Thí tốt Phạm Thanh Bình, bỏ tù thằng cơ chế

Đào Tuấn

clip_image001

Ông Bình đối mặt với án tù nặng nhất là 20 năm

Nếu sắp xếp thứ tự vụ việc bắt nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn kinh tế Vinashin sẽ cho thấy dường như đã có sự chỉ đạo nhất quán. Ngày 2-8, Bộ Chính trị có kết luận 78/KL-TW phải sớm đánh giá toàn diện hiệu quả của các Tập đoàn, Tổng công ty để chấn chính, sắp xếp lại các đơn vị thua lỗ. Trong các bản tin được in, phát trên các phương tiện truyền thông, không có một chữ nói về Vinashin nhưng đương nhiên đối tượng cần được chấn chỉnh đầu tiên chắc chắc phải là "con khủng long về tiêu vốn" và "khổng lồ về thua lỗ" này. Một ngày sau đó, phiên họp của Chính phủ dường như đã chỉ bàn tới việc xử lý Vinashin, bao gồm cả xử lý sai phạm và xử lý sắp xếp. Trong thông báo khẩn gửi đến các cơ quan truyền thông sáng 4-8, Văn phòng Chính phủ yêu cầu ngoài phóng viên theo dõi, phải có đại diện của Ban Biên tập vì cuộc họp báo lúc 17 giờ chiều thường kỳ hàng tháng hôm 4-8 sẽ có sự xuất hiện của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng và chủ đề chính là các biện pháp chấn chỉnh Vinashin. "Chính phủ khẳng định quyết tâm xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm ở Vinashin để lấy lại niềm tin trong nhân dân" - Phó Thủ tướng nói trong cuộc họp báo. Quả nhiên, chỉ ít phút sau khi số lỗ 86.000 tỷ của Vinashin được công bố, "đồng chí" Phạm Thanh Bình bị bắt giữ. Việc bắt giữ ông Bình đã được đồn đoán từ ngày 2-8, gần gần giống vụ cựu Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải, bởi nếu không có một con tốt cho khoản lỗ 86.000 tỷ kia thì quả thực người ta đã sỉ nhục 87 triệu dân đóng thuế một cách quá đáng.

Nhìn lại 4 năm Vinashin từ một Tổng công ty làng nhàng bỗng một đêm trở thành đại gia thì có thể thấy nhiệm vụ chính của ông Bình là tiêu tiền và phải tiêu thế nào cho "phải đạo". Ai cũng ngại không muốn nói đến, nhưng chính cái quyết định phê duyệt quy hoạch ngành đóng tàu theo lối đốt cháy giai đoạn mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mới là cái nguyên cơ để Tập đoàn con cưng này kinh doanh theo hình thức đi vay, và để tiêu, tất nhiên. Bốn năm, Vinashin đã thực hiện tới 108 dự án, một con số thể hiện khả năng tiêu tiền của họ, hơn là một minh chứng cho sự hùng mạnh của họ. Còn nhớ là chỉ một năm sau khi Tập đoàn kinh tế Vinashin được thành lập, đã có quá nhiều cảnh báo về cái kiểu kinh doanh thục mạng "thấy đỏ là đâm". Nhưng khi đó, các ngân hàng vẫn tiếp tục được chỉ đạo cho Vinashin vay tiền. Cho đến khi khả năng tài chính của họ "có vấn đề", không thể vay được tiền trong nước thì Vinashin vay nước ngoài (tổng nợ nước ngoài mới được công bố là 600 triệu USD). Và khi nước ngoài cũng không cho vay thì Chính phủ đứng ra vay cho họ qua hình thức phát hành trái phiếu. 500 triệu USD hiện vẫn đang đẻ lãi hàng ngày mà con nợ là Chính phủ, chứ không phải Vinashin. Có bậc cha mẹ nào lại cứ bơm tiền cho thằng nghiện để nó tăng liều không nhỉ?

Tiền dồn quá nhiều, trong khi Vinashin không thể không tiêu. Cho nên, có thế nói không quá rằng, thực ra Chủ tịch Vinashin vừa bị bắt hôm qua, chỉ là nạn nhân của tiền (đã có kiến nghị rất mỉa mai rằng nếu với tư duy quản lý kiểu "cái gì khó, cái gì không quản được thì cấm" như hiện nay, có lẽ là phải cấm in tiêu tiền!).

Cuộc họp báo công khai hôm qua cho thấy Chính phủ đã nhận ra nhiều vấn đề từ Vinashin. Chẳng hạn "Khuyết điểm của Vinashin là đầu tư đa ngành, đa nghề". Hay, "có nguyên nhân chủ quan từ chỉ đạo điều hành của chúng ta, của bộ máy quản lý ở bộ ngành", hoặc là lỗi của tham mưu "cũng là tham mưu nhưng tham mưu cho các tập đoàn khác thì được mà tham mưu cho Vinashin lại chưa ổn"... Có điều, đây là những vấn đề đã được đặt ra từ năm 2007 và cũng được liên tục cảnh báo trong suốt những năm Chính phủ ca ngợi mô hình Vinashin.

Trong cuộc họp báo, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu một ví dụ về sự "bất tuân thượng lệnh": "Chẳng hạn như việc Vinashin đi mua tàu, trong khi chỉ được phép đóng tàu. Hơn thế nữa, báo cáo Thủ tướng hôm trước thì hôm sau đã đi mua luôn. Thanh tra phải mấy tháng sau mới vào. Khi đó tàu đã đi mua rồi". Nhưng sự giỡn mặt chỉ có thể xảy ra khi Chính phủ quản lý nhân sự theo kiểu "Cả nhiệm kỳ không kỷ luật một ai", vì lý do "Kỷ luật thì lấy đâu ra người để làm". Và cái sự "hạ tắc loạn" chỉ có thể xảy ra được đáp lại bằng lối chép miệng cười xòa, chặc lưỡi coi như sự đã rồi?

Có một điểm không thể không đặt câu hỏi: Liệu sau Nguyễn Thanh Bình, còn có quan chức nào sẽ tiếp tục bị "kiên quyết xử lý"? Bởi rõ ràng sự vi phạm, một cách quá trớn và trắng trợn của người này phải là sự thiếu trách nhiệm của người khác.

Rất may là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đã khẳng định: Tôi nhấn mạnh một lần nữa việc kiểm soát trước còn nhiều yếu kém. Yếu kém này là do cơ chế.

Cơ chế là thằng nào? Ai đẻ ra nó? Và nó đã dụ dỗ đồng chí Phạm Thanh Bình vào con đường nghiện ngập thế nào? Chịu!

Thôi cũng đành hy sinh thằng nghiện, dù là nghiện tiền, cho dân tình hả dạ. Chứ còn thằng cơ chế? Tài thánh thì cũng không bỏ tù được cơ chế.

Tái bút: Khi được đặc xá, dứt khoát phạm nhân sẽ phải viết vào đơn rằng: "Tôi đã nhận rõ tội lỗi". Nhưng hồi được đặc xá, cựu Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải đã không chịu viết những dòng chữ này. Bởi ngẫm ra: Lỗi tại thằng cơ chế chứ đâu phải tại ông. Thông tin này rất đáng để cựu Chủ tịch Vinashin tham khảo.

ĐT

Nguồn: Tuanddk Blog

Phụ lục:

Bắt giữ cựu lãnh đạo Vinashin

BBC

Bộ Công an Việt Nam đã bắt giam và khởi tố ông Phạm Thanh Bình, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin).

Lý do được các trang tin Việt Nam đăng tải đồng loạt là ông Bình, 57 tuổi, bị cho là đã có "những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, khiến Tập đoàn [Vinashin] có nguy cơ phá sản".

VnExpress nói ông Bình bị khởi tố vì "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng".

Báo này trích Điều 165 của Bộ Luật hình sự về tội này theo đó người gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù tới 20 năm.

Hôm 13/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có quyết định đình chỉ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Bình.

Trang web của chính phủ Việt Nam cũng đưa tin này và trong một diễn biến bất thường, Văn phòng Chính phủ có thông báo dài năm trang về Vinashin cùng ngày 4/8.

Cũng trong ngày Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã họp báo cùng một số quan chức cao cấp của các bộ để thông báo về "chủ trương" của Việt Nam đối với Vinashin.

Trang chinhphu.vn nói Vinashin sẽ được "cơ cấu toàn diện để làm nòng cốt của ngành đóng tàu biển".

Ông Nguyễn Sinh Hùng nói: "Đối với Vinashin tình hình vẫn trong tầm kiểm soát và trong khả năng giải quyết của chúng ta".

Trang web của Chính phủ Việt Nam cũng nói Hà Nội "kiên quyết không cấp vốn cho Tập đoàn để trả nợ" mà Vinashin sẽ phải bán, chuyển nhượng cổ phần của các dự án, các công ty con bên cạnh các phương án khác để thanh toán nợ nần.

Đánh phủ đầu?

Hôm 28/7 hãng tin AFP trích lời nhà Việt Nam học Carl Thayer từ Úc nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã "tấn công phủ đầu" bằng cách ra lệnh tái cơ cấu Vinashin sau khi ủng hộ việc thành lập các đại công ty theo mô hình Hàn Quốc.

Ông Dũng đã đặt mình vào thế đằng nào cũng thắng.

Giáo sư Việt Nam học Carl Thayer

"Ông Dũng đã đặt mình vào thế đằng nào cũng thắng," ông Thayer được trích lời nói.

Trong khi đó VnExpress nói Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trả lời họ tại họp báo rằng "Chính phủ sẽ xử lý nghiêm, đúng pháp luật với những lãnh đạo Vinashin có hành vi vi phạm pháp luật".

Cho tới nay mới chỉ có ông Bình là người bị xử lý trong vụ thua lỗ hàng tỷ đôla của Vinashin.

Lý do chính thức được đưa ra cho khoản lỗ khổng lồ này là khủng hoảng kinh tế thế giới kéo theo đình đốn trong ngành đóng tàu và năng lực quản trị yếu kém cũng như những báo cáo sai thực tế của Vinashin.

Thông báo của Văn phòng Chính phủ nói tính tới tháng 6/2010 Vinashin nợ 86.000 tỷ đồng trong khi vốn chỉ có khoảng 104.000 tỷ đồng, hàng ngàn công nhân đã mất việc do tình hình kinh doanh trì trệ của tập đoàn.

Những nguy cơ tiềm ẩn trong cách kinh doanh của Vinashin đã được cảnh báo từ năm 2006 và người ta cũng đặt câu hỏi về chuyện công ty này không được kiểm toán trong mấy năm gần đây.

'Ưu ái'

Nhiều chuyên gia kinh tế nói sự 'ưu ái' mà Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng dành cho Vinashin đã dẫn tới những khó khăn hiện nay của Tập đoàn.

clip_image002

Ông Lê Đăng Doanh nói Việt Nam chưa áp dụng kinh nghiệm giao chức kèm theo giao chỉ tiêu của Trung Quốc

Trước đó, Kinh tế gia Lê Dăng Doanh được AFP trích lời nói:

"Vinashin triển khai đầu tư tràn lan tới hàng trăm dự án. Có tới hàng trăm công ty con từ trại nuôi lợn Vinashin đến cửa hàng ô tô Vinashin trên đường Lê Duẩn (Hà Nội), hay resort ở gần Tam Đảo đều mang nhãn hiệu Vinashin".

"Mua tàu của Italy không qua giám định kỹ thuật, tàu về không thích hợp, càng làm ăn càng thua lỗ".

Ông Doanh nói Trung Quốc cũng có những mô hình doanh nghiệp như Việt Nam nhưng chưa có vụ thua lỗ trầm trọng nào như Vinashin.

Ông giải thích các giám đốc doanh nghiệp ở Trung Quốc khi nhận nhiệm vụ đều nhận kèm theo các "tiêu chí định lượng khắt khe" như tỷ suất lợi nhuận hàng năm, tỷ lệ tăng năng suất lao động, tỷ lệ đổi mới khoa học - công nghệ, tỷ lệ tăng lương cho công nhân...".

Tuy nhiên ông nói những điều này hiện chưa được áp dụng tại Việt Nam.

Nguồn: BBC

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn