Tự do thương mại, bất đồng về tài nguyên nước

Simon Roughneen

image Trung Quốc và ASEAN đã ký hiệp định tự do thương mại và lập một quỹ đầu tư có số vốn 10 tỷ đôla Mỹ, nhưng những xung đột trên sông Mê Kông và Biển Đông vẫn xảy ra.
Tổ chức ASEAN vẫn thường không phát huy vai trò bởi những thỏa thuận giữa Trung Quốc và các thành viên khối ASEAN thường được đàm phán song phương. Tuy nhiên vào ngày 1/1, tổ chức này giành một chiến thắng quan trọng khi Hiệp định tự do mậu dịch (FTA) giữa Trung Quốc và ASEAN có hiệu lực.

Hiệp định FTA là một tiến trình phù hợp với sự kiện: tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai phía tăng 4 lần giữa năm 2001 và 2009, từ 41,6 tỷ lên 213 tỷ đô. Với hiệu lực của Hiệp định FTA, thương mại mậu dịch giữa Trung Quốc và ASEAN được trông đợi sẽ vượt qua thương mại mậu dịch giữa Mỹ và ASEAN vào năm 2012.

Cũng trong một động thái tích cực, vào cuối năm 2009, Trung Quốc và ASEAN quyết định thành lập quỹ Hợp tác Đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CAICF) với số vốn 10 tỷ đô để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng và thông tin – truyền thông trong khu vực.

Một số thành viên ASEAN có nguồn dự trữ tài nguyên thiên nhiên khổng lồ là dầu khí, khí thiên nhiên, than đá và các nguyên liệu khác mà Trung Quốc đang cần; sự phát triển cơ sở hạ tầng sẽ giúp tiếp cận những tài nguyên này. Đổi lại, các thành viên ASEAN và những tập đoàn lớn của họ sẽ có thể tiếp cận thị trường rộng lớn đang ngày càng phát triển của Trung Quốc, bằng chứng là vào tháng 7, CP Group của Thái Lan cam kết mở rộng dịch vụ bán lẻ ở Trung Quốc thêm 1000 chi nhánh nữa trong thập kỷ tới.

Tuy vậy, câu chuyện đầy đủ về quan hệ giữa Trung Quốc-ASEAN lại là hỗn hợp của những điều tốt và điều xấu. Hai nước Thái Lan và Việt Nam thời gian gần đây phàn nàn với Trung Quốc về hậu quả của một loạt các đập thủy điện xây trên sông Mê Kông (tên gọi theo Trung Quốc là Lan Thương), bao gồm cả những đập đang vận hành và chuẩn bị khởi công. Trung Quốc đã mời các nhà lập pháp của các nước ASEAN láng giềng đến thăm các dự án đập thủy điện ở Vân Nam nhưng không xoa dịu được sự giận dữ của các nước đó. Các quan chức Thái Lan cho rằng 4 đập hiện đang vận hành đã làm tồi tệ thêm những ảnh hưởng của hạn hán lên hàng triệu người dân Đông Nam Á đang phụ thuộc vào dòng sông để kiếm kế sinh nhai.

Thương mại mậu dịch song phương giữa Trung Quốc và Myanmar đạt 2,9 tỷ đô năm 2009, đứng thứ hai sau Thái Lan; Trung Quốc là chủ đầu tư lớn thứ ba ở Myanmar, sau Thái Lan và Singapore. Với việc Trung Quốc phải trả cho nhà cầm quyền ở Myanmar khoảng 970 triệu đô/năm để khai thác khí gas ở mỏ Shwe, quan hệ kinh tế giữa hai nước láng giềng này sẽ còn tiếp tục phát triển. Đã có một vài tháng sóng gió sau khi quan hệ song phương giữa hai nước bị hủy hoại do chính quyền Myanmar phát lệnh tấn công lực lượng quân sự của bộ tộc Kokang –người dân tộc Trung Quốc ở tỉnh Shan vào tháng 8 năm ngoái, nhưng Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo vẫn được sự tiếp đón trọng thị ở Naypyidaw vào tháng 6 vừa rồi. Một vài nhà quan sát nhận xét rằng Myanmar đang dần trở thành nước chư hầu của Trung Quốc – mặc dù nhận xét này rất có thể đánh giá thấp sự ranh ma của chế độ cai trị Myanmar về việc gây mâu thuẫn giữa các nước lớn.

Việt Nam – một thành viên của ASEAN – tỏ ra giận dữ với ý nghĩ trở thành nước chư hầu của Trung Quốc. Tuy nhiên đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam chiếm 1/3 những dự án xây dựng đang dang dở như đường sắt, cảng biển, các nhà máy năng lượng; và chủ trương ‘đổi mới’ của Việt Nam – tự do hóa nền kinh tế với định hướng xã hội chủ nghĩa – bắt chước cuộc cải cách ở Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Hiện một thương vụ đầu tư đang gây tranh cãi là dự án khai thác mỏ bauxite trị giá hàng tỷ đô do tập đoàn Chinalco làm chủ đầu tư ở Tây Nguyên. Dân chúng Việt Nam giận dữ vì 20.000 công nhân Trung Quốc đã chiếm những việc làm mà người dân địa phương có thể làm được, có lẽ vì vậy mà gần đây các quan chức ở Hà Nội đã ban hành chính sách hạn chế visa để ngừng dòng lao động Trung Quốc bất hợp pháp vào lãnh thổ Việt Nam.

Cuộc xung đột đang diễn ra về việc ai sở hữu phần biển nào ở Biển Đông khiến quan hệ giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN, bao gồm cả Việt Nam, trở nên căng thẳng. Trong dịp đầu năm, Trung Quốc chọc giận Hà Nội bằng việc thiết lập bộ máy hành chính địa phương ở đảo Hoàng Sa – nơi đang xảy ra tranh chấp, bị chiếm đóng bởi Trung Quốc từ năm 1974 nhưng bị phía Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Thêm vào đó, Philippines cũng đang quản lý một vài đảo bị tuyên bố chủ quyền bởi Trung Quốc.

Vào năm 2002, một bản tuyên ngôn về cách hành xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc được thiết lập như là một quy chuẩn nhằm giảm căng thẳng trên vùng biển này; tuy nhiên Trung Quốc lại muốn tiến hành thỏa thuận song phương với từng quốc gia một – hơn là đàm phán với một lúc cả 10 quốc gia – nhưng phương án đó bị ASEAN bác bỏ. Mỹ ủng hộ ASEAN vì quốc gia này nhận thấy sự thống trị của Trung Quốc ở Biển Đông không có lợi cho lợi ích của Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương – nơi mà Mỹ giữ quan hệ đồng minh với Úc, Nhật Bản, Philippines, Nam Hàn và Thái Lan.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết, Washington sẽ đàm phán với các nước ASEAN, Trung Quốc và các nước khác để phát triển một quy chuẩn quốc tế nhằm giải quyết xung đột.

Bà cho biết quá trình này sẽ được thể chế hóa bởi ASEAN và dựa theo luật quốc tế về biển.

“Nước Mỹ ủng hộ quá trình ngoại giao hợp tác giữa các bên để giải quyết các tranh chấp lãnh hải mà không dùng đến sự cưỡng chế”, Clinton cho các phóng viên biết sau khi kết thúc 2 ngày tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN ở Việt Nam hồi tháng 7. “Chúng tôi phản đối việc dùng vũ lực từ tất cả các bên”.

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông có vẻ như một phần để ngăn chặn sự ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực. Bắc Kinh cáo buộc Mỹ sử dụng tàu chiến để tiến hành hoạt động do thám. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông nếu thành công, sẽ ngăn chặn Mỹ tiếp cận vùng biển này. Trung Quốc hiện đang cải tiến tàu Varyag của Liên Xô cũ nặng 67.000 tấn để làm tàu sân bay. Điều đó sẽ rất có thể tạo cho Trung Quốc một lợi thế không thể sánh được ở trong bất cứ cuộc tranh chấp lãnh hải song phương nào ở Biển Đông và sẽ củng cố sức mạnh của Trung Quốc so với Mỹ.

Mỹ cũng cố gắng thúc đẩy quan hệ với ASEAN và các nước thành viên trong những lĩnh vực khác. Vào năm 2009, Mỹ và ASEAN ký Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác. Thêm vào đó, Mỹ đã nhắm đến Myanmar, cam kết giảm cấm vận nếu cải cách xảy ra ở Myanmar. Những sách lược cũ – như cuộc diễn tập quân sự thường niên Cobra Gold với Thái Lan – vẫn được giữ nguyên, và Mỹ tiếp tục coi Indonesia và Việt Nam như là thân hữu về chính trị và kinh tế trong khu vực.

Tuy vậy, đối với ASEAN, tình hình quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể có hệ quả lớn hơn với các nước thành viên so với các vấn đề liên quan trực tiếp giữa các nước này và hai siêu cường của thế giới. Rắc rối nhất là sự quan ngại của những công ty đa quốc gia Mỹ về môi trường kinh doanh không ngừng biến đổi ở Trung Quốc. Trong những năm gần đây, những lợi nhuận thương mại đã đảm bảo rằng, bất chấp sự thù địch, quan hệ Trung-Mỹ vẫn diễn ra suôn sẻ. Tuy vậy những gã khổng lồ như Google và General Electric đã phá bỏ sự cấm kỵ về việc chỉ trích chính phủ Trung Quốc khi than phiền rằng Trung Quốc đang cản trở hoạt động của các nhà đầu tư đa quốc gia và thúc đẩy sự phát triển của các tập đoàn nhà nước.

Đây có thể là cú sốc kép với các nước thành viên ASEAN. Thứ nhất, động thái này xảy ra khi Trung Quốc chuẩn bị khuyến khích tiêu dùng nội địa – thị trường nội địa rộng lớn này là một mỏ vàng cho các công ty có chi nhánh ở Trung Quốc. Thêm vào đó, nếu các công ty Mỹ không cảm thấy thoải mái ở Trung Quốc, thì một trong những cái phanh hiệu quả đối với sự thù địch đang đi đến điểm đỉnh giữa hai nước sẽ được thả, xung đột gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho khối ASEAN.

DTKT dịch

Nguồn: http://www.irrawaddy.org/article.php?art_id=19175&page=2

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn