Nhân trường hợp Tiêu Viết Là

Đào Tuấn
BVN không muốn bình luận gì thêm về việc ngư dân của nước ta liên tiếp bị Trung Quốc bắt trên vùng biển của chính chúng ta, không phải vì chúng tôi không bầm gan tím ruột trước những nghịch cảnh không hề thấy ở đâu mà chỉ có ở Việt Nam, khi tính mạng người dân chài nhiều năm nay vẫn treo đầu sợi tóc, bởi mỗi lần vì sinh kế phải ra vùng biển của mình đánh bắt hải sản là sa ngay vào tay bọn hải tặc, mà khốn thay, chính bọn giặc ấy lại là đối tác chiến lược “16 chữ vàng”. Vì thế Hải quân ta cứ phải nhắm mắt làm ngơ, thậm chí còn đều đặn tuần hành chung với chúng. Còn Nhà nước chúng ta thì hình như trước mắt chỉ biết tạm yên tâm với những lời phản đối được biểu diễn qua ti vi cũng rất đều đặn bởi người phát ngôn của Bộ Ngoại giao là bà Phương Nga.
Không, sở dĩ chúng tôi không muốn bình luận gì thêm vì trên BVN ngày 10-5-2010 chúng tôi đã đăng bài viết “Từ biển khơi, những nghi ngại cùng những điều xác tín” của ông André Menras Hồ Cương Quyết, ở đó, với tư cách một người từng nếm mùi nhà tù dưới chế độ ông Nguyễn Văn Thiệu, người viết có đủ vốn sống để nghe được từ trong trái tim mình tiếng kêu la rên xiết của ngư dân miền Trung đang ngày đêm không thể sống nổi trong nhà ngục tồi tệ do Trung Quốc dựng lên ngay trên quần đảo Hoàng Sa của nước ta mà họ chiếm dụng (nơi không xa chỗ tuần hành chung giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân Trung Quốc). Và với tư cách một công dân có hai quốc tịch: Pháp và Việt Nam, người viết còn có đủ điều kiện soi thấu bản chất của tình trạng trớ trêu chúng ta đang chứng kiến, nó phải đáng gọi đích danh là căn bệnh gì của xã hội chúng ta, và đâu là nguy cơ bất ổn khi căn bệnh ấy đang đến hồi trầm trọng.

Bauxite Việt Nam




Thế là lại có thêm một vụ 12 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ, bị đưa về Đảo Phú Lâm, bị đòi tiền chuộc và chắc chắn là bị phá sản.
Đây là vụ bắt giữ thứ 3 trong hai tháng qua và là vụ đầu tiên sau khi Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Sa. Câu chuyện bắt ngư dân VN và giam giữ tại đảo Phú Lâm nghe thực chua chát bởi địa điểm giam giữ chính là hòn đảo của VN bị Trung Quốc, dùng tàu chiến, phi cơ đánh chiếm vào năm 1974 sau một cuộc hải chiến đẫm máu. Và từ vài năm nay, ngư dân đánh bắt cá trên vùng biển VN tuyên bố chủ quyền đã bị bắt, bị đánh đập, bị đòi chuộc, bị thu giữ tài sản phương tiện và bị giam giữ ngay trên lãnh hải đất nước mình với lý do… xâm phạm lãnh hải của láng giềng.
Đầu tháng 4, khi được tàu hải quân hộ tống tới thăm đảo Bạch Long Vĩ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tuyên bố rất cứng rắn: “Không để bất cứ ai xâm lấn bờ cõi của mình, biển đảo của mình… Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng”. (Tuổi trẻ ngày 2-4).
Trước tuyên bố này, trong năm 2009, Việt Nam lên kế hoạch mua sáu tàu ngầm Kilo loại chạy điện và diesel của Nga (trên blog của Mai Thanh Hải, một “chuyên gia về Hải quân”, những chiếc kilo này được tả giống với mấy cái củ chuối). Sau tuyên bố này, Bộ Quốc phòng đàm phán mua 6 máy bay DHC-6 Twin Otter Series 400, loại máy bay mà Giám đốc điều hành của hãng Viking Air, ông David Curtis nói là loại phù hợp cho công tác tuần tra bờ biển trải dài nhiều ngàn cây số.
Rồi khi phát biểu tại Hải Phòng nhân kỷ niệm thành lập Hải quân VN, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh lực lượng hải quân phải “…sẵn sàng hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng khác nhằm đánh bại mọi cuộc tiến công trên hướng biển” và “chủ động hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, lực lượng quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên biển” (VOV ngày 7-5).
Tầm thấp hơn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói “Việt Nam phản đối lệnh cám đánh bắt của Trung Quốc” do “Lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế” (VnExpress). Phải nói là không một động thái nào của TQ trên vùng biển VN tuyên bố chủ quyền mà Bộ Ngoại giao không phản đối, từ việc điều thêm tàu Ngư chính, rồi việc bắt giữ tàu cá ngư dân, cho đến cái lệnh cấm đánh bắt đang bò dần, lan dần theo kiểu “vệt dầu loang”, theo cái gọi là “đường lưỡi bò”. Tuy nhiên tuyên bố xong rồi thì cũng chỉ im lặng.
Giả sử, chỉ là giả sử thôi, bởi một quan chức Bộ Nông nghiệp trả lời trên Pháp luật TPHCM hôm qua 6-5, cho biết là nhiều ngư dân thậm chí còn chưa sõi tiếng Việt, giả sử là ngư dân có đọc, hoặc nghe được những tuyên bố này sẽ rất lấy làm cảm động. Cảm động nhưng có lẽ ít nhất là họ sẽ không tin mình được bảo vệ. Trường hợp Tiêu Viết Là, ngư dân nổi tiếng trong mấy năm qua, là một nạn nhân tiêu biểu cho việc hoặc chẳng biết gì hoặc bị ăn quá nhiều bánh vẽ, bị nghe quá nhiều lời hứa hẹn.
Theo Thanh niên, ngư dân họ Tiêu đã 4 lần bị TQ bắt, trong đó có 2 lần bị thu toàn bộ tàu thuyền, phương tiện, tài sản. Năm 2007, đang từ thế nhà to - tàu lớn, ông rơi thẳng xuống cảnh bàn tay trắng, nghèo còn hơn kẻ ăn xin, bởi ăn xin cũng chẳng có gì nhưng cũng không có khoản nợ khủng bố trên vai. Sau 4 năm, với thêm 2 lần bị bắt, ông cóp nhặt trên biển đủ để sắm được một con tàu. Và rồi chưa kịp vơi nợ thì cái ngày định mệnh 23-3 đó lao đến với hình ảnh một con tàu kiểm ngư mang cờ Trung Quốc. Ông Là, cùng với 11 ngư dân khác, trong đó có hai con trai mình, sau đó bị giam giữ trên chính hòn đảo của quê hương mình, bị bỏ đói, bị đánh đập, bị khủng bố tinh thần, bị hỏi đi hỏi lại “Có phải Chính phủ Việt Nam cấp dầu cho các anh ra đây hay không?”, bị buộc phải ký tên điểm chỉ vì hành vi “xâm phạm vùng biển”. Tất cả những cú đánh đó, không đau bằng việc ông bị cướp bóc tất cả: Con tàu, toàn bộ ngư lưới cụ thiết bị, đến cái vỏ bao ốc vốn đã bốc mùi cũng bị lấy sạch. Những ngư dân khốn khổ này bị bắt, và sau đó cũng được thả về trong hoàn cảnh “trần như nhộng”- đúng ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Ông Tiêu Viết Là khi vừa trở về sau vụ bị Trung Quốc bắt giữ tại Hoàng Sa năm 2007. Ảnh: TL, Tiền phong
Ông Tiêu Viết là mô tả lại những ngày ngồi tù trên đảo Hoàng Sa với tư thế ngồi trong phòng giam giữ. Ảnh: VietnamNet
Suốt trong những ngày ông Là bặt vô âm tín, bà vợ ông, Nguyễn Thị Bưởi không ngừng than khóc, không ngừng chạy mượn sổ đỏ của láng giềng để vay tiền chuộc chồng, chuộc con. Vấn đề của bà là dù mượn đến 4 cái “sổ đỏ” nhưng cũng chỉ vay được 40 triệu đồng, không đủ tiền chuộc, chứ không phải là có thể bỏ chồng - bỏ con để thực hiện nghĩa vụ công dân “không nộp tiền chuộc vô lý nhằm tránh tiền lệ xấu về sau”.

Bà Nguyễn Thị Bưởi (vợ Thuyền trưởng Tiêu Viết Là) khóc lo lắng cho số phận. Ảnh: vitinfo.com.vn
Mỗi khi ngư dân bị bắt, sự im lặng bao trùm lên những làng chài, lên số phận và lên cả những nỗi lo canh cánh về những khoản nợ sắp đến ngày đáo hạn. Sự im lặng đến từ phía những chiếc tàu lạ đã bắt giữ họ và từ cả phía chính quyền, bởi ngoài một lời phát ngôn, một công văn yêu cầu, thì chính quyền cũng không biết làm gì khác, ngoài sự im lặng.
Tiêu Viết Là bố, cùng hai Tiêu Viết - con, 3 người trong 1 gia đình, 3 trụ cột của 3 gia đình đã bị giam giữ gần một tháng, nhưng nếu không phải gần 1 tháng mà là gần 1 năm thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nhiều hơn cả là khả năng họ bị bỏ quên, trừ trường hợp được nhắc đến như là một lý do khất nợ ngân hàng.
Trong trường hợp ngay cả những tuyên bố của hai trong số tứ trụ triều đình cũng không một thông điệp xác định ngư dân sẽ được bảo vệ như thế nào, bảo vệ ra sao thì rất dễ xảy ra khả năng hoặc các Tiêu Viết Là sẽ không còn gì để ra biển, hoặc có ra biển cũng không dám đến vùng biển Hoàng Sa để lại tiếp tục bị bắt giữ.
Rất nhiều nhà báo, sau khi kể lại câu chuyện thảm hại của những ngư dân bị TQ bắt, đã thòng vào dưới bài viết thêm một lời lẽ mà người đọc hiểu là của ngư dân, đại loại: “Quyết không bỏ biển”. Câu này, phải được đọc đúng là: “Không thể bỏ biển”, bởi đoàn tàu há mồm gần chục người của gia đình họ đều đã cả đời trông cả vào vào chiếc thuyền, tấm lưới. Mới biết đôi khi lý do sinh nhai khiến người ta nhắm mắt bước chân, dũng cảm còn hơn là vì lòng yêu nước. Mới biết, cũng đôi khi chỉ vì miếng cơm, manh áo mà người ta bị buộc phải đóng vai người yêu nước.
Nếu một vùng biển không còn bóng dáng một chiếc tàu cắm cờ Việt Nam cũng chẳng khác gì một vùng biển toàn tàu lạ, cắm cờ lạ. Bấy giờ, liệu việc lên gân lên cốt tuyên bố chủ quyền còn có ý nghĩa gì nữa hay không?!
ĐT
Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn