Suy nghĩ tản mạn của một độc giả về nhận xét của một nhà văn

Hoàng Giang

Bài viết của tác giả Hoàng Giang là một sự cố gắng đúc kết lại những nét bản chất nhất của cái chu trình vận động được gọi là cách mạng đã từng lặp đi lặp lại trong đời sống nhân loại ở thời kỳ hiện đại, cụ thể là thế kỷ XX. Cuộc cách mạng nào cũng phải trả giá bằng một bước lùi khi lực lượng lãnh đạo tiên phong đã nhảy lên nắm được quyền thống trị và chỉ còn nghĩ đến lợi ích của bè cánh mình, còn quần chúng cách mạng thì vì quá say sưa trong thành quả chung vừa giành được bỗng trắng tay vì những quyền cơ bản cho mình là sự bình đẳng, tự do bị các thiết chế mới ràng buộc và trở lại thân phận gần như cũ hoặc chỉ khác cũ về hình thức. Các phạm trù mới mẻ của đời sống tư tưởng xã hội mà cách mạng mang lại dần dần chỉ còn là cái vỏ xơ cứng được lợi dụng để vô hiệu hóa mục tiêu đích thực của cách mạng. Đó là tấn bi kịch không thể nào tránh được của ảo tưởng loài người trong nhiều thời đại mà thế kỷ XX là một sự bùng phát như một cao trào. Nhưng dù chậm hay mau, cuối cùng thì thế nào tự chính con người cũng tìm được giải pháp để cứu gỡ, đưa lịch sử trở lại vào đúng quỹ đạo hằng thường của nó...
Tác giả lấy cảm hứng từ tác phẩm Dòng đời của nhà văn Nguyễn Trung, vì thế BVN xin mạn phép đưa đoạn trích ngắn sau đây của Nguyễn Trung để làm đề từ: “[…] bi kịch lớn nhất của cuộc đời ở mọi quốc gia thường là thắng lợi của một cuộc cách mạng trở thành một thứ chiến lợi phẩm! Kẻ thắng xô xát nhau chia quả thực! Ai nhặt được cái gì thì nhặt! Ai giành được cái gì thì giành!” - Nguyễn Trung, Dòng đời.
Bauxite Việt Nam

Khi những người trung thực, ngoan cường đi đầu trong cuộc cách mạng ngã xuống thì bọn người hèn đớn và cơ hội núp bóng ở phía sau sẽ xông lên và sẽ xem thắng lợi của cách mạng là “một thứ chiến lợi phẩm”. Bọn người cách mạng nửa vời không mang đầy đủ trong mình nỗi bức xúc của xã hội, không đại diện hoàn toàn cho lợi ích chính đáng của quần chúng cũng sẽ xông lên và cũng làm như vậy để không phải mất phần.
Những người cách mạng chân chính, có mục đích và có lý tưởng rõ ràng, những người mang trong mình nỗi đau nhức nhối của nhân quần, nỗi khát vọng lớn lao và cháy bỏng về một tương lai tốt đẹp và sự tiến bộ cho toàn xã hội, những con người ấy sẽ không bao giờ làm như thế. Nếu không có những con người ấy thì mọi thành quả của các cuộc cách mạng trong lịch sử sẽ đều vô nghĩa, cách mạng sẽ không thiết lập và gìn giữ được chính quyền.
Loài người thuộc loại động vật sống theo bầy đàn, sống theo quần thể xã hội, vì vậy cũng mang trong mình nhiều tập tính thừa hưởng ngàn xưa của bầy đàn. Khi săn mồi, cả một tập thể đi săn là một khối thống nhất về ý chí lẫn hành động theo hiệu lệnh của thủ lĩnh cuộc săn. Khi chia mồi, thủ lĩnh sẽ được phần ưu ái, sau đó thì những cá thể khác sẽ giành giật nhau phần còn lại của chiến lợi phẩm theo nguyên tắc mạnh được yếu thua. Đó là tập tính rơi rớt lại của bầy đàn thời nguyên thủy, nếu thủ lĩnh chỉ biết phần mình và chỉ giữ vai trò thủ lĩnh cho đến lúc chia phần. Thế nhưng nếu thủ lĩnh tiếp tục vai trò của mình thì sự việc sẽ hoàn toàn khác; cho nên không nhất thiết sau mỗi cuộc cách mạng tình trạng “kẻ thắng xô xát nhau chia quả thực” đều sẽ xảy ra.
Trong chế độ nô lệ và phong kiến, con mồi săn được thuộc sở hữu của chủ nô và chúa phong kiến; sẽ không có phần riêng cho ai, nếu có thì phần thưởng được chia đều hoặc phần ưu ái cho ai cũng đều được chủ cuộc săn ban bố như một phán quyết không được tranh cãi. Nếu sau mỗi cuộc cách mạng xã hội – khi đã tự ưu ái và chiếm giữ phần cho mình – chỉ cần các lãnh tụ phong trào biết giữ vai trò và cách làm chủ xã hội như những chủ nô và chúa phong kiến đã làm thì hạnh phúc cho xã hội biết bao, ít nhất cũng ngăn chặn được tình trạng “kẻ thắng xô xát nhau chia quả thực” một cách bỉ ổi mà nhà văn Nguyễn Trung đã đề cập trong tiểu thuyết “Dòng đời” của ông.
Tình trạng xô xát mà nhà văn đã nêu thường xảy ra trong quá trình hỗn loạn và bề bộn công việc vào những thời khắc tranh tối tranh sáng ở giai đoạn đầu của hầu hết các cuộc cách mạng xã hội, nhưng tình trạng ấy chỉ xảy ra khi thiếu vắng vai trò cầm chịch của thủ lĩnh.
Tình trạng này cũng sẽ xảy ra khi những người cách mạng phạm sai lầm trong đường lối cơ bản của mình, hoặc do kiêu ngạo và thỏa mãn với những thành quả đã đạt được và hài lòng với chính bản thân mình mà lơi là cảnh giác trước bọn cơ hội lúc nào cũng nhung nhúc bám quanh bộ máy quyền lực. Đặc biệt tệ hại khi chính phần lớn những người cách mạng để mình sa vào sự tha hóa, thỏa hiệp với bọn người vụ lợi và cơ hội, thậm chí với bọn lưu manh chính trị để chia nhau quyền lực, chiếm lĩnh bộ máy công quyền; sau đó dùng toàn bộ sức mạnh của bộ máy thống trị để nhân danh cách mạng và nhân danh công lý mà thực thi điều ác, trấn áp cái thiện và làm điều vụ lợi. Lúc đó thì chính trường đã thật sự trở thành thương trường để mua quan, bán chức, để đầu cơ danh lợi; lúc đó chính trị đã thực sự trở thành một phương tiện “làm ăn”; lúc đó người ta cũng hô hào đạo đức, cũng nói về chính nghĩa, nói về cách mạng, song đó chỉ là sự cố gắng cuối cùng của những lương tri còn nuôi thiện chí, còn thì chỉ là giả trá, ngụy biện và lừa bịp. Tình trạng này thực chất cũng là tình trạng xã hội không có thủ lĩnh, hay thủ lĩnh đã đánh mất vai trò của mình.
Bất cứ cá nhân hay tập đoàn cầm quyền nào – dù họ tự xưng là những nhà cách mạng chân chính nhất – thì cũng bao gồm những con người bằng xương bằng thịt; nếu thoát ly lý tưởng vì lợi ích của cộng đồng thì những con người ấy cũng sẽ quay về với bản chất cố hữu của con người, “một sinh vật không hoàn thiện, mang đầy dục vọng bản năng và ích kỷ”. Hay như một ai đó đã nói: “[…] ở một con người cá thể các khái niệm Thiện và Ác, Đạo đức và Giáo dục mong manh đến dường nào […] tất cả đều dễ dàng bị thủ tiêu, bị biến đổi hoặc bị xua đuổi bởi môi trường và bởi sức mạnh của một hệ thống” (Fu Jianfeng, La torture, un mal profondément enraciné, http://www.courrierinternational.com/article/2010/03/22/la-torture-un-mal-profondement-enracine).
Không phải không có những nhà cách mạng chân chính, những lãnh tụ thánh thiện như quần chúng mong mỏi, nhưng họ quá ít ỏi trong thế gian trần tục và đầy bản năng này. Thực tế cho thấy cuối cùng nhiều nhà cách mạng bị số đông phàm tục lấn át và vô hiệu; nếu may mắn hơn thì họ sẽ được dựng lên thành những vị thánh, những tấm mộc che và ngọn cờ hiệu triệu đối với quần chúng khi tình thế yêu cầu.
Nếu những con nguời cách mạng chân chính sau khi đã đánh đổ được các thế lực thống trị cũ mà không sớm biết dùng uy tín và sức mạnh của cuộc cách mạng để thực thi nốt phần lý tưởng cơ bản nhất còn lại của cách mạng là sự tự do và sự ấm no hạnh phúc cho con người cùng với những thiết chế bất khả xâm phạm để bảo vệ các thành quả ấy, để không ai có thể nhân danh cách mạng mà thay đổi những thiết chế ấy theo ý đồ riêng của họ như đã từng xảy ra trong lịch sử một số cuộc cách mạng, thì cuộc cách mạng ấy coi như đã bắt đầu chấm dứt. Bởi vì sự tự do và sự ấm no hạnh phúc cho con người là phần lý tưởng cơ bản nhất, là linh hồn của mọi cuộc cách mạng xã hội đã không được thực hiện; thế là quần chúng cách mạng đã bị phản bội bởi chính những lãnh tụ mà mình hằng yêu quí và ngưỡng mộ.
Tuy nhiên đó là sự phản bội không được dự tính trước đối với một cuộc cách mạng chân chính. Người ta không thể không đề cao khẩu hiệu tự do và ấm no hạnh phúc cho con người thành những mục tiêu hàng đầu của mỗi cuộc cách mạng, những yếu tố mà thiếu nó thì không một cuộc cách mạng nào trong lịch sử từ trước đến nay có thể tập hợp được quần chúng quanh mình để cách mạng có được sức mạnh vô địch vốn có của nó. Nhưng yếu tố tự do cho con người, tự do cho xã hội cũng lại là phần kiêng kỵ nhất của mọi thế lực chuyên quyền. Sự phản bội này chỉ xảy ra khi những kẻ nắm quyền hành đã trót được nếm vị ngọt ngào của quyền lực mà không có một cơ chế mang tính điều hòa, tiết chế và đủ sức làm phanh hãm khi cần thiết.
Một khi các lý tưởng cách mạng đã bị nhạt nhòa bởi sự say sưa ngây ngất với quyền lực, danh vọng và lợi ích vật chất khiến cho một bộ phận trong hàng ngũ những người cách mạng trở nên những kẻ chuyên quyền, một khi lớp người tâm huyết và xả thân vì những lý tuởng ấy dần vắng bóng và trở nên thưa thớt vì thiếu lực lượng bổ sung thì tương quan lực lượng giữa những nhân tố cách mạng và không cách mạng trong hàng ngũ những người cầm quyền đã thay đổi, những lý tưởng cách mạng giờ đây chỉ còn là những lời nói suông như một sự hoài vọng về một ước mơ chưa thành mà bao thế hệ cha anh và lớp lớp quần chúng đã vì nó quên mình. Bởi vì những người cách mạng cầm quyền ấy đã bỏ lỡ thời cơ, khiến cho cuộc cách mạng trở thành một cuộc cách mạng nửa vời, trở thành không còn chịu đựng nổi đối với xã hội và do đó tiếp tục trở thành tiền đề cho một cuộc cách mạng mới tiếp theo.
Tuy nhiên cũng nên biết rằng, tính đến nay thì tất cả các cuộc cách mạng, giả hiệu hay không giả hiệu, thì sau khi thành công cũng đều tháo gỡ một số gông xiềng một khi những gông xiềng đó không có lợi cho giai cấp cầm quyền, thực ra là cho chính các thế lực cầm quyền lúc ấy. Đồng thời các các thế lực cầm quyền ấy cũng không bao giờ bố thí cho xã hội, cho quần chúng những quyền tự do có hại cho sự thống trị của họ; bao giờ những thế lực cầm quyền cũng giữ cho mình quyền chủ động điều chỉnh các quyền tự do của xã hội theo chiều hướng có lợi cho họ.
Trên ý nghĩa đó, trong tình trạng này người ta chỉ còn có thể trông chờ ở một phép mầu, hoặc phải biết hài lòng với những quyền tự do cơ bản của con người mà xã hội đã giành được sau mỗi cuộc cách mạng.
Bởi vì:
- Những lực lượng cách mạng tích cực nhất, triệt để nhất và quần chúng cách mạng đương thời đã bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng “một đi không trở lại” trong giai đoạn đầu khi cách mạng thành công, giai đoạn mà sức mạnh của quần chúng còn đang ở thế áp đảo với khí thế ngút trời có thể dời non, lấp biển, có thể xác lập mọi điều theo ý chí và nguyện vọng của mình, giai đoạn mà những động cơ lợi ích cá nhân của kẻ cầm quyền chưa kịp phát sinh, giai đoạn mà những nhóm và những tập đoàn lợi ích chưa kịp hình thành; quần chúng cách mạng đã bị choáng ngợp với những gì giành được, nhất là những lợi ích vật chất đã đạt được ban đầu và một số quyền tự do được nới rộng hơn trước nên đã không còn độ bức xúc cần thiết dành cho mục tiêu cơ bản nhất là sự tự do và sự ấm no, hạnh phúc cho con người, mục tiêu mà vì nó khiến họ đã dấn thân.
- Mục tiêu đã bị lãng quên này và những thiết chế giả định mang tính điều tiết quyền lực nêu trên chỉ có thể được thực hiện thông qua một cuộc cách mạng nội bộ, hay một tác động khách quan đủ mạnh ngoài thế lực đương quyền mang lại. Nhưng những khả năng này rất khó xảy ra: chỉ khi nhu cầu của cuộc sống thật sự chín muồi thì mới xuất hiện đầy đủ những nhân tố và những điều kiện cần thiết để một phép mầu trở thành sự thật, không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn; chỉ khi cái cũ đã trở nên không còn chịu đựng nổi và không thể tự đứng vững, đồng thời cái mới đã xuất hiện và đã hội đủ các yếu tố cùng các điều kiện cần thiết để sẵn sàng thay thế cái cũ, thì cuộc cách mạng xã hội mới có thể bùng nổ.
Cụ thể hơn, chỉ khi một lực lượng xã hội mới xuất hiện với một hệ thống tư tưởng chủ đạo đáp ứng được sự khát khao của quần chúng và nhu cầu phát triển của xã hội, một phong trào rộng khắp và một tổ chức vững mạnh với một khẩu hiệu, một cương lĩnh, một đường lối chiến lược thống nhất khả dĩ tập hợp được lực lượng và thu phục được lòng dân; đặc biệt một khi xã hội xuất hiện được một lãnh tụ tiêu biểu đầy uy tín khả dĩ qui tụ được phong trào thì mới có được một điều kiện chín muồi cho một cuộc cách mạng xã hội.
Nếu không được như thế thì tất cả những vận động xã hội đã và đang xảy ra chỉ là những diễn biến của thời kỳ tiền cách mạng, hay cùng lắm cũng chỉ là những đêm trước của một cuộc khởi nghĩa.
- Ngoài ra còn chưa nói đến khả năng chính thể đó phụ thuộc ngoại bang, nên mọi sự an nguy của chính thể đó đều được ngoại bang quan tâm sâu sắc và sẵn sàng can thiệp khi cần; điều đó khiến cho nhiều người có tinh thần trách nhiệm đối với đất nước luôn phải đắn đo khi hành động bởi phương châm “đập chuột mà không bể bình”.
Có những cuộc cách mạng mà số đông những người lãnh đạo các cuộc cách mạng ấy rất thành thực muốn mang lại sự tự do và ấm no, hạnh phúc cho toàn xã hội. Họ tiến hành các cuộc cách mạng ấy bằng cả sự bức xúc vì nỗi thống khổ cùng cực của bản thân và của xã hội lẫn bằng cả lý tưởng cao cả vì một tương lai tốt đẹp cho toàn xã hội. Những cuộc cách mạng ấy đã làm thức tỉnh và nức lòng những bộ phận cơ bản trong nhân loại và đã làm thay đổi cả bộ mặt của bản đồ địa chính trị trên toàn thế giới. Song họ đã phạm sai lầm là lấy việc thực hiện mô hình xã hội tương lai với những cấu trúc riêng biệt, mà theo họ là đúng đắn và ưu việt nhất trong các bậc thang tiến hóa của lịch sử xã hội loài người từ trước đến nay, chứ không phải lấy việc mưu cầu tự do và ấm no hạnh phúc cho xã hội, làm mục tiêu tối thượng của cách mạng. Vì vậy thể chế của họ đã bị sụp đổ, sụp đổ chóng vánh như một lâu đài được xây trên cát.
Ảnh Internet
KỸ THUẬT GIẾT RỒNG
Học phí tiêu tốn đến ngàn vàng,
nhưng đi khắp thiên hạ mà chẳng tìm thấy một con rồng nào để giết.
Lịch sử các cuộc đấu tranh của nhân loại từ trước đến nay thực chất là một chuỗi dài các cuộc đấu tranh không mệt mỏi cho sự tự do của con người. Khát vọng cháy bỏng của các cuộc khởi nghĩa của những người nô lệ chỉ là cốt sao có được sự tự do về thân thể và được tự do làm người. Mục tiêu thúc đẩy người nông dân quên mình trong các cuộc cách mạng chỉ là cốt sao có được mảnh ruộng cày và được tự do canh tác trên mảnh ruộng của mình. Mục tiêu thôi thúc của những người thợ thủ công, những thương nhân và giai cấp tư sản xông lên chiến đấu là để giành cho được sự tự do đi lại, tự do cư trú, tự do hành nghề và tự do lưu thông hàng hóa. Mục tiêu của các cuộc cách mạng ấy thảy đều rất cụ thể, rất thiết thực và rất gần gũi với cuộc sống và là những tiền đề, những động lực rất cần thiết cho sự phát triển xã hội. Mục tiêu tối thượng của các cuộc cách mạng sau xã hội tư bản chủ nghĩa đáng lẽ phải là sự tổng hợp của các nền tự do mà những xã hội trước đó đã đạt được, một nền tự do không phải chỉ giới hạn ở phạm vi vật chất, phạm vi dân sinh mà phải bao gồm sự tự do về tư tưởng, về tâm hồn và cả về chính trị, nhất là sự bình đẳng cho toàn xã hội chứ không phải chỉ cho một giai cấp. Cái xã hội mới sau tư bản chủ nghĩa những người cách mạng thời ấy muốn xây dựng, trên đường dài phát triển của lịch sử thực chất chỉ là một nhân tố có vai trò là một phương tiện không hơn không kém để thực hiện nguyện vọng tột cùng và sau rốt của nhân loại là sự tự do toàn diện và ấm no hạnh phúc cho xã hội. Cái mô hình xã hội xa vời đó chỉ là một mô hình phác thảo và chuyên chế, không thể là tiền đề và đông lực để xây dựng và phát triển xã hội, do đó không thể là mục tiêu tối thượng của cuộc cách mạng ấy được.
Đó là sai lầm cơ bản đầu tiên của họ, sai lầm về phương pháp tư tưởng trong việc xác định mục tiêu chiến lược.
Nếu có ai đó biện minh rằng, mục tiêu chiến lược của họ chỉ là mục tiêu gần, chỉ là mục tiêu quá độ để thực hiện mục tiêu tối thượng mà loài người nhắm tới là sự tự do toàn diện cho con người thì trong thực tế – liên tục không một ngày gián đoạn, tính từ khi họ thiết lập được chính quyền cho đến ngày thể chế của họ lập nên bị sụp đổ – họ đã vin vào đủ mọi lý do của nội chiến và ngoại xâm để củng cố sự chuyên chính của thể chế mà quên đi quyền tự do của xã hội. Sự chuyên chính không gắn liền với một cơ chế giám sát và kìm hãm khi nó quá đà sẽ luôn dẫn đến sự chuyên quyền và tùy tiện; đó là điều tất yếu không thể tránh khỏi trong thực tiễn lịch sử loài người. Sự chuyên chính cực đoan được gọi là “tuyệt đối và toàn diện” của họ tất yếu sẽ đem lại sự chuyên chế và lộng quyền một cách cực đoan. Họ thẳng tay không khoan nhượng trong việc dồn ép đối thủ của mình đi vào con đường diệt vong về mặt kinh tế, về mặt xã hội lẫn về mặt sinh học. Cách thức tương tự cũng được họ áp dụng với những ai trong hàng ngũ của họ, nhưng bất đồng chính kiến với họ. Vì thế sự chống đối từ phía các đối thủ của họ (kể cả một bộ phận trong hàng ngũ của họ) – một sự chống đối được thôi thúc bởi bản năng sinh tồn lẫn bởi ý thức hệ – cũng không khoan nhượng và mãnh liệt không kém. Điều đó khiến họ mắc chứng đa nghi và chứng tâm thần phân liệt. Họ luôn tưởng tượng và dựng nên một lực lượng hữu hình và vô hình nào đó đang âm mưu chống lại nhằm tiêu diệt họ để từ đó lấy cớ biện minh và tăng cường sự chuyên chính toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, lẫn tư tưởng và sinh hoạt cá nhân trên phạm vi toàn xã hội. Họ không biết rằng sự cực đoan thái quá của họ trong lĩnh vực cầm quyền đã biến họ thành kẻ độc tài tàn bạo nhất nhì trong lịch sử nhân loại; họ không biết rằng chính sự thiếu chuyên nghiệp do thiếu kinh nghiệm, thiếu tri thức cộng với sự kiêu ngạo và nhiệt tình thái quá của họ trong lĩnh vực điều hành xã hội đã biến họ thành kẻ phá hoại xã hội lớn nhất nhì trong lịch sử loài người.
Đó là sai lầm cơ bản thứ hai của họ, sai lầm về phương pháp hành động trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược.
Họ không biết rằng:
Quyền lực có được do sức mạnh bạo lực là hạ sách;
Quyền lực có được do sức mạnh vật chất là trung sách;
Quyền lực có được do sức mạnh trí tuệ là thượng sách.
(Alvin Toffler – nhà tương lai học Mỹ)
Nếu có ai đó biện minh rằng, việc thực thi chuyên chính bằng bạo lực chỉ là một việc “chẳng đặng đừng” khi cách mạng thuở ấy đang trong “thời kỳ trứng nước” và đang ở tư thế “cưỡi trên lưng cọp”; rằng đó là sự cần thiết để bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động và những thành quả khác mà cách mạng vừa mới giành lại được, thì giải thích như thế nào khi đã giải quyết xong nội chiến và ngoại xâm, khi “thù trong giặc ngoài” đã tạm ổn định, đáng nhẽ phải dỡ bỏ từ từ sự chuyên chính về bạo lực – nhất là sự chuyên chính đối với nhân dân – thì họ vẫn lại tiếp tục lấy sự củng cố toàn diện về quyền lực (sự chuyên chính toàn diện) bằng mọi giá cho bộ máy chính quyền vừa giành được để làm công cụ bảo đảm cho việc tạo dựng các tiền đề vật chất lẫn “ý thức hệ” mà họ cho là không thể thiếu được, nhằm thiết lập một mô hình của một chế độ xã hội mới cho tương lai? Việc làm này đã khiến cho việc thực thi mục tiêu tự do và ấm no hạnh phúc cho toàn xã hội bị đưa xuống hàng thứ yếu, nhằm phục tùng mục tiêu xây dựng xã hội mới. Trong một thời gian rất dài quần chúng luôn được kêu gọi thực hành “thắt lưng buộc bụng” để xây dựng chế độ mới – một chế độ mà nhiều đời sau con cháu họ may ra mới có hi vọng nhìn thấy.
Sai lầm của họ là một sai lầm “kép”, tức sai lầm cả về mục tiêu lẫn phương pháp.
Nhưng sai lầm chung nhất của các cuộc cách mạng đó là đã lấy phương tiện làm cứu cánh, tức họ đã lấy phương tiện làm mục tiêu.
Họ đã bỏ rơi quần chúng nên quần chúng đã bỏ rơi họ, khiến cho một thể chế hùng mạnh một thời như hệ thống chính trị trong lịch sử thế giới và một niềm kỳ vọng lớn lao của nhân loại đã bị sụp đổ.
Đó là minh chứng của câu nói của chính nhà tư tưởng sáng lập ra học thuyết mà họ từng theo đuổi: “Mọi tư tưởng nếu thoát ly lợi ích, tư tưởng đó tự làm nhục mình”.
Do điều kiện xã hội đặc thù và tương quan lực lượng cụ thể tại một số nước thuộc hệ thống chính trị ấy nên một số nước vẫn còn trụ lại được mà không sụp đổ theo hệ thống chính trị trên. Các nước này sau một thời gian kiên định đeo đuổi lập trường và phương pháp cũ một cách vô vọng thì nay đang loay hoay để tìm lối thoát mới. Có nước thì một mặt vẫn kiên định đeo đuổi lập trường và phương pháp cũ, mặt khác lại tìm lối thoát bằng phương pháp ăn vạ trước công luận quốc tế theo kiểu “Chí Phèo” – một nhân vật trong truyện ngắn của Việt Nam. Những thể chế còn lại khác của hệ thống chính trị ấy thì chọn biện pháp khắc phục những sai lầm nói trên bằng việc điều chỉnh bản chất của mục tiêu cơ bản trước đây, nếu không nói là họ đã từ bỏ những nội dung cơ bản quan trọng nhất của mục tiêu trước đây, nhưng họ vẫn bám lấy thương hiệu cũ với những nguyên tắc cơ bản của phương pháp cũ.
Bằng cách ấy, trên cơ bản họ vẫn dẫm chân tại chỗ trên sai lầm cũ, sai lầm lấy phương tiện làm cứu cánh, tức lấy phương tiện làm mục tiêu.
Nói cách khác họ vẫn bám lấy sự chuyên quyền như con nghiện bám lấy ma túy, họ vẫn lấy sự củng cố quyền lực cho các thế lực cầm quyền thay cho việc thực thi quyền tự do cho xã hội, trong khi những thế lực cầm quyền này ngày càng trượt dài trên con đường tha hóa và đang có xu hướng ngày càng thao túng xã hội về mọi mặt. Có điều, sự chuyên quyền của họ ngày càng đi vào vụn vặt và tiểu tiết hơn. Do thiếu tự tin, họ sẵn sàng hòa hoãn với kẻ thù, nhưng không bao giờ tha thứ và chịu đựng nổi sự bất đồng chính kiến trong xã hội, nhất là sự bất đồng trong nội bộ hàng ngũ của họ đối với đường lối mà họ đang tiến hành. Điều đó khiến họ tự cô lập mình ngày càng nhanh đối với xã hội. Bởi vì thời đại và thời cuộc đã thay đổi, đội ngũ nhân danh cách mạng để cầm quyền đã là một đội ngũ hoàn toàn khác, họ mang trong người họ tâm tư, nguyện vọng, lợi ích và nỗi bức xúc hoàn toàn khác với các thế hệ cha anh của họ; đặc biệt là tâm tư, nguyện vọng, lợi ích và nỗi bức xúc của họ lại không hướng về lợi ích và nỗi bức xúc của xã hội, của thời đại như cha anh của họ đã từng trăn trở, mà lại hướng về lợi ích cá nhân, lợi ích của ê-kíp và tập đoàn quyền lực mà họ đang trực thuộc. Hàm lượng trí tuệ chứa đựng rất ít trong mọi quyết sách, kể cả những quốc sách liên quan đến lợi ích sống còn của toàn xã hội, trong đó quyền lợi của các nhóm “đặc quyền, đặc lợi” bao giờ cũng chiếm vị trí trung tâm, nhưng được tô vẽ một cách sống sượng như là lợi ích của toàn xã hội. Điều này khiến cho tôn chỉ mới của họ chỉ là một khẩu hiệu sách lược đơn thuần, nhưng họ vẫn giữ được chính danh mà không mang tiếng quay lưng với lý tưởng, đồng thời vẫn làm hài lòng cả hai xu hướng chủ yếu – xu hướng hoài vọng cái cũ lẫn xu hướng “đổi mới” đang chi phối xã hội đương thời.
Bằng cách ấy, “cái cũ” đã được khâm liệm để chuẩn bị chôn cất một cách êm thắm trong tiếng hát ru ngọt ngào và “cái mới” từ từ thay thế cái cũ mà không mang tiếng rằng đã soán ngôi. Cũng từ đây, nhà cầm quyền có thể vừa nhân danh cái cũ vừa nhân danh cái mới để điều hành xã hội một cách chính danh tùy theo lợi ích và ý chí của mình. Họ trở thành nhà điều phối giữa hai xu hướng xã hội luôn có sự đối kháng nhau về bản chất. Chính trong cái xã hội này và với sự nghịch lý đó mà người ta mới có dịp được tận mắt chứng kiến cách thức hợp tác giữa bụt và ma, tận mắt chứng kiến sự lẫn lộn giữa cái giả và cái thật diễn ra như thế nào, đồng thời có dịp tự thấm thía thế nào là sự ngỡ ngàng, lạ lẫm, nỗi xót xa, nhức nhối và nỗi đau buốt, tái tê của con người khi là nạn nhân trực tiếp của sự nghịch lý ấy.
Nghĩ một đằng, nói một nẻo, làm một lối... đó là sự lừa dối. Karl Marx có nói rằng: “Khi một chính phủ lừa dối thì dân chúng hoặc trở thành một lũ mê tín chính trị, hoặc quay ra chỉ lo lấy cái tư riêng của mình, không lưu ý gì tới quốc gia xã hội nữa!”
Đến đây thì không ai còn có thể vin vào bất cứ một lý do gì để biện minh cho sự chuyên chính của thể chế ấy đối với xã hội, ngoài lý do để củng cố quyền lực và lợi ích của các nhóm thế lực đang cầm quyền.
Trong ba loại quyền lực mà Alvin Toffler đã kể thì thể chế ấy đã chọn loại quyền lực hạ tiện nhất là quyền lực do bạo lực đem lại.
Họ đang phạm phải một sai lầm chết người – mà khách quan là một sự lừa đảo trắng trợn – là họ đang nhân danh mọi người, nhưng thực chất họ không nhân danh ai cả ngoài chính họ.
Thử hỏi rằng họ đại diện cho giai cấp nông dân chăng? Câu trả lời ắt hẳn rằng không! Bởi vì nông dân đang bị họ tước đoạt!
Họ đại diện cho tầng lớp trí thức và giai cấp công nhân thì lại càng không phải! Bởi vì tuyệt đại bộ phận trong họ – nếu vì thận trọng mà không nói là tất cả – đều không phải là công nhân tính theo nghề nghiệp lẫn thành phần xuất thân.
Vậy họ đại diện cho giai cấp tư sản chăng? Câu trả lời là chưa ắt hẳn. Con sâu đang kéo kén chỉ có thể gọi là con nhộng chứ chưa thể là con bướm! Mà bướm của sâu đục thân thì sẽ đẻ ra hàng loạt thế hệ sâu đục thân cho đến khi vì sự cạnh tranh sinh tồn khiến cho sự phát triển của chúng bị co hẹp và bị đào thải ra khỏi sân chơi mà trước nay chúng đã độc quyền chiếm lĩnh.
Một khi những người điều hành xã hội thực chất không còn nhân danh cho ai cả thì sẽ không còn nhận được sự tự giác phục tùng của xã hội, khiến cho việc điều hành xã hội chỉ có thể là mệnh lệnh và bạo lực mà thôi.
Nếu sự thỏa mãn ban đầu về một số lợi ích vật chất và một số quyền tự do xã hội nhất định đã được nới rộng so với trước đó đã làm quần chúng cách mạng tự giác phục tùng và tạm thời sao nhãng mục tiêu cuối cùng của cách mạng thì sự bất công xã hội thể hiện qua sự phân cực gay gắt giàu nghèo, sự phân biệt về quyền con người và sự bóp nghẹt về tư tưởng con người sẽ làm bùng phát khát vọng tự do, sẽ kích thích sự manh động tự phát lẫn sự chống đối có tổ chức của con người đối với thể chế đó.
Nếu sự đoạn tuyệt với thể chế đó là một quyết định khó khăn đối với một bộ phận không ít người trong xã hội, bởi một khi họ vẫn còn một trái tim nóng bỏng dành cho lý tưởng và một lòng ngưỡng mộ chân thành đối với sự tâm huyết và sự hi sinh cao cả của bao thế hệ đi trước đã ngã xuống – kể cả xương máu và công sức của chính họ – để xây nên thể chế này… thì chính sự cay đắng về một niềm tin bị đánh cắp và một lý tưởng bị phản bội, cùng với sự minh mẫn của lý trí sẽ giúp họ có được một quyết định đúng đắn cuối cùng.
Một khi khát vọng tự do và sự manh động tự phát lẫn sự chống đối có tổ chức trở nên phổ biến và trở thành xu thế chung của xã hội thì sự cáo chung của một thể chế chỉ còn là yếu tố thời gian. Một cuộc cách mạng mới tất yếu sẽ bắt đầu khi nhu cu của cuộc sống đã thật sự chín muồi.
Thái độ dung thứ hay nghiêm khắc, chú trọng hay thờ ơ của xã hội trước thực trạng này thể hiện nhận thức và trách nhiệm chính trị của dân chúng nói chung và của giới trí thức nói riêng của xã hội đó. Độ dài của thời lượng diễn biến chính trị này nói lên độ tê liệt về nhận thức chính trị của xã hội cụ thể đó. / .
H.G. 2009
HD Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn