Bài học Dân Chủ từ nước Úc

GSTS Nguyễn Thu

image

Sáng hôm 24/06/2010 Thông tấn Australia News loan tin bà Julia Gillard, vị phó lãnh tụ Đảng Lao động cầm quyền sẽ thay thế đương kim Thủ tướng Kevin Rudd trở thành vị nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử chính trị Úc, sau một cuộc họp biểu quyết của nhóm lãnh đạo Đảng Lao động (đảng đang cầm quyền): Kết quả bà Gillard (phó thủ lĩnh Đảng LĐ) đã nhận được 70 phiếu ủng hộ trên tổng số 112 đồng nghiệp có mặt. Điều đáng ngạc nghiên hơn là đến giờ khai hội lúc 9g ngày 24/6 thì ông Kevin quyết định bỏ cuộc, do đó bà Julia Gillard trở thành vị lãnh tụ mới Đảng Lao động và nghiễm nhiên trở thành vị Thủ tướng thứ 27 của Úc. Biến cố chính trị nói trên được báo chí Úc bình luận như một “cuộc đảo chánh” nội bộ không đổ máu, tránh cho nước Úc một khủng khoảng chính trị trầm trọng kéo dài và chuẩn bị cho cuộc bầu cử chọn Đảng lèo lái con thuyền quốc gia trong năm 2010 hay đầu năm 2011.

Người ta tự hỏi điều gì đã khiến cho Ông Kevin Rudd được dân Úc bầu lên trong cuộc bầu cử Liên bang vào tháng 11 năm 2007, để thay thế vị Thủ tướng, thuộc Đảng Tự do - ông John Howard, được coi là bảo thủ - người bị giới trẻ biểu tình phản đối về vấn đề ông đưa quân đội Úc tham chiến tại I-rắc, bỗng nhiên lại “thất sủng” trong đảng của mình một cách đột ngột vậy? Đối với cách nhìn của đa số người dân Úc hình như vấn đề hòa bình thế giới và vấn đề chính sách năng lượng nhằm chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu là bận tậm hàng đầu của họ. Một số chính sách của Thủ tướng Kevin Rudd trong lãnh vực thứ hai, khi thực hiện không đem lại kết quả mong muốn, khiến cho “chỉ số uy tín” của ông tụt dốc thảm hại trong một năm trở lại đây. Có thể kể ra dễ dàng đó là sự thất bại của chương trình “Hoán đổi Khí thải” (ETS – Emission Trading Scheme) và việc tài trợ cho dân chúng lắp đặt cách nhiệt trong nhà miễn phí để triển khai chương trình “Khuyến khích Tái tạo Năng lượng” (Renewable Energy Bonus Scheme).

Thế nhưng, đề xuất tăng Thuế Siêu lợi nhuận Tài nguyên (Resource Super Profits Tax – RSPT) mới đây của TT Rudd mới là nguyên nhân được xem là “giọt nước làm tràn ly”. Đề xuất này không chỉ trực tiếp đụng chạm đến quyền lợi của các công ty khai thác khoáng sản, mà còn ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều tầng lớp lao động khác nhau trong một đất nước có nguồn thu nhập khá dồi dào từ việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Dưới áp lực nặng nề của giới kỹ nghệ hầm mỏ cũng như một viễn ảnh thua đậm trong cuộc bầu cử Liên bang vào tháng 11 sắp tới, đã khiến cho hàng ngũ lãnh đạo của Đảng Lao động Úc lung lay, buộc phải nghĩ đến một giải pháp thay thế đương kim Chủ tịch Đảng trong phiên họp nội bộ ngày 24 tháng 6, 2010 nói trên.

Đề xuất tăng Thuế Siêu lợi nhuận Tài nguyên (SLNTN) khiến chúng ta liên tưởng đến các vụ liên doanh làm ăn lớn hàng chục tỷ USD giữa hai Tập đoàn Khoáng sản khổng lồ Anh-Úc Rio Tinto và Tập đoàn Khoáng sản Chinalco của Trung Quốc, nhằm khai thác nguồn khoáng sản Titan và Bô-xít vô cùng lớn của Úc Đại Lợi. Nếu đề xuất tăng thuế SLNTN nói trên được Quốc hội Úc thông qua, thì làm sao các công ty bản địa Úc có thể xuất khẩu cạnh tranh khoáng sản sang Trung Quốc trong các địa hạt mà liên doanh khổng lồ Rio Tinto-Chinalco đang quan tâm được?

Sau sự cố “bỏ của chạy lấy người” của Tập đoàn Rio Tinto, đột nhiên bốn nhân viên cao cấp của tập đoàn này bị bắt giữ và tống giam tại Thượng Hải vào 06/2009, bất chấp mọi can thiệp từ phía Úc. Ngày 22 tháng 3/2010 Tòa án Nhân dân Thượng Hải đã xử vụ bốn nhân viên cao cấp của Tập đoàn Khoáng sản Rio Tinto, bị truy tố về tội gián điệp kinh tế và hối lộ 12 triệu USD cho quan chức Trung Quốc để lấy các thông tin kinh tế, làm cho Trung Quốc bị “thiệt hại kinh tế lớn lao” (enormous economic losses). Ba trong số bốn nhân viên của Tập đoàn Rio-Tinto gồm Stern Hu, một công dân Úc gốc Hoa và hai người TQ khác, đã thú nhận tội làm gián điệp và hối lộ. Dư luận Úc lo ngại theo Luật hình sự TQ họ có thể lãnh án rất cao như tử hình hay tù chung thân. Trước sự ngạc nghiên của gìới quan sát, vụ án chỉ xử trong một ngày và giới quan tâm của Úc thở phào vì Tòa án Thượng Hải, thay vì tội danh “gián điệp”, chỉ kết án họ về tội “hối lộ và ăn cắp tài liệu kinh tế”.

Quá trình xử vụ án Rio Tinto đầy căng thẳng và kết thúc một cách kịch tính dĩ nhiên đã làm “tăng uy tín” của Thủ tướng Úc Kevin Rudd không ít. Dư luận giới trung lưu thầm lặng của nước Úc trước đây xem nhẹ những phanh phui của báo chí về những biểu hiện “không lành mạnh” của chính quyền Rudd trong quan hệ thương mại với Trung Quốc vì thế nên chỉ số uy tín của ông Kevin chưa bắt đầu tuột dốc. Bây giờ thì họ nhớ lại: “Ông Kevin Rudd trước đây từng là một người làm việc lâu năm tai Trung Quốc trong ngành ngoại giao, nói sõi tiếng Hoa phổ thông, có khuynh hướng thân Trung Quốc trong chính sách ngoại giao, thương mại. Ông còn có một người con rể gốc Hoa, là một di dân đến từ Hồng Kông. Đó cũng là những lý do giải thích cho việc ông Kevin thể hiện quan điểm cũng như khuynh hướng thân Trung Quốc ngay từ lúc còn ngồi ghế thủ lãnh đối lập... Công chúng Úc vẫn không quên hình ảnh một ông Thủ tướng thích xun xoe bên cạnh các lãnh đạo Trung Quốc, thích trò chuyện bằng tiếng Hoa mà không cần thông dịch. Bản thân ông Kevin quả có vẻ thân thiện với quan chức Trung Quốc, trong khi một số thành viên trong nội các cũng bị nghi là có mối quan hệ “khác thường” với Trung Quốc. Điển hình là cách đây đúng một năm, Bộ trưởng Quốc Phòng Joel Fitzgibbon đã phải từ chức, chỉ vì bị tố cáo là đã nhận tiền và quà cáp của một nữ doanh gia Úc gốc Trung Quốc, mà bà này lại có mối quan hệ đặc biệt với nhiều quan chức TQ cao cấp. Việc này khiến cơ quan điều tra an ninh Bộ Quốc phòng phải vào cuộc. Ông Kevin Rudd không hề giấu diếm mối thân thiện với các quan chức TQ mỗi ra khi ra mặt tiếp các lãnh đạo TQ, hay các chủ tịch các tập đoàn quốc doanh TQ sang Úc ký kết, tìm kiếm cơ hội làm ăn. Mới năm ngoái, việc ông Kevin Rudd có cuộc tiếp đón thân mật và dùng cơm riêng với Lý Trường Xuân (Li Changchun), Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Đảng CS Trung Quốc, đã khiến Đảng đối lập và báo chí đặt dấu hỏi lớn. Sự kiện đó đã được báo chí trưng bày bằng một bức tranh biếm họa: sử dụng tấm hình tuyên truyền của CS Trung Quốc với hình ảnh của Mao Trach Đông, lồng vào đó hình ảnh của Kevin Rudd trong bộ áo bốn túi của Mao và một vài môn đệ (Bộ trưởng) của mình.

Trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng, nhìn sâu xuống phần chìm chúng ta thấy tuy quan hệ giữa Úc và Trung Quốc căng thẳng như vậy nhưng Tập đoàn khoáng sản khổng lồ Trung Quốc Chinalco vẫn đang tiếp tục là đối tác liên doanh số một với Rio Tinto, cùng nhau khai thác nhiều mỏ titan và bô-xít trên đất Úc. Cũng trong tháng 3/2010, khi vụ án Thượng Hải đang tiến hành thì Rio Tinto vẫn đồng ý bán cho Chinalco 44,65% cổ phần (trị giá 1,3 tỷ USD) mỏ sắt Simandou, Guinea (Phi châu). Có lẽ đây mới là phần chìm của tảng băng quan hệ ngoại giao “Úc-Trung” đã đưa đến sự rút lui khỏi vi trí đứng đầu Đảng Lao động, và dĩ nhiên ghế Thủ tướng của ngài Kevin Rudd, và bà Gillard đã thành công trong một cuộc “đảo chính nội bộ lãnh đạo” vào ngày 22 tháng 6, 2010 để thay thế ông Rudd lãnh đạo đảng.

Quan hệ ngoại giao bề ngoài tưởng như tốt đẹp giữa Trung Quốc và Úc Đại Lợi bất ngờ trưng ra trước bàn dân thiên hạ những sự thật mới mẻ, khi nước Úc rơi vào khủng hoảng chính trị đưa đến một biến cố chính trị tầm cỡ quốc gia, khiến chúng ta không khỏi “trông người lại nghĩ đến ta” :

“So với quan hệ “16 chữ vàng-4 tốt” giữa Trung Quốc và Việt Nam, thì sự “thân Trung thái quá” của ngài Thủ tướng Úc chỉ có thể coi như là một bệnh ngoài da so với một bệnh nan y đã nhập vào đến lục phủ ngũ tạng”.

Nước Úc với liệu pháp Dân chủ ghi sẵn trong Hiến pháp một thể chế chánh trị đa nguyên để phòng và chữa bệnh, và chính một phần áp lực của phe đối lập và dư luận công chúng đã tạo nên những sự tự hoán chuyển để tồn tại và phát triển, nên hẳn phải tìm ra lối thoát ngay tức thì!

Còn ta thì có liệu pháp gì đây?

Hà Nội, 26/10/2010

NT

QT và ĐN Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn