Ngoại giao Anh thuyết giảng

BBC

Thật thú vị khi Học viện Chính trị Hồ Chí Minh, địa chỉ duy nhất đào tạo người cầm cân nảy mực về chính trị-hành chính của đất nước, lại có cuộc tiếp xúc với nhà ngoại giao Anh. Không chỉ tiếp xúc, còn thỉnh giảng và nghe giảng!
Đây là một dấu hiệu hai mặt rất đáng hoan nghênh.
Một mặt mé này là sự thừa nhận chi tiết lịch sử Nguyễn Ái Quốc từng đến London học hỏi cách giải phóng dân tộc mình, cũng thừa nhận Karl Marx từng sống và hoạt động cách mạng trên đất nước Anh, và thân xác cũng được bao dung tại xứ sở đã đón tiếp hai nhà cách mạng tuy cách xa nhau nhưng cùng là đồng chí với nhau đó.
Một mặt mé bên kia là sự hết sợ, cái nỗi sợ mơ hồ của một ông nhà quê ra tỉnh gặp ai cũng lo người ta bịp mình, và vào thời hiện tại là nỗi canh cánh của tất cả các ông nhà quê sợ bị “diễn biến”.
Xin cám ơn … buổi thuyết giảng.
P.T.

Ông Wightman nói chuyện với phóng viên trong nước tại Đại sứ quán Anh ở Hà Nội ngày 23/3.

Quan chức Ngoại giao Anh, Scott Wightman vừa có buổi nói chuyện về chính sách trước các nhà lãnh đạo tương lai của Việt Nam tại học viện Chính trị Hồ Chí Minh.
Ông Wightman là Vụ trưởng Á châu Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Anh.
Trong chuyến thăm Việt Nam bốn ngày, nhà ngoại giao cao cấp của Anh đã gặp ông Ngô Quang Xuân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Cạnh đó ông Wightman cũng gặp thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Phó trưởng Ban đối ngoại của ĐCS, ông Vương Thừa Phong. Và trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh.

Trả lời BBC Việt Ngữ ngày 23/3, ông Wightman nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa phát triển kinh tế và quyền tự do công dân. Cạnh đó ông cũng đề cập đến những lĩnh vực Việt Nam cần để ý, nếu nước này muốn gặt hái thành quả của làn sóng tăng trưởng toàn cầu mới.
Đầu tiên ông Wightman nói về các điểm chính trong buổi nói chuyện tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Scott Wightman: Đúng vậy. Tôi là nhà ngoại giao Anh đầu tiên nói chuyện tại Học viện. Chúng tôi quan tâm đến phát triển mối liên hệ giữa các thế chế của hai nước trong lĩnh vực chính sách công.
Tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin là nhân tố cần thiết cho xã hội VN, mở rộng nền tảng tăng trưởng kinh tế
Chủ đề chính tôi nói chuyện với các lãnh đạo tương lai của VN là: thách thức kinh tế toàn cầu, vị trí của Việt Nam trong các thách thức này. Đặc biệt tôi nhấn mạnh VN có cơ hội khá lớn trong làn sóng tiếp theo của toàn cầu hóa, với việc thêm nhiều người gia nhập giới trung lưu, tại VN cũng như các nước khác, sẽ thúc đẩy sự hình thành của một giai đoạn tăng trưởng mới. Nếu như VN có những chính sách đúng.
Có một số đe dọa đối với xu thế tăng trưởng này. Đó là bảo hộ mậu dịch. Tôi cho rằng quan trọng là các nước Tây phương cần duy trì thị trường mở, tự do cho hàng xuất khẩu từ các nước đang phát triển. Cạnh đó cũng không kém phần quan trọng những nước như Việt Nam, họ cần tháo gỡ một số rào cản đối với đầu tư nước ngoài, những thứ có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng tại nền kinh tế mới nổi. Nếu họ không điều chỉnh, hậu quả là các nước giàu sẽ thi hành chính sách bảo hộ, như một hành động trả đũa. Do vậy tôi nói là các nước sẽ cùng có lợi trong việc ngăn ngừa mối đe dọa của bảo hộ mậu dịch.
BBCThưa, ông có nói gì đến những trắc trở, hay điểm cần điều chỉnh, trong mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và hệ thống chính trị một đảng tại Việt Nam hay không?
Scott Wightman: Chúng tôi không bàn về điểm đó. Tuy nhiên tôi nhấn mạnh đến sự cân bằng nên có trong chuyện nhà nước can thiệp vào nền kinh tế, và nên tự do hóa nhiều hơn trong kinh tế thị trường. Tôi hiểu là các nhà hoạch định chính sách tại VN tin rằng mở cửa thương mại là một trong những nhân tố then chốt cho sự thịnh vượng của Việt Nam. Chúng tôi muốn khuyến khích họ suy nghĩ làm cách nào đó để thúc đẩy kinh tế tư nhân, tạo điều kiện cho nó phát triển tốt hơn vì kinh tế tư nhân là khu vực năng động nhất trong mọi lĩnh vực, nơi phát kiến mới nảy nở hàng ngày, nếu như nhà nước tạo điều kiện cho tự do thông tin, ý kiến cá nhân, và suy nghĩ sáng tạo, lan tỏa.
BBCÔng nói nhiều đến tiềm năng của VN, nhất là về mặt tăng trưởng. Vậy ông có dành thời gian nhắc đến những thiếu sót trong mô hình tăng trưởng của nước này hay không?

Ông Wightman là quan chức ngoại giao Anh đầu tiên nói chuyện tại Học viện HCM.
Scott Wightman: Tôi không muốn coi chúng là thiếu sót. Tôi có trình bày cho các cán bộ, đảng viên VN quan điểm của nước Anh về nhân quyền. Trong những lần nói chuyện với quan chức từ các ngành khác nhau, tôi có ca ngợi các thành tựu kinh tế của VN, tiến bộ VN đạt được trong việc cải thiện quyền kinh tế và quyền xã hội cho người dân. Cạnh đó tôi cũng nói rằng Việt Nam, trong giai đoạn tăng trưởng kế tiếp, cần phải có tiến bộ trong lĩnh vực quyền dân sự và quyền chính trị.
Tôi nói rất rõ điều chúng tôi quan ngại là quyền tự do phát biểu tại Việt Nam. Tuần trước Bộ Ngoại giao Anh vừa công bố báo cáo toàn cầu về nhân quyền. Có một phần về VN trong báo cáo đó. Chúng tôi nhấn mạnh VN cần phải có tiến bộ về tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, tôi coi đây là nhân tố cần thiết để củng cố xã hội VN, mở rộng nền tảng để có thêm tăng trưởng kinh tế.
BBCTrong trật tự kinh tế thế giới ngày nay, giữa các thách thức lớn tại vùng Á châu, theo ông Việt Nam cần làm gì và có nên khẩn trương hay không, để phát huy được tiềm năng của mình?
Scott Wightman: VN nằm trong nhóm các nền kinh tế mới nổi không bị ảnh hưởng bao nhiêu của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nước này đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 5% trong năm qua. Trong khi nhiều nền kinh tế khác, trong đó có nước Anh, rơi vào khủng hoảng. Điều này cho thấy VN đang trở thành một nước có vai trò nhất định trong vùng, và trên thế giới. Tất nhiên vẫn còn một số ‘vấn đề’ liên quan đến lạm phát, và tăng trưởng nóng, tôi cho rằng giới chức đang tiến hành các bước để kiểm soát chuyện này.
Quan trọng là VN cần xác định lợi thế tương đối của quốc gia này nằm ở đâu để dịch chuyển nền sản xuất từ chỗ làm hàng rẻ xuất khẩu sang những mặt hàng có hàm lượng chất xám cao hơn.
BBCThưa ông Việt Nam đóng vai như thế nào trong nền ngoại giao Anh ở vùng Đông Nam Á?
Scott Wightman: Đóng vai chủ tịch Asean năm nay, VN trở thành đối tác quan trọng của nước Anh. Asean đang ở trong một cung đường quan trọng. Điều chúng tôi muốn thấy là Việt Nam cần thể hiện vị thế chủ tịch Asean một cách năng động, trước các vấn đề mỗi nước Asean đang đối diện. Đồng thời thực hiện vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy hợp tác với Liên hiệp Âu châu, cũng như một số nước có tầm quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/03/100324_britain_vietnam_policy.shtml

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn