Lenin năm 1923 – Sự thức tỉnh thiên tài

GS. Đặng Phong
Giáo sư Đặng Phong là một trong số rất ít các nhà nghiên cứu Lịch sử kinh tế ở Việt Nam. Ông tốt nghiệp Cử nhân lịch sử tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, Cử nhân kinh tế tại Trường đại học kinh tế Hà Nội, tu nghiệp tại Học viện Kinh tế Địa Trung Hải, Montpellier (Pháp), từng làm việc ở Viện Kinh tế thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Khoa học Xã hội) Việt Nam, giảng dạy ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, và là Phó tổng biên tập tạp chí Thị trường & Giá cả từ năm 1983-1995, thỉnh giảng tại một số trường đại học và các viện nghiên cứu nước ngoài

Giáo sư Đặng Phong viết bài này trên trang mạng của Đài BBC để đánh dấu 140 năm ngày sinh Lê Nin (22/04/1870).

Cả thế giới đều biết Lê Nin là người khai sinh Nhà nước Xô Viết, tác giả của chế độ Nhà nước hóa kinh tế với hệ thống kế hoạch hóa tập trung quan liêu ở Liên Xô và bản sao của nó tại tất cả các nước xã hội chủ nghĩa. Khi phân tích những khuyết tật của mô hình kinh tế nhà nước hóa sau sự sụp đổ của Liên Xô và một loạt nước xã hội chủ nghĩa, người ta thường nghĩ đến trách nhiệm của Lê Nin, nhưng ít người bàn đến những cải cách bị bỏ dở của Lê Nin trước khi ông qua đời.

Bài viết của Giáo sư Đặng Phong bàn về những tư tưởng cải cách của Lê Nin trong NEP (Chính sách kinh tế mới), trong đó, Lê Nin đã đề ra những biện pháp cải cách kinh tế theo hệ thống kinh tế thị trường. Trong bài viết này Giáo sư Đặng Phong đã đưa ra những phân tích về tư tưởng cải cách của Lê Nin, và đặc biệt là lời cảnh báo về sự sụp đổ của chế độ Xô Viết.

Kỷ niệm 140 năm ngày sinh Lê Nin trong khi Việt Nam đang tiếp tục những cải cách kinh tế theo hướng thị trường, thiết tưởng, nghiên cứu những tư tưởng của Lê Nin về sự bứt phá khỏi mô hình mà chính ông là tác giả, chắc chắn là một công việc có ý nghĩa.

Bauxite Vit Nam




[caption id="attachment_3087" align="alignright" width="226" caption="Giáo sư Đặng Phong"]Giáo sư Đặng Phong[/caption]

Lenin không phải là người đầu tiên đưa ra những ý tưởng về mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trước ông đã có rất nhiều nhà tư tưởng lớn phác họa những đường nét cơ bản của mô hình này.

Nhưng nếu nói đến việc phát hiện ra những khuyết tật của nó và can đảm nhìn thẳng vào những khuyết tật đó thì người đầu tiên chính là Lenin. Sự nhạy bén, trung thực và can đảm của ông trong việc này vẫn là một tấm gương sáng ngời đối với sự nghiệp đổi mới của Việt Nam.

Năm 1917, Lenin đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng tháng Mười vĩ đại của giai cấp vô sản để xây dựng một nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Nhưng sau khi cách mạng thành công còn phải trải qua ba năm nội chiến ác liệt, chống can thiệp của bên ngoài.


Đến năm 1920, dưới sự lãnh đạo của Lenin, Liên Xô bước vào xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa mà chính Lenin là người thiết kế những nội dung cơ bản của mô hình kinh tế đó: Công nghiệp hóa và điện khí hóa, tập thể hóa nông nghiệp, kế hoạch hóa tập trung trên phạm vi toàn quốc và trên cơ sở chế độ sở hữu công cộng…

Nhưng chỉ ba năm sau, tức là khi công việc mới chỉ bắt đầu, chính người thiết kế mô hình đã sớm “ngửi” thấy những mùi vị bất ưng từ mô hình này. Kiến tạo một mô hình hoàn toàn mới đã là khó, nhưng phát hiện và dũng cảm thừa nhận những khuyết tật của mô hình đó có lẽ là cái gì khó hơn, vì nó đòi hỏi không những kiến thức và sự sáng suốt, mà cả sự dũng cảm phủ nhận chính mình một cách không dè dặt, không né tránh, không úp mở. Đó cũng là một khía cạnh nữa của thiên tài Lenin.

Đến nay thì chúng ta đã thấy quá rõ những quy luật tất yếu dẫn mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa cũ đến những ách tắc và thất bại: chế độ công hữu trên quy mô toàn trị ắt dẫn tới tình trạng thiếu trách nhiệm và không phát huy được những sáng kiến cá nhân. Chế độ kế hoạch hóa tập trung ắt dẫn tới những vênh váo, trục trặc mà không một ủy ban kế hoạch nhà nước vĩ đại nào có thể tránh được. Chế độ hợp tác hóa trong nông nghiệp không tránh khỏi làm nông dân bất mãn và nông nghiệp sa sút tới mức thảm hại… Cuối cùng, như chính Lenin đã nói, chế độ này chiến thắng chế độ kia là do tạo ra năng suất lao động cao hơn. Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã sụp đổ không ngoài lý do đó.

Những nhận xét này đã được Lenin tỉnh ngộ và đưa ra từ cuối năm 1922, nhất là từ năm 1923 trong hàng loạt bài phát biểu khác nhau tại các hội nghị trung ương, đại hội Xô Viết, thư từ và các bài viết… Dưới đây chúng ta thử trích nguyên văn một số lời phát biểu của ông trên những lĩnh vực tiêu biểu:

- Về khả năng tiến nhanh lên chủ nghĩa cộng sản, năm 1921 ông đã từng nói: “Chính quyền Xô viết + Điện khí hóa toàn Nga = Chủ nghĩa cộng sản.

Đến cuối năm 1922 ông đã nhìn vấn đề thực tế hơn:

Trong khi đã làm xong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa rồi, chúng tôi vẫn không đánh giá cao những mầm mống cũng như những cơ sở của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Ngược lai, ngay từ hồi đó, chúng tôi cũng đã có ý thức rằng tốt hơn là nên trước hết hãy thực hiện chủ nghĩa tư bản nhà nước, để rồi sau đó đi đến chủ nghĩa xã hội.”[1]

Các nước còn lạc hậu như các nước ở phương Đông, nhưng lại là đa số, thì đa số đó lại cần phải có thời gian để trở thành văn minh. Và chúng ta nữa, chúng ta cũng chưa đủ văn minh để có thể trực tiếp chuyển lên chủ nghĩa xã hội, tuy chúng ta đã có được những tiền đề chính trị về mặt đó”[2].

- Về tập thể hóa nông nghiệp và thái độ đối với nông dân,năm 1921 chính ông đã từng nói: Nền sản xuất hàng hóa nhỏ hàng ngày hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản”.

Nhưng đến cuối năm 1922 ông đã tỉnh ngộ và nói:

Không được làm cho nông dân đâm ra phẫn nộ bằng cách biến công cuộc hợp tác hóa thành một trò chơi ngu ngốc”[3].

Xét cả về mặt lý luận lẫn về mặt thực tiến, trong điều kiện một nền kinh tế tiểu nông mà lại đem thực hiện ngay lập tức chủ nghĩa cộng sản toàn vẹn là hết sức sai lầm… Đối với tất cả các nước có nền kinh tế tiểu nông đều là như vậy”[4] .

Không thể đưa ngay vào nông thôn những tư tưởng cộng sản chủ nghĩa một cách vô điều kiện. Chừng nào chúng ta còn chưa có được một cơ sở vật chất ở nông thôn cho chủ nghĩa cộng sản, thì làm như thế có thể nói là một việc có hại, một việc nguy hiểm cho chủ nghĩa cộng sản”[5] .

Nếu nông dân cần được tự do buôn bán trong những điều kiện hiện tại và trong những phạm vi nhất định, thì chúng ta phải để cho họ được tự do buôn bán”[6].

Về việc sử dụng lao động làm thuê trong nông nghiệp và về những điều kiện cho thuê ruộng đất, không nên dùng những thủ tục thái quá để hạn chế hai hiện tượng đó. Chỉ nên nghiên cứu những biện pháp thực tiễn cụ thể nhằm hạn chế những hành vi cực đoan và những việc thái quá, có hại theo hai hướng đó”[7].

Không đập tan cái cơ cấu kinh tế và xã hội cũ, tức là thương nghiệp, tiểu nông, tiểu thủ công nghiệp và chủ nghĩa tư bản, mà phải chấn hưng thương nghiệp, công nghiệp nhỏ và chủ nghĩa tư bản… Nhà nước điều tiết những thứ đó, nhưng chỉ trong chừng mực làm cho chúng được chấn hưng…”[8].

- Về thái độ của những người buôn bán, ông nói: “Bây giờ là thời gian hòa bình để làm những việc bình thường hàng ngày. Các đảng viên cộng sản phụ trách ở hàng đầu hãy lùi lại! Người buôn bán bình thường – tiến lên!”[9].

- Về bệnh chủ quan duy ý chí, muốn dùng phương pháp xung phong để chiến thắng chủ nghĩa tư bản, ông đã nói:

Nếu có thể dùng cách xung phong mà chiếm lĩnh được trận địa kinh tế của chủ nghĩa tư bản thì thật là dễ chịu hơn nhiều. Sai lầm hiện nay chính là ở chỗ chúng ta không muốn hiểu rằng nhất thiết phải hành động một cách khác”[10].

Sống trong bầy lang sói thì phải gào thét lên như lang sói. Còn việc tiêu diệt bọn lang sói… thì chúng ta hãy nắm vững câu tục ngữ khôn ngoan của Nga đã: Đừng vội khoe khoang khi ra trận, hãy đợi đến khi thắng trận trở về…”[11].

- Đánh giá chủ nghĩa tư bản và bàn về thái độ đối với thành phần này trong chế độ Xô viết, ông đã có những các nhìn thực tế hơn nhiều so với trước:

Giám sát nghiêm ngặt sự hoạt động cảu các nhà công thương nghiệp tư doanh, nhưng không được làm trở ngại chút nào cho sự hoạt động của họ”[12].

Bọn tư bản hoạt động theo lối kẻ cướp. Chúng thu được nhiều lời, nhưng chúng biết cách cung cấp cho dân chúng. Còn các anh, các anh có biết làm việc đó không? Không! Các anh đang thử thách những phương pháp mới: Lời lãi thì các anh không thu được. Nguyên lý của các anh là những nguyên lý cộng sản. Lý tưởng của các anh thì tuyệt diệu. Tóm lại, nếu cứ nghe như lời các anh nói thì các anh là những ông thánh con, và ngay khi còn đang sống các anh cũng đáng lên thiên đường rồi. Nhưng các anh có biết cách làm việc không?”[13].

- Dự báo về sự sụp đổ của Liên Xô nếu không quyết tâm sửa chữa những khuyết tật kể trên, ông đã nói:

Từ nay, hoặc là chúng ta chứng minh được rằng chúng ta có khả năng làm việc hoặc là chính quyền Xô viết không thể tồn tại được nữa. Nguy cơ lớn nhất là ở chỗ tất cả mọi người đã không nhận thấy được như thế”[14].

Chúng ta chỉ như giọt nước trong đại dương, nên chỉ khi nào biểu hiện đúng ý niệm của nhân dân thì chúng ta mới quản lý được Nhà nước. Nếu không Đảng Cộng sản sẽ không lãnh đạo được giai cấp vô sản, giai cấp vô sản sẽ không lôi cuốn được quần chúng theo mình, và tất cả bộ máy sẽ tan rã”[15].

Nhưng đến khi cần phải nhìn nhận lại tất cả và làm lại tất cả thì bệnh tật đã ngăn chặn ông trong việc tiến hành một cuộc cách mạng vĩ đại nữa: Sửa chữa để đổi mới. Ông tạ thế vào tháng 2 năm 1924. Những thế hệ sau Lenin hầu như không làm được bao nhiêu trên hướng đi này, thậm chí đã làm cho những căn bệnh của mô hình cũ ngày càng trầm trọng hơn.

Đối với mọi nhà lãnh đạo, ở mọi thời đại, sai lầm là điều khó tránh và không đáng trách nếu có đủ kiến thức và sự tỉnh táo để sớm phát hiện sai lầm và dũng cảm tìm tòi hướng đi mới. Đây chính là đức tính cần thiết hàng đầu của lãnh đạo và cũng là yếu tố quyết định sự phát triển của một đất nước. Xét theo khía cạnh đó thì tấm gương về sự nhạy bén, nhìn thẳng vào sự thật và nói thẳng sự thật vẫn soi sáng con đường đổi mới.


[1] Lê-nin toàn tập, “Báo cáo tại Đại hội lần thứ IV Quốc tế Cộng sản, ngày 13-11-1922”, Moskva: Nxb Tiến bộ, Bản tiếng Việt, 1978, tập 45, tr. 325-326.

[2] Lê-nin toàn tập, “Thà ít mà tốt”, tập 45, tr. 458.

[3] Lê-nin toàn tập, Thư gửi Molotov để chuyển cho toàn thể Bộ Chính trị, tập 45, tr. 53.

[4] Lê-nin toàn tập, “Bàn về đề cương ruộng đất”, tập 44, tr. 344.

[5] Lê-nin toàn tập, Những trang nhật ký ngày 2-1-1923, tập 45, tr. 419.

[6] Lê-nin toàn tập, “Báo cáo tại Đại hội XI – Đảng Cộng sản Nga”, tập 45, tr. 143.

[7] Lê-nin toàn tập, “Dự thảo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI về công tác nông thôn ngày 1-4-1922, tập 45, tr. 159-160.

[8] Lê-nin toàn tập, “Bàn về tác dụng của vàng”, tập 44, tr. 275.

[9] Lê-nin toàn tập, tập 45, tr. 463.

[10] Lê-nin toàn tập, “Diễn văn đọc tại Hội nghị lần thứ VII Đảng bộ Moskva ngày 29-10-1921”, tập 44, tr. 269.

[11] Như trên.

[12] Lê-nin toàn tập, “Báo cáo tại Đại hội lần thứ IX các Xô viết toàn Nga, tập 44, tr. 413.

[13] Lê-nin toàn tập, “Báo cáo tại Đại hội XI Đảng Cộng sản Nga”, tập 45, tr. 95.

[14] “Bàn về tác dụng của vàng”, tr. 96.

[15] Lê-nin toàn tập, “Báo cáo tại Đại hội XI Đảng Cộng sản Nga”, tập 45, tr. 134.

Nguồn: http://www.webwarper.net/ww/~av/www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/04/100421_lenin_dangphong.shtml

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn