Quảng Nam: Doanh nghiệp 'sốt sắng' phá rừng

Nam Cường
Trong trận bão số 9 năm ngoái, Quảng Nam là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nhất. Mà một trong những nguyên nhân được xác định là do tỉnh có quá nhiều nhà máy thủy điện (có đến 58 dự án thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch); những nhà máy này lại không hề phối hợp với nhau khi xả lũ. Bão trút nước xuống, nhưng rừng đã bị tàn phá hết, không còn giữ vai trò điều tiết nước, và thế là vùng hạ lưu thành rốn lũ lụt.

Quảng Nam không phải là một hiện tượng riêng lẻ. Có thể nói tỉnh nào có rừng thì đều là một Quảng Nam như thế cả, chỉ khác nhau ở mức độ nhiều ít mà thôi.

Ngày nay đến một học sinh trung học còn biết phá rừng sẽ đưa tới những hậu quả khốc liệt về môi sinh như thế nào. Rừng là sự sống còn của đất nước, là sự ổn định xã hội, ổn định chính trị. Cán bộ lãnh đạo của chúng ta dẫu trình độ kém cũng không đến nỗi mù tịt trước sự thực đó. Thế tại sao vẫn ký cho các công ty “đầu tư”?

Làm sao có thể tin được do trình độ kém, mà một ông Phó chủ tịch tỉnh mới nghe qua, đã biết ngay nguyên nhân là do vướng về thủ tục, chứ cái công ty phá 30 ha rừng tự nhiên ấy “không có động cơ gì đâu”, “nói tóm lại là họ không có động cơ phá rừng” trong khi chính ông thừa nhận rằng họ chưa có quyết định khai thác! Cần nhắc thêm rằng chính quyền Quảng Nam còn dám cho công ty nước ngoài thuê đất rừng thời hạn 50 năm với giá một m2 mỗi năm chưa bằng giá một cọng rau muống!

Đặt miếng mỡ trước miệng một con mèo, rồi ra sức “giáo dục” nó, cho dẫu là “giáo dục xã hội chủ nghĩa” đi nữa, thì mèo dù không đói cũng khó cầm lòng. Cho mèo ăn no, mỡ phải đậy kỹ, roi sẵn sàng quất không thương tiếc nếu mèo ăn vụng, lúc đó mới có thể tin mỡ không bị xà xẻo. Lương cán bộ đủ sống, quản lý chặt chẽ, luật pháp nghiêm minh để cán bộ không cần, không thể và không dám vi phạm pháp luật để cầu lợi riêng, đó là chiến lược có hiệu quả, đã được chứng minh ở tất cả các quốc gia văn minh.

Cho nên, chuyện môi sinh rốt cuộc chính là chuyện thể chế, chuyện quản lý xã hội.

Bauxite Việt Nam


TP - Dù chưa được phép, một DN ở Quảng Nam đã công khai tàn sát hơn 32 ha rừng tự nhiên ở huyện Đông Giang (Quảng Nam) để trồng cao su. Vụ việc chỉ được phát hiện khi kiểm lâm huyện vào cuộc, đề nghị khởi tố vụ án điều tra…



Những cây cổ thụ bị đốn hạ để trồng cao su - Ảnh: Nam Cường

Rừng tan hoang...

Một thổ địa ở xã Ba (huyện Đông Giang, Quảng Nam) dẫn chúng tôi vào những khu rừng đã bị Cty CP Việt Hàn thuê người chặt phá. Anh nói: Báo chí cần nhanh chóng lên tiếng, nếu không mai mốt Trung Mang chẳng còn rừng tự nhiên.

Xe máy chỉ vào tới bìa rừng, phải đi bộ 20 phút chúng tôi mới tới được những khu đồi giờ đây ngổn ngang thực bì, trơ gốc cây to. Các khu đồi đều đã được rào kẽm gai kiên cố. Tại một khu đồi ở thôn 3, một vài cây cổ thụ bị đốn hạ còn nguyên cây nhánh. Xung quanh, những cây to bị phạt ngang gốc, cháy đen.

Người dẫn đường nói: “Các anh lên đây trước tết mới thấy mức độ tàn phá dữ dội, còn nay gỗ đã bị mang đi hết rồi”.

Rời các khu đồi ở thôn 3, thôn 5, chúng tôi vòng qua thôn 1, mức độ tàn phá còn dữ dội hơn, khi những khoảnh rừng giờ trơ trụi, cháy đen.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tất cả những công việc mà Cty Việt Hàn xem là dọn thực bì để trồng cao su đều đã bị dừng để kiểm tra. Những khu rừng bị đốn hạ với mục đích trồng cao su, vậy gỗ đi đâu?

Chúng tôi được dân địa phương cung cấp số điện thoại của trung gian buôn gỗ, là một phụ nữ tên N. (01294409….), với lời dặn: Có hết, gỗ to nhỏ gì cũng có.

Rời những khu rừng ở Trung Mang, tôi liên lạc với chị N. và được chỉ dẫn ngay: Quan trọng là giá cả em đưa ra như thế nào, ở đây gỗ loại gì cũng có. Nếu em thích mua củi thì có củi, thích mua gỗ cũng được. Xe chở về tận Đà Nẵng cho em luôn.

Phá công khai

Trước thực trạng những cánh rừng ở Trung Mang bị tàn phá, kiểm lâm huyện Đông Giang đã vào cuộc và có kết luận kiểm tra như sau: Cty CP Việt Hàn đã lợi dụng việc thỏa thuận được thuê đất rừng trồng cao su để chặt phá rừng tự nhiên với diện tích 32,1ha. Trong đó, khối lượng cây có đường kính từ 10cm trở lên là 5.134m3; trữ lượng cây tự nhiên bình quân 160m3/ha.

Ông Lê Hoàng Sơn - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đông Giang trong một văn bản gửi UBND huyện cho hay Cty CP Việt Hàn hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đã có dấu hiệu phạm tội được quy định tại khoản 3 điều 189 BLHS về tội hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn.

Theo đó, ông Lê Hoàng Sơn đã chuyển hồ sơ cho phía C.A huyện Đông Giang điều tra, khởi tố vụ án.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cty Việt Hàn đã được UBND tỉnh Quảng Nam thỏa thuận cho thuê đất trong thời hạn 50 năm với diện tích đất rừng thuê là 581,5 ha đất (gồm 491,1ha tại xã Ba và 97,4 tại xã Tư). Mặc dù vậy, khi bắt tay vào khai thác rừng để trồng cao su, Cty Việt Hàn chưa được UBND tỉnh đồng ý khai thác.

Theo kiểm lâm huyện Đông Giang, Cty Việt Hàn đã thực hiện không đúng quy trình và thẩm quyền về việc trồng cây cao su trên đất lâm nghiệp theo quy định của Bộ NN&PTNT.

Cụ thể, Cty Việt Hàn mặc dù mới chỉ có thỏa thuận thuê đất rừng, chưa có thẩm định cụ thể hiện trường của Sở TNMT tỉnh trước khi tham mưu cho UBND tỉnh cấp quyết định cho thuê, khai thác rừng nhưng đã chặt phá rừng tự nhiên.

Ngoài ra, trong số diện tích đất rừng được thuê có nhiều vùng là rừng thuộc diện 327, trong khi đó, huyện Đông Giang chưa được thanh lý loại rừng 327 nhưng Cty Việt Hàn vẫn phớt lờ điều này.

Theo kết luận của kiểm lâm Đông Giang, 30ha rừng tự nhiên bị tàn phá đều nằm trong số diện tích đã được thỏa thuận cho thuê giữa UBND tỉnh Quảng Nam với Cty Việt Hàn.

Nguồn: http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=191960&ChannelID=2

'DN sốt sắng phá rừng': Chỉ phạt hành chính thôi!


Nam Cường



TP - Sai phạm của Cty Việt Hàn trong việc phá rừng để trồng cao su ở Trung Mang, huyện Đông Giang được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lý giải: "Do vướng thủ tục!"

Những gốc cây lớn bị đốn ngã như thế này được xác định là rừng 327

Chiều 19-4, ông Phạm Thanh Lâm - Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, qua điện thoại cho biết, đến thời điểm này, mặc dù đã kiểm tra thực tế tại một số khu rừng ở Trung Mang nhưng hiện Chi cục vẫn chưa hoàn tất hồ sơ vụ việc để gửi lên UBND tỉnh.

Trao đổi với PV trước đó, ông Phạm Thanh Lâm cho biết, Chi cục đã nhận được báo cáo đầy đủ của Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang và đang khẩn trương điều tra để có kết quả.

“Không ai đem hồ sơ tới tận kiểm lâm địa bàn để báo cáo về việc sẽ khai thác bao nhiêu hécta rừng, cùng lắm là báo cáo cho Hạt Kiểm lâm, mà họ (tức Cty Việt Hàn - PV) làm công khai chứ có lén lút gì đâu, thế nên anh em kiểm lâm địa bàn chủ quan, khi Hạt nhận được tin tức thì rừng đã bị phá rồi” - Ông Lâm nói.

Chiều qua, ông Nguyễn Thanh Quang - GĐ Sở NN&PTNT tỉnh cho biết đã kiểm tra hồ sơ, hiện trường rừng ở Đông Giang và xác định, những cánh rừng bị Cty Việt Hàn phá thuộc loại rừng 327 (phủ xanh đất trống, đồi trọc).

Tuy nhiên, ông Quang cũng cho hay, dù có là loại rừng gì thì vẫn sẽ xử lý nghiêm. “Trong vụ việc này, theo tôi kiểm lâm địa bàn Đông Giang đã hơi vội vàng kết luận loại rừng mà Cty Việt Hàn khai thác. Chúng tôi sẽ nghiêm túc kiểm điểm lực lượng kiểm lâm địa bàn” - Ông Quang nói.

“Nếu là loại rừng đang phát huy tác dụng thì không thể đụng vào. Hoặc khi muốn chuyển đổi mục đích sử dụng thì phải thanh lý, quyết toán cây trên rừng với điều kiện loại rừng này phải dưới 100m3 gỗ tự nhiên/ha. Quy trình cấp phép để khai thác từ chủ tịch xã, sau đó là Hạt Kiểm lâm rồi tới Phòng Nông nghiệp huyện và trước khi sang Sở TN&MT cấp phép thì nhất thiết phải có chữ ký của GĐ Sở NN&PTNT. Thế nhưng, quy trình này mới chỉ dừng ở việc đề nghị đánh giá hiện trạng rừng” - Ông Quang cho biết thêm.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng việc Cty Việt Hàn tự ý khai thác dẫn đến phá hơn 30ha rừng tự nhiên là do những vướng mắc về thủ tục.

“Họ đã có thỏa thuận thuê đất rừng rồi, nhưng cái quyết định để khai thác thì tôi chưa ký. Bởi muốn được khai thác phải có sự tham mưu của Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, kiểm lâm, lâm nghiệp… Khi nghe qua vụ này, tôi biết ngay là vướng về thủ tục, chứ không phải họ có động cơ gì đâu. Nói tóm lại là họ không có động cơ phá rừng” - Ông Quang nói.

Cũng theo ông Quang, UBND tỉnh sẽ sớm yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc với tinh thần sai đâu phạt đó. Đặt vấn đề có thể khởi tố vụ án hình sự hay không, ông Quang cho rằng: “Cái này có gì đâu mà khởi tố, phạt hành chính thôi. Họ phá rừng trị giá bao nhiêu thì phạt bấy nhiêu”.

Xem xét động cơ thuê đất lập dự án trồng cao su

“Sở NN&PTNT đang theo dõi, kiểm tra một số dự án thuê rừng làm cao su trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trong đó có dự án của Cty Việt Hàn tại Đông Giang, xem họ có trồng cao su thật không, hay chỉ lợi dụng dự án để vay tiền ngân hàng sử dụng cho việc khác. Mấu chốt vấn đề là kỹ thuật trồng cao su của Cty Việt Hàn như thế nào. Cao su có sống nổi không, khi địa hình là những quả đồi có độ dốc lớn” - Ông Nguyễn Thanh Quang – GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam.
Nguồn: http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=192043&ChannelID=2

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn