Nhà văn Đào Thái Tôn trả lời VietNamNet

Đào Thái Tôn

clip_image001

Nhà phê bình Đào Thái Tôn

Hôm thứ Tư, ngày 07/07/2010, Nhóm PV VietNamNet có bài Hai câu hỏi gấp, nhiều tiền trước thềm Đại hội Nhà văn trong đó có ba việc liên quan đến tôi: 1. “Vụ kiện bản quyền tác giả giữa nhà văn Đào Thái Tôn và ông Nguyễn Quảng Tuân (NQT); 2. Vụ nhà văn Đào Thái Tôn kiện nhà văn Mai Quốc Liên (MQL) về Trung tâm Quốc học. 3. “Vụ một nhà văn “tung chưởng” với một nhà văn trên xe ô tô sau khi kết thúc Hội nghị lý luận phê bình ở Đồ Sơn”. Vậy, tôi xin tường trình đôi lời ngắn gọn. Nhưng hiện nay trên VietNamNet không còn tồn tại bài viết đó nữa, tôi nhờ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đưa lên trang mạng của anh để mọi người cùng đọc. Xin cám ơn.

MỘT. “Vụ kiện bản quyền tác giả”. Cuốn Văn bản Truyện Kiều – Nghiên cứu và thảo luận của tôi (Nxb. Hội Nhà văn in năm 2001), tại sao mãi đến 1/2006 ông Tuân mới kiện? Thực ra đây là vụ do Mai Quốc Liên (MQL) dựng lên nhằm xóa nhòa vụ đạo văn bản dịch THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU, do cụ Giải nguyên Lê Thước và GS Trương Chính in năm 1965 tại Nxb. Văn học, để ký tên MQL (xin xem Văn nghệ TRẺ ngày 20/11/2005). Sau khi viết bài thanh minh, Mai Quốc Liên dùng tiền để mong tôi không phanh phui tiếp vụ này, nhưng không được, MQL làm các động tác:

a/ Gửi thư tới Phòng A25 Bộ Nội vụ. Chiều ngày 15/2/06, A25 về làm việc với Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Theo ông Viện trưởng cho biết, MQL “kiện A25 rằng tôi vu cáo ông”.

Ngày 16/02/06, tôi đã gửi thư đến BCH Hội NV báo cáo việc này.

Ngày 17/02/06, tôi đã viết thư gửi A25 kèm theo nhiều tài liệu để A25 nghiên cứu và yêu cầu A25 triệu tập tôi lên để tôi trình bày, tiện thể báo cáo về thực chất cái gọi là TTNCQH và sự tham ô của nó. Trong thư có câu: ông Liên “Đã gửi lên A 25, thì chắc có thể đã dựng cho tôi một vụ án chính trị nào đó chăng? Nếu đúng là có vấn đề chính trị, ông Liên khép án tôi vấn đề gì?” “Tôi biết rất rõ nhân thân ông Mai Quốc Liên từ năm 1965 đến nay. Mọi người ở Viện Văn học, Viện Hán Nôm (trong giai đoạn 1965 đến 1975) cũng không ai lạ gì ông ấy cả”. Nhưng không thấy A 25 triệu tập. Không hiểu dựa vào thế lực nào mà ông rất hung bạo, luôn tỏ ra có thế lực ngầm. Chắc chắn rằng ông ta không khờ dại gì mà kiện tôi về tội “vu cáo”, mà không đệ đơn ra Tòa án dân sự, lại gửi cho cơ quan Công an A25”.

b/ Trong cuộc họp Ban LLPBTW, ông Liên tán phát cho rất nhiều người và các Tòa báo Đơn khởi kiện của NQT và thông báo thụ ký vụ án của Tòa án Ba Đình để bôi nhọ tôi. Sau đó, anh ta đạo diễn cho CHHV xin rút việc kiện tôi về tội vu khống, chỉ kiện về bản quyền.

c/ Tháng 4/2006, MQL viết thư gửi Ban Thanh tra HNV, rất hùng hồn: “Đây là vấn đề thanh tra, vấn đề “Tòa án”, vấn đề “Công lý”,… nên đề nghị các đ/c hết sức nghiêm túc, để bảo vệ kỷ cương của Hội. Nếu Đào Thái Tôn đã vu khống, và kết luận là vu khống, mà lại là vu khống lăng nhục người khác như Luật Hình sự nêu tội danh, hơn nữa, vu khống bằng một văn phong du đãng thì chúng tôi đề nghị phải có kỷ luật (đây là hình thức thấp nhất, trước khi phải xử ở Tòa). Cao nhất là khai trừ, thấp hơn là cảnh cáo, thông báo cho toàn Hội, chứ không nên cho qua”.

d/ Ngày 8/4/06, MQL gửi thư gửi cho BCH HNV, có đoạn viết: “Đào Thái Tôn đã lĩnh 3.500.000 của Trung tâm để tổ chức dịch Cao Bá Quát, nhưng anh ta tiêu cả, không làm gì, chỉ lấy từ đó 300.000 trả cho ông Nguyễn Tiến Đoàn ở Thái Bình” (…) “Trung tâm chúng tôi đã gởi chứng từ này đến Ban Thanh tra để làm rõ việc Đào Thái Tôn đã lĩnh tiền ở Trung tâm, mà không làm, biển thủ công quỹ. Chúng tôi đang nghiên cứu cách thu hồi”.

Vậy sự thực là thế nào? Năm 2002, khi tôi vào Sài Gòn tham gia Hội đồng chấm Luận án TS, trong đó có Mai Quôc Liên, anh nhờ tôi tham gia dịch thơ Cao Bá Quát. Tôi từ chối. Hứa khi nào anh ra Hà Nội, tôi sẽ dẫn anh đến các vị túc nho (cụ Nguyễn Văn Bách, Nguyễn Văn Lãng ở Hà Nội;  Nguyễn Tiến Đoàn ở Thái Bình) dịch giúp. Từ đó, tôi trở thành “trạm trung chuyển”, nhận hàng Kg tài liệu chữ Hán, ký nhận số tiền nhuận bút của cụ Đoàn do MQL gửi ra, rồi lại cất công chuyển phát nhanh tài liệu và gửi Thư chuyển tiền nhuận bút về Thái Bình cho cụ Đoàn.

Thấy chữ ký tôi nhận ba lần là 3.500.000 đồng còn đó, MQL tưởng bở, viết cho Ban Kiểm tra Hội Nhà văn, gửi khắp các báo và đăng trên báo Người Hà Nội rằng,  anh đã gởi các chứng từ có chữ ký của tôi tới Ban Thanh tra HNV “để làm rõ việc Đào Thái Tôn đã lĩnh tiền ở Trung tâm, mà không làm, biển thủ công quỹ”.  Nhưng MQL không ngờ tôi còn lưu được những chứng từ của Bưu điện xác nhận tôi chuyển tiền cho cụ Đoàn mấy lần, vào ngày tháng nào, nên đã viết bài trả lời, gửi báo Người Hà Nội (kèm theo ảnh chụp các chứng từ của Bưu điện). Nhưng TBT Người Hà Nội là Vũ Xuân Hoát đã bẩm báo nội dung bài viết của tôi cho MQL. MQL vội bay từ Sài Gòn ra gặp Bằng Việt, Vũ Xuân Hoát để chặn bài báo đó.

e/ Ngày 21-11-2006, MQL đăng bài trên Talawas, trong đó có câu: “Sự vu khống của Đào Thái Tôn đáng bị xét xử theo các điều 122-121 Luật hình sự về tội vu khống, tội làm nhục người khác” và “chương I, điều 3 Luật Hình sự” . Về những điều này, sớm muộn Đào Thái Tôn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, Vụ án mà ông Nguyễn Quảng Tuân khởi kiện ở Toà án Hà Nội chỉ mới là vụ án đầu tiên. Do họ có rất nhiều tiền nên đã bỏ ra 50 triệu thuê Cù Huy Hà Vũ thay mặt NQT đứng ra kiện. Bà Thẩm phán Tòa Hà Nội lại dựng thêm chứng cứ, nên phiên sơ thẩm 25- 26-12-2006, bà tuyên án tôi thua kiện. Tôi phải kháng cáo lên tòa Phúc thẩm. Thế là Cù Huy Hà Vũ lại nhận 25 triệu nữa của ông Tuân để theo vụ phúc thẩm.

g/ Sau khi Tòa Phúc thẩm tại Hà Nội (ngày 14/6/2007) phán quyết tôi thắng kiện, tờ Hồn Việt của MQL (thực chất là báo tư nhân) ra số đầu tiên, liền đăng bài của MQL và NQT phản đối phán quyết của phiên Tòa phúc thẩm, tuyên bố sẽ đưa lên Tòa Giám đốc thẩm, nhằm rửa mặt để giữ sĩ diện trước dư luận; bởi vì muốn được giám đốc thẩm thì đơn chỉ được gửi đến hai nơi là Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, với hai điều kiện:

- Phải chứng minh được Hội đồng xét xử Phúc thẩm vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử án.

- Phải đưa ra được chứng cứ mới. Nhưng cả hai điều kiện này đều không có thì làm sao MQL và NQT xin Giám đốc thẩm được!

HAI. “Vụ nhà văn Đào Thái Tôn kiện nhà văn Mai Quốc Liên về Trung tâm Quốc học

Thực ra không phải tôi kiện MQL về Trung tâm Quốc học mà là tố cáo với Hội Nhà văn rằng, cái gọi là TTNCQH của MQL là “TT ma”, lập ra để xoay tiền Nhà nước hàng chục tỉ đồng. TT chỉ ăn cắp bản dịch những tác phẩm lớn của các học giả tiền bối bằng cách lấy danh nghĩa “dịch lại” để xóa tên các cụ, ký tên Mai Quốc Liên. Những công trình lớn đó là:

a/ Bản dịch NGỤC TRUNG NHẬT KÝ, do nhà thơ Nam Trân dịch năm 1960.

b/Bản dịch THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU do cụ Giải nguyên Lê Thước và GS Trương Chính in năm 1965.

c/ NGUYỄN TRÃI TOÀN TẬP của các cụ Trần Văn Giáp, Đào Duy Anh, Văn Tân (tái bản 1967).

Để viết bài Quyền dịch phẩm Thơ chữ Hán Nguyễn Du trên Văn nghệ TRẺ ngày 20/11/2005, khi thấy tôi dùng hai chữ “thống kê”, trên Văn nghệ TRẺ ngày 27/12/2005, MQL bèn bịa ra câu nói quái gở, nói rằng đó là “câu nói nổi tiếng của Lênin” hòng dọa nạt. MQL viết: “ông Đào Thái Tôn hay nói đến các bản “thống kê”, “bản thống kê chi tiết”, “toàn bộ các bản thống kê’ (…) để ông tỏ ra việc ông làm là khoa học. Có lẽ nên nhắc ông Tôn câu nói nổi tiếng của Lê-nin: “Trong tất cả sự dối trá ở trên đời, sự dối trá lớn nhất nằm ở thống kê“.

Vậy thực hư thế nào? Trong tác phẩm Thống kê học và xã hội học, sau khi chỉ ra “việc gian lận nấp dưới chiêu bài những câu nói suông” của những kẻ “thích dùng những lời lẽ mỹ miều”, những kẻ “không chịu đựng nổi những sự thực chính xác”, những kẻ “thích buôn lậu chính trị”…, Lênin tuyên bố: “Xuất phát từ những lý do đó, chúng tôi quyết định bắt đầu bằng những số liệu thống kê (Lênin toàn tập. Tập 30, bản tiếng Việt, Nxb. Tiến bộ, M. 1981, trang 435).

Thế đấy. Chỉ riêng việc bịa ra câu nói quái gở để gán cho Lênin hòng gỡ tội ăn cắp bản dịch, MQL đã không đủ tư cách mang danh nghĩa UV ban LLPBTƯ nữa. Tôi trân trọng đề nghị ông TRƯỞNG BAN xem xét việc này. Vì vấn đề không còn là chữ nghĩa mà là vấn đề xúc phạm lãnh tụ giai cấp vô sản, vấn đề tư cách của người viết.

Để làm rõ việc moi tiền xoay tiền Nhà nước hàng chục tỉ đồng của MQL, trước hết tôi xin nêu một thắc mắc:

- Ngày 01-6-2002 TTNCQH mới được Hội Nhà văn tiếp nhận. Vậy tại sao trước đó 1 năm 4 tháng ngày 20/2/2001, MQL đã xoay xở thế nào đó để Sở Công an TP HCM cho khắc con dấu của TTQH, xung quanh chạy hàng chữ Hội Nhà văn Việt Nam? Với con dấu này ngày /02/2001, MQL đã có 2 văn bản xin tiền:

1. Công văn số 06/QH, gửi ông Nguyễn Đức Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đề nghị xem xét và duyệt y hai Dự án: “Nghiên cứu về Cao Bá Quát” Khảo sát giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam trong đời sống hiện nay.

2. Cùng ngày, lại có Tờ trình cũng gửi tới ông Nguyễn Đức Bình, nhưng bớt đi Dự án nghiên cứu Cao Bá Quát, chỉ còn Dự án thứ hai với cái tên viết dài ra: “Khảo sát, luận chứng, kiến nghị về thực trạng, vai trò của giá trị tinh thần truyền thống VN trong đời sống hiện nay và sắp tới”. Vậy phải chăng cùng ngày 01-6-2001 Công văn số 06/QH gửi ông Nguyễn Đức Bình cốt để ra uy với các cơ quan khác, còn ông Nguyễn Đức Bình chỉ nhận được Tờ trình mang tên rất dài dặc, hấp dẫn, “có ý nghĩa trong việc thực hiện Nghị quyết 5 của Trung ương Đảng về văn hóa-văn nghệ” trên đây mà thôi?

Thế là MQL xin được 3.550.000.000 đồng  (3 tỉ 550 triệu đồng). Đến năm 2006, đã tiêu sạch, nhưng không thấy tăm hơi bất kỳ cuốn sách nào mang tên Dự án trong Tờ trình.

Đọc Biên bản đánh giá công tác tài chính 2002-2005, lập ngày 28-2-2006 do một bên là Phó Trưởng ban thường trực Ban Tài chính Hội Nhà văn, một bên là Mai Quốc Liên ký, thì thấy biên bản ghi như sau: “Nhà nước cấp: 3.550.000.000 đồng  (3 tỉ 550 triệu đồng). Sau hơn ba năm hoạt động, thu về được 328.601.810 đồng (ba trăm hai tám triệu 601 ngàn 810 đồng (tiền bán sách). Vậy Nhà nước thua lỗ 3.221.398.190 đồng (3 tỉ 221 triệu 398 ngàn 190 đồng). Số tiền này dùng làm việc gì?

Ngoài việc in  27 đầu sách, Mai Quốc Liên khai: đã làm được 12 bộ phim truyền hình thời lượng 30 phút, và 7 cuộc Hội thảo: 1. Bản sắc văn hóa trong văn hóa văn nghệ (400 người dự); 2. Chế Lan Viên giữa chúng ta (150 người dự); 3. Tìm hiểu nguyên tác Truyện Kiều (100 người dự); 4. Cao Bá Quát (150 người dự); 5. Hội thảo nhân dịp GS Nguyễn Tài Cẩn thọ 80 tuổi (100 người dự); 6. Giao lưu văn hóa Việt Hàn (100 người dự); 7. Tiếng Huế-Người Huế-Văn hóa Huế (200 người dự).

Buổi sáng ngày 19/4/2006 tôi hỏi BKT: ông MQL đã khai cụ thể việc tiêu số tiền 3.550.000.000 chưa? Nhưng năn nỉ mãi BKT chỉ  đọc cho ghi chép hai thí dụ, là:

+  Cuốn Nôm Tày và Truyện thơ  do Triều Ân chủ biên. Ông MQL khai:

“Chi cho nghiên cứu và quản lý phí: 82.000.000 đồng (tám mươi hai triệu); 524 trang, in 500 cuốn, giá bán 65.000 đồng/ cuốn, Nộp lưu chiểu và biếu: 105 cuốn; giá bìa 65.000 đồng;  Bán được 394 cuốn; Thu về: 12.597.000 đồng; Tồn: 1 cuốn – 65.000 đồng”.

Chắc chắn là đã khai vống. Bởi vì, mấy năm trước, khi cụ Triều Ân mang bản thảo sạch sẽ đến nhờ Viện  Nghiên cứu Hán Nôm in, thì HĐ khoa học của Viện (trong đó có tôi), vì sợ trùng với đề tài lớn của Viện Văn hóa nên không nhận đứng ra in. Thế thì có sẵn bản thảo của cụ Triều Ân, MQL chỉ việc bỏ ra vài triệu mua giấy phép in mà bây giờ khai chi cho nghiên cứu và quản lý phí 82.000.000 thì chi cho ai?”. Nếu nhà văn Triều Ân có mặt tại Đại hội, xin ông cho ĐH biết: ngoài nhuận bút 10% giá bìa X số lượng in, TTQH đã “chi cho nghiên cứu” của ông bao nhiêu triệu trong 82 triệu ấy?

+ Cuốn Tiếng Huế, người Huế, văn hoá Huế (nhiều tác giả), MQL khai:

“Chi cho nghiên cứu và quản lý phí: 96.800.000 đồng (chín sáu triệu tám trăm ngàn). Sách dày 345 trang; in 600 bản; giá 49.000 đồng/cuốn; Biếu và nộp lưu chiểu: 126 cuốn; Bán được 440 cuốn; thu về: 9.740.000 đồng; Tồn: 90 cuốn”.

Vô lý. Cuốn sách này là kỷ yếu gồm 48 bài (kể cả phát biểu của quan chức Tỉnh, lẫn các tham luận trong cuộc Hội thảo ở Huế). Mỗi tham luận được trả 200.000đ (hai trăm ngàn) nhuận bút, khi in sách thì mỗi người được tặng 1 cuốn. MQL chỉ bỏ ra chừng vài triệu mua giấy phép in Kỷ yếu này để bán. Thế mà lại khai chi cho nghiên cứu và quản lý phí: 96.800.000 đồng (chín sáu triệu tám trăm ngàn đồng), thì chi tiền “nghiên cứu” cho những ai? Tôi hỏi các bạn ở Huế thì được biết, ngoài 200.000 đồng nhuận bút tham luận do Tỉnh trả, khi sách ra, ai có bài chỉ được biểu 1 cuốn chứ không được MQL trả thêm một cắc nào cho họ (trong số 96.800.000 mà ông khai là “chi cho nghiên cứu” cả.

Cũng  theo BKT cho bíết, năm 2006, Trung tâm Quốc học lại xin được 1.600.000.000  (hoặc một tỉ tám) nữa.  Đành rằng so với PMU 18 thì số tiền này không lớn, nhưng trong lĩnh vực văn hóa mà chi cho một tổ chức tư nhân như thế thì không một Viện Nghiên cứu nào được Bộ Tài chính ưu ái đến như vậy. Chỉ khi nào cơ quan điều tra vào cuộc, mới mong lần ra manh mối các đường dây của nó.

Dường như khai thế nào cũng vẫn không thể hết được được việc tiêu hơn 3 tỉ, nên trong Phần II, Biên bản viết: “Phần lớn kinh phí của trung tâm giành cho công tác nghiên cứu: sưu tầm, tìm kiếm tư liệu, dịch thuật, in ấn”. “Phần lớn” là bao nhiêu? Mỗi bộ phim truyền hình, mỗi cuộc Hội thảo, từng đầu việc của “công tác nghiên cứu: sưu tầm, tìm kiếm tư liệu, dịch thuật, in ấn…” chi hết bao nhiêu? Tuyệt nhiên không thấy Biên bản ghi. Vả chăng 27 đầu sách MQL đưa in, hầu hết là in từ bản thảo có sẵn. Vậy lấy đâu ra “công tác nghiên cứu, sưu tầm, tìm kiếm tư liệu” để tiêu “phần lớn” số tiền kếch xù ấy?

Điều kỳ lạ là trên bìa 4 mỗi cuốn sách, MQL cho in trang trọng danh sách HỘI ĐỒNG KHOA HỌC gồm 26 người phần lớn  là tên tuổi các quan chức văn nghệ và những nhà khoa học (trong đó có 8 Việt kiều (4 vị ở Paris, 1 ở Canada, 3 ở Hoa Kỳ) [1]. Xin hỏi trên đất nước ta có tờ báo, tạp chí khoa học nào phải trương lên một HỘI ĐỒNG KHOA HỌC “khỉ mượn oai cọp như thế không?

Thực ra, các vị có tên trong HỘI ĐỒNG KHOA HỌC chẳng ai chịu trách nhiệm gì cả. Có vị ốm liệt giường từ sáu bảy năm, vẫn được trương tên tuổi. Có vị không hề nhận bất kỳ công việc nào, không hề nhận một đồng phụ cấp nào (như tôi đã hỏi GS Trần Đình Sử) mà tên tuổi vẫn được trưng đều đều trên bìa sách.

Vấn đề nhức nhối này này đã được GS Vũ Đức Phúc nhìn thấu gan ruột. Ông đã viết bài  VỀ CÁI GỌI LÀ TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUỐC HỌC, gửi báo Văn nghệ ngày 16- 8- 2006, đồng kính gửi Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, Ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ban tư tưởng văn hóa TW, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ nên hầu khắp giới nghiên cứu và giảng dạy bậc đại học trong nước đã được đọc và rất hoan nghênh.

Không rõ bằng con đường nào, MQL có bài viết của GS VĐP. Ông ta bèn sai Bùi Bình Thi sang thuyết phục cụ rút đơn, nhưng không được. Lại viết thư trực tiếp gửi cụ Vũ Đức Phúc, nhưng không dám sang nhà, phải nhờ con trai cụ là nhà Nhiếp ảnh Vũ Đức Tân chuyển với lời lẽ có phần đe dọa, hỗn xược.

Ấy thế mà đầu năm 2006, theo Biên bản Hội đồng Khoa học thẩm định Dự án nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Quốc học 2006-2010, Mai Quốc Liên lại mời nhà văn hóa Hữu Ngọc và GS Vũ Khiêu đến họp trước đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính để xin Nhà nước cấp 10 tỉ nữa. Không hiểu Dự án 10 tỉ này có ý nghĩa trong việc thực hiện Nghị quyết mấy của Trung ương Đảng về văn hóa-văn nghệ; tên Dự án là gì mà Nhà nước cấp kinh phí dữ dội vậy? Chúng tôi hỏi mấy người dự họp hôm đó, có vị bảo, nào có biết gì về “Dự án” đâu. Đến nghe là chính. “Át chủ bài” ca ngợi Dự án để xin 10 tỉ hôm đó, chính là GS Vũ Khiêu, thứ đến mới là Nhà văn hóa Hữu Ngọc. Phải mời bằng được hai cụ, mời nói dăm câu để … Bộ Tài chính tin! Thế tên Dự án là gì, chúng tôi hỏi. Trả lời: “nào có biết. Chỉ biết khi MQL trình bày, thấy dăm người cầm tài liệu đọc. Hình như tôi cũng có cầm. Nhưng họp xong, Mai Quốc Liên cho người thu tài liệu ngay, không ai được mang về. Rồi ra khách sạn ăn tiệc. Về, giở phong bì ra, thấy có năm trăm ngàn đồng. Các cụ chắc khá hơn”.

Điều nực cười nữa là, trong năm cuộc Hội thảo MQL khai tại bản giải trình, có cuộc “Hội thảo mừng thọ GS Nguyễn Tài Cẩn, 100 người dự”. Mừng thọ là mừng thọ. Hội thảo là Hội thảo. Sao lại nhập nhèm thế? Thực ra thì, cuối năm 2005, các học trò ở miền Nam mua vé máy bay và lo mọi chi phí mời thầy, cô từ Nga về nước mừng thọ. Khi thầy về đến Hà Nội, ngày 6/12/2005 Khoa Ngôn ngữ Đại học Tổng hợp “nhanh tay” mừng thọ trước rồi mới để thầy vào Nam cho giới ngôn ngữ Đại học ở Sài Gòn, Đà Lạt tổ chức mừng. Cũng đông lắm. Cho nên, khi MQL nài nỉ thầy đến “để Trung tâm mừng thọ”, thầy ngại quá, nhưng nằn nèo mãi, nể lời cũng phải chống ba toong đi, nói dăm ba câu chuyện xã giao rồi về ngay khách sạn do các học trò đặt phòng (miễn phí). Thế thì còn đâu ra học trò mà MQL dám khai “100 người dự”? Không hiểu MQL có khai tiền thuê khách sạn cho thầy không? Chỉ biết sau vụ này, anh em ở Sài Gòn than: Nó bán thầy rồi!

Thực ra, vấn đề tham nhũng mà vừa qua Mai Quốc Liên phải thanh minh trên Talawas chỉ dần dần hé lộ sau vụ đạo văn, ví như từ chỗ công an bắt được bọn đánh bạc ở vườn Bách Thảo Hà Nội, đã hé lộ đường dây tham nhũng hàng ngàn tỉ đồng tại chuyên án  PMU 18. Tuy nhiên, với tư cách một công dân có trách nhiệm phát hiện tội phạm, chúng tôi mới dừng lại ở mức đặt vấn đề khi thấy dấu hiệu tham nhũng qua một số chứng cứ trình bày trên đây.

BA. “Vụ “tung chưởng” trên xe ô tô sau khi kết thúc Hội nghị lý luận phê bình ở Đồ Sơn.

Vụ này nhà Văn Trần Nhương đã viết ngay hôm sau trên Bloc của ông. Sau đó, ông lại viết tường tận hơn trên SÔNG HƯƠNG số 11/ 2006. Ở đây, tôi chỉ  xin “cóp” lại bài PV của Văn Chinh, trên Talawas ngày 21.11.2006: Dấu chấm buồn cho Hội nghị Lý luận phê bình ở Đồ Sơn, như sau:

’Thưa ông Đào Thái Tôn, Hà Nội mấy hôm nay đi đâu cũng nghe bàn tán về cuộc đánh nhau theo nghĩa đen giữa ông và nhà văn Bùi Bình Thi trên đường từ Hội nghị Lý luận phê bình ở Đồ Sơn về?

- “Đánh nhau thì không phải. Ông thấy đấy, từ thuở thanh niên đến tráng niên, có mấy khi cái thân tôi được 49 cân thịt (đã “trừ bì”), nên tôi có dám đánh nhau với ai đâu.

Đúng thế. Mà Bùi Bình Thi cao lớn, nặng có đến 1 tạ, sao có thể bị một người 50 cân hạ nốc ao?

- Chả tạ thì cũng ngót. Nhưng vấn đề không phải là ở thịt.

“Như vậy có vẻ như chuyện đồn là có thật?

“Tôi rất tiếc về chuyện này. Nhưng cũng mừng. Tiếc vì nếu ai không hiểu nguồn cơn thì thấy nó lố bịch quá. Ngay người trong giới cầm bút với nhau cũng sẽ cười chê. Ai lại “đánh nhau” như thế! Tiếc thật. Nhưng thế tất phải xảy ra như thế.

Dẫu sao thì chuyện xẩy ra cũng đã xẩy ra. Chi bằng ông hãy tường thuật lại sự việc. Xin bắt đầu bằng việc tại sao ông lại nói không phải là đánh nhau?

“Là vì không có sự đánh nhau theo cái nghĩa là tôi có sự chuẩn bị cho việc đáng xấu hổ đó mà do ông Thi khiêu khích vô cớ, dồn tôi đến việc vì danh dự mà phải ra đòn, tức là “phê bình bằng vũ lực”. Duyên do là, vào hồi 2 giờ chiều 5/10, các đại biểu dự Hội nghị Đồ Sơn ra xe về Hà Nội. Ban tổ chức bảo: ai đi xe nào thì về xe ấy để dễ điểm quân số. Lượt đi, tôi ngồi hàng đầu, ghế phụ của xe 16 chỗ, lần đầu tiên biết mặt và ngồi cạnh nhà văn Trần Thị Trường. Thì về, ngồi đúng vị trí ấy. Tôi đứng chờ mọi người điền vào hết các ghế phụ phía sau để đỡ phải nhấp nhổm đứng lên ngồi xuống lấy lối đi. Mọi người đang lục tục lên xe, bỗng có tiếng thét rất to: “Xê ra, xê ra”! Tôi nhận ra giọng ông Bùi Bình Thi, nên chẳng quay ra, chỉ thủng thẳng: Nhà văn ăn nói cho nhẹ nhàng. “Cho nhờ một tí” chẳng hạn. Chẳng dè Bùi Bình Thi xông ngay lên, chẳng nói chẳng rằng, “chơi” tôi luôn một cú, ngã ngay.

Thưa ông, Bùi Bình Thi có thể nói ông ta chỉ ẩy nhẹ, nhưng vì ông thấp bé nhẹ cân quá, nên ngã?

“Bây giờ ông Thi muốn nói sao mặc ông ấy. Nhưng thanh minh là tự thú. Sao không dưng lại “ẩy” người ta; người ta vừa loạng choạng đứng lên lại tiếp tục “ẩy” ngã? Hành xử kiểu gì vậy? Vậy thì nói thế này nhé: ông Thi dùng nắm đấm mà… “ẩy” vậy! Khi tôi nhẫn nhịn đứng lên, ông Thi chơi cú thứ ba. Tôi chỉ loạng choạng. “Tái tam ba bận”. Máu dồn lên. Nóng mặt rồi. Giọt nước đã tràn ly. Tôi quay hướng về mọi người trên xe, nghiêm chỉnh: Thưa các anh các chị. Vừa rồi các anh các chị đã thấy Bùi Bình Thi cư xử với tôi thế nào. Bây giờ tôi xin phép dạy cho “nó” một bài học. Nói dứt lời, tôi thoắt quay lại, mang hết sức bình sinh thoi vào giữa mặt anh ta một cú để rửa nhục trước mọi người. Dĩ nhiên được hưởng một cú trời giáng hết sức bất ngờ như thế thì đến voi cũng đổ. Ông Thi vừa loạng quạng đứng dậy, tôi thoi tiếp một quả nữa. Lại đổ. Đến đoạn vật sấp ông xuống thì mọi người mới định thần, vội kéo hai người “đánh nhau” ra mỗi ngả…

Trong các bữa ăn tại Hội nghị có uống loại bia Hà Nội đóng chai không?

“Có, như lệ thường. Nhưng có lẽ ông định khai thác cái chi tiết tiểu thuyết là trong cái cuộc ấy, cái túi của ông Thi lòi ra 5 chai bia Hà Nội chứ gì? Thú thật, tôi không hề biết. Đang nóng mắt, để tâm sao được chi tiết ấy…

Thật ê chề và não ruột cho giới nhà văn chúng ta. Hẳn trong Hội nghị hai ông có lời qua tiếng lại?

“Tịnh không. Ông Hữu Thỉnh hỏi tôi có đăng ký phát biểu không, tôi trả lời rằng chỉ khi nào ông Mai Quốc Liên phát biểu, thanh minh hay rêu rao rằng tôi đang phải hầu tòa (do ông ấy đạo diễn nên vụ án này để làm mờ chuyện đạo văn) thì tôi mới lên tiếng. Chứ ông Thi thì có quan hệ gì với tôi đâu.

Hay hai ông có hiềm khích từ trước?

“Cũng không. Tôi và Bùi Bình Thi chỉ biết nhau chứ đã bao giờ là bạn bè đâu. Nhưng có người bảo tôi rằng MQL vừa cho Bùi Bình Thi tái hồi cái “chức” Phó giám đốc TTNCQH muốn dùng cái ông to đùng to đoàng này để “trị” tôi. Tôi hơi lạ. Tôi “đánh nhau” với ông Liên là “đánh nhau” bằng con chữ để chỉ ra cái mẹo đạo văn, chứ có phải vật nhau đâu mà phải dùng người to con. Nhưng không ngờ ông Thi lại hăng hái thực hiện hợp đồng, tâng công vượt mức thô bạo đến thế.

Vừa nãy, ông nói chuyện này vừa đáng tiếc, vừa đáng mừng là lý cố làm sao?

“Là chuyện đạo văn của ông MQL tôi nêu trên Văn nghệ Trẻ từ ngày 20/11/2005 ấy mà. Người ta cứ cố bưng bít chuyện này để vun vén cho ông cái Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Nhưng vài chục năm qua, ông Liên chỉ làm đầu nậu sách chứ có nghiên cứu được công trình gì đâu mà bảo trao Giải thưởng? Như ông đã biết, tôi đã nêu 7 vấn đề (kèm 20 chứng cứ) kiến nghị Hội đồng xét giải thưởng loại ông Mai Quốc Liên khỏi Giải. Vấn đề tham nhũng trong đó là rõ. Từ khi chui vào cái ô của Hội Nhà văn (1/6/2002) đến hết năm 2005, ông ấy chỉ mua giấy phép in được 27 đầu sách (Có giá bán. Có lãi rồi), thế mà lại rút được 3.550.000.000 (hơn ba tỉ rưỡi) của nhà nước, bảo là chi cho “sự nghiệp khoa học công nghệ” thì ai tin? Nếu tính đến nay, thì có thể nói là năm, bảy tỉ chứ không dừng lại ở hơn ba tỉ rưỡi đâu. Tôi đố ông Liên giải ngân được món tiền này. Ban Kiểm tra Hội Nhà văn thì bảo với tôi rằng ông ấy giải trình đầy đủ cả rồi. Nhưng tôi xin bản giải ngân việc tiêu hơn ba tỉ rưỡi ấy, thì nhất định không cho. Thế là thế nào?

Thưa ông, vấn đề đạo văn thì ít nhiều đã có dư luận của bạn đọc, xung quanh cuộc tranh luận của ông và ông Mai Quốc Liên về tác quyền bản dịch cuốn Thơ chữ Hán Nguyễn Du; chứ còn vụ tham nhũng, thì chúng tôi rất bất ngờ. Ông có sẵn sàng chịu trách nhiệm trước các cơ quan hữu trách không, vì rằng vấn đề đã trở thành nghiêm trọng?

“Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm về việc phát giác sự tham nhũng và về bài trả lời phỏng vấn này, vì tôi có tài liệu khá chính xác. Tiền có đồng, cá có con. Hợp thức việc tiêu bạc tỉ thì dễ. Nhưng hợp pháp thì… gay đấy. Tôi mong cơ quan điều tra vào cuộc.

Xin cảm ơn ông.

_________

[1] “1. Huy Cận; 2. Tố Hữu; 3. Trần Bạch Đằng; 4. Hữu Ngọc;  5 Giản Chi;  6. Vũ Khiêu; 7. Đinh Gia Khánh; 8. Nguyễn Tài Cẩn; 9. Hà Văn Tấn; 10. Hà Minh Đức; 11. Lý Việt Dũng;  12. TrầnThanh Đạm;  13. Cao Xuân Hạo;  14. Nguyễn  Quảng  Tuân; 15. Hữu Thỉnh; 16. Anh Đức; 17. Trần Đình Sử;  18. Nguyễn Đắc Xuân; 19. Kiều Thu Hoạch;  20. Viễn Phương; 21. Vĩnh Sính; 22. Trần Văn Dĩnh  (washington D. C);  23. Ngô Vĩnh Long (ĐH Maine, Hoa Kỳ); 24. Trần Văn Khê  (Paris); 25. Thu Trang (Paris); 26. Mai Quốc Liên”.

Nguồn: http://nguyentrongtao.org/4215.xml. Đường link này do nhà văn Đào Thái Tôn gửi đến cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn