Dân kiện quan và trách nhiệm của mỗi chữ ký

Đinh Thế Hưng (Viện Nghiên cứu lập pháp)

clip_image001Dân kiện quan không phải là điều gì mới mẻ ở nước ta, nhưng dân thắng kiện quan lại là việc hi hữu mà phần nhiều do chính những rào cản từ hệ thống pháp luật.

Chuyện dân kiện quan

Mới đây, Doanh nghiệp Tam Đảo kiện Bộ trưởng Bộ Công thương vì ông Bộ trưởng ký Thông tư số 12/2007/TTLT-BTC-BTM-BCA gây thiệt hại cho họ. Soi vào Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính Tòa án đã trả lại đơn vì không thuộc thẩm quyền của tòa.

Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã quy định 22 loại việc thuộc thẩm quyền của tòa án. Điều đó có nghĩa rằng loại việc thứ 23 trở đi thì dân không được kiện quan ra tòa.

Chắc hẳn ông Giám đốc Doanh nghiệp Tam Đảo và các Luật sư của ông (nếu có) không thể không biết điều này. Kiện chắc chắn sẽ bị trả lại đơn, nhưng họ vẫn cứ kiện.

Dưới góc độ kiện tụng thì việc không được tòa thụ lý bị coi là sự thua kiện. Nhưng cho dù như thế, thì doanh nghiệp Tam Đảo cũng đã làm được một việc có ý nghĩa: thể hiện sự phản ứng của xã hội đối với những bất cập của hệ thống pháp luật của việc xây dựng pháp luật.

Việc này đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo đối người có thẩm quyền đặt bút ký một văn bản quy phạm pháp luật nào đó.

Cao hơn thế nữa, nó phản ánh thực tế khi có tranh chấp người dân không tìm được nơi, được người để phân xử đúng sai. Nói cách khác, công lý chưa hiện diện một cách đầy đủ trong cuộc sống này.

Những khung, ống làm biến dạng pháp luật

"Luật khung, luật ống" là khiếm khuyết của pháp luật nước ta đã được nói đến nhiều. Người được hưởng lợi nhất từ thực tế này đó chính là các cơ quan thực thi pháp luật. Họ hoàn toàn có thể lấy ý chí chủ quan lấp đầy những "cái khung", "cái ống" đó bằng hệ thống các văn bản dưới luật như thông tư hướng dẫn chẳng hạn.

Để đi vào cuộc sống, pháp luật phải trải qua hành trình quanh co và gian nan. Luật phải có nghị định, nghị định phải có thông tư hướng dẫn thi hành, dưới thông tư còn có vô số những công văn, chỉ thị của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước.

Vì thế, tình trạng pháp luật sẽ bị biến dạng thông qua lăng kính chủ quan của người giải thích và áp dụng nó là điều dễ xảy ra. Bởi lẽ, khi đã trao quyền hướng dẫn luật cho cơ quan hành pháp thì hậu quả logic là ai cũng muốn giải thích pháp luật theo hướng có lợi cho mình.

Giành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn về phía dân dường như đã thành quán tính trong tư duy làm luật của các cơ quan công quyền. Tình trạng bất lực, không quản lý được thì cấm, trong thời gian qua là biểu hiện rõ nhất của tình trạng này.

Trở lại trường hợp Thông tư liên tịch 12/2007/TTLT-BTC-BTM-BCA, là đối tượng bị Công ty Tam Đảo kiện. Thông tư này không nằm ngoài quy luật về sự "tam sao thất bản của văn bản luật" dưới lăng kính chủ quan của các cơ quan chức năng.

Lý lẽ mà Doanh nghiệp Tam Đảo cho rằng Thông tư 12 trái pháp luật cụ thể trái luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở chỗ: Không thể lấy Thông tư hướng dẫn những Nghị định đã bị hủy bỏ để hướng dẫn cho luật đã được sửa đổi. Tức là khi luật đã sửa đổi, các Nghị định hướng dẫn nó đã bị bãi bỏ thì đương nhiên thứ "luật con" ăn theo nó kiểu như Thông tư 12 cũng "automatic" mà hết hiệu lực. Đáng lẽ ra, các cơ quan chức năng cần ban hành thông tư mới cho dù nội dung có không mới đi chăng nữa để hướng dẫn luật mới. Chỉ cần một chữ ký thôi nhưng nếu người có thẩm quyền biết tôn trọng pháp chế thì sự việc sẽ không rắc rối như thế này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chỉ ra sự lạm quyền của các Bộ khi hướng dẫn pháp luật vượt quá khuôn khổ của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tòa án không thể xử một thông tư của một Bộ. Thông tư trái pháp luật chỉ có thể bị chính cơ quan ban hành tự hủy bỏ hoặc Thủ tướng hủy bỏ.

Khi người ta làm luật chỉ vì thuận lợi cho mình, chỉ sợ cơ quan cấp trên và chỉ có cơ quan cấp trên chứ không phải tòa án mới có quyền hủy bỏ thì không thể nói cách làm luật đó đã vì dân. Sự không vì dân ấy nằm ở chỗ luật có sai thì cũng chẳng ai phải gánh trách nhiệm.

Khi tòa án bó tay vì cái gọi là thẩm quyền thì Doanh nghiệp Tam Đảo bây giờ và nhiều người khác chỉ còn cách trông chờ vào chính sự tự sửa sai của không chỉ một mà 3 cơ quan ban hành Thông tư 12 nói trên hoặc hy vọng Thủ tướng bãi bỏ nó. Về mặt pháp luật, điều này hoàn toàn có cơ sở, còn về tiền lệ thì không thể chắc điều gì.

Ngay cả khi điều đó có xảy ra đi chăng nữa thì hậu quả pháp lý chỉ là một văn bản bị bãi bỏ còn thiệt hại của doanh nghiệp, liệu có ai lãnh trách nhiệm bồi thường?

Sai thì bị kiện nhưng kiện ở đâu?

Tòa án hành chính là thiết chế để đảm bảo cho sự bình đẳng giữa Nhà nước và công dân trong nhà nước pháp quyền - một nhà nước mà trách nhiệm giữa Nhà nước và công dân là trách nhiệm qua lại. Nói cách khác, Nhà nước vẫn có thể bị công dân kiện nếu họ cho rằng Nhà nước bằng pháp luật, bằng cách hành xử của nhân viên công quyền xâm phạm lợi ích của họ.

Thiết chế tòa án hành chính đang hiện diện trong hệ thống tòa án nước ta. Tuy nhiên, thực tế sinh động của hoạt động quản lý nhà nước cũng như đòi hỏi của nhân dân cho thấy thẩm quyền của nó là quá chật hẹp với 22 loại việc. Trong đó, các đạo luật nói chung và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan hành chính nói riêng không thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án. Số phận pháp lý của nó thuộc về chính cơ quan đã ban hành hoặc cơ quan cấp trên của cơ quan đó. Một cách giải quyết theo kiểu cho "tự xử" mà ai cũng có thê thấy sự bất hợp lý của nó.

"Chỉ có thượng đế là không sai lầm"- Vote đã nói như vậy. Cơ quan làm luật cũng có thể sai lầm. Quyết định số phận của những đạo luật sai lầm kiểu như thông tư 12 nói trên ở các nước văn minh là chuyện không hề khó khăn khi họ có Tòa án Hiến pháp đảm nhận công việc này. Ở Việt Nam Tòa án Hiến pháp là khái niệm không hề lạ lẫm với nhiều người. Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Cải cách tư pháp đã đề cập đến việc xây dựng Tòa án Hiến pháp ở nước ta và giới luật học tỏ ra hào hứng. Tuyên bố một đạo luật vi hiến, xâm phạm đến quyền lợi của người dân đó là thẩm quyền của tòa án này.

Tòa án Hiến pháp ở Việt Nam - chủ trương đã có, nghiên cứu lý luận chắc cũng hòm hòm. Chỉ có điều trên thực tế, người ta có thật lòng cần đến và muốn có nó hay không?

Nguồn: Baomoi

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn