Trung Quốc: 100 triệu người giàu thần phục Đảng Cộng sản và chỉ quan tâm cải thiện mức sống

Trọng ThànhRFI

Từ 100 triệu Hồng Vệ Binh của Văn Cách vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước, đến 100 triệu người thuộc tầng lớp "xã hội khá giả" thuộc các nhóm quyền lợi mafia hiện nay, chúng ta tự hỏi bề dày "văn hóa và văn minh" của xã hội TQ hiện đại trong một thế kỷ qua nằm ở đâu? 50 năm nữa Trung Quốc sẽ về đâu và đi đến đâu ?

Thử hỏi giấc mộng bá chủ thiên hạ của TQ mà Đảng CSTQ đang hun đức bằng tinh thần Hán tộc cực đoan, có thể dựa trên "cơ sở văn hóa" nào để trở thành hiện thực?

GS TS Nguyễn Thu

clip_image002

Một gian hàng trưng bầy mẫu áo cưới tại một triển lãm quốc tế ở Bắc Kinh, ngày 05/06/2010. Ảnh: REUTERS

Đặc san của tờ Les Echos tuần này, với tựa đề «100 triệu người giàu tại Trung Quốc … », đăng phóng sự về tầng lớp khá giả tại nước này. Đây là bài cuối cùng trong số bốn phóng sự về tầng lớp trung lưu tại các nước đang nổi lên.

Phóng sự mở đầu với việc mô tả cuộc gặp của ba phụ nữ Trung Quốc trẻ tại khách sạn Madam Zhu’s Kitchen, điểm lui tới nổi tiếng của những người khá giả tại Bắc Kinh. Đó là một nhà báo, làm việc cho FT Ryu, tạp chí bằng tiếng Trung của nhóm Financial Times, một nguyên Giám đốc tiếp thị của Công ty Dunhil và chuyên gia tư vấn cho Công ty Bain & Company và Richmont, hiện làm việc độc lập và một nữ doanh nhân.

Theo Giám đốc tiếp thị của TNS China, ba phụ nữ này nằm trong lớp người tiêu thụ khá giả đang nổi lên tại Trung Quốc, với thu nhập tối thiểu là 100 nghìn yuan một năm (tương đương 25 nghìn €). Đây là thị trường mà công ty này nhắm đến. Trong xã hội Trung Quốc, tầng lớp ước tính 100 triệu người này không phải là một nhóm đồng nhất.

Zhang Ting là một phụ nữ 36 tuổi, tốt nghiệp đại học tại Thượng Hải, trở về quê hương, thành phố Thái Nguyên, thuộc tỉnh Sơn Tây làm giảng viên kinh tế. Từng sống tại Thượng Hải, cô rất ghét sự ngạo mạn của cư dân thành phố này. Cô chỉ mua các quần áo rẻ tiền và không bao giờ đến mua đồ tại trung tâm thương mại sang trọng của thành phố. Với thu nhập 200 nghìn yuan một năm, sở hữu ba căn hộ, cùng với chồng, làm cho Công ty điện thoại di động China Mobile, cô có ý định đầu tư vào bất động sản.

Cũng tại thành phố Thái Nguyên, một phụ nữ trẻ khác là Geng Lipei, sẽ điều hành một trung tâm thương mại rộng 50.000 m² vào cuối năm, gấp mười lần nơi cô đang kinh doanh hiện nay. Cô cho biết, khách hàng hiện nay của cô phần lớn là các chủ mỏ trong vùng, những người phụ trách xí nghiệp, và nhiều công chức. Nhìn chung, các công chức, mặc dù thu nhập chỉ 4000 yuan một tháng, nhưng giàu có, bởi họ tiêu thụ bằng tiền của «tập thể», và nhờ vào các quan hệ mờ ám với các doanh nghiệp tư nhân.

Trong khi đó, nền giáo dục tại Trung Quốc, được những người khá giả nhìn nhận với con mắt bi quan. Bà Wang Jindao, 51 tuổi, nghiên cứu về dịch tễ học tại một trường đại học cũng thuộc thành phố Thái Nguyên, cho rằng hệ thống đào tạo hiện nay tại Trung Quốc khuyến khích học thuộc lòng và coi nhẹ tư duy. Học sinh ở các cấp cao hơn cũng không biết cách suy nghĩ độc lập. Nhờ thu nhập khá của chồng, bà Wang Jindao quyết định gửi con gái 18 tuổi đi học tại Canada.

Trở lại với cuộc nói chuyện giữa ba người phụ nữ trẻ tại khách sạn Madam Zhu’s Kitchen, điểm lui tới nổi tiếng của tầng lớp khá giả tại Bắc Kinh, tuần báo Les Echos dẫn lại những lời than phiền của họ về mức độ quá tải trong học tập của trẻ em các gia đình có thu nhập cao, sự tự thỏa mãn của chúng. Họ lo ngại thế hệ thanh niên hiện nay sống không có trách nhiệm, không có giá trị và chỉ quan tâm đến việc làm giàu.

Les Echos dẫn lời nhà sử học He Li, thuộc Trường Merrimack College, chuyên gia về các quan hệ giữa giới khá giả và đảng Cộng sản tại Trung Quốc. Ông nhận định, việc làm giàu của các viên chức thuộc các doanh nghiệp của Nhà nước, cũng như các doanh nghiệp tư nhân, liên hệ chặt chẽ với hệ thống quyền lực độc đoán. Họ chờ đợi chế độ này bảo vệ các quyền lợi của họ. Một khi họ cảm thấy được bảo vệ, thấy mức sống của họ được cải thiện, thì họ không đòi hỏi bất cứ một thay đổi chính trị nào.

Đôi khi những người khá giả cũng xuống đường, nhưng không phải để đòi hỏi luật pháp được tuân thủ, báo chí tự do, hay chống lại việc bắt bớ bừa bãi những người bất đồng chính kiến, mà là để chống lại việc xây dựng các cơ sở hạ tầng khiến cho nhà đất họ sở hữu bị mất giá, hay các xí nghiệp làm ô nhiễm bầu không khí của con cái họ. Về những tiểu tiết này, chính quyền thường nhường bước.

Les Echos dẫn lời một người có nhiều suy nghĩ phê phán nhất. Đó là Jim, một Kỹ sư 33 tuổi, làm việc cho một xí nghiệp tư, không bao giờ chấp nhận các khoản hối lộ và chỉ trích nạn tham nhũng. Tuy nhiên, Jim cũng cho rằng, trong một đất nước khổng lồ như Trung Quốc, và trình độ dân trí rất thấp của một bộ phận lớn dân cư, chính sách kiểm duyệt thông tin là không thể tránh khỏi. Kiểm duyện thông tin là để giúp cho quần chúng không bị lừa dối. Mặc dù không hoàn toàn tán đồng toàn bộ hệ thống chính trị hiện nay, nhưng anh rất vui vì những tiến bộ đã đạt được tại Trung Quốc và hy vọng tiếp tục đi lên cùng tốc độ với sự phát triển của đất nước.

Les Echos kết luận, 100 triệu người thuộc tầng lớp khá giả tại Trung Quốc không có cùng gương mặt, cùng một lối sống. Họ có một điểm chung duy nhất là việc làm giàu của họ được Đảng Cộng sản cổ vũ và tạo điều kiện.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn