Vì sao Trump một lần nữa trì hoãn việc tăng thuế quan?

Trọng Thành

Cách đây một trăm ngày, ngày 02/04/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump quảng bá rầm rộ cho «Ngày Giải phóng» (Liberation Day) nước Mỹ khỏi «sự lợi dụng của các đối tác thương mại», bằng việc đơn phương tăng mạnh thuế  quan đối với hầu hết các nước. Tuy nhiên, ngoài biện pháp tăng thuế đồng loạt 10%, các biện pháp mạnh như tăng thuế hàng chục phần trăm rút cục đã được hoãn lại.

Ngày 09/07/2025, cơn sốc tăng thuế quan toàn cầu một lần nữa cũng đã không diễn ra như cảnh báo. Thế giới lại nín thở chờ đến ngày 01/08. Vì sao ông Trump một lần nữa hoãn thời điểm tăng thuế?

Khó xác lập luật chơi mới trong ít tuần lễ

Có nhiều lý do khiến Trump một lần nữa phải trì hoãn thời điểm áp dụng, từ góc độ kỹ thuật cho đến các vấn đề lợi ích và hậu quả từ chính sách tăng thuế đơn phương hoặc đe dọa tăng thuế đơn phương đối với toàn thế giới.

Trước hết, xét về mặt kỹ thuật, việc kéo dài thời gian đàm phán là điều dễ hiểu. Theo giới chuyên gia, các đàm phán lại về thuế quan do cuộc chiến tranh thuế Trump phát động là «chưa từng có», khi toàn bộ hệ thống luật pháp quốc tế về thuế quan được xây dựng từ Thế chiến Hai, với các thỏa thuận Bretton Woods năm 1944, Thoả thuận GATT năm 1947, cũng như Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, được coi là không còn hiệu lực với đòn tấn công của Trump. Hai nền kinh tế Mỹ và Liên Âu với 45% GDP, 30% thương mại toàn cầu, và liên kết mật thiết với nhau, khó lòng xác lập được các luật chơi mới chỉ trong vài tuần lễ.

Một mũi tên hai mục đích: Gia tăng áp lực, tránh đối mặt với thất bại

Xét về mặt lợi ích với nước Mỹ, nếu thổi còi chấm dứt cuộc chơi đàm phán vào ngày 09/07, tổng thống Trump chắc chắn sẽ phải gánh chịu một thất bại. Việc chính quyền Trump không đạt được một thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu vào thời điểm này, như đã loan báo, có thể bị coi là một vố đau với Washington, trong bối cảnh đa số người Mỹ không ủng hộ cuộc chiến tranh thuế của tổng thống, theo thăm dò dư luận của New York Times.

Đài Pháp France Info, trong bài phân tích – với tiêu đề ‘‘Chính sách không nhấn quán của nước Mỹ làm rạn nứt niềm tin của các thị trường: Vì sao Donald Trump tiếp tục hoãn lại thời hạn áp dụng thuế quan”, nhấn mạnh trước hết đến việc Tổng thống Mỹ cho đến nay đã chưa thu hoạch được gì đáng kể trong cuộc chiến thuế quan mà Washington phát động chống lại hệ thống thương mại toàn cầu, vì chỉ mới có hai nước ký kết một thỏa thuận thương mại mới với Mỹ, gồm Anh Quốc và Việt Nam, vốn là hai nước «rất phụ thuộc vào Mỹ về chính trị (Anh) hoặc về kinh tế (Việt Nam)», theo kinh tế gia Sébastian Jean, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp Ifri.

Biện pháp của ông Trump đơn phương tăng thuế quan, tấn công vào các nền móng của hệ thống thương mại toàn cầu từ hơn nửa thế kỷ qua, dù không biết kết quả chung cuộc sẽ ra sao, nhưng rõ ràng là một biện pháp có chủ đích. Giáo sư luật quốc tế Arnaud de Nanteuil, Đại học Paris-Est Créteil, định nghĩa «phương pháp Trump» (méthode Trump) là đe dọa tăng thuế rất cao để gây áp lực trong thương lượng. Đẩy lùi thời điểm áp dụng cho phép kéo dài thời gian «thương lượng», mà Trump hy vọng sẽ dành được nhiều nhượng bộ quan trọng từ các đối thủ. Trong cuộc đàm phán căng thẳng với Liên Âu, Trump có thể nhắm vào «các mắt xích yếu» của Liên Âu, như Đức và Ý, một số quốc gia xuất khẩu ô tô, do phụ thuộc mạnh vào thị trường Mỹ.

Tránh để thị trường tài chính toàn cầu hoảng loạn lần nữa

Tuy nhiên, có một lý do khác khiến Trump khó lòng tung ra một cơn sóng thần thuế quan mới vào lúc này, theo nhiều chuyên gia. Giáo sư luật quốc tế Arnaud de Nanteuil, Đại học Paris-Est Créteil, nhận định rất có thể là sự hoảng loạn trên các thị trường tài chính toàn cầu hồi đầu tháng 4, với viễn cảnh kinh tế thế giới suy thoái, khi Trump loan báo «Ngày Giải phóng» nước Mỹ, đã khiến ông phải cân nhắc.

Trong hiện tại, nền kinh tế Mỹ được coi là vững chắc hơn dự kiến, theo nhiều nhà quan sát. Tuy nhiên, việc dấn sâu vào cuộc chiến về thuế, cùng «chính sách tiền tệ siết chặt», và viễn cảnh chiến tranh thương mại toàn cầu có thể gây khó khăn nghiêm trọng cho chính nền kinh tế Mỹ về trung hạn. Lạm pháp có nguy cơ tăng mạnh do hàng hóa ngày một đắt đỏ. Sản xuất tại Mỹ có nguy cơ bị thu hẹp. Theo một số khảo sát hồi tháng 4 của Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia (National Federation of Independent Business), được CNN dẫn lại, tỉ lệ doanh nghiệp nhỏ có kế hoạch đầu tư trong 6 tháng tới giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020, tức thời điểm đại dịch Covid đang tàn phá thế giới.

Kinh tế gia Sébastian Jean đặc biệt nhấn mạnh đến việc «chính sách thuế quan bất nhất và hỗn loạn» của tổng thống Mỹ đang làm tan vỡ chính «niềm tin của thị trường vào nợ Mỹ». Mất niềm tin, người Mỹ sẽ phải gánh chịu lãi suất cao hơn. Lãi suất cao hơn đối với số nợ lên đến 37 nghìn tỉ đô la của nước Mỹ có lẽ là một ám ảnh lớn, đã và sẽ buộc chính quyền Trump phải hết sức cân nhắc khi quyết định có tung ra một cơn sóng thần thuế quan mới nữa hay không.

T.T.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn