Bộ Giáo dục đạt mục tiêu đổi mới bằng cách nào?

(Ảnh: gdtd.vn)
Tiếp theo sau chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng, toàn ngành giáo dục đang ráo riết triển khai kế hoạch đổi mới quản lý trong 3 năm 2010-2012. Mục tiêu của việc đổi mới là “tạo sự đổi mới toàn diện của GDĐH, từ đó bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học một cách bền vững” (SGGP 1/3/2010).
Quyết tâm cao nhưng tư duy cũ
Có thể thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có quyết tâm rất cao để đổi mới quản lý. Điều này thể hiện qua nhiều động thái dứt khoát, quyết liệt gần đây. Trước hết là tổ chức hội nghị toàn ngành qua 6 đầu cầu truyền hình để triển khai chương trình hành động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vào ngày 6/3/2010 (Phụ Nữ TP HCM 9/3/2010). Rồi một loạt hành động hỗ trợ, giám sát và chế tài, như hoàn thiện dự thảo hướng dẫn các trường xây dựng và công bố chuẩn đầu ra (SGGP 11/3/2010). Giảm 30 ngàn chỉ tiêu tuyển sinh của các trường do thiếu điều kiện đảm bảo chất lượng (dựa trên 2 chỉ số là diện tích xây dựng và tỷ lệ giảng viên trên sinh viên) (Tiền Phong 12/3/2010). Nhắc nhở các cơ sở đào tạo ĐH-CĐ về việc báo cáo hiện trạng về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục của nhà trường vào ngày 16/3/2010 (SGGP 16/3/2010). Và còn nữa, cả một chương trình hành động dày đặc đang chờ toàn ngành giáo dục triển khai trong vòng vài năm tới.

Dứt khoát thế, quyết tâm thế, và nỗ lực thế, nhưng dường như chương trình hành động của Bộ chưa nhiều yếu tố mới. Vẫn là chỉ thị từ trên xuống, vận động toàn ngành thảo luận thống nhất nhận thức, lên chương trình hành động cho toàn ngành, xiết chặt kiểm soát, kiên quyết xử lý các vi phạm. Tất cả những điều này đã có sẵn trong cơ chế từ trước đến nay, dù có lúc chưa được thực hiện nghiêm túc hết mức. Sự tăng cường kiểm soát của Bộ có lẽ sẽ có tác dụng để nâng cao chất lượng trong thời gian trước mắt, nhưng không phải là một cơ chế bền vững. Bởi một lẽ đơn giản: thời gian đâu, công sức đâu, và cả kinh phí đâu nữa, để Bộ có thể kiểm tra sâu sát đến từng trường và thực hiện chế tài cho mỗi vi phạm cụ thể mãi được?
Theo cách quản lý hiện nay, công việc của Bộ thực sự nặng nề, có thể nói là quá tải. Chỉ cần nhìn lịch làm việc dày đặc của lãnh đạo Bộ là rõ. Sự quá tải này có lẽ là một trong những lý do của tình trạng “buông lỏng quản lý” của Bộ Giáo dục mà dư luận đã nhiều lần lên án. Trong khi đó, sự phát triển giáo dục về số lượng của Việt Nam trong những năm tới sẽ vẫn tiếp tục tăng lên. Số trường đại học, cao đẳng sẽ tăng lên đến 600 trường vào năm 2020. Rồi các chỉ tiêu cho đến nay đã thấy rõ là rất khó đạt như 20 ngàn Tiến sĩ, 4-5 trường đạt đẳng cấp quốc tế. Rồi công tác kiểm định chất lượng giáo dục, hiện nay vẫn còn đang nằm trong Bộ, chưa biết đến khi nào mới có thể tách ra thành những tổ chức độc lập với Bộ. Mặc dù đến khi tách ra được rồi, cũng vẫn còn câu hỏi là không biết nó sẽ hoạt động ra sao trong tình trạng thiếu thốn mọi thứ – chính sách, nhân sự, năng lực thực hiện, kinh phí – như hiện nay?
Trước tình hình như vậy, với tư duy quản lý không mấy mới mẻ như trên, không hiểu sau 3 năm thực hiện – một thời gian rất ngắn – thì Bộ Giáo dục sẽ đạt được mục tiêu đổi mới đến đâu? Một câu hỏi thực sự rất khó trả lời.
Cần học tập kinh nghiệm thế giới
Có lẽ cần thẳng thắn nhìn nhận rằng các giải pháp quen thuộc sẵn có và đang được thực hiện trong chương trình hành động – những kế hoạch và những cam kết không có cơ sở và vì thế sẽ không thể thực hiện được – không còn phù hợp với đòi hỏi của sự phát triển giáo dục đại học ngày nay. Có lẽ để đổi mới thành công, cần học tập từ mô hình đại học đã được toàn thế giới thừa nhận là thành công: mô hình đại học Anh-Mỹ (Anglo-Saxon).
Không chỉ có Việt Nam cần học tập mô hình thành công này. Nhìn ra bên ngoài, sẽ thấy ngay là giáo dục đại học của nhiều nước khác cũng đang thực hiện cải cách theo mô hình đó. Cả những nơi có nền giáo dục đại học với những thành tựu đỉnh cao trong quá khứ như Châu Âu, lẫn những quốc gia Đông Á với nền văn hóa rất khác biệt với văn hóa Anglo-Saxon như Nhật, Hàn, và gần đây là Trung Quốc. Tất cả những quốc gia cải cách giáo dục đại học thành công đều là những quốc gia biết tuân theo những bí quyết thành công của giáo dục đại học Mỹ. Bí quyết đó, xin tạm gọi là bí quyết “3 nguyên lý, 2 cơ chế”, với 5 yếu tố cụ thể như sau:
BA NGUYÊN LÝ ĐỂ VẬN HÀNH THÀNH CÔNG NỀN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
- Tự do học thuật (academic freedom) của giảng viên
- Tự chủ (autonomy) của trường đại học
- Yêu cầu về trách nhiệm giải trình (accountability) của xã hội đối với nhà trường
HAI CƠ CHẾ KIỂM SOÁT CỦA XÃ HỘI ĐỐI VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC
- Chính sách và sự chế tài của nhà nước
- Thị trường cạnh tranh tự do, bảo đảm quyền lựa chọn của người học và nhà tuyển dụng
Vận dụng thành công bí quyết “3 nguyên lý, 2 cơ chế” trên vào bối cảnh cụ thể của từng quốc gia sẽ còn đòi hỏi ở toàn ngành giáo dục rất nhiều trí tuệ, quyết tâm, nỗ lực, nguồn lực – không loại trừ, và quan trọng nhất, là nguồn lực thời gian, cùng sự góp sức, hỗ trợ và ủng hộ của toàn xã hội. Nhưng nếu chúng ta né tránh không áp dụng bất kỳ yếu tố nào trong 5 yếu tố của bí quyết trên, thì chắc chắn sẽ rất khó để thành công.
Những khái niệm như “tự do học thuật”, “tự chủ đại học”, hoặc “thị trường cạnh tranh tự do” là những điều hết sức quen thuộc đối với tất cả những ai hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp trong lãnh vực giáo dục trên toàn thế giới. Không chỉ nằm trên giấy hoặc chỉ tồn tại trong các cuộc tranh luận, chúng đã thực sự đi vào cuộc sống hàng ngày của giáo dục đại học các nước, thông qua những chính sách, quy định, quy trình, và hành động cụ thể. Như biên chế suốt đời để bảo đảm tự do học thuật cho giảng viên. Như xếp hạng đại học của các cơ quan truyền thông để cung cấp thông tin nhằm bảo đảm quyền lựa chọn của người học. Như quyền tự chủ của các đại học trong việc đưa ra các tiêu chuẩn tuyển chọn giảng viên, xây dựng chương trình đào tạo, cấp bằng, định mức lương cho giảng viên, mức học phí của sinh viên để bảo đảm tính năng động và hiệu quả cao trong việc đáp ứng thị trường.
Tất cả những điều trên được thực hiện một cách tự động, trôi chảy, mà hầu như không cần có sự can thiệp của nhà nước như thường thấy ở Việt Nam với các chủ trương, chỉ thị, hay chương trình hành động. Mà thay vào đó là vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp trong việc xác định các tiêu chuẩn về năng lực cho những người mới vào nghề, việc tự nguyện tham gia kiểm định của các trường thông qua các tổ chức kiểm định để chứng tỏ trách nhiệm giải trình đối với xã hội. Hoặc vai trò của truyền thông, báo chí trong việc cung cấp mọi thông tin minh bạch đến người tiêu dùng giáo dục, nhằm đảm bảo quyền tự do lựa chọn và cạnh tranh lành mạnh trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục.
Bản danh sách nêu trên còn có thể kéo dài thêm nhiều nữa, nhưng cũng sẽ chỉ xoay quanh 5 yếu tố đã nêu. Trước hết, đó là sự vận hành của toàn bộ hệ thống theo 3 nguyên lý căn bản, hoặc có thể gọi là triết lý của giáo dục đại học: Tự do học thuật, tự chủ đại học, trách nhiệm giải trình. Và sau đó là điều kiện để giáo dục đại học có thể hoạt động hiệu quả và đúng hướng, với 2 cơ chế kiểm soát của nhà nước và thị trường. Trong đó, nhà nước kiểm soát các trường thông qua các chính sách và các biện pháp chế tài (chứ không phải điều hành vi mô trên từng hoạt động cụ thể), và thị trường kiểm soát các trường thông qua quyền lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng dịch vụ giáo dục mà các trường cung cấp của những người tiêu dùng giáo dục.
Khi nhìn vào chương trình hành động mà Bộ Giáo dục đang ráo riết triển khai, các yếu tố tạo nên thành công của một nền giáo dục đại học tiên tiến vẫn hoàn toàn vắng bóng. Thậm chí cả ý niệm đúng đắn về chúng cũng chưa hề tồn tại trong các cuộc tranh luận. Nếu Việt Nam có một nền giáo dục đại học chưa thành công nhưng không chịu học hỏi từ thành công của những quốc gia đã có bề dày kinh nghiệm, thì không hiểu Bộ Giáo dục sẽ đạt được mục tiêu đổi mới quản lý bằng cách nào đây?
Nguồn: http://lifeartvietnam.org/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn