Chu Cẩm Phong nhà văn anh hùng

Bùi Minh Quốc

LTS – Nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong (1941 – 1971) tên thật là Trần Tiến sinh năm 1941 tại Hội An (Quảng Nam), cha là cán bộ chỉ huy quân sự của Hội An thời kháng chiến chống Pháp, mẹ là cơ sở cách mạng hoạt động bí mật cũng tại thị xã này thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.Năm 1954 Chu Cẩm Phong theo cha tập kết ra miền Bắc, học phổ thông tại các trường học sinh miền Nam và học đại học tại khoa ngữ văn trường đại học tổng hợp Hà Nội, được kết nạp vào Đảng Lao Động Việt Nam năm 1963 khi đang học năm thứ ba.Tốt nghiệp đại học vào hàng xuất sắc, được chọn đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng Chu Cẩm Phong đã không chọn con đường ấy mà xin về Nam chiến đấu cuối năm 1964, thời gian đầu làm phóng viên TTXVN sau đó chuyển sang làm phóng viên, biên tập viên tạp chí VĂN NGHỆ GIẢI PHÓNG TRUNG TRUNG BỘ (Khu 5), bí thư chi bộ tiểu ban văn nghệ Ban tuyên huấn Khu 5.Trong công tác cũng như  trong đời sống hàng ngày, ở  đâu làm gì Chu Cẩm Phong cũng luôn luôn là  một đảng viên, một cán bộ rất gương mẫu.Ngày 1 tháng 5 năm 1971, trong một cuộc chiến đấu tuyệt đối không cân sức từ dưới hầm bí mật với lực lượng đối phương đông gấp bội tấn công từ bên trên, Chu Cẩm Phong cùng bốn chiến sĩ khác đã anh dũng hy sinh, để lại tấm gương ngời sáng của một nhà báo nhà văn chiến sĩ cùng những trang viết giá trị. Đặc biệt cuốn nhật ký cuối cùng mà nhà văn đem theo bên mình tưởng đã bị mất vĩnh viễn không ngờ đã được một sĩ quan quân đội Sài Gòn trân trọng gìn giữ, sau ngày giải phóng Đà Nẵng tìm đến trao lại cho nhà thơ Bùi Minh Quốc, năm 2000 tập hợp với các phần nhật ký Chu Cẩm Phong viết trước đó in thành sách mang tên “Nhật ký chiến tranh” (NXB Văn Học xuất bản), được Hội Nhà Văn Việt Nam trao tặng thưởng.Năm 2005, nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản “Tuyển tập Chu Cẩm Phong” bao gồm truyện ngắn, bút ký  và “Nhật ký chiến tranh”của Chu Cẩm Phong. Nhà văn Chu Cẩm Phong đã được truy tặng Giải thưởng Nhà Nước về văn học nghệ thuật.                                                                                            Ngày 11 tháng 05.2006, tại Hội An, Hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo “Nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong – cuộc đời và sáng tác”.Toàn thể những người dự hội thảo đã nhất trí về giá trị văn học của “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong cùng phẩm chất anh hùng của tác giả và đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng cho nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong.
Vừa qua, nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong đã được Nhà nước phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Quyết định 212 QĐ/CTN do Chủ tịch nước ký).
Chúng tôi giới thiệu với bạn đọc của BVN bài của nhà thơ Bùi Minh Quốc, bạn học và bạn chiến đấu của nhà văn anh hùng Chu Cẩm Phong,  viết về bạn mình.


Nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong vừa được Nhà nước  truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong lịch sử Hội Nhà văn Việt Nam thành lập từ 1957,  đây là nhà văn đầu tiên được phong danh hiệu anh hùng.
Đời văn của Chu Cẩm Phong quá ngắn, chỉ có ba năm rưỡi, mà lại là ba năm rưỡi chồng chất biết bao công việc ngoài văn chương, nên anh chưa có điều kiện biểu lộ đầy đủ năng lực sáng tác trong một số bút ký, truyện ngắn.Nhưng chỉ qua những trang nhật ký Chu Cẩm Phong ghi vội giữa khói lửa chiến trường, chúng ta chẳng những đã được thừa hưởng một khối tư liệu hết sức phong phú đồng thời cũng thấy rõ ở anh một cặp mắt quan sát rất sắc sảo, một trực giác nắm bắt tâm lý bén nhạy, tinh tế, với một lối ghi chân mộc và rất sinh động hứa hẹn những tác phẩm xứng tầm.
Có điều thật lạ, vượt ra ngoài ý định của người ghi, như một nét riêng của văn học Việt Nam kháng chiến, nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong tự thân nó cứ chứa đựng một giá trị văn học độc đáo cần được tiếp tục khám phá.Tuy vậy, không cần chờ thêm sự sàng lọc của thời gian, không cần dựa vào số lượng sách được in được mua nhiều hay ít, một sự thật hiển nhiên đã hiện ra với chúng ta :  cái lớn lao hơn hết ở Chu Cẩm Phong là chính con người anh.
Anh Lê Yến, tức Sáu Yến, vào thời điểm nhà văn Chu Cẩm Phong về công tác tại xã Xuyên Phú (Duy Tân), là chính trị viên xã đội, là người cùng rúc hầm bí mật với Chu Cẩm Phong và may mắn sống sót, đã kể về những giây phút cuối của Chu Cẩm Phong (được nhà văn Hồ Duy Lệ ghi lại) như sau :
“Anh Phong khoát tay bảo : Bình tĩnh ! Khi mô hắn phát hiện khui hầm thì mình chiến đấu.Súng ống cẩn thận, mất bình tĩnh làm sẩy cò thì nguy”.
“Anh Phong dặn : Chiến đấu đến cùng.Ai thoát được thì tốt,không được đầu hàng”.
“…Địch thì đã vây quanh la ré hù doạ (…).Chúng vừa bắn tiểu liên vừa ném lựu đạn tới tấp vào bụi tre. Địch ném liên tục, có khi năm bảy quả một lần, nhiều quả lọt xuống nổ tung toé (…).Cả Ca và Ta đều bị thương rất nặng.Ca rên to.Anh Phong động viên Ca đừng rên, ráng chịu đau.Bảo anh em băng cho Ca và Ta, còn anh thì tự băng lấy (…) Anh lục gùi lấy tài liệu xé, đào đất lấp lại”.
Đó là động tác cuối cùng của Chu Cẩm Phong.Thực ra anh đã bị thương nặng lắm ở thắt lưng mà anh em cứ tưởng anh chỉ bị nhẹ ở chân.Mấy giây sau động tác cuối cùng ấy, anh tắt thở.
Lời nói cuối cùng của Chu Cẩm Phong là lời xác định ý chí chiến đấu, chỉ đạo, nhắc nhở, động viên đồng đội chiến đấu. Động tác cuối cùng của anh cũng là một động tác chiến đấu, trong sự trầm tĩnh nén xuống nỗi đau dữ dội của một vết thương quá nặng dẫn đến cái chết.Thân xác anh cùng thân xác hai nữ chiến sĩ hy sinh trước anh lập tức trở thành chiến lũy che chở cho đồng đội tiếp tục chiến đấu.Họ đã hiến dâng trọn vẹn.
Những giây phút cuối của Chu Cẩm Phong không phải là một khoảnh khắc đột khởi trong một tình huống đột xuất, nó là kết tinh rất lô-gích toàn bộ vẻ đẹp tinh thần những năm tháng sống rất đẹp của anh trước đó giữa một chiến trường dồn dập thử thách, mỗi người phải đối mặt với cái đói cái đau cái chết từng ngày từng giờ.Những năm tháng ấy, trừ một số những kẻ lánh nặng tìm nhẹ, lén lút khôn khéo luồn lỏi lui lại phía sau đỡ ác liệt, còn hầu hết những con người vốn coi sự dấn thân vì đại nghĩa như một nhu cầu tự thân mà Chu Cẩm Phong là một trong những gương mặt tiêu biểu, thì không ai không chuẩn bị tinh thần sẵn sàng một lúc nào đó chính mình sẽ ngã xuống.
Hãy đọc lại những dòng Chu Cẩm Phong ghi ngày 11 tháng 9 năm 1968 khi nghe tin Nguyễn Trọng Định hy sinh :
“Thêm một thằng bạn – lại là bạn văn – hy sinh, thật xót xa.Trong giai đoạn quyết liệt này, sắp đến còn có những thử thách lớn lao hơn.Mình cũng đã nghĩ – nghĩ từ lâu rồi – trên đường công tác mình cũng có thể ngã xuống như các đồng chí bạn bè mình đã hy sinh.Nhưng mình hoàn toàn không e ngại ”.
Và đây, những dòng Chu Cẩm Phong ghi ngày 8 tháng 1 năm 1970, kỷ niệm 7 năm anh vào Đảng :
“Sắp đến mình sẽ đi công tác, mình nhận đi lại Quảng Đà, một nơi ác liệt nhất.Mình có thể hy sinh trong mùa xuân lịch sử này lắm.Mình nghĩ đến điều này một cách nghiêm túc.Nếu mình ngã xuống như Phương Thảo, Văn Cận, Xuân Quý, thì ba mình, nhất là mẹ mình sẽ đau khổ đến chừng nào.Mình biết điều đó.Mình là con trai được cả nhà yêu thương… Nhưng dầu thế nào mình cũng không xê dịch cái phương châm sống của mình:Dũng cảm say sưa quên mình như những chiến sĩ cộng sản chân chính đi trước.Dẫu ngã xuống một giờ, nửa giờ trước khi ta giành thắng lợi hoàn toàn cũng Hạnh phúc lắm thay !”.
Đấy là tâm nguyện thầm kín của anh, anh ghi trong nhật ký cho riêng mình, và cái thầm kín ấy đã hiện thành hành động sống hàng ngày.Là bạn cùng học đại học với Chu Cẩm Phong rồi lại là bạn cùng chiến trường cùng cơ quan cùng chi bộ với anh mà anh là bí thư, tôi thấy rõ anh đã sống đúng như thế: dũng cảm, say sưa, quên mình.Ở đâu việc gì anh cũng gương mẫu, miệng nói tay làm. Đi phía trước, anh quyết đến cho bằng được những nơi “mũi nhọn của mũi nhọn” dù phải vượt qua nhiều tuyến địch, dù mật độ bom pháo rất ác liệt, dù nơi anh đến là nơi địch ta xen kẽ sít rịt, ngày phải rúc hầm bí mật đêm mới có thể chui lên để gặp được dân. Ở cơ quan, việc gì khó việc gì nặng anh đều đưa vai gánh vác.Khó như việc đan lát, dân thư sinh Hà Nội có bao giờ mó tay, nhưng cơ quan cần cót chứa thóc, cần teo suốt lúa, thế là anh vào nóc nhờ đồng bào chỉ vẽ, vào rừng chặt tre về đan và dạy lại ngay cho mấy đoàn viên thanh niên cùng đan.Vừa khó vừa nặng như việc phát rẫy rừng già, anh tự mình xoay trần bắc giàn đốn ngã hàng chục cây lớn.Anh làm nhiều nhất mà hưởng ít nhất hoặc cũng chỉ như anh chị em khác, mỗi buổi trưa ngoài rẫy vỏn vẹn vài đũm sắn luộc và hớp nước suối. Một vài anh  chị em chúng tôi có được số trang viết nhiều hơn chính là nhờ sự hy sinh của Chu Cẩm Phong, khi chúng tôi ngồi viết thì anh đi làm rẫy, khi chúng tôi nghỉ ngơi thì anh ngồi viết. Chưa kể anh phải lo toan đủ chuyện, sự lo toan ấy bao trùm toàn bộ đời sống hàng ngày của cả cơ quan, từ củ sắn cọng rau, lon muối cho đến một vài hiện tượng chây lười, vô kỷ luật, một vài va chạm, xích mích… Cứ thế, ngày phát rẫy, đêm anh chong đèn ngồi viết, chống chọi và vượt lên tất cả mệt mỏi, và nhất là phải vượt qua cái cảm giác bất lực đến dễ nản lòng thường có ở một người biết rõ những yêu cầu nghiêm khắc của nghề nghiệp đã trở thành sự khe khắt của mình với chính mình (tôi đã thấy sau những đêm thức tắng ngồi viết, sáng ra anh lại xé bản thảo vì chưa vừa ý ).Những trang viết của anh còn lại đến hôm nay, đều là được viết trong những đêm dài như thế trên rừng núi chiến khu, hoặc dưới tầm đạn giặc, có khi ngay bên miệng hầm bí mật ở đồng bằng.
Cuối tháng ba năm 1971, rẫy đốt vừa xong, lúa vừa trỉa xuống, Chu Cẩm Phong hăm hở ba lô lên đường trở lại đồng bằng Quảng Đà – chiến trường trọng điểm, miền quê máu thịt vô cùng gắn bó của anh, ở đó trong cái thành phố cổ ven biển Cửa Đại anh có người mẹ ngót hai mươi năm đau đáu ngóng chồng chờ con, và không chỉ ngóng chờ, chính mẹ cũng tham gia hoạt động, thường xuyên phải chịu tù đày để cho mau gần lại ngày đoàn tụ. Anh hy vọng chuyến này về sẽ được gặp mẹ. Trên đường đi Quảng Đà, Chu Cẩm Phong dừng lại một ngày bên bờ sông Đăk Vin để chia tay với người yêu mà lời đính ước chỉ vừa mới trao nhau trước đó hai tuần. Sau bao nhiêu trăn trở day dứt bởi những trở lực nảy sinh từ một cảnh ngộ đặc biệt của chiến tranh và chia cắt, họ đã tìm thấy nhau và đến với nhau bằng một tình yêu thâm trầm và táo bạo. Bạn bè đồng chí ở cơ quan Văn Nghệ đã chờ đợi để chuẩn bị sau chuyến đi đó của anh sẽ tổ chức một đám cưới thật tuyệt vời.
Nhưng…
Chu Cẩm Phong đã không được ăn chén cơm từ cái rẫy lúa bội thu do chính anh là chủ lực khai phá, không bao giờ còn được gặp mẹ, không bao giờ trở thành chú rể. Ba mươi ngày sau buổi chia tay với người yêu, anh hy sinh.
Chu Cẩm Phong lấy đâu ra cái nghị lực phi thường đến vậy trong khi anh chỉ là một chàng thư sinh gầy yếu sốt rét triền miên để có thể sống gương mẫu không phải chỉ vài ngày vài tháng vài năm mà suốt cả cuộc   đời ?
Tôi nghĩ nghị lực phi thường ấy bắt nguồn từ chính cái lẽ sống của anh, cũng là của cả thế hệ chúng tôi, được khơi nguồn từ những chiến sĩ cộng sản chân chính đi trước đã nêu gương : sống là dâng hiến, là quên mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng con người.
Độc lập cho dân tộc và tự do cho mỗi con người.
Vâng, còn gì cao đẹp hơn người chiến sĩ dâng hiến đời mình để góp phần đưa dân tộc thoát ách nô lệ ngoại bang rồi đưa con người từ vương quốc của tất yếu đến vương quốc của tự do ! Đối với Chu Cẩm Phong, lẽ sống ấy không phảỉ là một dòng tư tưởng khô lạnh, một thứ ý thức hệ trừu tượng, mà đã nhuần thấm trong anh thành máu thịt, thành tình yêu, và một cách tự nhiên, trở thành hành động sống bình thường hàng ngày.Tất nhiên anh phải thường xuyên phấn đấu tự vượt lên chính mình để thường xuyên gương mẫu, nhưng ở đây không có chút gì là sự gồng mình, sự lên gân, sự trình diễn, bởi anh đã coi sự quên mình là hạnh phúc, thậm chí dẫu ngã xuống một giờ, nửa giờ trước khi ta giành thắng lợi hoàn toàn cũng Hạnh phúc, như anh đã ghi trong nhật ký – chữ Hạnh phúc anh viết hoa.
Như thế cũng chưa đủ.Nghị lực sống, chiến đấu của Chu Cẩm Phong sẽ mau chóng vơi cạn nếu anh không có mối gắn bó máu thịt với nhân dân đang hàng ngày lao động, chiến đấu và hy sinh.Anh yêu thương nhân dân vô hạn và ở đâu đi đâu anh cũng được nhân dân yêu thương đùm bọc, từ ông già trên núi cao A-xò đến các em thiếu niên và bà con ven biển Hoà Hải, đông Sơn Tịnh… Ta hãy đọc đoạn ghi ngày 13 tháng 9 năm 1968 :
“…Thế là thím Ba Mân và thằng Thụy bị bọn Nam Triều Tiên giết hại rồi, cái xóm đó giờ tan tành, toàn mộ…Thảo* kể rằng, cái đêm hai đứa mình vượt lên đường số 1 để về tây Sơn Tịnh, thím Ba không ngủ cứ ngồi nhắc mãi và lo hai đứa bị phục kích. Đếnkhi nhận được thư mình viết về, thím mừng quá, ăn mừng ! Thảo về, chú Ba đến bàn thờ thím nói lầm rầm, khấn vái không biết những gì, trở ra chú bảo Thảo :
-Mày vào nói với bả biết đi, thằng Phong đang ở đâu và có khoẻ  không.”
Chính là tấm lòng và sự hy sinh vô bờ bến của đồng bào đồng chí mà anh chứng kiến hàng ngày đã thường xuyên truyền cho anh sức mạnh.Đồng thời sức mạnh của anh cũng bắt nguồn từ cái ý thức thường trực rằng mình là một đảng viên, hơn nữa, là một cán bộ lãnh đạo.Dù chỉ là cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở ở cơ quan tuyên huấn Khu, nhưng mỗi khi xuống địa phương, Chu Cẩm Phong đều có chủ đích đem sự hiểu biết phương hướng chủ trương ở tầm cao hơn để giúp các đồng chí địa phương , anh bất chấp nguy hiểm vào tận khu dồn An Hoà luôn được canh phòng cẩn mật để xem xét tại chỗ tình hình thực tế bên trong. “Bọn tôi nghĩ, anh đi kiểm tra xem chúng tôi báo cáo có thật không” – anh Lê Yến kể.Cái cách đi sâu đi sát nghiêm nhặt chẳng kém gì mà có thể còn hơn cán bộ chỉ đạo tác chiến như vậy, tại chiến trường Khu 5, ngoài hai nhà văn Nguyên Ngọc và Nguyễn Chí Trung ra, tôi chỉ thấy ở Chu Cẩm Phong.Anh đã tự xác định dứt khoát, trong một trang nhật ký : “Mình trước hết là một đảng viên rồi sau đó mới là người văn nghệ”. Mà làm đảng viên thời ấy, chỉ có nghĩa là phải biết quên mình, quên mình và quên mình, hy sinh, hy sinh và hy sinh, kể cả cái quý nhất là mạng sống, không tính toán so đo, mỗi ngày sống là mỗi ngày tận tuỵ phục vụ Nhân Dân, phục vụ Tổ Quốc.
Nhấn mạnh con người đảng viên trước con người nghệ sĩ, Chu Cẩm Phong không hề coi nhẹ những yêu cầu cao mang tính đặc thù của sáng tạo nghệ thuật. Trái lại, chính vì ý thức rất rõ những yêu cầu nghiệt ngã của sáng tạo nghệ thuật – một con đường đặc thù hướng tới cái đẹp không vụ lợi – mà anh càng đòi hỏi sự rèn luyện nhân cách ở người nghệ sĩ với những chuẩn mực cao, và những chuẩn mực ấy anh quyết tự mình xác lập qua con người đảng viên ở chính mình và tấm gương anh noi theo là những chiến sĩ cộng sản chân chính đi trước.Anh không thể quan niệm được một người cầm bút truyền bá những điều cao cả mà bản thân anh ta lại sống thấp hèn, ti tiện.Con người anh chính là cái đẹp không vụ lợi mà ngòi bút anh hướng tới. Chúng ta đã biết cuốn nhật ký cuối cùng của Chu Cẩm Phong mà anh đem theo bên mình có một số phận thật kỳ lạ, ngỡ đâu đã bị vĩnh viễn cuốn đi vô tăm tích trong bão lửa chiến tranh bỗng lại châu về Hợp phố.Người đã gìn giữ trân trọng cuốn nhật ký ấy suốt bốn năm không nề nguy hiểm là anh Hoàng Đình Hiếu, một sĩ quan quân đội Sài Gòn, sau biệt phái về dạy học tại trường Hồng Đức – Đà Nẵng.Anh Hoàng Đình Hiếu viết cho nhà báo Đặng Ngọc Khoa rằng anh giữ cuốn nhật ký Chu Cẩm Phong là nhằm bảo quản một tài liệu sống của thế hệ mình, vì nó mang tính thời đại, nó chứa đựng nét tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên, nó là văn hoá.Những điều chia sẻ từ cuốn nhật ký ấy, Hoàng Đình Hiếu không thầm lặng giữ riêng cho mình.Một cựu nữ sinh trường Hồng Đức mới đây kể với nhà báo Đặng Ngọc Khoa : chính chị và các bạn cùng lớp đã được nghe thầy giáo Hoàng Đình Hiếu nói về nhật ký Chu Cẩm Phong ngay trên bục giảng từ trước năm 1975, một việc rất dễ phải gánh chịu tai hoạ. Vậy đó, những con người ở hai phương trời tư tưởng cách xa nhau, vào thời điểm đứng ở hai chiến tuyến đối nghịch nhau đã cùng gặp nhau ở một giá trị chung : giá trị làm người.
Phẩm chất làm người của Chu Cẩm Phong – một chiến sĩ ưu tú, một trí thức anh hùng – không bao giờ chỉ là một giá trị xưa cũ thuộc về quá khứ cuộc chiến đã lùi xa nay chỉ dành để chiêm bái kính nhi viễn chi vào các dịp này dịp nọ.Cuộc chiến đấu để làm người không dừng lại ở ngày 30 tháng 4 năm 1975, không, chính từ ngày ấy cuộc chiến đấu (không còn cần đến súng đạn nữa) chuyển sang một chặng mới , một hình thái mới, phức tạp hơn, trầy trật hơn, gay cấn hơn và sẽ lâu dài hơn.
Phức tạp hơn, trầy trật hơn, gay cấn hơn vì quy luật của thời bình khác hẳn quy luật thời chiến.Thời ấy, một không khí đạo đức được truyền toả từ sự hy sinh vô bờ bến của nhân dân và các đảng viên gương mẫu đã khiến cho ngay cả những con người yếu kém về phẩm chất cũng hít thở được chút gì đó của làn gió nhân phẩm để tự nâng mình lên ngang tầm chung.Sang thời bình thì khác, rất khác.Không phải tất cả những ai đã từng dũng cảm, say sưa, quên mình như Chu Cẩm Phong năm xưa cũng còn đủ vững vàng trước bao nhiêu cám dỗ hôm nay.Thấy phơi bày ra ngổn ngang khắp chốn, mà đặc biệt nguy hại là ngay cả những chốn uy nghi của một số những người gánh vác việc dân việc nước, một trạng thái dũng cảm ngược, say sưa ngược, quên mình ngược.
Không còn là dũng cảm chiến đấu vì dân vì nước vì lẽ phải mà dũng cảm dám đê tiện, dám làm những việc đê tiện tày đình mà không chút xấu hổ.Không còn là say sưa với lý tưởng nhân văn mà chỉ say sưa đến điên cuồng mê muội lao theo những tham vọng tầm thường nhất.Không còn là quên mình vì dân vì nước mà chỉ leo lẻo “quên mình” trên đầu lưỡi để lợi dụng sự quên mình của số đông cốt sao thực hiện trót lọt một thứ cá nhân chủ nghĩa ngoan cố nhất, lì lợm nhất, xảo quyệt và trâng tráo nhất.
Phẩm chất làm người mà Chu Cẩm Phong năm xưa nêu gương thật cao đẹp giờ đây đang phải đương đầu với những thách thức mới khi nền đạo đức xã hội xuống cấp ghê gớm chưa từng thấy. Giữa bầu khí náo nức làm giầu bằng mọi cách mọi kiểu hôm nay lại luôn nghe vang lên tiếng kêu “làm người khó quá!”, ngay sự tử tế tối thiểu của con người đối với nhau cũng ngày càng trở nên hiếm hoi nói gì đến sự làm người thật ngay ngắn.Sự xé rào đạo đức xổ ra như một thứ dịch, kẻ bất lương cao giọng lương tâm, sự dối trá gian lận đểu cáng nhơn nhơn thách thức, sự xấu hổ bị tê liệt, sức chiến đấu ở bao con người đáng lẽ phải chiến đấu cũng tê liệt, bệnh vô cảm hờ hững dửng dưng lây lan dễ sợ, tâm hồn con người bị sa mạc hoá từng ngày.
Giới trí thức, trước hết là giới nhà văn, những người được coi là đại diện cho lương tri của dân tộc, hàng ngày vẫn luôn lớn tiếng về tình trạng băng hoại đạo đức xã hội nhưng có lúc nào tự nhìn vào tình trạng đạo đức của chính bản thân mình ?
“Nhìn thấy và nghe thấy mọi người nói dối, và để cho thiên hạ bảo anh là ngu xuẩn chỉ vì anh đã nghe lời dối trá ấy, nhẫn nhục chịu đựng những sự lăng mạ khinh miệt, không dám nói thẳng rằng anh đứng về phía những người trung thực yêu tự do; và chính anh cũng nói dối, cũng nhăn nhở cười, chỉ cốt kiếm được miếng ăn, chỉ cốt được ấm vào thân với một chức tước hèn mọn nào đó chỉ đáng giá mấy đồng xu – không, không thể sống như thế mãi được !”** Những lời đó là của An-tôn Sê-khốp vĩ đại nhận xét và lay tỉnh giới trí thức Nga bạc nhược hèn kém dưới chế độ chuyên chế Sa Hoàng cách đây hơn 120 năm mà sao tôi cảm thấy nóng bỏng thời sự với các nhà văn Việt Nam chúng ta hôm nay.Nếu chúng ta không biết tự vấn về nhân cách của người cầm bút thì chúng ta đừng trách nhân dân nhìn chúng ta bằng con mắt khinh bỉ.(Thiết nghĩ việc hội thảo về Chu Cẩm Phong không nên chỉ dừng trong phạm vi tỉnh Quảng Nam mà Hội Nhà Văn Việt Nam cần gấp rút tổ chức một cuộc hội thảo lớn về Chu Cẩm Phong , về Nguyễn Thi…để từ đó soi rọi nghiêm khắc vào nhân cách của bản thân mỗi nhà văn và cùng nhau hoạch định một chiến lược thiết thực cho cuộc chiến đấu để làm người, một chiến lược chấn hưng đạo đức xã hội ngõ hầu đưa xã hội sớm thoát dần ra cái đại nạn băng hoại đạo đức hiện thời ).
Trong tình cảnh đạo đức xã hội băng hoại tang thương như vậy mà nói về người chiến sĩ Chu Cẩm Phong, về lòng dũng cảm của anh, niềm say sưa lý tưởng của anh, sự quên mình của anh, liệu tôi có bị coi là lạc lõng giữa sự mệt mỏi ngao ngán của lớp già, sự thờ ơ kính nhi viễn chi và có thể cả sự diễu cợt của lớp trẻ ?
Không, tôi không nghĩ thế.
Việc Nhà nước phong danh hiệu anh hùng cho anh khiến tôi càng thấy chính lúc này hơn lúc nào hết Chu Cẩm Phong hiển hiện, anh luôn có mặt với hôm nay, bằng nghị lực phi thường anh đang bình tĩnh xốc lại đội ngũ của những con người còn nguyên vẹn lương tri, những con người ngày đêm lo nỗi lo quốc sự, đau nỗi đau quốc nạn, xấu hổ cùng mình vì quốc nhục, có đầy đủ dũng cảm say sưa quên mình dấn thân vì đại nghĩa, dũng cảm mà khôn ngoan, say sưa mà trí tuệ, quên mình mà tỉnh táo cảnh giác chống lại mọi mưu toan lợi dụng sự quên mình; những con người ấy, già và trẻ, nam và nữ, đang tiếp bước Chu Cẩm Phong kiên định đẩy tới cuộc chiến đấu để làm người .
Và trong Hội Nhà văn Việt Nam không chỉ có một anh hùng Chu Cẩm Phong.Tôi nghĩ đến Trân Mai Ninh, Nam Cao, đến Nguyễn Thi, Dương Thị Xuân Quý v.v…Hội Nhà văn cần gấp rút xúc tiến các thủ tục đề nghị phong tiếp các nhà văn anh hùng ấy.

Đà Lạt 22.03.2010
BMQ
_________
*Nhà văn Cao Duy Thảo
**Trích truyện ngắn “Người trong bao”
của An-tôn Sê-khốp (1860 – 1904)

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn