Đọc “Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ” của Trịnh Xuân Thuận

Trương Văn Tân

“Chúa Trời đã tạo ra vũ trụ, phải vậy không?” “Chắc phải có ý chí trong bàn tay của một Đấng Toàn Năng chừng nấy, thì Vũ trụ mới đẹp đẽ và hài hòa đến vậy chứ!”
Giáo sư Vật lý Thiên văn Trịnh Xuân Thuận không tin là ý Chúa đã tạo ra vũ trụ. Vị Giáo sư được giải thưởng quốc tế về hoạt động “khoa học thường thức” ấy đã viết cả một cuốn sách để chứng minh rằng Vũ trụ được hiện hình dần dần qua những hiểu biết tích lũy từng bước từng bước trong đầu óc của chính Con Người.
” . . . Và Con Người đã tạo ra Vũ Trụ” ghi trên bìa sách là một cách nói nhại Kinh Thánh, nhại ngay từ chương Sáng Thế, khi Chúa Trời ra mệnh lệnh nào là tức khắc lệnh đó được thực hiện, chẳng hạn Ngài ban lệnh có ánh sáng, ” . . . Và thế là có ngay Ánh sáng”. (Bản tiếng Pháp: “Que la lumière soit! Et la lumière fut!” Bản tiếng Anh: “Let there be light! And there was light”).
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã chứng minh một cách mạch lạc, phong phú, đầy đủ về tính khoa học trong những phát hiện và những nỗ lực nhận thức của Con Người đối với Vũ Trụ. Nhưng ngay cả như vậy người điểm sách là ông Trương Văn Tân (mà Bauxite Việt Nam chép bài của ông về hầu bạn đọc) vẫn chưa lấy làm thỏa mãn.
Dẫu sao cái chưa thỏa mãn của ông Trương vẫn xuất phát từ tính vô thần. Nó không giống như bọn dẻo mồm vô thần nhưng lại đang ra rả buôn thần bán thánh.
Bauxite Việt Nam hy vọng bạn đọc thích thú bài giới thiệu, và sau đó sẽ đi lùng mua cuốn sách của Giáo sư Trịnh Xuân Thuận.
Chúc ngon miệng.
Bauxite Việt Nam
[Vietsciences]
Trang bìa sách của Trịnh Xuân Thuận. Xin lưu ý: "câu thòng" nhỏ bên dưới trang bìa, lẽ ra đã có thể không bị Ông Trương Văn Tân chê trách, nếu không dịch nhập nó vào tít cuốn sách. (BVN chú thích thêm)
Trang bìa sách của Trịnh Xuân Thuận. Xin lưu ý: "câu thòng" nhỏ bên dưới trang bìa, lẽ ra đã có thể không bị Ông Trương Văn Tân chê trách, nếu không dịch nhập nó vào tít cuốn sách. (BVN chú thích thêm)
Trong chúng ta chắc ai cũng có kinh nghiệm nhìn lên bầu trời về đêm trong cái không gian tĩnh mịch để thả hồn vào cõi mênh mang. Đã có biết bao nhiêu dòng thơ áng văn bất hủ ra đời từ những bầu trời sao lung linh đầy lãng mạn. Cũng không ít người chìm đắm trong cõi vô tận cảm thấy cái vô thường cuả vũ trụ, cái cô đơn của quả địa cầu và sự mong manh của phận người để đặt cho mình những câu hỏi “Cái vũ trụ bao la này phát sinh từ đâu? Tại sao địa cầu và chúng ta lại hiện hữu? Có những hành tinh nào khác trong vũ trụ bao la này mang sự sống giống như quả địa cầu của chúng ta hay không?” Những câu hỏi nầy có lẽ đã xuất hiện ngay khi con người còn ở trong thời kỳ mông muội lúc nền văn minh nhân loại vừa mới manh nha.
Quyển sách “Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ” được dịch ra tiếng Việt từ nguyên bản tiếng Pháp “La mélodie secrète” (xuất bản năm 1988) của ông Trịnh Xuân Thuận. Tác giả là Tiến sĩ về vật lý thiên văn, hiện là giáo sư tại đại học Virginia (Hoa Kỳ). Quyển sách nầy đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Ba Lan. Tôi mua bản dịch tiếng Việt tại Saigon dày 383 trang với 64 minh họa và hình ảnh. Cuối quyển sách có phần “Phụ Lục” giải thích những khái niệm vật lý cơ bản trong thiên văn học và 15 trang “Thuật Ngữ” tiếng Việt và tiếng Anh đề cập trong quyển sách với giải thích cho  từng thuật ngữ. Lúc đầu tôi chỉ đọc vào những ngày rảnh rỗi cuối tuần hoặc mang theo đọc để khỏa lấp những đêm dài trong những chuyến đi công tác xa nhà. Nhưng càng đọc tôi càng cảm thấy đây không phải là một quyển sách “đọc cho vui” vì nhiều lúc cần đọc đi đọc lại để hiểu một khái niệm và để nhớ những con số vô cùng lớn hoặc vô cùng nhỏ của vũ trụ. Cũng như tác giả đã viết trong “Lời nói đầu” quyển sách dành cho “những người nghiêm túc” có ham muốn tìm hiểu về thế giới xung quanh và quan tâm tới những tiến bộ mới nhất trong nghiên cứu vũ trụ mà không cần có hành trang khoa học của một chuyên gia.

Quyển sách chia làm 9 chương mô tả sự tiến hóa của tư duy con người đối với vũ trụ, từ vũ trụ thần linh mang sắc thái mê tín đến vũ trụ Big Bang của thế kỷ 20, những qui luật vật lý mà vũ trụ phải tuân thủ để hành xử chính xác thuận với sự phát triển và tồn tại của mình. Tác giả đã dành ra một chương (Chương 8) để luận về sự “phi hiện hữu” của Chúa trong sự hình thành của vũ trụ và con người. Thật ra, Trịnh Xuân Thuận không phải là một nhà khoa học duy nhất viết về thiên văn cho các độc giả “không có hành trang của một chuyên gia”. Các nhà khoa học về vật lý thiên văn như Stephen Hawking, Carl Sagan, Paul Davies đã từng viết nhiều sách và kịch bản cho những chương trình TV Khoa Học phổ thông nói về sự tiến hóa cuả vũ trụ và sự hiện hữu của con người. Những quyển sách nổi tiếng nhất trong loạt sách nầy phải nói đến quyển “A Brief History of Time” (“Lược sử Thời gian”) của Stephen Hawking hoặc là “The Mind of God” (“Tư duy của Chúa Trời”) của Paul Davies. Mặc dù những quyển này đều chủ trương viết cho độc giả không có “hành trang chuyên gia”, nhưng tôi không hấp thụ được nhiều lắm khi đọc chúng, nghĩa là đọc xong rồi quên hết.
“Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ” mang đến cho người đọc một luồng gió mới. Ta có thể đọc qua một lần rồi đọc lại vẫn thấy hay. Ngoài nguyên nhân là lời dịch thông suốt, một phần hứng thú còn là do tác giả đã biến một môn học “khô như ngói” trở thành một câu chuyện kể với lối hành văn trong sáng, hài hước. Tác giả trình bày mạch lạc từ một “vũ trụ thần thoại” do Đấng Sáng Tạo tạo ra cho đến những tác động khoa học cuả những hạt sơ cấp như proton, neutron, electron, đưa đến sự thành hình của “vũ trụ Big Bang” và sự sống mà không cần đến bàn tay của Chúa. Thần linh phải trốn chạy trước ánh sáng khoa học. Vũ trụ cổ Hy Lạp (2500 năm trước) là vũ trụ khoa học vẫn còn như vũ trụ ngày hôm nay do những đóng góp kỳ tài của Platon và Aristote. Vũ trụ cổ Trung Hoa là một vũ trụ thực dụng. Có lần môn đệ Khổng Tử hỏi vũ trụ từ đâu đến, Khổng Tử trả lời “Việc trên mặt đất lo còn chưa xong lo gì việc trên trời”. Người Trung Hoa cổ nhìn trăng sao để tiên đoán thời tiết cho việc canh nông hay cho việc thăng giáng của một triều đại hơn là cho một mục đích khoa học.
Sự ra đời của Thiên Chúa Giáo có ảnh hưởng không ít tới tư duy con người ở thời Trung cổ trong nhận thức về vũ tru. Chúa tạo ra vũ trụ 6000 năm trước! Vì Chúa sinh ra đời ở địa cầu nên địa cầu là trung tâm của vũ trụ. Mọi hành tinh đều xoay quanh địa cầu! Ảnh hưởng của Nhà Thờ mạnh đến nổi những kẻ đi ngược lại tư tưởng “chính thống” lúc bấy giờ đều có thể lên giàn hỏa thiêu. Tuy nhiên, nhờ những quan sát của Galilê bằng kính thiên văn của ông vào năm 1609 và tài năng suy luận vĩ đại của Copecnic và của các nhà thiên văn học khác, ở thế kỷ thứ 19 người ta đã nhận thức rằng vị trí Trái Đất trong vũ trụ là sự ngẫu nhiên không có gì đặc biệt. Thái Dương Hệ của chúng ta bơ vơ trên cái mép ngoại ô xa xôi của Ngân Hà (Milky Way). Ngân Hà chứa hàng trăm tỷ ngôi sao phát ánh sáng giống như Mặt Trời, và “Thiên ngoại hữu thiên”, chính Ngân Hà cũng lại lạc giữa hàng trăm tỷ thiên hà khác (galaxies).
Cái câu hỏi đơn giản “Vũ trụ từ đâu tới?” đã khuấy động sự tò mò của con người để tìm một giải đáp từ bao ngàn năm nay. Vũ trụ như người đẹp ngàn lẻ một đêm thờ ơ nhưng thích đỏng đảnh trong mảnh khăn che mặt lúc ẩn lúc hiện lại hấp dẫn trêu ngươi! Hay nói như tác giả “Tự nhiên không hoàn toàn im lặng. Giống như một dàn nhạc ở xa, nó thường trêu ngươi hé lộ với chúng ta những nốt hay những đoạn nhạc rời rạc. Tuy nhiên, không bao giờ nó cho chúng ta biết tổng hòa của những nốt nhạc đó và cũng không tiết lộ cho chúng ta bí mật về giai điệu của chúng. Bằng cách nào đó chúng ta cần phải khám phá ra bí mật của cái giai điệu ẩn giấu ấy để nghe được trọn vẹn bản nhạc với tất cả vẻ đẹp hoàn mỹ của nó”. Và cho đến bây giờ con người có thật sự nghe được trọn vẹn bản nhạc vũ trụ hay chưa?
Bộ óc con người thật vĩ đại. Trong việc khám phá vũ trụ, con người đã có thể “cân” và “đo” được độ lớn của các thiên hà, khoảng cách giữa các hành tinh và các thiên hà. Đơn vị thường dùng là “năm ánh sáng”. Trong một giây, ánh sáng đi được 300.000 km, có nghĩa là trong một giây ánh sáng có thể đi quanh trái đất 7.5 lần. Tốc độ ánh sáng là tốc độ tuyệt đối, nhưng trong vũ trụ mông lung nó đi chậm hơn cả ruà bò! Ánh sáng xuất phát từ mặt trời đến quả đất cần 8 phút. Từ mép nầy sang mép kia của Ngân Hà chúng ta là 90.000 năm ánh sáng. Khoảng cách từ Thái Dương Hệ đến tâm của Ngân Hà là 30.000 năm ánh sáng. Khoảng cách từ Ngân Hà đến thiên hà “hàng xóm” gần nhất (thiên hà Andromede) là 2.3 triệu năm ánh sáng. Và vũ trụ của chúng ta bao gồm hàng trăm tỷ thiên hà có độ lớn là 15 tỷ năm ánh sáng và còn đang tiếp tục giãn nở. Khi đem tầm vóc con người so với cái vô tận của vũ trụ, sự “cân” và “đo” của con người đối với vũ trụ cũng như một con vi khuẩn đang “cân” và “đo” độ lớn và lượng nước của Thái Bình Dương! Cái siêu việt của thông minh con người là ở đó.
Thuyết tương đối của Einstein và cơ học lượng tử xuất hiện ở đầu thế kỷ 20 đã đưa tư duy con người đến một nấc thang cao hơn trong việc giải mã những bí ẩn cuả vũ trụ. Hơn nữa, với sự tiến bộ của công nghệ quang học và vi tính cũng như sự đóng góp của kính thiên văn vệ tinh Hubble, người ta có thể nhìn được những ánh sáng “hóa thạch” của những ngôi sao cách chúng ta hằng tỷ năm ánh sáng. Có nghĩa là những thông tin chúng ta đang nhận được là ánh sáng của vũ trụ ở hàng tỷ năm trước. Đó là những làn sóng của quá khứ xa xăm đến từ mọi phía đổ xô tới cái hòn đảo Trái Đất của chúng ta chơi vơi trong vũ trụ. Nhờ đó người ta có thể nhìn thấy vũ trụ vào thời non trẻ. Có nhiều thuyết nói về sự khai sinh và tiến hóa của vũ trụ, nhưng thuyết Big Bang (cuộc nổ lớn) vẫn là thuyết được nhiều sự ủng hộ vì nó phù hợp với những quan sát thực tế.  Tiếc thay, các nhà thiên văn học nhìn vũ trụ theo quan điểm Big Bang không thể đưa chúng ta trở lại điểm zero khi có vụ nổ lớn nguyên thủy xảy ra và cũng là điểm khi không gian, thời gian và vật chất xuất hiện, mà các vị đó chỉ có thể đưa chúng ta đến thời điểm 10-43 giây (= 0.00000…..1 giây; 43 số không trước số 1) sau vụ nổ. Vũ trụ lúc đó chỉ có đường kính 10-33 cm, còn nhỏ hơn nguyên tử hydrogen tới 10 triệu tỷ tỷ lần. Nó cực kỳ nóng (1032 K) và cực kỳ đặc (1096 g/cm3). Cuộc nổ lớn “văng miểng” và những miểng là hằng trăm tỷ thiên hà mà cho đến bây giờ sau 15 tỷ năm những “miểng” nầy vẫn còn bay ra xa, tạo ra sự giãn nở vũ trụ. Sự giãn nở nầy làm giảm nhiệt độ đến 3 K (-270 ºC) trong toàn cõi vũ trụ với sự sai biệt nhiệt độ 0.01%!
Sự tiến bộ cuả khoa vi tính cũng đưa các nhà thiên văn đi một bước tiến xa trong việc khám phá vũ trụ. Họ lập ra những mô hình toán học (mathematical modelling) với những điều kiện ban đầu rồi dùng những máy siêu vi tính tính toán sự tiến hóa 15 tỷ năm của vũ trụ. Họ dùng kết quả tính toán so sánh với kết quả quan sát. Không may là hai kết quả thường thường không phù hợp với nhau! Điều này chứng tỏ những điều kiện ban đầu không được chính xác hay chưa đủ để phản ảnh thực tế. Cho đến ngày hôm nay, mặc dù con người được trang bị bằng những lý thuyết vật lý vĩ đại, những kính thiên văn hiện đại và những máy siêu vi tính, song chúng ta chỉ thấy được cái phần nổi của tảng băng chìm; 95 % còn lại vẫn còn trong bóng tối. Người đẹp ngàn lẻ một đêm của chúng ta vẫn không bỏ cái thói đỏng đảnh hững hờ, vẫn không muốn vén mảnh khăn che mặt để cho chúng ta chiêm ngưỡng cái gương mặt mĩ miều huyền ảo, những đường cong hình hài tuyệt mỹ!
Lỗ đen (black holes) cũng được đề cập nhiều lần trong quyển sách. Lỗ đen là do sự co lại cuả một hành tinh nặng (cỡ vài chục lần khối lượng Mặt Trời) từ bán kính vài trăm triệu km đến bán kính cuối cùng nhỏ hơn 20 km. Cũng như Trái Đất của chúng ta bị một bàn tay vô hình bóp lại thành một viên bi có đường kính 3 cm. Một chuyện khó tưởng tượng nhưng hiện hữu trong vũ trụ. Lúc đó những hành tinh nầy rất đặc tạo ra một lực hấp dẫn mạnh đến mức mọi vật kể cả ánh sáng đi ngang qua nó sẽ bị hút vào không thể thoát ra được. Giả dụ như có một du hành gia mạo hiểm đi gần lỗ đen, theo tác giả quyển sách thì anh ta sẽ bị hút vào và kéo giản ra như sợi mì ống và chết không kịp ngáp!
Trong quá trình tiến hoá của vũ trụ, Thái Dương Hệ được thành hình rất trễ. Nếu lịch sử 15 tỷ năm của vũ trụ được thu lại thành một ngày 24 tiếng thì mãi đến 5 giờ chiều Thái Dương Hệ mới bắt đầu xuất hiện. Con người xuất hiện 11 giây trước nữa đêm và cái gọi là 4000 năm lịch sử chỉ là vài phần trăm giây còn lại của ngày đó. Quyển sách không trả lời câu hỏi “Vũ trụ từ đâu tới? Tại sao có sự hiện hữu của con người?”. Tác giả làm người đọc hơi thất vọng vì ông chỉ đưa chúng ta đến thời điểm rất gần thời điểm zero; 10-43 giây sau Big Bang, nhưng vẫn chưa phải là zero. Vũ trụ xuất phát từ một chân không gần như trống rỗng để 15 tỷ năm sau nó đã tạo ra “hằng hà sa số” các sao và thiên hà. Sự phát triển và thành hình của nó được kiểm soát hết sức tỉ mỉ trong sự vận hành hết sức chi li theo những qui luật vật lý chính xác nhất. Nó đã và đang ảnh hưởng tới sự xuất hiện mang tính ngẫu nhiên cuả sự sống trên quả đất này và cũng có thể ở một nơi heo hút nào khác trong vũ trụ cách xa chúng ta vài triệu năm ánh sáng. Chúa và Thần Linh đã lần lượt rời khỏi sân khấu tư duy con người khi bức màn bí mật của vũ trụ được Khoa Học vén mở. Tuy nhiên, khi chúng ta truy vấn đến tận cùng để biết cái cơ duyên hiện hữu của vũ trụ, những câu trả lời có khoa học tính bỗng trở nên tắc nghẽn. Ở thời điểm zero của Big Bang và trước đó, vũ trụ là gì? Quả mìn trước khi nổ là quả mìn. Vũ trụ trước khi nổ là……??? Theo tác giả vì khởi điểm của thời gian là điểm zero của Big Bang nên câu hỏi “trước” Big Bang không có ý nghĩa bởi vì thời gian khi đó chưa xuất hiện. Tôi lại nghĩ bâng quơ tại sao không có khái niệm cho thời gian “âm” (negative). Nhưng điều nầy lại đưa đến một nghịch lý là mũi tên thời gian chỉ lao thẳng về phía trước tăng trưởng theo chiều “dương” vì người ta không thể đi ngược dòng thời gian trở về quá khứ hay trở nên trẻ lại để được ân huệ “cải lão hoàn đồng”.
Tuy nhiên, dù cho tác giả dành cả Chương 8 (Chúa và Big Bang) nói đến cái vô lý khi phải chấp nhận sự hiện hữu của Chúa, người đọc không dễ dàng bị thuyết phục, bởi vì làm sao chúng ta có thể giải thích một cơ chế trong đó chúng ta có tất cả từ cái không có (everything from nothing)? Những định luật khoa học đã có sẳn trong tự nhiên. Con người chỉ làm cái việc khám phá, phát hiện. Vậy ai đã tạo ra những định luật nầy và bắt vũ trụ phải tuân thủ trật tự một cách chi li để có sự phát triển hài hòa. Làm sao các hạt sơ cấp vô tri như proton, neutron, electron tạo ra những nguyên tố vô tri như hydrogen, oxygen, carbon để sinh ra amino acid, protein, và những chuỗi xoắn kép DNA mang tính di truyền rồi qua một quá trình phức tạp ở trong một trật tự định sẳn để trở thành con người với một trí thông minh kỳ diệu. Mặt khác, cơ thể con người như một “tiểu vũ trụ” cũng bị câu thúc chặc chẻ bởi những qui luật sinh học, hoá học, vật lý cực kỳ chính xác để hành xử và phát triển. Trong cuộc tranh luận về nguồn gốc vũ trụ và con người giữa phe “Tiến Hóa” (evolution) và phe “Sáng Thế” (creation), câu trả lời có vẻ giao phần thắng về cho phe “Sáng Thế”, nhưng dẫu vậy, tôi vẫn không muốn sự suy nghĩ của mình trở nên cùn cụt, cứng nhắc khi phải phó thác mọi việc cho Thượng Đế quản lý.
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng góp phần vào sự thành công của cuốn sách, đó là nội dung bản dịch tiếng Việt của dịch giả Phạm Văn Thiều. Bản dịch được thực hiện rất công phu. Người dịch không những phản ảnh được lối hành văn đượm chất văn học của nguyên bản mà lời dịch xuôn xẻ không làm cho người đọc mang một cảm giác đang đọc một bài văn dịch. Chữ Việt được sử dụng rất giàu hình ảnh, thí dụ có một đoạn được dịch là “… hạt nhân của các nguyên tố hớn hở lao vào kết hợp với nhau. Đây đúng là cuộc liên hoan lu bù của các cuộc hôn phối” hay là “….khái niệm về sáng thế và sự khởi đầu trong lĩnh vực khoa học đã bốc mùi dị giáo”. Tuy nhiên không hiểu vì sao tựa đề quyển sách bản tiếng Việt lại thêm một câu “thòng” “… và con người đã tạo ra vũ trụ”, đó thực sự là không cần thiết, thậm chí câu thòng đó có thể đưa đến sự hiểu lầm về nguồn gốc của “kẻ sáng tạo” ra vũ trụ.
Quyển sách gói ghém lịch sử 15 tỷ năm của vũ trụ trong 383 trang giấy đã đưa người đọc từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác với những con số vô cùng lớn hay vô cùng nhỏ và những sự kiện vượt qua mọi sự tưởng tượng bình thường. Trong toàn quyển sách tôi không tìm thấy được chữ “vô thường” mà tôi nghĩ đó là một từ rất chính xác để chỉ sự biến đổi liên tục và những cái tạm bợ của vũ trụ vẫn còn chứa đựng nhiều bí ẩn.
Mùa hoa Thủy Tiên (Tháng chín năm 2004)
Trương Văn Tân
Phụ Chú: “Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ”, Trịnh Xuân Thuận (Người dịch: Phạm Văn Thiều), nhà xuất bản Khoa Học và Kỹ Thuật, Hà Nội 2000. Giá: 40000 đ.
Nguồn: vietsciences.free.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn