“Sóng ngầm” trên núi Tam Đảo

Nguyên Huân 

clip_image002

Cả một cánh rừng đã bị lột sạch để khai thác quặng

Dưới những tán rừng nguyên sinh thâm u, dãy núi Tam Đảo tưởng chừng như yên bình có thể nghe được tiếng lá rơi. Vậy mà ở độ cao trên 1.200 mét so với mực nước biển, suốt 3 năm qua đã diễn ra cuộc chiến âm thầm nhưng đầy khốc liệt giữa kiểm lâm với các đối tượng muốn "ăn tươi nuốt sống" những vỉa đá quặng óng ánh giữa lòng VQG.

Cuộc chiến lấp, đào

Với mục đích phát triển, bảo vệ khu sinh thái lớn nhất vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ, ngày 6/3/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 136/TTg phê duyệt “Dự án khả thi đầu tư xây dựng Vườn quốc gia Tam Đảo”. Ngày 15/5/1996 Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã có quyết định thành lập VQG Tam Đảo trực thuộc Bộ. Hiện nay, VQG Tam Đảo có diện tích 34.995 ha, nằm trọn trong dãy núi Tam Đảo và trên địa bàn của 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Có lẽ trải dài trên địa bàn mấy tỉnh mà công tác bảo vệ "lá phổi" Tam Đảo càng trở nên phức tạp.

Khi hay tin lá phổi Tam Đảo bị đào bới lên để lấy quặng, tôi phi xe lên tận nơi xem sao. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ đi sâu vào vườn, tôi được chứng kiến cả cánh rừng rộng mấy ngàn mét vuông bị các đối tượng lột sạch thảm thực vật để đào quặng. Thay vào đó là màu vàng xám xịt của đất cát cùng lổn nhổn đá tảng vỡ tung toé do bị trúng mìn. Dây kích nổ vương vãi khắp nơi, có cả một đôi dép chắc do đối tượng đào quặng nào đó “bỏ của chạy lấy người”. Cả mấy chục giếng quặng đã được kiểm lâm lấp kín miệng. Một số giếng đã khai thác trở thành những hàm ếch vô cùng nguy hiểm có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào. Số khác thì đang bị lấp dở phía dưới la liệt cây que, đất đá.

Anh Nguyễn Đắc Khải – cán bộ kiểm lâm VQG Tam Đảo chua xót nói: “Trước đây, chỗ tôi và anh đang đứng là khu rừng trù phú, vậy mà chỉ một thời gian ngắn đã tan hoang như hiện nay”. Anh Khải cho biết, địa điểm bị khai thác quặng nằm ở độ cao 1.200 mét có tên gọi là Rừng Ma Ao Dứa, khoảnh 6, tiểu khu 392A VQG Tam Đảo thuộc địa phận xã Ký Phú (Đại Từ - Thái Nguyên). Do nằm bên địa phận tỉnh Thái Nguyên mà đội ngũ “quặng tặc” bên đó khá đông nên hàng ngày, cứ rình khi  không có bóng kiểm lâm là các đối tượng lập tức chui rúc vào những cánh rừng già lén lút khai thác quặng. Do quặng trên núi Tam Đảo phân bố rất nông chỉ đào vài ba mét là đã lộ vỉa, vì thế kiểm lâm bẵng đi một thời gian ngắn là chúng đã kịp vác vài chục kg quặng ra khỏi rừng.

Đi bộ một ngày vào nơi khai thác quặng, không đem theo bất cứ thứ gì mà tôi đã muốn rụng rời chân tay. Không biết giá bán 1kg quặng bao nhiêu mà các “quặng tặc” bất chấp đường xa hiểm trở, bất chấp nguy hiểm rình rập vẫn lao vào rừng đào quặng? Qua tìm hiểu người dân sống dưới chân núi Tam Đảo, tôi giật mình khi biết giá bán quặng lên tới 30.000 đồng/kg, chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Như vậy, mỗi ngày chỉ cần móc được vài chục kg quặng là bọn chúng đã có tiền triệu đút túi. Không chỉ làm ăn nhỏ lẻ mà một số đối tượng còn thuê cả đội quân cửu vạn vài chục người chuyên đi vác quặng thuê với tiền công lên tới nửa triệu đồng/ngày.

clip_image004

Các đối tượng vác quặng luồn lách trong rừng và khe suối nên rất khó để bắt quả tang, xử lý

Có lẽ chưa ở nơi nào mà “quặng tặc” lại tinh ranh như ở Tam Đảo. Bọn chúng liên tục thay đổi thời gian hoạt động nên rất khó nắm bắt quy luật. Có một dạo sau khi phát hiện mánh khóe của các đối tượng vi phạm, đơn vị kiểm lâm liên tục tuần tra từ sáng cho đến chiều tối khiến chúng không có khoảng trống nào ra tay.

Thế nhưng, khi đi kiểm tra vẫn thấy các giếng đào mới. Sau một thời gian theo dõi, mới hay những con “ma xó” ấy đã lợi dụng ban đêm để ra tay. BQL VQG Tam Đảo thay đổi chiến thuật, quyết định tuần tra cả đêm. Nhằm vô hiệu hóa lực lượng chức năng, "quặng tặc" thuê hẳn một đội quân hùng hậu được trả lương cao phục kích làm nhiều chặng, bố trí ở nhiều hướng khác nhau, trang bị điện thoại di động để cấp báo cho nhau. Tinh vi hơn, chúng còn tạo ra các lối đi giả khiến lực lượng chức năng nhiều lần đi lạc hướng vào ban đêm.

Việc tung hỏa mù gây rối kiểm lâm của “quặng tặc” đã có hiệu quả. Kiểm lâm chỉ bắt được vài bao quặng hay thi thoảng mới chộp được một vài người đàn bà chân yếu tay mềm cùng vài cậu thanh niên choai choai. Còn những đối tượng có sừng có mỏ luôn rút lui rất an toàn. Kiểm lâm cứ lấp xong các giếng đi về chưa khuất bóng thì bọn chúng lại lên bới móc trở lại khiến cuộc chiến lấp và đào diễn ra âm thầm, dai dẳng suốt một thời gian dài.

Có một điều tôi thấy lạ là tại sao giữa những bãi quặng nơi rừng thiêng nước độc này lại có rất nhiều vỏ bao cao su bị rách. Phải chăng ở độ cao 1.200 mét so với mực nước biển trên dãy Tam Đảo cũng có gái mại dâm hoạt động? Thắc mắc của tôi được một kiểm lâm giải thích ngay: do ở trong các hang có nước nên các đối tượng đào quặng đã cho mìn vào trong bao cao su để nổ phá đá tránh mìn không bị ướt. Lại một phát minh “vĩ đại” của đội quân ma mãnh này.

Nguồn: Nongnghiep

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn