Trung Quốc “chơi bẩn” trên sân năng lượng sạch?

Bạch Dương

clip_image001

Ảnh: Devicedaily.com

 
 

ThienNhien.Net - Mãi đến gần đây, tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc vẫn chỉ được biết đến là xứ sở sương mù, quê hương của loại ớt khô trứ danh. Song ngày nay, nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của chính phủ, thành phố thủ phủ Trường Sa và hai thành phố lân cận của Hồ Nam đang nổi lên trở thành một trung tâm sản xuất năng lượng sạch có tiếng toàn cầu, một đối thủ khó chơi của các nhà sản xuất năng lượng sạch Mỹ và Châu Âu.

Sự hậu thuẫn mạnh mẽ của chính phủ…

Trong khi các công ty năng lượng sạch tại Hoa Kỳ và châu Âu đang chật vật thì Trung Quốc lại thành công trên “sân khách” khi trở thành nhà sản xuất tấm pin mặt trời và tuốc bin gió cho thị trường Mỹ và châu Âu.

Sự phát triển bùng nổ của ngành năng lượng sạch Trung Quốc với hơn một triệu việc làm được tạo ra đã đưa nước này lên vị trí số 1 toàn cầu về quy mô.

Có thể nói, thành công của ngành năng lượng sạch Trung Quốc bắt nguồn từ những lợi thế được thừa hưởng từ ngành công nghiệp trong nước như chi phí lao động thấp, đội ngũ kỹ sư đông đảo, chi phí xây dựng ít tốn kém và mạng lưới giao thông vận tải, viễn thông đang ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của chính phủ mới là yếu tố then chốt đưa ngành năng lượng sạch Trung Quốc lên vị trí ngày nay.

Câu chuyện về sự thành công của một công ty ở tỉnh Trường Sa có thể hé lộ nhiều điều về phương thức mà chính phủ Trung Quốc áp dụng để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp vô cùng quan trọng trong thời đại khát năng lượng và biến đổi khí hậu này.

Công ty Quang điện Hồ Nam Sunzone mới thành lập hai năm nhưng đã có 95% trong tổng số tấm pin mặt trời sản xuất đến được thị trường Châu Âu. Hiện nay công ty đã mở văn phòng kinh doanh ở New York, Chicago và Los Angeles để chuẩn bị cho kế hoạch thâm nhập thị trường Mỹ vào đầu năm sau.

Để giúp Sunzone, chính quyền thành phố đã nhượng gần 10ha đất “vàng” ở khu trung tâm cho công ty với mức giá sàn. Một ngân hàng nhà nước cũng cho công ty vay vốn với mức lãi suất thấp và chính quyền tỉnh còn khiến cho sự ưu đãi này trở nên “ngọt ngào” hơn bằng cách trả cho công ty gần hết các khoản lãi nhằm giúp Sunzone tăng gấp đôi năng lực sản xuất.

Trong vòng 3 tháng, Sunzone đã nhận được tất cả các giấy phép cần thiết và chỉ mất hơn tám tháng để xây dựng và trang bị cho nhà máy. Trong khi đó, để nhận được giấy phép môi trường và các giấy phép khác ở Mỹ có thể mất vài năm và việc xây dựng và trang bị cho một nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời có thể mất tới 14-16 tháng.

Trên thực tế, Sunzone không phải một ngoại lệ, mà chỉ là một trong số nhiều công ty năng lượng sạch tại Trường Sa và trên toàn Trung Quốc được chính phủ hỗ trợ đặc biệt. Song, điều đáng nói là chính sách này có nguy cơ phá vỡ các quy tắc quốc tế mà Trung Quốc và hầu như tất cả các quốc gia khác đã cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

…phớt lờ các quy tắc quốc tế…

Hình thức hỗ trợ này của chính phủ Trung Quốc được đánh giá là đã vi phạm quy định của WTO vốn cấm gần như mọi khoản hỗ trợ đối với các nhà xuất khẩu.

Quy tắc của WTO cho phép các quốc gia hỗ trợ hàng hóa và dịch vụ tại thị trường nội địa, miễn là những khoản trợ cấp không nhằm chống lại hàng nhập khẩu. WTO cũng đồng thời quy định cấm trợ cấp xuất khẩu nhằm ngăn chặn việc các chính phủ trợ giúp các công ty của họ thâm nhập vào thị trường thế giới.

WTO yêu cầu các nước công bố tất cả các khoản trợ cấp ở cấp quốc gia, bang và địa phương hai năm một lần để nếu một quốc gia xuất khẩu bị nghi ngờ, các nước khác có thể dễ dàng giám sát và kiểm tra.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã hầu như bỏ qua các yêu cầu này kể từ khi gia nhập WTO. Trung Quốc chỉ đệ lên WTO một danh sách trợ cấp giữa năm 2001 và 2004 và đó chỉ là một danh sách thể hiện chính sách trợ cấp của chính quyền trung ương trong khi bỏ qua các khoản trợ cấp ở cấp địa phương và cấp tỉnh.

Hơn nữa, Sunzone và các công ty năng lượng sạch Trung Quốc khác cũng được hưởng lợi khi chính phủ chi 1 tỷ USD một ngày để can thiệp vào thị trường tiền tệ, giúp hàng xuất khẩu Trung Quốc có giá cả dễ chấp nhận hơn tại các thị trường nước ngoài. Sự can thiệp có hệ thống vào thị trường tiền tệ nhằm tạo lợi thế đã vi phạm quy tắc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà Trung Quốc là thành viên, mặc dù IMF có rất ít quyền lực để trừng phạt quốc gia vi phạm.

Thêm vào đó, các nhà máy sản xuất năng lượng mặt trời và gió của Trung Quốc còn được hưởng lợi từ chính sách cắt giảm mạnh hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm, loại kim loại rất cần thiết trong sản xuất tấm năng lượng mặt trời và tuốc bin gió. Trong khi Trung Quốc sở hữu hầu hết các mỏ đất hiếm của thế giới và WTO cấm hầu hết các lệnh hạn chế xuất khẩu.

Rõ ràng là chiến thuật ráo riết của Trung Quốc đã biến năng lượng sạch trở thành một thị trường dễ tiếp cận hơn. Giá cả của các tấm năng lượng mặt trời đã giảm gần một nửa trong hai năm qua và giá cả tuốc bin gió cũng giảm một phần tư - một phần vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng chủ yếu là do sự mở rộng nhanh chóng về quy mô của Trung Quốc. Các tuốc bin gió của Trung Quốc hiện bán với giá 685 000 USD/1megawatt trong khi giá của các nước phương Tây là 850 000 USD.

Song, câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có xây dựng ngành công nghiệp này theo cách thức công bằng với các đối thủ nước ngoài và không gây phương hại đến kinh tế chính trị của các quốc gia phụ thuộc vào ngành công nghiệp này của Trung Quốc?

… khiến các đối thủ khốn đốn

Chỉ là một “tay mơ” trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời 5 năm trước, năm nay Trung Quốc đã sản xuất hơn một nửa tấm pin mặt trời của thế giới. Hơn 95 phần trăm trong số đó được xuất khẩu sang các nước như Hoa Kỳ và Đức, các quốc gia vốn dành các khoản trợ cấp rất hào phóng cho người tiêu dùng.

Ngược lại, chính phủ Trung Quốc tương đối “khiêm tốn” trong trợ cấp năng lượng mặt trời cho các công dân của mình. Thay vào đó, Trung Quốc dành hỗ trợ cho các nhà sản xuất, giúp họ thu lợi nhuận từ các quốc gia có chương trình trợ cấp người tiêu dùng.

Trung Quốc cũng đang hướng tới mục tiêu sản xuất một nửa số tuốc bin gió của thế giới trong năm nay. Trong khi đó, bản thân Trung Quốc gần như không nhập khẩu thiết bị cho sản xuất tuốc bin gió hoặc tấm năng lượng mặt trời mà bảo hộ ngành công nghiệp đang phát triển này. Để làm điều này, cuối năm ngoái Trung Quốc đã yêu cầu nội địa hóa tới 70% cho mỗi tuốc bin gió và 80% cho mỗi tấm năng lượng mặt trời. .

Song chính Trung Quốc lại phản đối mạnh mẽ khi Hoa Kỳ và Châu Âu có ý định “noi gương” Trung Quốc áp đặt nội địa hóa để giúp ngành năng lượng tái tạo đang gặp khó khăn của họ.

Sự phát triển của Trung Quốc đã khiến các nhà sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió Mỹ và Châu Âu chật vật. Năm nay, công ty BP đã buộc phải đóng cửa cơ sở sản xuất tấm năng lượng mặt trời ở Frederick, Maryland (Mỹ) và Tây Ban Nha để mở rộng một liên doanh ở Trung Quốc.

Một nhà máy của Evergreen Solar ở Massachusetts cũng đặt kế hoạch chuyển các công đoạn sản xuất cuối cùng sang Trung Quốc vào mùa hè tới, loại bỏ 300 công ăn việc làm ở Mỹ sau khi gặp khó khăn vay vốn và nhận thấy rằng chi phí ở Trung Quốc thấp hơn.

Giữa tháng 9 vừa qua, Liên đoàn lao động sắt thép Mỹ đã đệ đơn lên chính phủ, cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật thương mại quốc tế khi trợ cấp cho ngành năng lượng sạch. Chính quyền Obama đã bắt đầu các cuộc thảo luận cấp cao để bàn thảo về cách thức ứng phó với chính sách công nghiệp của Trung Quốc.

Song, bất chấp các phản đối từ phương Tây với chính sách trợ giá của chính phủ Trung Quốc, các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn cho rằng thế giới cần đánh giá cao sự “hỗ trợ hào phóng” của chính phủ Trung Quốc cho ngành công nghiệp năng lượng sạch của họ vì điều đó giúp giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu.

B. D. (theo The New York Times, 9/2010)
Nguồn: Thiennhien

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn