng, một sống một chết, một văn hóa hùng tráng, kết luận hợp lý là văn hóa mạnh sẽ là con tằm, văn hóa yếu sẽ là lá dâu: Chiêm Thành tự diệt và bị diệt dưới sức đồng hóa ghê gớm của Việt Nam mà tiếc thay ta không có sử liệu để hiểu tường tận.

- Như thế là dân, quân, và lãnh đạo cùng một lòng, một dạ, một ý chí, một son sắt với nhau? Cái muốn của dân và cái muốn của lãnh đạo là một?

GS Thuần: Chính thế. Ô Lý đồng hóa dưới chính sách cai trị khôn ngoan của Đoàn Nhữ Hài. Sau đó, lệnh vua ban ra: bất cứ ai muốn khẩn hoang đất bỏ trống đều được quyền tự do. Lưỡi gươm và lưỡi cày chính thức đồng hành với nhau trong chính sách đồn điền vô cùng khéo léo của Nhà nước Đại Việt và của các chúa Nguyễn về sau.

Một cách quy mô, đồn điền được thành lập. Với ngôn ngữ ngày nay, ta sẽ gọi là tay súng tay cày. Lính tráng và nông dân là một. Đồn điền nhằm hai mục đích: đưa dân cư không có hộ khẩu từ các làng xã quá đông đến đất mới lập làng mới; tổ chức quân đội trừ bị, vì dân mới cũng là lính mới, khoác nhung y đổi lấy đất đai.

Lính ấy, lính nông dân ấy, lấy vợ, sinh con, bảo vệ gia đình, bảo vệ đất mới, bám lấy đất chống lại những ai muốn đòi lại, hứng chí thì tiến lên thêm, chiếm thêm ít đất nữa cày chơi. Cứ thế, dân Chàm bị đẩy lùi cho đến thế kỷ 17 thì đến lượt dân khmer nếm mùi đồn điền Việt Nam.

Thật thà mà nói, các bác lính nông dân ấy lắm khi cũng láo lếu về mặt hạnh kiểm. Phần đông là dân có vấn đề, dân sống ngoài lề xã hội, dân đào ngũ, giang hồ tứ chiếng, sinh vô gia cư, nhưng chính cái giống dân đó mới có máu phiêu lưu, mạo hiểm, máu cao bồi Viễn Tây, cọng thêm cái máu chịu đựng gian khổ chảy trong huyết quản từ những cơn phẫn nộ của nước sông Hồng.

Cứ thế, làng xã thành lập, cứ thế biên cương rộng mở. Cho đến 1658, lấy cớ biên cương bị xâm phạm, chúa Nguyễn cất binh xơi tái hai tỉnh sẽ mang tên Bà Rịa, Biên Hòa. Bà nọ bà kia, cho đến khi thành Bà Quẹo bao giờ không hay.


Cái muốn của dân và cái muốn của lãnh đạo là một?. Ảnh: VNN

- Anh chưa nói gì về "Nam Tiến trong cái đầu"...

GS Thuần: Ấy là tôi muốn nói điều này trước đã: Nam Tiến ngày xưa thành công vì còn nhờ thêm một yếu tố này nữa. Như tôi đã nói ở trên, núi non chiếm diện tích lớn trên bản đồ nước ta. Nhưng ta không ưa núi. Thuở nhỏ, tôi đọc tiểu thuyết "Vàng và máu" của Thế Lữ, bây giờ còn run với những trù, những yểm, những ma quái của rừng thiêng nước độc.

Ta bỏ núi non cho những dân tộc mà ta gọi là... mọi. Ta chỉ tình tự với núi rừng lúc làm chiến tranh. Chỉ lúc chiến tranh, Trịnh Công Sơn mới có người yêu chết trận Chu Prong. Hoặc Plei Me gì đó. Còn thời bình thì chỉ Vàm Cỏ Đông em hỡi, Vàm Cỏ Đông em ơi.

Nhưng có Vàm Cỏ là nhờ gì? Nam Tiến thành công là nhờ đâu nữa? Nhờ từ trong núi non không có xâm lăng đánh ra. Ta yên chí lấn đất vì ta không lo về mặt núi. Bọn Pháp thuộc địa biết vậy nên ngay từ đầu chúng đã muốn biệt lập Tây Nguyên với đồng bằng để làm xứ sở tự trị, chia Trung Kỳ ra làm cao nguyên với bình nguyên. Ta khinh miệt bọn dân sống trên núi là mọi. Nhưng có kẻ khác không chê.

Ngay từ đầu của thời thuộc địa, họ đã tận tâm tận lực biến "mọi" thành một giống dân có tín ngưỡng khác, khác với mọi và khác với những người Việt Nam, cũng trong mục đích lập xứ sở riêng. Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu Long Biên, nhưng hình như cái ý định tách Tây Nguyên vẫn còn nguyên vẹn.

Mà không phải chỉ có thuộc địa với tôn giáo! Núi non ngày nay không phải chỉ có mọi với cây trên rừng! Còn vàng dưới đất nữa! Cho nên, kìa... ai kia cũng đang làm một dạng đồn điền hao hao giống ta ngày xưa, không phải để cày đất ruộng mà để xới đất rừng, không phải chỉ để Nam chinh mà còn Tây tiến, tiến từ Tây Nguyên. Coi chừng, núi non Chi Lăng sẽ gặp núi non Lạng Biên. Núi liền núi sông liền sông.

- Chúng ta đi từ Nam Tiến qua Nam chinh. Anh có thể nói thêm một câu nữa, một câu thôi?

GS Thuần: Một câu thôi, nhưng không phải chỉ tôi nói, ai cũng nói, ai cũng thấy: Trung Quốc không thể có một chính sách nào khác hơn là làm chủ phía Nam. Họ cho rằng an ninh của họ buộc họ như vậy. Không có biển ở phía Nam thì họ chết. Bởi vì ngày nay bao tử của đại cường đòi hỏi phải ăn dầu, ăn khí, ăn quặng, ăn sắt, ăn thép... Ăn ruộng, ăn đất là chuyện của dân Giao Chỉ ngày xửa ngày xưa. Cho nên thế giới nói gì với họ, họ đều lắc đầu, không piếc, không piếc.

Bởi vì thế giới nói với lưỡi người. Họ nói với lưỡi bò. Cái lưỡi bò đó liếm cạn đại dương mà họ gọi là Nam hải. Sợ gì ai? Nghịch vợ nghịch chồng liếm bể Đông vẫn cạn. Cho nên Nam Tiến của ta ngày nay cực kỳ khó, và tôi hoàn toàn kính trọng, hiểu biết cái khó khăn của Nhà nước ta.

Trước, ta chỉ có phương Bắc để mà lo, và phương Bắc ấy nằm trên đầu, trên đầu ta và trên đầu bản đồ. Bây giờ, ở phía tây, Lào và Cămpuchia rơi trong nắm tay của anh cả; núi non ở Tây Nguyên vang dội cuốc xẻng thăm dò; biển cả ở phía đông rót chưa đầy bình hồ lô của một cái lưỡi vô tận: hãy nhìn bản đồ, đông tây gì cũng đều là Bắc cả, thiên hạ nhất phương! Rởn tóc gáy.

- Bởi vậy ta chỉ còn có cách nối liền mũi Cà Mau của ta với các nước bạn ngoài biển khơi? Với đảo, với bán đảo? Với bạn bè đồng sàng đồng mộng? Đất xa đất nhưng biển liền biển?

GS Thuần: Thì đó chính là Nam Tiến trong cái đầu. Cả một chiến lược phải nghĩ. Dứt bỏ lối suy nghĩ cũ. Hy sinh tất cả. Chúng ta đang ở trong cái thế không có cách nào khác. Trong cái thế một chết một sống. Không chủ động chơi chung với bất cứ ai cùng một quan tâm thì chết. Nhưng muốn vậy, phải bắt người ta chơi với mình. Mà muốn bắt người ta như thế thì phải chứng tỏ với họ rằng mình là cần thiết cho chính họ. Phải làm cho họ thấy rõ mồn một rằng một nước Việt Nam mạnh, độc lập, là yếu tố cần thiết cho ổn định của cả vùng.

Ta cũng bạn bè thật tình với mọi đại cường, nhưng ta cũng làm cho họ hiểu rằng ta là cần thiết để không ai là đế, không ai là vương, không ai là đế vương của ai, không ai là chúa tể của một vùng trời biển. Ta có làm được như vậy không? Được! Với điều kiện hy sinh tất cả. Hy sinh cả quyền lợi riêng tư.

- Ai là đế, ai là vương hiện nay? Mỹ có còn là đế quốc hàng đầu? Mỹ suy yếu thì ai muốn chơi với Mỹ làm gì?

GS Thuần: Chị tưởng rằng nó mạnh thì nó mới bênh chị? Đứa mạnh chẳng bênh ai cả, nó chỉ bênh đứa nào cần thiết cho nó thôi. Đó là một. Thứ hai, chị đừng tưởng rằng khi nó yếu thì nó không bênh chị. Nó yếu, chính là lúc nó phải bênh; nó yếu, chính là lợi thế của chị, bởi vì đó chính là lúc chị dễ chứng tỏ, dễ thuyết phục thêm rằng chị là cần thiết cho nó.

Tôi xin nói thêm một chuyện nữa về biển. Tại sao nước Mỹ tham gia vào thế chiến thứ nhất bên cạnh Anh-Pháp? Tại vì tàu ngầm của Đức tối tân nhanh lên không ngờ, nghiêng thắng thế về phía Đức trong chiến tranh ngoài biển, đe dọa cắt đứt hải lộ giữa Đại Tây Dương, làm đói nước Anh, cô lập nước Pháp, đưa nước Đức đế chế lên địa vị nắm vận mệnh Âu châu.

An ninh của nước Mỹ gắn liền với việc duy trì thế thăng bằng ở Âu châu, cho nên địa vị tối thượng của một nước Đức bá quyền làm chủ vùng biển Đại Tây Dương là một hăm dọa không chấp nhận được. Hăm dọa làm chủ trên những hải lộ của Biển Đông hiện nay cũng không chấp nhận được như thế.

- Trở về lại với Nam Tiến của ta. Trong cuộc di dân vĩ đại ấy, văn hóa Đại Việt đã tiếp xúc như thế nào với các văn hóa khác để làm giàu hơn bản sắc Việt Nam?

GS Thuần: Năm 1069, vua Lý Thánh Tông cất quân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ cùng một số tù binh, trong đó có một ông sư người Trung Hoa. Vua triệu sư vào triều, đem kinh luận và thiền học vấn đáp. Sư ứng đối lanh lẹ, xác đáng; vua kính phục, phong sư đến chức quốc sư. Đó là thiền sư Thảo Đường, tổ phái thiền thứ ba ở Việt Nam.

Điều này đặt ra câu hỏi: phải chăng thời đó Phật giáo cũng đã có mặt tại Chiêm Thành, mà lại là Phật giáo thiền tông? Ngày nay, có ngôi chùa ở Huế, khi đào đất lên xây chùa, tình cờ tìm thấy trong đất vài tượng Phật mang nét điêu khắc của Chàm. Thời Lý, thời Trần, văn hóa Đại Việt cực kỳ vạm vỡ, với Thiền là nòng cốt, quắc thước dung hợp Khổng Lão.

Văn hóa ấy đã mạnh, nếu gặp thêm cơ sở thuận lợi trước đó nữa, điều dễ hiểu hợp lý là nó sẽ đồng hóa, dù muốn hay không. Sau này, khi các chúa Nguyễn tiến sâu vào Nam, tiến đến đâu dân lập chùa đến đó, chùa của chúa và chùa của dân ngẩng đầu trên đất mới nhìn trời mới. Điều đáng nói là không thấy lịch sử ghi một cuồng bạo văn hóa nào bắt dân mới theo đạo mới. Chỉ thấy văn hóa Đại Việt rộng mở, thâu nhận cả ảnh hưởng của văn hóa Chàm, về nghệ thuật, về âm nhạc.

Bản sắc của Việt Nam nằm ở đấy: không có bạo lực tín ngưỡng, không có cực đoan tư tưởng, không có duy nhất chân lý. Về mặt dân chủng, dân Đại Việt cũng trộn lẫn với dân bản xứ, đẹp hơn hay không thì tôi không biết, nhưng thấy ai cũng khen con gái Huế...

Một góc thành phố Sài Gòn về đêm. Ảnh: dulich-chudu24.com

- Con gái Sài Gòn cũng đẹp chứ! Theo anh, người Sài Gòn cất giữ và làm mới thêm những giá trị nào của người Hà Nội?

GS Thuần: Tôi là dân Huế, lần đầu tiên vào Sài Gòn học lúc người Bắc di cư vào miền Nam sau hiệp định Genève. Chân ướt chân ráo, mua trái cây, gặp cô hàng ngước mắt hỏi: "Anh Hai ở ngoài Bắc có sầu riêng không?" Với người Nam lúc đó, ai không phải là người Nam thì đều là dân Bắc cả. Tôi mê hai tiếng "anh hai" quá trời, vì cái giọng miền Nam ngọt ngào, chân thật, như người miền Nam mà tôi... cũng mê. Câu hỏi của chị, tôi muốn đổi ngược lại: làm sao tất cả những "người Bắc" - nghĩa là có tôi - cất giữ, trân quý cái chất ngọt ngào, chân thật đó của người Sài Gòn?

- Anh có buồn không khi Hà Nội đang mất dần bản sắc của chính mình? Những tinh hoa của Hà Nội cổ, từ lời ăn tiếng nói, con người, giá trị dòng tộc... đang phiêu bạc nơi đâu?

GS Thuần: Đâu có phải chỉ Hà Nội? Huế của tôi cũng vậy. Huế là một đất văn hóa đặc biệt, khác với tất cả những nơi khác. Vì là đất chùa chiền, dân Huế không ăn thịt chó, trừ một thiểu số rất nhỏ. Bây giờ, quán hạ cờ Tây nhan nhản. Cũng vì là đất chùa chiền, chợ Đông Ba không có tiếng chửi nhau ngày rằm, mồng một. Ức lắm thì chỉ chửi... gián tiếp: "Bữa ni mồng một, tau kiêng chửi, mai mồng hai tau sẽ chửi cha mi". Như vậy cũng là văn minh rồi! Nay, chửi tục, nói tục, ăn tục, làm tục, không phải chỉ ở Hà Nội.

Nhưng bi quan là chết, chị ạ. Nếu giữa mùa đông mà chị thấy một cánh hoa đào, thì đừng nguyền rủa gió bấc mà hãy cám ơn gió đông. Năm 1980, tôi về Hà Nội, rong xe đạp thăm thành phố, có lúc ngừng xe, chống chân hỏi đường, chỉ nghe quát: "Xuống xe!" Năm nay, về Hà Nội, ngừng xe hơi, mở cửa kính hỏi đường, kể cả hàng quán ven lề đều vồn vã chỉ đường cho khách. Trèo mấy trăm bậc thang đá lên Yên Tử, giữa núi non lạnh lẽo vẫn trẻ trung trai gái tham quan. Có tiếng chào hỏi đon đả: "Chào bác", "chào thầy", và cả "A Di Đà Phật". Mát ruột đến ngẩn ngơ. Tưởng như mình là cô thiếu nữ đi chùa Hương trong thơ : "Em nghe rồi ngẩn ngơ".

Hãy vui như thế, chị ạ, với cả trăm chuyện vui nhỏ. Còn ngậm ngùi... Ai mà chẳng! Nhưng thôi, hãy để cho trái sầu nó rụng rơi. Tôi không phải là người hoài cổ.

- Để thoát khỏi tâm trạng hoài cổ đó, theo anh, phải làm gì?

GS Thuần: Tôi không hoài cổ, vì hoài cổ đưa đến hoài cựu, mà hoài cựu là điều tôi thậm ghét. Năm nay, đất nước kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, ví thử tôi thơ thẩn nghĩ đến thơ, ắt phải nhớ ngay Bà Huyện Thanh Quan với "Thăng Long thành hoài cổ". Tạo hóa ơi, "gây chi cuộc hý trường" để cho "cảnh đấy người đây luống đoạn trường"? Bài thơ hay quá, nhưng bà hoài ai? Hoài nhà Lê. Cái tâm trạng hoài Lê đó đã không đưa lịch sử Việt Nam đi tới theo chiều tiến bộ mà đi thụt lùi, thậm chí tạo thành ý thức hệ cho cả những mưu mô, tham vọng phản bội tổ quốc.

Đứng về phương diện con người, về mặt cảm xúc, về mặt thơ văn, hoài cổ là mối rung cảm tự nhiên giữa người với cảnh, ai đọc thơ mà chẳng bâng khuâng với thơ, từ thơ Đường đến thơ mới, từ "Hạc vàng ai cưỡi đi đâu" trong Thôi Hiệu, đến "Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên" trong Nguyễn Bính. Nhưng thơ văn không làm tôi quên thực tế trước mắt, và thực tế trước mắt là ta chưa thật lòng với khúc ruột của tổ quốc ở bên ngoài, để cho tâm trạng hoài cựu khuynh loát hết thảy.

Ta hãy hổ thẹn so sánh với Trung Quốc: người Hoa trên thế giới đâu đâu cũng hãnh diện về nước của họ. Họ hãnh diện với hiện tại, họ hãnh diện với tương lai. Họ thấy trước mắt. Họ không quay nhìn đàng sau. Tôi đã lặp đi lặp lại, mong chị đừng nhàm chán: chúng ta đang ở trong giai đoạn một sống một chết. Muốn chết, hãy nhìn đàng sau. Muốn sống, phải nhìn đàng trước. Đàng trước là phía Nam, là biển.

- Thế nào là sống, thế nào là chết?

GS Thuần: Thế nào là sống, là chết với ngàn năm Thăng Long?

Sống là: Chân ta bước lòng ung dung tự hào

Kìa họng súng vẫn vươn lên trời cao.

Sống là: "Thà làm quỷ nước Nam, không thà làm vương đất Bắc".

Đó là cách sống của Trần Bình Trọng.

- Anh có điều gì muốn chia sẻ với bạn đọc trong những ngày Xuân?

GS Thuần: Một dân tộc không còn biết mơ mộng nữa là một dân tộc không có tương lai.

- Cám ơn Anh Thuần.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn