Trung Quốc - Đau đẻ chờ sáng trăng

Đinh Hoàng Thắng

clip_image003Từ trái qua: Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama. Ảnh: Xinhuanet

clip_image001- Chính sách “ba không” của Trung Quốc đối với bán đảo Triều Tiên: không khủng hoảng, không hạt nhân, không thống nhất là một mũi tên bắn ba con chim. Giữ cho Trung Quốc có một “lá chắn” tuyệt hảo, không tạo cớ để Mỹ/Nhật đảo lộn quân bình lực lượng ở Đông Á, châu Á - Thái Bình Dương và duy trì vị thế đồng đẳng của Trung Quốc trong quan hệ toàn cầu với Mỹ. 

Những ai theo dõi tình hình liên Triều đang biến chuyển từng ngày đều lo lắng. Tổng thống Lee tuyên bố trong mọi tính toán không được phép sai lầm! Câu tiếp theo chắc ông không muốn nói ra, sai lầm dù nhỏ nhất hiện nay cũng có thể dẫn đến xung đột, và sau đấy sẽ là điều tồi tệ nhất: chiến tranh. 
Không ai làm Gia Cát Lượng

Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên dâng cao những ngày qua có lúc đến nghẹt thở. Trung Quốc, sau cuộc đối thoại cấp chiến lược với Mỹ, vẫn chưa dứt khoát lật lá bài. Nga tuyên bố sẽ cử đoàn điều tra riêng về vụ tàu Chonan bị chìm. Mỹ, Nhật không chỉ ủng hộ cả gói các biện pháp trả đũa của Hàn Quốc mà còn bắt đầu hành động. Tổng thư ký LHQ nói sẽ nhóm họp HĐBA để bàn chuyện trừng phạt Triều Tiên. 
Cố gắng tối đa của Hàn Quốc đặt ra trong chuyến thăm của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Seoul từ 28/5 là yêu cầu Trung Quốc có thái độ công khai, rõ ràng, phải lựa chọn giữa Bình Nhưỡng và Seoul.

 

Nhưng vấn đề của Trung Quốc không phải chỉ là công nhận hay không công nhận bằng chứng. Đằng sau quyết định này là sự đối mặt với thách thức của Mỹ đang nhân vụ Chonan đẩy mạnh hơn các liên hệ quân sự với Seoul và Tokyo. 
Trung Quốc chưa chấp thuận kết quả điều tra vì nước này không phải là thành viên của Ủy ban điều tra. Việc không được mời từ đầu vào Ủy ban điều tra dường như được coi là một sự xem nhẹ vai trò trung gian của Trung Quốc với tư cách một đại cường vốn là "Kiến trúc sư trưởng" của cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. 
Khi "điệu nhạc tử thần" chuẩn bị gióng lên thì cả thế giới đều dồn mắt về Bắc Kinh, quốc gia duy nhất có khả năng kiềm chế các hành vi của Bình Nhưỡng. Nhưng nghịch lý của chính trị quốc tế là không ai có thể làm Gia Cát Lượng trên một "sân chơi" từng là chảo lửa như bán đảo Triều Tiên. Giờ đây, những lợi ích và tính toán của các bên liên quan đan xen nhau chằng chịt! 
Trung Quốc kêu gọi các bên hãy bình tĩnh và hứa tự mình sẽ xem xét cẩn thận các chứng cứ do Ủy ban quốc tế đưa ra khẳng định tàu Chonan bị ngư lôi Triều Tiên bắn chìm.

Trung Quốc cũng chưa bày tỏ thái độ công khai đối với những vận động ngoại giao của Washington và Seoul đòi trừng phạt Triều Tiên tại HĐBA LHQ sắp tới. Mặc dù Ngoại trưởng Hillary Clinton tỏ ra lạc quan rằng cuối cùng Trung Quốc sẽ ủng hộ Mỹ và Hàn Quốc (?) 
Vì sao Trung Quốc lưỡng lự?
Trung Quốc đến nay vẫn lưỡng lự trước hết vì mối quan hệ đồng minh. Quan hệ "môi hở răng lạnh" giữa Trung Quốc và Triều Tiên có từ thời "kháng Mỹ viện Triều" và đã trải qua thử thách của cuộc chiến tranh Lạnh những thập niên sau đó. Mối quan hệ này đã mở đường cho Triều Tiên vào LHQ (1991), giúp Triều Tiên xây dựng các mối liên hệ kinh tế và chính trị với những người anh em miền Nam thời kỳ “ánh dương”. 
Giúp Triều Tiên cũng là tự giúp mình! Dồn tiền của cho Bình Nhưỡng trong những năm tháng khó khăn là để duy trì Triều Tiên như một "khu vực trái độn chiến lược" đẩy Mỹ ra xa cửa ngõ Trung Quốc. Những ảnh hưởng có thể có của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng nhiều lúc rất có giá trên chính trường quốc tế vốn là thị trường mua bán và đổi chác những vật cược nhiều khi không công khai. 
Thứ hai là do vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc trong đàm phán sáu bên và giải quyết khủng hoảng. Mỗi lúc đàm phán không xuôi chèo mát mái hay quan hệ các bên căng thẳng, Mỹ và đồng minh thường viện dẫn đến trách nhiệm nước lớn của Trung Quốc, đến ảnh hưởng truyền thống của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng.

Chính vì phải giữ vai trò trung tâm trong các cuộc hòa giải mà Trung Quốc nhiều khi phải nhường nhịn Triều Tiên, và không phải lúc nào cũng có thể tham gia "đánh hội đồng" một cách thiếu cẩn trọng. 
Chả thế mà Trung Quốc vẫn chưa chịu lật quân bài của mình ngay cả sau khi bà đầm Hillary cùng một phái đoàn 200 quan chức Mỹ sang tận Bắc Kinh để thuyết phục Trung Quốc "đừng phủ quyết" chuyện trừng phạt Triều Tiên sắp tới. Một cái gật hay lắc đầu của Trung Quốc lúc này quả thật là hết sức quan trọng đối với Mỹ, Hàn Quốc và các đồng minh khác của họ. 
Thứ ba là do không muốn dồn Triều Tiên vào chân tường. Dù sự bảo trợ của Trung Quốc to lớn đến đâu thì quan hệ Trung - Triều không phải bao giờ cũng "cơm lành canh ngọt".

Triều Tiên không giấu giếm thái độ bất mãn khi năm ngoái Trung Quốc đã bỏ phiếu đồng ý trừng phạt họ tại LHQ. Một trong những "mô thức" quen thuộc nước này thường áp dụng là gây khủng hoảng khi thì hạt nhân, khi thì căng thẳng liên Triều, Mỹ - Triều để thu hút sự chú ý của thế giới và "bắt bí" cả đồng minh lẫn đối thủ trước khi chịu trở lại nguyên trạng. 
Thứ tư là lý do nội bộ. Lãnh đạo Triều Tiên thường đề cao cảnh giác đối với những ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở nước này. Ngay cả việc kế vị Chủ tịch Kim cũng đang dấy lên những đồn đại về các cuộc đấu đá trong hàng ngũ cấp cao.

Vấn đề còn xoay quanh việc Trung Quốc sẽ ủng hộ con thứ hay con trưởng của Chủ tịch Kim nối ngôi cha, sẽ hỗ trợ nhóm này hay nhóm khác trong hàng ngũ lãnh đạo chóp bu. Thời điểm này đòi hỏi Trung Quốc phải cân nhắc nhiều mặt đứng trước quyết định có bỏ phiếu lần thứ hai trừng phạt Triều Tiên hay không. 
Cuối cùng nhưng không phải sau cùng, đó là những tính toán địa - chính trị của Trung Quốc trong ván bài Triều Tiên. Một tờ báo phương Tây bình luận chủ trương "ba không" của Trung Quốc đối với bán đảo Triều Tiên: không khủng hoảng, không hạt nhân và không thống nhất là một chính sách nhất cử lưỡng tiện.

Một mũi tên nhắm ba đích: giữ cho Trung Quốc có một "lá chắn" tuyệt hảo, không tạo cớ để Mỹ/Nhật đảo lộn quân bình lực lượng ở Đông Á, châu Á - Thái Bình Dương và duy trì vị thế đồng đẳng của Trung Quốc trong quan hệ toàn cầu với Mỹ.

ĐHT

Nguồn: Vietnamnet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn