Ứng xử của Việt Nam khi Mỹ quan tâm đến vấn đề Biển Đông

Đức Tâm

clip_image001

Theo Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ được công bố hồi tháng Năm vừa qua, liên quan đến châu Á - Thái Bình Dương, Hoa Kỳ chủ trương thúc đẩy các lợi ích chung thông qua các quan hệ liên minh, củng cố vai trò của các tổ chức đa phương, đặc biệt là Hiệp hội Đông Nam Á, ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Trong tinh thần này, Ngoại trưởng Mỹ bà Hillary Clinton sẽ sang Việt Nam tham dự Diễn đàn Khu vực châu Á, ARF, được tổ chức từ 19 đến 23/07/2010. ARF là diễn đàn an ninh quan trọng nhất trong khu vực.

Sự kiện chính quyền Mỹ quan tâm trở lại đến vấn đề an ninh khu vực châu Á vào lúc vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia Đông Nam Á đang có xu hướng căng thẳng lên. Cụ thể giữa Việt Nam và Trung Quốc trong hồ sơ Hoàng Sa, giữa Trung Quốc với Bruneil, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Việt Nam trong hồ sơ Trường Sa. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” với tham vọng kiểm soát tới 80% diện tích Biển Đông.

Về phần mình, Hoa Kỳ công khai tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nhưng nhấn mạnh rằng quyền tự do thông thương hàng hải phải được tôn trọng.

Trong bối cảnh, đó, nên hiểu thái độ của Mỹ như thế nào và ứng xử của Việt Nam ra sao trước sự lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông? Sau đây là phân tích của Giáo sư Vũ Hồng Lâm – Alexandre Vuving, thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương – Hawaii.

clip_image002

Giáo sư Alexandre Vuving (Vũ Hồng Lâm)

Ảnh: Tác giả cung cấp

I - Diễn đàn Khu vực châu Á ARF và thông điệp của Mỹ

Sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ tại ARF đưa ra hai thông điệp. Thứ nhất là Mỹ coi trọng khu vực Đông Nam Á. Thứ hai, Mỹ coi ARF là một diễn đàn đa phương quan trọng về an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cả hai điều này đều được thể hiện trong bản Chiến lược An ninh Quốc gia mới công bố của Mỹ.

II - Về lập trường của Mỹ trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông

Đứng ngoài các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các bên thứ ba là lập trường nguyên tắc của Mỹ. Tuy nhiên, gần đây, trước sự gia tăng áp lực của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, lập trường của Chính phủ Mỹ đã có sự cụ thể hóa.

Cụ thể là Mỹ phân biệt hai loại tranh chấp ở Biển Đông : Tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp về vùng nước trên biển.

Nếu là tranh chấp lãnh thổ, liên quan đến đất đai, đảo, Mỹ đứng trung lập. Nhưng liên quan đến vùng nước, như quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố trong hai cuộc điều trần trước Thượng viện và Quốc hội hồi tháng 7 năm 2009 và tháng 2 năm 2010, Mỹ bác bỏ mọi yêu sách về các vùng nước trên biển mà không phát sinh từ đất liền hay hải đảo. Nói cách khác, Mỹ bác bỏ thẳng thừng yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Mỹ cũng tuyên bố không chấp nhận dùng vũ lực hay áp lực trong tranh chấp chủ quyền, tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Do đó, Mỹ đã phản đối Trung Quốc gây áp lực hay dọa nạt các công ty Mỹ làm ăn với Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Mặc dù Mỹ tuyên bố đứng ngoài các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nhưng Mỹ cũng tuyên bố quan ngại về tình hình căng thẳng trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng tuyên bố quan ngại về yêu sách quá đáng trên Biển Đông của Trung Quốc cũng như về những hoạt động gây nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông. Để đối phó với tình trạng đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có một chiến lược bao gồm các hướng chính là :

1- Khẳng định sự hiện diện quân sự của Mỹ trong vùng Biển Đông, khẳng định vị thế của Mỹ là lực lượng quân sự mạnh nhất trong vùng.

2- Tăng cường thực thi quyền đi lại tự do của hải quân Mỹ trong vùng.

3- Tăng cường quan hệ hợp tác quân sự với các nước đối tác trong khu vực ở mọi cấp độ. Các nước đối tác bao gồm hai đồng minh Philippines và Thái Lan, các đối tác khác như Indonesia, Singapore, Việt Nam và Malaysia.

4- Tham gia tích cực vào các diễn đàn an ninh đa phương ví dụ như ARF.

Thái độ trên đây của Mỹ có tác dộng là tái lập phần nào thế quân bình quyền lực ở Biển Đông. Việc Mỹ khẳng định bằng sự hiện diện quân sự của mình và bằng các tuyên bố khá mạnh mẽ không để cho nước nào bá chủ trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông có thể đã tạo một sự yên tâm nhất định ở các nước nhỏ Đông Nam Á. Tuy nhiên, nguy cơ xung đột liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn còn đó.

III - Việt Nam đón tiếp tàu chiến, đối thoại với Mỹ, nhưng giới lãnh đạo liên tục sang Trung Quốc

Ở một mặt nào đó, các động thái này thể hiện chính sách của Việt Nam muốn giữ thế quân bình trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Do đòi hỏi khách quan, Việt Nam phải dựa vào Mỹ để chống đỡ trước áp lực của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông. Mặt khác, Mỹ cũng muốn tăng cường quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng với Việt Nam. Do đó mà có các động thái giữa Việt Nam với Mỹ.

Nhưng thế của Việt Nam vẫn còn rất chơi vơi, sức thì yếu, cho nên có một tư tưởng khá mạnh trong cả giới lãnh đạo lẫn giới chuyên viên của Việt Nam là muốn yên thân thì phải vuốt ve Trung Quốc. Cũng có một tư tưởng nữa muốn dựa vào Trung Quốc để giữ chế độ XHCN. Do đó mà có các động thái giữa Việt Nam và Trung Quốc.

IV - Về khả năng Việt Nam để Mỹ sử dụng quân cảng

Thực ra thì cả Mỹ và Việt Nam đều chưa có một hình dung cụ thể về chuyện Việt Nam để cho Mỹ sử dụng quân cảng ở miền Trung, cụ thể là Cam Ranh. Lợi hại của việc này cho phía Việt Nam có thể như sau: Thứ nhất là sự hiện diện quân sự của Mỹ sẽ đem lại thế mạnh cho Việt Nam trong so sánh lực lượng với Trung Quốc ở Biển Đông. Nó sẽ có tác dụng răn đe nhất định đối với nguy cơ Việt Nam bị mất biển, mất đảo. Thứ hai là các dịch vụ cho Mỹ sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam.

Phía Việt Nam cũng có người muốn những lợi ích này, cho nên người ta muốn cho Mỹ tiếp cận mạnh hơn. Thế nhưng cũng có nhiều người nghĩ đến những lợi ích khác. Thứ nhất là họ lo ngại sự chống đối của Trung Quốc. Thứ hai là có người cũng lo ngại ảnh hưởng của Mỹ. Họ coi lợi ích của họ đối lập với lợi ích của Mỹ nên họ chống.

Về phía Mỹ thì cả về chiến lược và chiến thuật, họ đều có nhu cầu tiếp cận các quân cảng của Việt Nam. Nhưng một căn cứ quân sự thường xuyên của Mỹ ở Việt Nam chắc chắn sẽ không xẩy ra trong tương lai gần. Bởi vì việc này sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân lực lượng trong vùng.

Về phía Mỹ thì chưa có nhu cầu cấp bách. Việt Nam cũng vậy. Về lâu dài, tôi cho rằng chuyện đó có thể xẩy ra khi mà cán cân lực lượng trong vùng quá lệch về phía Trung Quốc. Và vì Mỹ có lợi ích chiến lược về tự do lưu thông trên Biển Đông, Việt Nam có lợi ích chiến lược về giữ đảo, giữ biển, cho nên lúc đó có thể Việt Nam sẽ mở cửa quân cảng mạnh hơn cho Mỹ. Tất nhiên, thời điểm lúc nào xẩy ra cũng còn phụ thuộc vào đánh giá riêng của Việt Nam và Mỹ về cán cân lực lượng trong vùng.

Do cán cân lực lượng trong vùng đang thay đổi một cách dần dần, từ từ, cho nên chuyện Việt Nam mở cửa cho tàu chiến Mỹ tiếp cận các cảng biển của mình cũng diễn ra dần dần, từ từ.

Do lợi ích chiến lược có điểm đồng, cho nên cả Mỹ và Việt Nam đều có nhu cầu cho tàu chiến Mỹ tiếp cận cảng biển ở Việt Nam. Nhưng tiếp cận như thế nào thì có rất nhiều kiểu. Hiện nay, vẫn có các cuộc viếng thăm giao lưu hàng năm của tàu hải quân Mỹ. Từ một năm nay thì có thêm một số tàu hải quân Mỹ được đưa vào sửa chữa ở Việt Nam.

Trong tương lai, có thể sẽ mở ra hướng hai bên ký một hiệp định để máy bay và tàu chiến Mỹ được hưởng dịch vụ tiếp liệu trên đất liền của Việt Nam cũng như tàu chiến Việt Nam có thể được tàu chiến Mỹ tiếp liệu trên Biển Đông.

V - Lãnh đạo Việt Nam trước sự chia rẽ của công luận về thân/chống Mỹ - Trung

Bản thân lãnh đạo Việt Nam cũng không thống nhất trong quan điểm đối với Mỹ và Trung Quốc. Tư tưởng của họ cũng phần nào phản ánh các luồng tư tưởng trong công chúng. Có người nghi ngờ Mỹ, có người tương đối tin Mỹ. Có người nghi ngờ Trung Quốc, có người tương đối tin Trung Quốc. Có người ưa Mỹ hơn, có người lại ưa Trung Quốc hơn, có người chẳng ưa ai hết.

Theo truyền thống và cũng như theo bản năng, lãnh đạo Việt Nam muốn thuyết phục công luận không nên tham gia vào việc lớn, việc chiến lược rất phức tạp, tế nhị, theo ngôn ngữ của họ là “nhạy cảm”, nhiều chuyện không nên và không thể bàn công khai, cho nên tốt nhất là hãy vững tin vào lãnh đạo, để cho lãnh đạo dễ bề chèo lái.

Tuy nhiên, công chúng vẫn cứ tham gia vào việc lớn và sức mạnh của công chúng hiện nay đã lớn đến mức lãnh đạo không thể cản trở quá đáng được nữa. Do đó, lãnh đạo cũng chịu sức ép ngày càng tăng của công luận. Để đối phó, lãnh đạo dùng cả hai phương thức: đàn áp và thuyết phục. Theo tôi, gần đây, việc đàn áp có phần dịu đi và việc thuyết phục có phần tăng lên. Tuy nhiên, hướng thuyết phục thì vẫn chưa rõ ràng lắm.

Nói chung, có vẻ như lãnh đạo Việt Nam muốn thuyết phục rằng Việt Nam cần giữ cân bằng trong quan hệ với các nước lớn. Cần cố gắng làm sao để giữ hòa hiếu với Trung Quốc và Mỹ, nhất là với Trung Quốc, đồng thời làm sao để giữ độc lập, tự chủ, không để cho nước lớn, nhất là Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ.

Lại cũng có xu hướng muốn thuyết phục rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai nước XHCN, cùng chung lý tưởng, cùng chống kẻ thù chung, cho nên những bất đồng như trong chuyện tranh chấp biển đảo chỉ là những tiểu tiết không nên để ảnh hưởng xấu đến đại cục, không nên để Mỹ và các “thế lực thù địch” lợi dụng chuyện tranh chấp với Trung Quốc, chuyện bảo vệ biển đảo, để kích động gây “diễn biến hòa bình”, lật đổ Đảng, thay đổi chế độ.

Tuy nhiên, công luận có chịu thuyết phục hay không thì chỉ phụ thuộc một phần vào lý lẽ, một phần lớn là phụ thuộc vào lợi ích. Theo tôi, muốn thực sự thuyết phục công chúng thì phải tiếp cận được nhu cầu của công chúng. Hiện nay, có một ngọn lửa đang [cháy] lên trong công chúng là tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc. Nó day dứt về chỗ đứng của Việt Nam trên thế giới. Nó lo lắng về biển đảo và ngư dân đang bị đe dọa, đất đai và tài nguyên đang bị bán rẻ, môi trường và sức khỏe đang bị xói mòn. Nó rất tự hào về đất nước nhưng cũng rất bức xúc về hiện trạng. Nếu căn cứ vào kinh nghiệm lịch sử, thì lực lượng chính trị nào sử dụng được ngọn lửa này lực lượng đó sẽ thành công.

Có người ở Việt Nam không muốn sử dụng ngọn lửa này, vì họ cho là nguy hiểm. Nhưng kinh nghiệm chính trị cũng khiến họ không muốn ai khác sử dụng được ngọn lửa này vì như thế còn nguy hiểm hơn cho họ. Do vậy, họ tìm cách vô hiệu hóa ngọn lửa này.

Nhưng cũng có người trong giới lãnh đạo Việt Nam muốn dùng ngọn lửa này. Chỉ có điều họ đang loay hoay chưa biết dùng thế nào. Vì thế, nhìn chung, sự thuyết phục công luận của lãnh đạo Việt Nam chưa được rõ ràng lắm.

ĐT

Nguồn: RFI

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn