Bốn năm “sinh lời” của Campuchia trong quan hệ với Trung Quốc

Earthtimes

Bài bình luận trên tờ “Earthtimes” cho rằng ngày càng có nhiều đánh giá phân tích về dạng thức ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia. Bài báo nhận định rằng kể từ khi bà Trương Kim Phong đến Campuchia trên cương vị đại sứ Trung Quốc cho tới khi mãn nhiệm, chắc chắn đây là giai đoạn “sinh lời” cho Campuchia trong quan hệ với Trung Quốc.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen
Chỉ trong vòng 4 năm (2006-2009), Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Campuchia với hơn 6 tỉ USD đầu tư được Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen phê duyệt. Giai đoạn này trùng khớp với nhiệm kỳ của cựu Đại sứ Trung Quốc – Trương Kim Phong, nhân vật vừa về nước sau bốn năm làm việc tại Campuchia. Bài bình luận trên báo điện tử “Earthtimes” mới đây cho rằng ngày càng có nhiều nhà phân tích hoài nghi về dạng thức ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia.
Bài báo nhận định rằng kể từ thời điểm bà Trương Kim Phong đến Campuchia trên cương vị Đại sứ Trung Quốc cho tới khi mãn nhiệm, chắc chắn đây là giai đoạn “sinh lời” cho Campuchia trong quan hệ với Trung Quốc. Khoản đầu tư 6 tỉ USD của Trung Quốc tương đương với một nửa tổng đầu tư nước ngoài được Campuchia phê duyệt. Đó là chưa tính tới khoản 1,2 tỉ USD viện trợ kinh tế được công bố sau chuyến thăm Campuchia của Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 12/2009, cũng như 880 triệu USD trong các khoản vay và tín dụng mà Trung Quốc cấp cho Campuchia kể từ năm 2006.
Dù đây chỉ là một phần quá nhỏ so với Trung Quốc, nước đang có dự trữ ngoại tệ 2,4 nghìn tỉ USD, nhưng lại là con số quá lớn cho Campuchia, quốc gia nghèo khó với GDP chỉ vào khoảng 10 tỉ USD.

Quốc gia “ân nhân”
Donald E Weatherbee, Giáo sư thuộc trường Đại học Nam Carolina chuyên nghiên cứu về chính trị và quan hệ quốc tế Đông Nam Á, nhận định rằng phần lớn số đầu tư của Trung Quốc tại Campuchia tập trung vào cơ sở hạ tầng, và rồi lại “chảy ngược” về các công ty Trung Quốc thông qua các công trình xây dựng đập thủy điện và hợp đồng làm đường.
Trong buổi thuyết trình tại Hạ viện Mỹ hồi tháng trước về các hoạt động của Trung Quốc tại Đông Nam Á, Giáo sư Weatherbee phân tích: ”Dĩ nhiên, sẽ thật khó để tách rời đầu tư khỏi viện trợ, bởi hình thức viện trợ nằm trong các khoản vay ưu đãi thường bị cột chặt với các công ty nhà nước Trung Quốc. Khi viện trợ và đầu tư của Trung Quốc xuất hiện, nó kéo theo sự hiện diện và tầm ảnh hưởng lớn chưa từng có của Trung Quốc. Tốc độ xâm nhập kinh tế của Trung Quốc tại Campuchia liên tục gia tăng”.
Giáo sư Weatherbee cũng nêu ra vụ Campuchia trục xuất cưỡng bức 20 người Duy Ngô Nhĩ Trung Quốc xin tị nạn hồi tháng 12/2009, hành động bị cộng đồng quốc tế lên án kịch liệt, chỉ vài ngày trước thời điểm diễn ra chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình, người đã ký thỏa thuận viện trợ 1,2 tỉ USD cho Campuchia. Đúng với dự đoán, Campuchia đã bác bỏ mối liên hệ giữa hai sự kiện này, nhưng các nhà phân tích lo ngại sự kiện này cho thấy những khoản đầu tư của Trung Quốc có thể làm xói mòn hơn nữa tình hình nhân quyền tại Campuchia.
Và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tuyên bố rõ ràng rằng Trung Quốc chính là “dạng” bạn bè của ông. Ông đã giải thích trong một bài phát biểu hồi năm ngoái: “Trung Quốc tôn trọng các quyết định chính trị của Campuchia. Họ xây dựng cầu đường, và chẳng kèm theo các điều kiện phức tạp nào”, đồng thời hoan nghênh kiểu tiếp cận (của Trung Quốc) đối với các mối quan ngại về nhân quyền và môi trường mà một số nước tài trợ vẫn đặt ra (với Campuchia).
Campuchia rõ ràng cần viện trợ. Cơ sở hạ tầng của quốc gia này vẫn còn rất đổ nát sau hàng thập kỷ chiến tranh dù đã được cải thiện đáng kể trong vòng 10 năm qua nhờ sự giúp đỡ từ các khoản vay của các tổ chức đa phương, và những quốc gia như Trung Quốc. Được coi là một quốc gia “ân nhân”, hiển nhiên điều đó giúp ích nhiều cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Báo cáo của “Rural 21”, một tạp chí quốc tế về phát triển nông thôn, cho biết Trung Quốc đã nhận được 200.000ha đất sang nhượng tại Campuchia kể từ năm 1998 đến 2006, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác.
Mức phân bổ này rõ ràng đã tăng cao kể từ đó, bởi nhiều vùng đất ở nông thôn Campuchia đã được chia ra từng phần cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cheang Vannarith, Giám đốc Viện nghiên cứu Hợp tác và Hòa bình Campuchia, gọi mối quan hệ “khăng khít” này là chính sách “cùng thắng” cho cả hai nước. Ông cho rằng trong khi Campuchia đang cần rất nhiều cơ sở hạ tầng, thì Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng của họ trong khu vực, như thời kỳ hưng thịnh trong quá khứ trên vai trò “trung tâm của vũ trụ”. Chuyên gia này khẳng định: “Campuchia coi Trung Quốc như là một trung tâm kinh tế trong khu vực. Trung Quốc có thể giúp Campuchia trở thành quốc gia phát triển hơn nữa”.
Gánh nợ cho thế hệ tương lai
Tuy nhiên, nghị sĩ đảng đối lập Campuchia Sam Rainsy (SRP), Son Chhay cho rằng ông cảm thấy Campuchia sẽ phải trả giá cho gánh nặng nợ nần ngày một lớn từ Trung Quốc. Nghị sĩ đối lập này quả quyết rằng Phnôm Pênh thường phải “phát ngôn như một con vẹt” trong việc ủng hộ lập trường của Bắc Kinh đối với các vấn đề Mianmar và Đài Loan. Nghị sĩ Son Chhay tiết lộ thêm rằng trong các thỏa thuận phát triển kinh tế giữa Campuchia với Trung Quốc, còn có rất nhiều điều nằm dưới bề nổi của vấn đề. Ông cho rằng Trung Quốc đã khai thác các điểm yếu của Campuchia và đang có tình trạng tham nhũng tràn lan trong những khoản viện trợ của nước này. Khi nhận định về quá trình thắng thầu của các công ty Trung Quốc, nghị sĩ Son Chhay khẳng định: “Chẳng bao giờ minh bạch. Có quá nhiều vụ tham nhũng”.
Một trong những mối lo ngại của nghị sĩ này là việc Bắc Kinh khăng khăng (và đã đạt được) đòi đảm bảo nhận được các khoản chi trả tối thiểu của Phnôm Pênh đối với nguồn điện năng sản xuất từ những đập thủy điện do Trung Quốc xây dựng.
Những khoản chi trả này gồm từ 6 đến 8 cent Mỹ cho mỗi kilôoát/giờ giá điện từ các thỏa thuận vận hành đập thủy điện trong 30 năm. Và nghị sĩ Son Chhay nói ông lo ngại Chính phủ Campuchia đã chuyển giao mối rủi ro thương mại từ những dự án đập khổng lồ này cho các thế hệ tương lai.
Không chỉ phe đối lập lo ngại về chuyện Phnôm Pênh “sốt sắng” gánh lấy các trách nhiệm pháp lý dài hạn. Trong bản báo cáo mới nhất về Campuchia, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng các thỏa thuận xây dựng đập thủy điện thiếu rõ ràng có thể “ảnh hưởng tiêu cực đến tính bền vững của vấn đề nợ nần, và phá hỏng những nỗ lực xóa đói giảm nghèo (tại Campuchia)”.
Nhưng trong khi có một vài nhận định về mối nguy hiểm này, Giám đốc Cheang Vannarith cho rằng ông đã nhìn thấy một cơ hội. Ông cho rằng rõ ràng khi Trung Quốc và Mỹ xoay trong “vũ điệu” gần gũi nhau hơn trong những năm tới, Campuchia sẽ được hưởng lợi nhờ mối quan hệ khăng khít với Trung Quốc. Ông đặt câu hỏi: “Tại sao Campuchia lại không thể gần gũi hơn với Trung Quốc?”, và biện hộ rằng việc đó sẽ giúp (Campuchia) xích lại gần hơn với Mỹ, và điều đó chỉ có lợi cho Phnôm Pênh.
Bất chấp nhiều mối lo ngại được đặt ra, ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ không ngừng phát triển. Tại cuộc gặp chia tay cựu Đại sứ Trương hồi tháng trước, Phó Thủ tướng Campuchia Sok An đã yêu cầu Trung Quốc đầu tư hơn nữa, và nhấn mạnh tới những tiềm năng trong kinh doanh nông nghiệp.
Cựu Đại sứ Trương nói với Phó Thủ tướng Sok An rằng các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn đánh giá cao thị trường Campuchia, và cho biết đang có một công ty Trung Quốc rất quan tâm tới việc nhận sang nhượng 60.000ha đất tại Campuchia để trồng cây cao su.
Trước khi rời khỏi đất nước Campuchia hôm 7/3, cựu Đại sứ Trương đã được tặng huân chương cao quý nhất của Campuchia, Huân chương Hoàng gia Sahametrei. Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia khẳng định huân chương “hữu nghị này” được trao tặng một phần vì những đóng góp trong nhiệm kỳ của bà cho nguồn đầu tư lớn của Trung Quốc vào Campuchia.
Nguồn: http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/829-bn-nm-sinh-li-ca-campuchia-trong-quan-h-vi-trung-quc

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn