Lãnh đạo không biết thương dân

Nguyễn Hưng Quốc

clip_image001

Hình: photos.com

Nhan đề bài viết này rõ ràng là được ăn cắp từ bài viết “Tôi không thấy lãnh đạo Hà Nội biết thương dân” đăng trên blog của Nguyễn Xuân Diện, một bài viết có nhiều chi tiết rất thú vị hiếm khi thấy trên báo chí chính thức và chính thống ở Việt Nam.

Chuyện liên quan đến dự án xây dựng năm cái cổng chào hoành tráng ở Hà Nội để mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sắp tới mà tôi đã có dịp đề cập đến trong bài viết “Tài lãnh đạo và tài tiêu tiền của chính quyền Việt Nam” đăng ngày 16 tháng 7 vừa qua.

Xin nhắc lại một số chi tiết quan trọng: Chuẩn bị cho ngày đại lễ vào tháng 9 sắp tới, chính quyền Việt Nam đã chi ra hàng chục ngàn tỷ đồng Việt Nam cho mấy chục dự án khác nhau. Không biết các dự án được tiến hành một cách thầm lặng thì thế nào nhưng hầu như tất cả các dự án lớn, giữa thanh thiên bạch nhật và liên quan đến nhiều người thì đều bị lên án một cách gay gắt.

Như dự án làm phim Lý Công Uẩn thoạt đầu được quảng cáo rầm rộ với những kế hoạch thi tuyển kịch bản phim rồi chọn lựa đạo diễn, cuối cùng, sau những cuộc giành giựt và chửi bới dữ tợn giữa những người có liên quan, bị xếp xó. Thế vào đó, người ta chi tiền để làm những bộ phim lịch sử nho nhỏ quay ở… Trung Quốc. Cảnh: Trung Quốc. Hóa trang: Trung Quốc. Có khi cả đạo diễn cũng là người Trung Quốc.

Rồi dự án trị giá 50 tỷ đồng để sơn lại mặt tiền các nhà ở ở các khu phố chính với một trong hai màu: vàng hoặc xanh bị phản đối kịch liệt, cuối cùng, bỏ.

Rồi dự án cũng trị giá 50 tỷ đồng lát lại đường đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm nữa. Gạch đang còn mới: lột bỏ. Thế vào đó là những viên đá xanh vuông vức, nặng nề, không thấm nước và rất đắt tiền được chở từ Thanh Hóa ra. Dân chúng lại phản đối. Và lại bỏ. Lại lột các viên đá xanh ấy lên. Và lát các viên gạch cũ trở lại.

Rồi đến dự án xây dựng 5 cái cổng chào trên các cửa ngõ chính dẫn vào Hà Nội cũng trị giá 50 tỷ. Dự án được đưa ra, mọi người, nhất là giới kiến trúc, lại phản đối kịch liệt. Lý do: xấu, thậm chí, phản cảm. Chính quyền chống chế: Không làm kiên cố, chỉ xây tạm thôi. Người ta vẫn phản đối: Không thể xây “tạm” một công trình kiến trúc dài cả bốn năm chục mét và cao cả trên mười mét được. Cũng phải có sắt thép. Cũng phải có xi măng. Nghĩa là cũng phải kiên cố và tốn kém. Chính quyền lại nhân nhượng: Thôi, chỉ xây bốn cái. Người ta vẫn phản đối: Đã xấu và phản cảm thì bốn hay năm cũng như nhau.

Đuối lý, chính quyền đành bỏ.

Nhưng sau khi cái dự án lãng nhách ấy bị dừng lại thì sao?

Qua bài “‘Hậu’ cổng chào ở Hà Nội: Cả chục ngàn mét vuông ruộng thành... sa mạc” của Nguyên Huân được đăng lại trên blog Nguyễn Xuân Diện nhắc ở đầu bài viết này, chúng ta được biết câu chuyện không dừng lại ở đó.

Ừ, thì dự án xây năm, rồi bốn, cái cổng chào bị bỏ. Các bản thiết kế phản cảm và nhảm nhí bị vất vào thùng rác. Thế nhưng...

Thế nhưng còn đất thu mua của dân chúng để xây mấy cái cổng vớ vẩn ấy thì sao?

Để xây dựng một cái cổng chào dài bốn năm chục mét, người ta cần một không gian rất rộng và rất thoáng. Không gian ấy là đất chứ không phải chỉ là trời. Đất ở đây chủ yếu là đất của dân, hoặc dân ở hoặc dân canh tác. Để có đất ấy, người ta phải thu mua. Thu và mua. Nghĩa là, thứ nhất, người dân không có quyền từ chối; và thứ hai, họ chỉ được trả với giá thật rẻ.

Thu mua ở đây, thực chất, là ăn cướp.

Chứ còn gì nữa?

Theo Nguyên Huân, ở tất cả các địa điểm giải tỏa mặt bằng để xây dựng cổng chào, chính quyền địa phương chỉ mất trung bình bốn ngày, có nơi chỉ mất một ngày, để hoàn tất việc thu mua ấy.

Bán đất, dù là đất canh tác, chứ đâu phải phải bán con gà con vịt đâu mà người ta có thể quyết định một cách dễ dàng chóng vánh đến như thế?

Mà tại sao chính quyền lại hối hả đến như thế?

Ở các dự án khác, người ta cứ lần khân dây dưa cù cưa kéo dài từ ngày này qua ngày nọ, từ tháng này qua tháng khác. Có dự án kéo dài cả mấy năm mà gần đến ngày đại lễ rồi, công trình cứ ngổn ngang, tưởng như không bao giờ có thể hoàn tất được. Tại sao việc thu mua đất thì người ta lại sốt sắng đến mức đáng kinh ngạc như vậy? Người ta làm mà cứ như bị ma rượt. Nhận được chỉ thị từ thành phố, người ta họp dân, bàn chuyện đền bù, rồi mang xe đến ủi hoặc mang cát đến đổ. Hối hả đến độ trong lúc Chính phủ còn đang bàn bạc, người ta đã bắt đầu thi công. Hối hả đến độ đổ nhầm cát xuống ruộng của người khác, không nằm trong khu vực giải tỏa. Tại sao lại thế?

Có phải việc lấy đất mới là chính? Còn những dự án này kia chỉ là tấm bình phong nhằm che đậy cái mục tiêu chính ấy?

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hà Nội, gọi đó là hình thức “tham nhũng mặt bằng”.

Trong bài “Tham nhũng: Nguyên nhân và giải pháp”, tôi có nêu kết quả một cuộc điều tra về tham nhũng tại Trung Quốc do Xiaogang Deng, Lening Zhang và Andrea Leverentz thực hiện: Hầu hết đều liên quan đến đất đai.

Ở Việt Nam cũng thế?

Vụ xây cổng chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long cũng chỉ là một hình thức tham nhũng như thế?

Cũng là một cái cớ để ăn cướp đất đai của dân chúng?

NHQ

************

Bài trích từ blog Nguyễn Xuân Diện ngày 11 tháng 8/2010:

TÔI KHÔNG THẤY LÃNH ĐẠO HÀ NỘI BIẾT THƯƠNG DÂN

"Hậu" cổng chào ở Hà Nội:
Cả chục ngàn mét vuông ruộng thành... sa mạc

Nguyên Huân

Ngày 15/7 UBND TP Hà Nội đã báo cáo lên Chính phủ xin phép cho dừng dự án xây dựng 5 cổng chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dù đã được “phanh” lại kịp thời song dự án “hoành tráng” đó vẫn để lại hậu quả nặng nề khi hàng nghìn mét vuông đất ruộng của nông dân đã bị san lấp, nay không thể khôi phục lại.

Giải phóng mặt bằng... siêu tốc

Trước khi có quyết định chuyển 50 tỷ đồng sang mục đích khác, ngày 23/6 UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các địa phương có dự án cổng chào tọa  lạc phải cấp tốc thu hồi 14.000 m2 mặt bằng một cách sớm nhất cho các đơn vị thi công. Theo đó, năm địa phương “khâm thử” quyết định trên gồm: Xã Thanh Xuân (Sóc Sơn), xã Dương Xá, Ninh Hiệp (Gia Lâm) và xã Đại Xuyên (Phú Xuyên). Riêng cổng chào nằm trên đường Láng – Hòa Lạc đã được giải phóng mặt bằng từ trước.

Ông Lê Huy Yên – cán bộ địa chính xã Dương Xá cho biết, nhận được quyết định của UBND TP Hà Nội xã lập tức tiến hành rà soát, kiểm kê và bàn giao mặt bằng ngay cho đơn vị thi công là TCty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC. Rất may là địa điểm đặt cổng chào trên QL5 thuộc Dương Xá không rơi vào đất nông nghiệp mà thuộc QL5 cũ và đất thùng đào thùng đấu nên hậu quả để lại rất nhỏ.

Tại địa điểm xây dựng cổng chào trên đường Bắc Thăng Long – Nội Bài, số đất đã thu hồi cho dự án là 389,6 m2. Khi tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hưởng – Phó Chủ tịch xã Thanh Xuân (Sóc Sơn) kể vanh vách quy trình GPMB nhanh nhất trong đời làm cán bộ của ông: “Nhận được quyết định của TP hôm 24/6. Ngày 26/7 xã tiến hành họp dân luôn, ngay hôm sau thực hiện kiểm đếm, ngày 28/6 lên phương án dự thảo hồ sơ, đến ngày 29/6 cơ bản hoàn thành giải ngân tiền đền bù cho dân và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công”.

Vận tốc triển khai công việc nhanh không kém xã Thanh Xuân, xã Đại Xuyên cũng chỉ mất có 4 ngày để hoàn tất mọi thủ tục bàn giao 3344,3 m2 đất nông nghiệp cho đơn vị thi công cổng chào trên đường Pháp Vân – Cầu Giẽ cho Tập đoàn Vincom vào ngày 4/7. Do bàn giao mặt bằng nhanh ngoài sức tưởng tượng nên địa phương còn được đơn vị thi công thưởng cho một khoản tiền khích lệ.

Nhanh như xã Thanh Xuân và xã Đại Xuyên cũng chưa ăn thua gì so với tiến độ GPMB chớp nhoáng ở xã Ninh Hiệp. Ông Lý Duy Khương – Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp tỏ vẻ bực bội khi đang phải giải quyết hậu dự án cổng chào. Theo lời ông Khương thì khi quyết định xây cổng chào đến tay, xã họp dân và bàn giao mặt bằng ngay cho Cty CP Him Lam 4.800 m2 đất để đơn vị này thi công. Không biết do áp lực từ đâu mà đơn vị thi công vội vàng tới mức đổ nhầm cả cát sang dự án đường vành đai 3 mất 17 m. Vậy là phải cuống cuồng vắt chân lên cổ họp các ban ngành để giải quyết. Phương án được đưa ra là lùi về phía Hà Nội thêm 40 m.

Mới chỉ thống nhất trên miệng vậy thôi mà ngay khi cuộc họp kết thúc Cty CP Him Lam đã cử người đi rà phá bom mìn và ngay tối hôm đó âm thầm cho ôtô trút cát tràn lan lên vị trí dự định khiến cả nghìn m2 đất nông nghiệp khác trở thành... sa mạc. Trớ trêu thay, lần này đơn vị thi công lại “tương” nhầm vào cả khu nghĩa địa cổ khiến rất nhiều ngôi mộ bị hư hỏng gây bất bình trong dân. Tai hại hơn nữa khi lớp cát đổ nền chưa kịp ráo mặt thì đơn vị lại nhận được quyết định của UBND TP Hà Nội yêu cầu ngừng thi công.

Chỉ khổ dân

Phải khẳng định rằng: Để có được tiến độ GPMB "siêu tốc" như vừa qua, chủ yếu do phía người dân đồng tình hợp tác. Bản thân họ sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng vì đại sự chung của Thủ đô. Nhưng giờ khi dự án không còn nữa, có vẻ người dân đang “trở đi mắc núi trở lại mắc sông”. Các cơ quan đơn vị chịu trách nhiệm im ỉm không có bất cứ lời giải thích nào về thiệt hại ruộng đất người dân đang phải hứng chịu. Đối với mấy chục hộ dân ở hai xã Thanh Xuân và Phú Xuyên, bản thân họ cũng không phàn nàn gì khi biết ruộng của họ bị thu hồi... hụt. Mặc dù trong thâm tâm họ vẫn tiếc đứt ruột khu ruộng màu mỡ của mình nhưng dù sao đã nhận được tiền đền bù.

Không được may mắn như người dân ở hai xã trên, hàng trăm hộ dân ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm đang như ngồi trên đống lửa khi biết dự án xây dựng cổng chào đã bị “trảm”. Bởi tiến độ thi công quá gấp gáp nên tất cả bà con ở xã Ninh Hiệp đều nhất trí ủng hộ mà chưa vội đòi tiền đền bù. Họ không ngờ dự án triển khai rầm rộ là vậy mà kết thúc còn chóng vánh không kém.

Từ khi thông tin dừng xây cổng chào đăng tải trên các báo đài, ông Nguyễn Viết Học ở thôn 3, xã Ninh Hiệp ngày nào cũng chắp tay phía sau đi ra thăm khu ruộng đang nằm sâu dưới lớp cát dày cả chục mét. Đáng lẽ ra gia đình ông Học và hàng trăm hộ dân khác không bị mất 3.600 m2 đất nếu đơn vị thi công không đổ nhầm sang đường vành đai 3. Chỉ vì sự tắc trách của họ mà hàng trăm hộ dân bị vạ lây mất tới 80% diện tích đất toàn bờ xôi ruộng mật. Mới tiếp nhận chức Trưởng thôn 3, nhưng mấy ngày này ông Nguyễn Bá Chung không dám đi đâu ra khỏi nhà do sợ bà con "chất vấn". Bản thân ông Chung cũng đang lo sốt vó không biết TP giải quyết việc đổ đất lên ruộng của thôn ông ra sao? Hoàn trả lại mặt bằng như cũ cho người dân hay vẫn tiến hành đền bù?

Theo lời ông Khương – Chủ tịch xã Ninh Hiệp thì cho đến thời điểm này chưa nhận được phương án giải quyết hậu cổng chào. Mỗi ngày ông Khương cũng phải tiếp vài người dân đến thắc mắc chuyện ruộng của họ đang nằm sâu trong cát. Ông Ngô Văn Thùy ở thôn 8, xã Ninh Hiệp bức xúc nói: “Khi tiến hành họp dân để thu hồi đất thì họ nói ngon, nói ngọt. Giờ dự án chết rồi thì họ lại lờ đi coi như chưa có chuyện gì xảy ra”. Theo quan sát của chúng tôi, tại địa phận xã Ninh Hiệp, Cty CP Him Lam đang tiến hành cho máy múc một khối lượng cát khổng lồ trên cánh đồng của người dân. Tuy nhiên, chắc chắn khu ruộng bị đổ cát đó rất khó để canh tác trở lại.

Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam.

Nguyễn Xuân Diện:

Cái hôm HN dừng xây cổng chào, tôi đã Hoan hô Lãnh đạo TP Hà Nội rồi. Nhưng tôi lại cũng đã có:

Lời đề nghị của công dân Nguyễn Xuân Diện:
- Đề nghị thành phố trả lại số tiền mà các doanh nghiệp đã ủng hộ xây cổng chào. Trường hợp có doanh nghiệp không nhận lại nữa, thì phải hỏi họ có yêu cầu gì không và công bố cho cán bộ và nhân dân biết số tiền ấy là bao nhiêu, của doanh nghiệp nào và sẽ dùng vào việc gì, để nhân dân giám sát.
- Với đất đã thu hồi (để làm cổng chào) thì phải hoàn trả lại cho nhân dân, trường hợp có xây cất rồi thì phải tiến hành trả lại nguyên xi như trước khi họ giao.

Xin trân trọng cảm ơn lãnh đạo thành phố!

Nay thì đã thế này đây! Tôi thấy lãnh đạo Thành phố Hà Nội không biết thương dân!

*************

Nguồn: VOA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn