Nước lớn hãy làm gương!

Nguyễn Hoàng

clip_image002

Máy bay chiến đấu cất cánh từ tàu USS George Washington. Vào ngày 8.8 tàu này đã ghé thăm Việt Nam. Ảnh: Reuters

SGTT.VN - “Kinh tế Trung Quốc lớn nhưng không mạnh, giới ưu tuyển Trung Quốc thiếu trách nhiệm xã hội, thiếu đạo đức và ý thức pháp luật”, Dương Nhuệ, người phát ngôn chương trình nổi tiếng ở đài CCTV9 phê phán.

Hàng chục bài viết trong những ngày qua trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc chủ yếu cảnh báo, đe dọa và khuyến cáo các nước ASEAN: không được quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, nhắc nhở các nước cẩn thận, đừng để Mỹ “dính” vào là bất lợi. Trung Quốc cho rằng nên xử lý ở cấp độ song phương, gói gọn vấn đề trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN, ngăn sự tham gia của Mỹ.

Không thể lộng giả thành chân!

Trong khi đó trên thực địa, vào lúc 10 giờ sáng ngày 13.8, tàu tiếp tế hậu cần tổng hợp JingBoHu đã chính thức rời cảng ZhanJiang lên đường xuống quần đảo Trường Sa của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ. Đây là lần thứ 46 tàu này được hạm đội Nam Hải giao nhiệm vụ tác nghiệp ở Trường Sa; đi theo nó có hơn 50 sĩ quan và nhân viên phục vụ.

Các cuộc tập trận bắn đạn thật tuần trước của quân giải phóng Trung Quốc trong khu vực Biển Đông đã vi phạm cam kết ký với các nước láng giềng cách đây tám năm. Trung Quốc đang dùng DOC để gạt vấn đề tranh chấp trên Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của khu vực, đồng thời tăng cường các tuyên bố về chủ quyền với hầu hết vùng biển khu vực này.

Căng thẳng leo thang trong ba năm qua khi Bắc Kinh đe dọa một số công ty dầu lửa quốc tế hoạt động trong khu vực Biển Đông, Hải quân Trung Quốc quấy rối tàu Mỹ và một số nước khác, đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá và bắt giữ hàng trăm ngư dân Việt Nam. Cùng lúc đó, hoạt động của nhóm công tác hỗn hợp ASEAN – Trung Quốc được thành lập với mục đích tìm kiếm biện pháp xây dựng lòng tin nhằm mục tiêu xây dựng bộ quy tắc ứng xử, đã bị đình trệ do phía Trung Quốc bày tỏ sự thiếu nhiệt thành.

Tinh thần thượng tôn pháp luật

Các nước ASEAN, các nước trong và ngoài khu vực Đông Nam Á hiểu rất rõ giới hạn tranh chấp cũng như khả năng hợp tác Trung – Mỹ trong các vấn đề toàn cầu và khu vực. Các nước, trước hết là Trung Quốc biết rằng, nếu làm cho Biển Đông nổi sóng sẽ chẳng ai được hưởng lợi. Nguồn gốc các xung đột Trung – Mỹ sâu xa hơn nhiều so với các tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền trên Biển Đông.

Nói thế không có ý hạ thấp ý nghĩa và tầm quan trọng của các nỗ lực của các nước trong khu vực khi tìm mọi cách tự chế, cố gắng bằng con đường ngoại giao, từ phòng ngừa, xây dựng lòng tin đến đề xuất các biện pháp cụ thể như DOC hay sau này sẽ tiến lên COC, nhằm giải quyết các tranh chấp ngày một quyết liệt và phức tạp trên Biển Đông.

Các nội dung chủ yếu Mỹ công bố trước 27 quốc gia thành viên ARF bao gồm: coi cuộc tranh chấp hiện nay về chủ quyền của các nước trên Biển Đông có liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ, tuyên bố việc tranh chấp này có thể giải quyết bằng thương lượng hòa bình (song phương và đa phương), đồng thời yêu cầu phải đảm bảo lưu thông hàng hải, cả dân sự và quân sự trên vùng biển quốc tế tại khu vực Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ còn khẳng định, bất kỳ tranh chấp nào về Biển Đông cũng không được ngăn cản quyền tự do hàng hải của các quốc gia trên vùng biển quốc tế. Mỹ không chấp nhận bất cứ bên tranh chấp nào được độc chiếm lợi ích ở Biển Đông và kiên quyết phản đối các bên sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Thật ra, trước đây Chính phủ Mỹ cũng đã nhiều lần bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông. Nhưng đây là lần đầu tiên, tại một diễn đàn bàn về các vấn đề an ninh quan trọng nhất trong vùng, thông qua Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Mỹ trình bày một cách có hệ thống, dựa trên cơ sở khoa học của luật pháp quốc tế hiện hành, khuyến khích tìm giải pháp có tính đến lợi ích của các bên liên quan.

Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS) không chỉ dành riêng cho khu vực Biển Đông mà được áp dụng đối với mọi khu vực và quốc gia khác trên thế giới. Các nước từng tuân thủ và hưởng lợi từ luật pháp quốc tế này. 28 năm qua, tất cả các tranh chấp quốc tế về biển đều dựa trên UNCLOS để xử lý, không cớ gì Biển Đông lại là ngoại lệ.

Các nước lớn hãy nêu gương về tinh thần thượng tôn pháp luật, nhất là luật quốc tế là một hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật, được các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế thoả thuận tạo dựng trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa quốc gia.

Xếp Biển Đông vào vấn đề mang “lợi ích cốt lõi” của mình, Trung Quốc đã va chạm mạnh với các nước khu vực và các cường quốc khác. Điều này đi ngược lại tuyên ngôn “trỗi dậy hoà bình” mà chính Trung Quốc đã ra sức quảng bá nhiều năm qua. Nó cũng trái với các tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc, trái với năm nguyên tắc chung sống hòa bình, với Hiến chương Liên hiệp quốc, với DOC.

Chính cách tiếp cận tiêu cực này đang làm tổn hại hình ảnh của một Trung Hoa vĩ đại. Dương Nhuệ nói thêm sau khi phê phán sự thiếu trách nhiệm xã hội, thiếu đạo đức và ý thức pháp luật của giới ưu tuyển: “Cả tầng lớp trên và dân chúng bên dưới trong đất nước này đều thiếu sự diễm lệ và tư thế mà đáng ra họ phải có với tư cách các công dân của một quốc gia vĩ đại”.

N. H.

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn