Đất của dân nên dân xót...

Khương Duy

clip_image001[3]Đất đai thuộc sở hữu của toàn dân nhưng khi đặt câu hỏi "toàn dân" là ai thì câu trả lời lại quá sức mơ hồ.Ảnh dostquangtri.com

“Tất nhiên là... chính quyền do nhân dân lập ra nên chính quyền phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Lợi ích của chính quyền phải luôn thống nhất với lợi ích của nhân dân. Mâu thuẫn chỉ xảy ra khi một vài "con sâu" bất chấp lòng dân, coi nhẹ sự đoàn kết, nhất trí giữa chính quyền và nhân dân để làm những điều khuất tất. Sự đoàn kết thống nhất này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi cách điều hành theo lối "cai trị" của không ít quan chức, bởi các quyết định theo kiểu "giấy đòi nợ vô điều kiện", buộc cấp dưới và người dân phải thi hành”.

Lập luận của bạn Khương Duy hình như hơi có phần mâu thuẫn. Chỉ “một vài con sâu” nhưng lại làm cho sự đoàn kết nhất trí giữa chính quyền và nhân dân lâm tình trạng “bị đe dọa nghiêm trọng” bởi “cách điều hành theo lối cai trị của không ít quan chức”? Chúng tôi muốn nói một cách sỗ sàng nhưng chân thật hơn: nhiều quan chức chúng ta đã trở thành sâu mọt và đang đẩy bộ máy của chúng ta đến chỗ mục ruỗng, nếu những người cầm chịch tỉnh táo không biết cách ngăn nó lại. Phải gióng lên hồi chuông cấp bách vì vận mệnh sống còn của dân tộc, điều này thì tinh thần bài viết của bạn Khương Duy đã thể hiện rất rõ.

Bauxite Việt Nam

Chuyện "nóng" mà muôn năm cũ

Thật khó diễn tả cảm xúc của tôi khi được tin UBND tỉnh Cao Bằng ra quyết định thu hồi 13 hec-ta đất nông nghiệp tại bản Um-Pác Háo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, giao cho Công ty cổ phần chuyển giao công nghệ Asean để khai thác vàng sa khoáng.

Lóa mắt trước lợi nhuận thu được từ những dự án khai thác khoáng sản, xây dựng sân golf, biệt thự, nhiều quan chức chẳng màng nghĩ xem, sau khi ký những quyết định như thế này, dân sẽ sống bằng gì khi ruộng đất không còn. Vin vào nguyên tắc cấp dưới phải phục tùng cấp trên, tỉnh chẳng thông qua xã mà giao thẳng đất cho huyện để trao cho doanh nghiệp, bất chấp người dân phản đối. Đây đã trở thành mô-típ chung chứ không chỉ xảy ra ở bản Um-Pác Háo, nên tuy nó là chuyện "nóng" mà sao như chuyện đã muôn năm cũ, chẳng khiến ai bất ngờ.

Nhưng tôi thực sự giật mình trước câu nói chất chứa nỗi niềm của Chủ tịch xã Tam Kim: "Tôi sẵn sàng bị cách chức để ngăn chặn không cho khai thác vàng tại đây". Một cán bộ xã miền núi "quèn" dám đứng về phía nhân dân, dám đánh đổi cả chức tước và sinh mệnh chính trị để bảo vệ quyền lợi của nhân dân vì hiểu rằng "dân không đồng tình cho doanh nghiệp nhảy vào khai thác, mình là cán bộ do dân bầu, dân cử thì phải thực hiện ý nguyện của nhân dân chứ" quả là đáng khâm phục, đáng để không ít vị quyền cao chức trọng phải thấy hổ thẹn.

Nhưng cũng thật đau lòng khi phải tự hỏi: Điều gì đã đặt ông vào tình thế "trên đe dưới búa", tuân theo quyết định của tỉnh thì mắc lỗi với nhân dân; bảo vệ quyền lợi của nhân dân thì mắc lỗi với tỉnh? Lẽ nào chính quyền nhân dân lại mâu thuẫn với lợi ích của nhân dân?

Tất nhiên là không, chính quyền do nhân dân lập ra nên chính quyền phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Lợi ích của chính quyền phải luôn thống nhất với lợi ích của nhân dân. Mâu thuẫn chỉ xảy ra khi một vài "con sâu" bất chấp lòng dân, coi nhẹ sự đoàn kết, nhất trí giữa chính quyền và nhân dân để làm những điều khuất tất. Sự đoàn kết thống nhất này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi cách điều hành theo lối "cai trị" của không ít quan chức, bởi các quyết định theo kiểu "giấy đòi nợ vô điều kiện", buộc cấp dưới và người dân phải thi hành.

Có thể những người như Chủ tịch xã Tam Kim sẽ bị khiển trách thậm chí mất chức, mất quyền vì không hoàn thành "nhiệm vụ" giải thích chủ trương của cấp trên với nhân dân. Có thể chính những người nỗ lực bảo vệ nhân dân, bảo vệ mối tình "cá-nước" giữa chính quyền và nhân dân sẽ phải mang tiếng "gây mất đoàn kết". Nhưng tôi tin chắc nhân dân luôn hiểu đâu mới là những "con sâu" thực sự đang đục khoét lòng tin của nhân dân vào chính quyền.

Muốn "do dân, vì dân", phải xác định "của dân"

Tôi nghĩ, nỗi bức xúc của người dân khi bị chính quyền thu hồi đất đai, vườn ruộng để trao cho doanh nghiệp khai thác vàng hay xây sân golf, biệt thự là đương nhiên. Trong thời buổi tấc đất, tấc vàng, mà thu hồi trắng đất của dân, hoặc đền bù theo mức giá "tượng trưng", thử hỏi có ai không bất bình?

Những mảnh ruộng do người dân bao đời khai hoang khẩn hóa, thậm chí đã chiến đấu, hy sinh để gìn giữ nay có nguy cơ bị thu hồi và trở thành nền chung cư, biệt thự, bãi đào vàng, liệu ai có thể bằng lòng? Nếu các quan chức cũng chỉ trông vào vài ba sào ruộng để sống, liệu có vui lòng trước những quyết định "sét đánh ngang tai" như vậy không? Xét đến cùng, phải chăng cái lẽ phải đơn giản là: Đất của dân nên dân xót?!

Có lẽ đã đến lúc các nhà lập pháp phải nghiêm túc đưa vấn đề quyền sở hữu đất đai của nhân dân ra bàn bạc. Những mâu thuẫn như ở Cao Bằng sẽ còn tái diễn và ngày càng trầm trọng hơn nếu người dân chưa được trao quyền sở hữu đất đai hoặc một quyền hạn nào đó vượt lên trên quyền sử dụng đất mang tính tạm thời như hiện tại. Làm sao chính quyền có thể làm tốt chức năng "do dân" và "vì dân" nếu như những thứ "của dân" còn chưa được định rõ và tôn trọng?

Về nguyên tắc, nhân dân mới thực sự là chủ sở hữu của toàn bộ đất đai trên đất nước Việt Nam, chính quyền chỉ thay mặt nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Nhưng những gì chúng ta đã và đang chứng kiến lại buộc chúng ta phải đặt câu hỏi về thực tế nguyên tắc được áp dụng ra sao.

Đất đai thuộc sở hữu của toàn dân nhưng "toàn dân" là ai thì câu trả lời lại quá sức mơ hồ. Vì thế, từ chỗ thay mặt nhân dân quản lý đất đai, cơ chế đã trao chính quyền nhiều quyền định đoạt đất đai của nhân dân. Thậm chí, nhiều khi, những người đại diện của nhân dân còn tự ý thu hồi đất đai của nhân dân mà không cần thông qua ý kiến của nhân dân. Người đại diện cho chủ sở hữu lại thu hồi đất đai của chủ sở hữu, điều đó liệu có hợp lý?

Từ chỗ không thừa nhận, chúng ta đã thừa nhận và ngày càng củng cố quyền sở hữu tài sản của người dân. Nên chăng vấn đề sở hữu đất đai cần sớm được đặt trên bàn nghị sự của Quốc hội? Nếu cần viết lại Luật Đất đai vì lợi ích lâu dài của dân thì cũng phải làm.

Nếu vẫn còn e ngại vấn đề nhạy cảm sở hữu toàn dân, cũng cần có những hướng giải quyết không động chạm tới vấn đề này. Thí dụ, trừ mục đích phục vụ quốc phòng, an ninh và một số dự án phát triển kinh tế-xã hội trọng điểm quốc gia, mọi quyết định thu hồi đất (nhất là những trường hợp thu hồi đất để giao cho các doanh nghiệp) phải được trưng cầu dân ý trực tiếp tại địa phương.

Nếu người dân không nhất trí với phương án thu hồi thì chính quyền phải tôn trọng quyết định này và tuyệt đối không cưỡng chế thu hồi đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người dân. Nếu người dân đồng ý giao lại đất, mức tiền đền bù đưa ra phải dựa trên cơ sở thương lượng tự nguyện theo giá thị trường.

Chỉ khi những thứ "của dân" được xác định rõ và được pháp luật bảo vệ; cách thu hồi đất như đòi nợ, "tự nguyện trên tinh thần bắt buộc" hiện nay may ra mới có thể thay đổi. Khi đó những câu chuyện buồn như ở bản Um-Pác Háo mới có hồi kết để không có thêm vị Chủ tịch xã nào phải xin từ chức để giữ đất, giữ ruộng cho dân!

KD

Nguồn: Tuanvietnam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn