Khúc ruột Hoàng Sa qua lời kể của nhân chứng

Hải Châu

VietnamNet – “Tôi viết những dòng này để con cháu biết được sự thật Hoàng Sa là của Việt Nam” - nhân chứng Phạm Khôi
Điểm nhấn của gian triển lãm “Hoàng Sa biển đảo quê hương” nằm trong triển lãm chung về thành tựu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội Đà Nẵng đang diễn ra chính là tập tài liệu ghi lại hồi ức không thể phai của những nhân chứng sống từng gắn bó một thời trai trẻ với quần đảo ruột thịt của Tổ quốc.
Đã hàng chục năm trôi qua nhưng Hoàng Sa trong họ vẫn hiện lên sống động, gắn bó như chưa từng bị chia cắt…
Các em học sinh đọc tập "Ký ức Hoàng Sa" của các nhân chứng từng sống và làm việc trên đảo Hoàng Sa. Ảnh: HC
Các em học sinh đọc tập "Ký ức Hoàng Sa" của các nhân chứng từng sống và làm việc trên đảo Hoàng Sa. Ảnh: HC
Ngày đầu ra đảo
Ông Phạm Khôi (sinh năm 1942, hiện ở tại 128/5 Quang Trung, Đà Nẵng) kể lại cảm giác hăm hở, háo hức, mong muốn được chinh phục, khám phá và bảo vệ vùng đất tiền tiêu của Tổ quốc khi lần đầu tiên được ra đảo Hoàng Sa vào đúng ngày bà con ta đưa ông Táo về trời năm 1969.

“Đoàn chúng tôi gồm 30 người, xuất phát từ cảng Đà Nẵng khoảng 15h chiều và ra đến đảo khoảng 9h sáng hôm sau. Khi tàu cập cầu cảng ở Hoàng Sa, chúng tôi lên đảo bằng một đoạn đường bêtông dài khoảng 50m, sau đó là con đường đắp bằng đá san hô.

Đi được một lúc, nhìn ra phía Bắc thấy một nhà thờ Công giáo chắc đã được xây dựng khá lâu, phía đối diện nhà thờ là nhà của bộ chỉ huy. Đi khoảng vài trăm mét là đến nhà ở của chúng tôi, phía trước nhà là một giếng nước cổ nghe đâu do vua Gia Long cho làm. Nhà của anh em khí tượng cũng ở gần đó…”.

Ông Nguyễn Văn Cúc (ra công tác tại đảo Hoàng Sa từ tháng 1 đến tháng 12/1973) cho hay, ông sinh ra trong một gia đình làm nghề đánh bắt cá, tuổi thơ gắn liền với biển. Lớn lên ông chọn một nghề không liên quan tới biển (công binh), vậy mà cuộc đời đưa đẩy, ông lại ra công tác tại đảo Hoàng Sa.

“Tôi được điều đi Hoàng Sa để khảo sát, sửa chữa và xây thêm bể ngầm chứa nước mưa, lấy nước ngọt phục vụ cho cả quần đảo. Cả thảy tôi ra Hoàng Sa được ba lần, lần đầu vào đầu năm 1973, chỉ ra hai ngày để khảo sát tình hình các bể chứa nước cũ, ước lượng nguyên vật liệu cần thiết để lần sau mang ra đảo” – ông Cúc kể.

Ông Ngô Tấn Phát (sinh năm 1933 tại Sài Gòn) nhớ lại: “Năm 1959, tôi được Nha Khí tượng Sài Gòn điều ra công tác tại Trạm Khí tượng Hoàng Sa (lúc bấy giờ gọi là Ty Khí tượng Hoàng Sa). Lúc đặt chân lên đảo nhìn ra biển, tôi thật sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rực rỡ của màu nước biển phân chia từng lớp trong xanh đậm nhạt từ bãi cát cho đến tận ngoài khơi xa tít…”.

Ông Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1944 tại An Cựu, Hương Thuỷ, Thừa Thiên - Huế), nguyên là lính truyền tin (Phòng Truyền tin thuộc Tiểu khu Quảng Nam) “thú nhận” lần đầu tiên được lệnh đi đảo Hoàng Sa năm 1969, ông rất lo sợ vì cảm giác phải xa vợ con trong thời gian dài và không biết cuộc sống trên đảo như thế nào.
Ông Ngô Tấn Phát (đeo kính) cùng hai nhân chứng Tạ Hồng Tấn và Võ Như Dân xem lại các tư liệu lịch sử về Hoàng Sa. Ảnh: HC
Ông Ngô Tấn Phát (đeo kính) cùng hai nhân chứng Tạ Hồng Tấn và Võ Như Dân xem lại các tư liệu lịch sử về Hoàng Sa. Ảnh: HC
Ông kể: “Ra đảo lúc đó hơn 20 người từ những vùng quê khác nhau. Chúng tôi tập trung tại Hội An, mua sắm vật dụng cá nhân, lương thực, một số hạt giống, vật nuôi để ra đảo tăng gia sản xuất. Sau đó xe đưa chúng tôi ra Đà Nẵng để lên tàu xuất phát ra đảo.

Trên tàu, mỗi người một tâm trạng nhưng hầu hết là có cảm giác hân hoan vì lần đầu tiên được khám phá vùng đất mà mình chưa biết thuộc lãnh hải của Tổ quốc. Theo kinh nghiệm, nếu thời tiết tốt thì ra đảo mất khoảng 21 tiếng. Khi cập vào đảo, dù nước triều lên hay xuống thì trên tàu cũng luôn trang bị xuồng cao su để đưa người và vật dụng vào bờ…”.
Cuộc sống nơi đảo xa

“Có thể nói Hoàng Sa là vùng đất phong cảnh hữu tình, khí hậu ôn hoà. Tôi chưa gặp bão khi nào nhưng nghe những người đi trước kể lại, bão ở đây rất dữ. Khi bão ập vào thì chỉ biết nằm xuống nắm chặt lấy cỏ. Vùng đất này chỉ trồng dương liễu và cây nhàu, rất khó trồng được các loại cây rau, quả.

Bên bãi cây dương liễu có một cái miếu, bên trong có tượng đồng đen và xung quanh có khoảng 25 ngôi mộ được đắp bằng đất. Người trên đảo nói miếu đó rất linh thiêng…” - ông Phạm Khôi bồi hồi nhớ lại.

Mấy chục năm rồi mà ông vẫn… sợ khi nhắc đến cảnh thiếu nước trên đảo:“Chúng tôi sử dụng nước mưa chứa ở các bể ngầm xung quanh nhà khí tượng. Tôi chứng kiến 3 lần thiếu nước, mỗi lần kéo dài khoảng 10 ngày. Khát quá nên chúng tôi lấy nước giếng lên để dùng. Nước giếng chỉ uống được khi còn nóng, để nguội rất khó uống. Uống nước giếng liên tục 3 ngày sẽ bị đau bụng nhưng thuốc men không có, chỉ biết dùng đường và sữa để chữa bệnh mà thôi”, ông Khôi kể.


Giếng nước ngọt trên đảo Hoàng Sa. Ảnh tư liệu
Cái ăn trên đảo cũng bộn bề thiếu thốn, đặc biệt là thiếu rau xanh. Họ chủ yếu sống bằng lương thực mang theo, rồi đánh cá, bắt ốc, hái rong biển… ăn thêm.

Cứ đến ngày rằm hay mồng một, nước biển rút cạn ra ngoài khơi khoảng 1km, những người trên đảo chỉ cần lội bộ ra là tha hồ bắt cá, mực và các loại ốc. Lúc nước biển bắt đầu cạn, họ dùng lưới giăng ngang mí sóng, rồi từ trong bờ hè nhau chạy đuổi ra là bắt được cá…

“Những lúc nước xuống nhiều thì chúng tôi lội đi bắt ốc gân, có nhiều con rất lớn, có thể bằng chiếc nón. Chúng tôi dùng lưỡi lê xẻ ngay tại chỗ, chỉ lấy cái gân (phần của ốc dùng để khép và mở miệng) xẻ ra ăn hoặc phơi khô đem về đất liền làm quà, còn ngon hơn cả khô mực.

Ban đêm, chúng tôi chia thành từng tốp dạo quanh đảo tìm rùa biển (còn gọi là con vích) lên bãi cát để đẻ. Khi bắt được, chúng tôi lật ngửa nó ra để sáng hôm sau xẻ thịt. Thịt của nó rất ngon, cái thì ăn, cái thì phơi khô. Riêng trứng thì chiên làm chả, không thể luộc được vì lòng trắng không bao giờ chín”, ông Nguyễn Văn Thành nhớ lại.
Nhiều chiến sĩ tham quan triển lãm về Hoàng Sa. Ảnh: HC
Nhiều chiến sĩ tham quan triển lãm về Hoàng Sa. Ảnh: HC
Ông Cúc có nhiệm vụ sửa chữa khoảng 20 bể ngầm chứa khoảng 1.000m2 nước có từ thời Pháp thuộc và xây thêm một số bể mới để chứa nước mưa. Ông Phát phụ trách về khí tượng thì công việc vẫn như trên đất liền: quan trắc thời tiết 3giờ/lần, đo và đọc các yếu tố khí tượng như khí áp, nhiệt độ, độ ẩm, lượng nước mưa, gió và mây, rồi lập bản báo cáo thời tiết theo mẫu quốc tế gửi về đất liền bằng tín hiệu moóc…
Nỗi đau bị cướp đảo

Cuộc sống trên đảo thanh bình đến nỗi, theo lời kể của ông Cúc, tại khu nhà của binh sĩ có 2 khẩu đại liên trên 50 ly nhưng một khẩu đã hỏng, chỉ còn một khẩu dùng được (năm 1969). Súng ống, đạn dược được đảo trưởng cho lau chùi sạch sẽ, vô dầu mỡ rồi… cất vào kho, ngoại trừ ít lựu đạn do đảo trưởng giữ để đánh bắt cá. “Đây là chủ ý của đảo trưởng vì có khi anh em xích mích, nóng giận mà sử dụng thì nguy hiểm”, ông Thành kể.

Bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa do người Pháp dựng năm 1938. Ảnh tư liệu
Vậy mà đến một ngày… Ông Thành thảng thốt nhớ lại:“Tôi lỡ chuyến ra đảo lần thứ 3 vì về Huế thăm vợ con trở vào Đà Nẵng không kịp. Khoảng 1 - 2 tháng sau, tôi bàng hoàng nghe tin Trung Quốc đã đánh chiếm toàn bộ đảo Hoàng Sa. Tất cả binh sĩ và nhân viên quan trắc trên đảo đều bị bắt đưa về Trung Quốc. Theo tôi được biết, người thay thế tôi trong chuyến đi đó là anh Thạch chỉ được thả về sau một thời gian bị giam giữ ở Trung Quốc”.

Ông Nguyễn Văn Cúc thì không chỉ “nghe tin” mà chính ông là một trong số những người bị phía Trung Quốc bắt sau trận đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa đầu năm 1974. Ông tường trình lại mọi việc như vừa xảy ra hôm nào:

“Tôi không nghĩ lần thứ 3 ra đảo để lấy mẫu đất, khảo sát thực địa làm sân bay cũng là lần ra đảo cuối cùng. Khi đã lấy được mẫu đất, khảo sát xong thực địa, chúng tôi lên tàu rời khỏi đảo về đất liền. Đang lênh đênh trên biển thì gặp tàu chiến của Trung Quốc. Sau một ngày hai bên giằng co, hải quân của họ áp sát tàu chúng tôi, buộc quay về lại đảo. Cảm giác bàng hoàng khi trực tiếp chứng kiến Hoàng Sa bị chiếm. Cảm giác đau đớn và xót xa khi thấy mảnh đất của Việt Nam rơi vào tay kẻ khác.

Sau một ngày bị bắt giữ trên đảo, chúng cho tàu chở chúng tôi về đảo Hải Nam; sau đó đưa chúng tôi lên tàu lớn về Quảng Đông, Quảng Châu (Trung Quốc). Chúng tôi ở đó cả tháng trời. Đó là lần đầu tiên tôi đón Tết ở nơi đất lạ. Cảm giác hờn tủi, đau đớn khi ngày Tết mà phải xa quê hương, xa vợ con. Bên cạnh đó lại mang nỗi niềm chua xót khi Hoàng Sa bị chiếm giữ. Sau đó Trung Quốc trao trả chúng tôi cho Hồng Thập tự Anh tại Hồng Kông.

Tôi là một trong năm người đầu tiên được trao trả. Chúng tôi lên máy bay về sân bay Tân Sơn Nhất rồi về Đà Nẵng. Trở về nhà biết mình còn sống, niềm vui được đoàn tụ cùng gia đình, được quay về quê hương đất nước cũng không thể xua tan nỗi buồn mất Hoàng Sa”…
Vẫn ngày đêm đau đáu về Hoàng Sa

“Tôi không sao xua được cái cảm giác thẫn thờ, mất mát, bởi những ký ức về vẻ đẹp hoang sơ của Hoàng Sa cũng như ký ức đau buồn khi chứng kiến Hoàng Sa bị rơi vào tay hải quân Trung Quốc vào tháng 1/1974”, ông Nguyễn Văn Cúc đau xót. Bởi vậy, ông rất hoan nghênh việc gần đây, chính quyền huyện đảo Hoàng Sa tổ chức nhiều hoạt động giúp người dân hiểu rõ hơn về Hoàng Sa.
Các em học sinh tìm hiểu bản đồ hành chính huyện đảo Hoàng Sa. Ảnh: HC
Các em học sinh tìm hiểu bản đồ hành chính huyện đảo Hoàng Sa. Ảnh: HC
Trong bài “Những ngày tháng không bao giờ quên” cho tập “Ký ức Hoàng Sa” đang được UBND huyện Hoàng Sa đưa ra triển lãm, ông Cúc viết: “Tôi có đôi lời nhắn nhủ cho con cháu cũng như các thế hệ mai sau là cần phải hiểu rõ lịch sử của Hoàng Sa, về sự gian khổ, khó khăn để khai phá, giữ gìn Hoàng Sa của cha ông ta từ thời chúa Nguyễn. Luôn ghi nhớ Hoàng Sa là của Việt Nam. Bằng mọi giá phải lấy lại chủ quyền Hoàng Sa cho Việt Nam”.

Ông Ngô Tấn Phát bày tỏ: “Tuy rời Hoàng Sa đã hàng chục năm nhưng anh em ai cũng nhớ về đảo và hẹn có ngày trở lại”.

Đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng lời lẽ của ông Phạm Khôi trong bài viết “Mong một lần trở lại” cho tập “Ký ức Hoàng Sa” vẫn mạnh mẽ, rắn rỏi: “Tôi chỉ mong muốn ai cũng ghi nhớ rằng, Hoàng Sa là mảnh đất được ông cha ta khai phá từ xa xưa. Hoàng Sa đã, đang và mãi mãi là của Việt Nam chúng ta”.
  • Hải Châu lược ghi từ “Ký ức Hoàng Sa”

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn