Mỹ, Hà Nội thảo luận về hạt nhân

Jay Solomon

clip_image002

Bà Clinton, cùng với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường vào tháng 7, hoan nghênh sự hợp tác trên diện rộng của Mỹ và Việt Nam. Ảnh: EPA.

Kế hoạch làm giàu Uranium của Việt Nam có thể làm giảm những cố gắng cấm phổ biến hạt nhân, chọc giận Trung Quốc.

WASHINGTON – Chính quyền Obama đang trong những vòng thương thảo cuối cùng về việc chia sẻ năng lượng và công nghệ hạt nhân với Việt Nam trong một thương vụ cho phép Hà Nội làm giàu uranium – những việc làm bị những tiếng nói chỉ trích ở Quốc hội Mỹ cho rằng sẽ đi ngược lại với các yêu cầu khắt khe mà Mỹ áp dụng đối với các nước Trung Đông.

Cuộc thương thảo này của Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ khiến Trung Quốc – quốc gia có chung hàng trăm dặm đường biên giới với Việt Nam – cảm thấy lo lắng. Đây là một sự kiện mới nhất cho thấy sự quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc gây ảnh hưởng ở Nam và Đông Nam châu Á, trong khi Washington củng cố mối quan hệ với các nước ngày càng mệt mỏi trước sức mạnh ngày càng tăng Trung Quốc trong khu vực.

Các quan chức chính phủ Mỹ biết rõ về cuộc thương thảo này cho biết những người đàm phán đã đồng ý về một đề xuất hợp tác toàn diện về hạt nhân với quốc gia cộng sản và đối thủ cũ trong Chiến tranh lạnh này, và đã bắt đầu bàn bạc với các uỷ ban đối ngoại Hạ viện và Thượng viện. Một quan chức cấp cao của Mỹ được phổ biến về cuộc đàm phán này cho biết Trung Quốc không được hỏi ý kiến về cuộc đối thoại. “Cuộc đối thoại này không liên quan tới Trung Quốc”, quan chức này cho biết.

Một số chuyên gia về chống phổ biến hạt nhân và các nhà lập pháp của Hoa Kỳ được phổ biến về cuộc đàm phán này cho rằng thương vụ này đang đẩy lùi những nỗ lực gần đây của Washington về chống phổ biến hạt nhân, ám chỉ một điều khoản quan trọng cho phép Hà Nội sản xuất năng lượng hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam.

Chính phủ Obama và George W. Bush đều ra điều kiện các nước muốn hợp tác hạt nhân với Mỹ phải từ bỏ quyền làm giàu uranium trên lãnh thổ của mình để phục vụ mục đích dân sự, một quyền lợi được cho phép đối với những nước tham gia vào Hiệp định chống phổ biến hạt nhân của Liên Hợp Quốc. Những công nghệ được dùng để cung cấp năng lượng cho lò phản ứng hạt nhân cũng có thể được dùng để chế tạo bom nguyên tử, gia tăng quan ngại về bùng nổ hạt nhân.

Các quan chức Hoa Kỳ tung hô thỏa thuận về hợp tác hạt nhân mà Tổng thống Barrack Obama ký vào năm ngoái với các Tiều vương Quốc Ả Rập thống nhất (UAE) như là một hình mẫu về chống phổ biến hạt nhân, bởi vì các quốc gia Ả Rập đồng ý mua toàn bộ nhiên liệu hạt nhân từ thị trường quốc tế. Chính quyền Obama hiện đang đàm phán một hiệp ước hạt nhân với Jordan trong đó Washington cũng yêu cầu quốc gia này phải đồng ý không được nội địa hóa toàn bộ quy trình phát triển hạt nhân

Những quan chức cấp cao được phổ biến về cuộc đàm phán với Việt Nam cho rằng Bộ Ngoại giao đang tạo ra một chuẩn mực mới cho Hà Nội, bởi vì Trung Đông được coi là tiềm ẩn nhiều rủi ro về phổ biến hạt nhân hơn châu Á. “Căn cứ vào quan ngại đặc biệt của chúng tôi về Iran và một hiểm họa có thật về một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Trung Đông, chúng tôi tin rằng hiệp ước với UAE là một hình mẫu cho khu vực,” quan chức Hoa Kỳ này cho biết, “Những mối quan ngại này không hiện hữu ở châu Á. Chúng tôi sẽ áp dụng những chính sách khác nhau tùy theo từng khu vực và quốc gia.”

Ông Vương Hữu Tấn, viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, một cơ quan nhà nước, cho biết các quan chức Việt Nam và Mỹ đã đi đến một thỏa thuận ban đầu về hợp tác hạt nhân vào tháng 3 và hy vọng rằng sẽ hoàn thành hiệp ước này trong những tháng tới của năm nay. Ông cũng cho biết Việt Nam không có kế hoạch làm giàu uranium, “bởi vì sẽ là hết sức nhạy cảm nếu Việt Nam làm như vậy”.

Các nghị sĩ quốc hội và các chuyên gia về chống phổ biến hạt nhân được phổ biến về cuộc đàm phán đã nhanh chóng chỉ trích quyết định của Bộ Ngoại giao giống như một sự thụt lùi của chính sách chống phổ biến hạt nhân của chính quyền Obama. Họ cũng cho rằng quyết định này của Washington sẽ vấp phải sự chỉ trích từ phía các nước Ả Rập và các quốc gia đang phát triển khi Mỹ áp dụng chuẩn mực kép đối với chính sách hạt nhân.

Hiệp ước này sẽ khiến Jordan, Ả Rập Xê-út và các quốc gia khác đang thỏa thuận hợp tác với Washington không nhượng bộ với những điều ước khắt khe như của UAE.

“Thật nực cười… trong khi chống phổ biến hạt nhân là ưu tiên hàng đầu của tổng thống thì mô hình ở UAE lại không được áp dụng tại đây,” một quan chức cấp cao Ả Rập – đất nước đang theo đuổi năng lượng hạt nhân – cho biết. “Mọi người sẽ bất đầu nhận ra một chuẩn mực kép, và trong tương lai sẽ rất khó khăn để bảo vệ cái chuẩn mực này”.

Các chuyên gia về chống phổ biến hạt nhân cũng thách thức quan điểm của Bộ Ngoại giao rằng châu Á tồn tại ít rủi ro bùng nổ hạt nhân hơn là UAE. Họ chỉ ra rằng Bắc Hàn trong những năm gần đây đã phổ biến những công nghệ có hai công dụng [dân sự và quân sự] tới các nước như Myanmar. Nhật Bản cũng được cho là sở hữu công nghệ giúp nhanh chóng tích hợp vũ khí hạt nhân nếu có quyết định của các chính trị gia.

Henry Sokolski, giám đốc của Trung tâm giáo dục về chống phổ biến hạt nhân của Washington – một think tank về chính sách công – nói: “Sau khi Mỹ đã có một hình mẫu rất tốt trong thỏa thuận với UAE, thương vụ với Việt Nam không những gây chú ý, mà còn giết chết những cố gắng nhằm kiểm soát sự phổ biến sản xuất năng lượng hạt nhân”.

Việt Nam ký một biên bản ghi nhớ lần đầu tiên với chính quyền Bush vào năm 2001 để theo đuổi hợp tác với Mỹ về sở hữu vật liệu phân rã (fissile materials) và phát triển năng lượng hạt nhân nhằm mục đích dân sự. Chính quyền Obama đã thúc đẩy đối thoại với Hà Nội trong những tháng vừa qua nhằm mục đích hoàn thành thương vụ cho phép sự trao đổi về kiến thức và hợp tác về an ninh, dự trữ và giáo dục. Theo các quan chức Mỹ, thương vụ này nếu được hoàn thành cũng sẽ tạo điều kiện cho các công ty của Mỹ như General Electric Co. và Bechtel Corp. trong việc bán các phụ kiện và lò phản ứng hạt nhân cho Việt Nam.

clip_image004

Tổng thống Barrack Obama chào mừng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp thượng đỉnh về an ninh hạt nhân ở Washington vào ngày 12/4. Ảnh: Reuters

“Nếu chúng ta có thể tạo điều kiện cho các công ty và công nghệ của Mỹ thâm nhập vào Việt Nam, chúng ta có thể tạo được một vài ảnh hưởng,” quan chức Hoa Kỳ được phổ biến về cuộc đàm phán cho biết. “Nếu chúng ta từ bỏ, các nước khác có thể sẽ có những tiêu chuẩn khác”.

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng mọi thỏa thuận với Việt Nam sẽ buộc các bước phát triển hạt nhân của Hà Nội chịu sự giám sát chặt chẽ của Tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế – một cơ quan quản lý về hạt nhân của Liên Hợp Quốc. Đây được coi là động thái nhằm đảm bảo năng lượng hạt nhân của Việt Nam không bị dùng vào mục đích quân sự.

Một nhà ngoại giao Mỹ cho biết Việt Nam đang nghiên cứu bản dự thảo cuối cùng của thỏa thuận này và đối thoại sẽ tiếp tục diễn ra trong mùa thu.

Chính quyền Obama đã cố gắng tăng cường vị thế của Hoa Kỳ ở phía Nam và Đông Nam châu Á trước quan ngại rằng Trung Quốc đã bắt đầu thống trị khu vực này cả về mặt kinh tế và chính trị.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton có chuyến viếng thăm Hà Nội trong tháng trước và nhấn mạnh quan hệ hợp tác Mỹ-Việt ngày càng khăng khít trong các vấn đề về an ninh, kinh tế và môi trường. Bà Clinton ủng hộ đề xuất của Hà Nội trong một diễn đàn an ninh khu vực với việc thành lập một tiến trình luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. Trung Quốc chỉ trích quan điểm của bà Clinton là đe doạ an ninh của Bắc Kinh.

“Chính quyền Obama đang chuẩn bị đẩy quan hệ Mỹ-Việt lên một tầm cao mới,” bà Clinton tuyên bố khi ở Hà Nội. ‘Chúng tôi coi mối quan hệ này không chỉ quan trọng đối với hai nước mà còn là một phần của chiến lược nhằm củng cố sự tham dự của Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương’

Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh lại được hâm nóng trong những tuần gần đây sau khi quan hệ giữa hai nước có vẻ như đã ổn định trong mùa xuân.

Các quan chức Mỹ trong tuần này cho biết họ chưa nói gì với Bắc Kinh, hay tìm kiếm sự đồng ý của Trung Quốc, khi tổ chức đàm phán hạt nhân với Việt Nam. Một viên chức cấp cao Hoa Kỳ cho biết: “Đây là cuộc đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam. Chúng tôi không cần sự đồng ý của Trung Quốc trong những vấn đề liên quan đến lợi ích chiến lược của quốc gia”.

Ý kiến các quan chức ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra sao thì không thể ngay lập tức hỏi được.

Mỹ đã sử dụng nhiều cách khác trong những tháng gần đây để củng cố mối quan hệ với các nước Nam và Đông Nam Á – các quốc gia đã từng lo sợ sự ảnh hưởng của Trung Quốc

Tháng trước, Lầu Năm góc đã nối lại mối quan hệ với lực lượng quân sự đặc biệt của Indonesia, còn được gọi là Kopassus, sau khi cắt đứt quan hệ với lực lượng này vào năm 1999 vì cáo buộc vi phạm nhân quyền. Mỹ cũng hoàn thành một thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Ấn Độ trong tuần trước, cho phép New Delhi sử dụng những nguyên liệu hạt nhân nhập từ Mỹ.

Một vài chính phủ chỉ trích, cũng giống như những quan ngại về thương vụ với Việt Nam, rằng thương vụ với Ấn Độ cho thấy chuẩn mực kép của Mỹ. Các viên chức Mỹ phản bác lại rằng thương vụ với Ấn Độ, một nước đang sản xuất vũ khí hạt nhân, sẽ tăng thêm sự giám sát của quốc tế.

Ngoài việc bất đồng quan điểm về vấn đề biển Đông, Mỹ và Trung Quốc đang tranh cãi về một phản ứng hợp lý đối với vụ Bắc Hàn bị cáo buộc đánh đắm tàu Cheonan của hải quân Nam Hàn vào hồi tháng 3. Chính quyền Obama cũng đã chính thức phản đối vụ bán hai lò phản ứng hạt nhân của Trung Quốc cho Pakistan. Washington cho rằng vụ mua bán này sẽ vi phạm cam kết của Bắc Kinh đối với Nhóm cung cấp hạt nhân – một tổ chức ở Vienna quản lý việc phổ biến công nghệ hạt nhân.

J. S.

DTKT dịch từ: http://online.wsj.com/article/SB10001424052748704741904575409261840078780.html

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn