Khi tự do là một tấm chăn hẹp...

clip_image002

Nguyễn Hùng

clip_image003

Tự do có thể ví như tấm chăn hẹp

Những vụ bắt bớ và gia hạn giam giữ ở Việt Nam gần đây đặt trở lại câu hỏi 'xưa như trái đất' về không gian của nhà nước và không gian của cá nhân.

Sự tự do, tạm mượn ý của một câu danh ngôn, có thể coi như một tấm chăn hẹp.

Nếu Nhà nước kéo thêm một chút để có tự do thể hiện sức mạnh thì tự do của người dân hiển nhiên sẽ hở đầu, hở chân, hay hở sườn.

Còn trong những chế độ độc tài như ở Bắc Hàn thì người ta thu luôn tấm chăn đó đắp riêng cho những vị cầm quyền.

Trở lại những vụ bắt bớ gần đây, nhất là vụ bắt Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, có nhiều dấu hiệu cho thấy vẫn có những người ở Việt Nam muốn sử dụng cơ bắp để kéo chăn.

Trước hết là chuyện "kiểm tra hành chính" khách sạn mà ông Vũ đang có mặt khi bị "bắt khẩn cấp".

Cả thế giới chỉ còn vài nước có chế độ hộ khẩu và kiểm tra hộ khẩu, nhất là việc bắt đăng ký tạm trú khi tới ở các khách sạn.

Trong đợt đi công tác ở Thượng Hải mùa hè năm nay, cô nhân viên lễ tân khách sạn tỏ vẻ ngạc nhiên khi tôi đề nghị cô đăng ký tạm trú cho tôi.

Về lý thuyết, Trung Quốc vẫn giữ chế độ hộ khẩu và đăng ký tạm trú, tạm vắng.

Trên thực tế, không phải ở đâu họ cũng thực hiện sự quản lý cổ hủ này.

Nó chỉ là cái cớ để chính quyền hành người dân thêm một loại giấy tờ và một số cán bộ trong ngành công an có lý do để đòi phong bì.

Tại Miến Điện, Bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo được dân bầu lên nhưng quân đội không chấp nhận, cũng vì không khai báo tạm trú cho một vị khách người Mỹ mà bị tù thêm mấy năm cho tới cuối tuần qua.

Nhìn về gốc, chế độ hộ khẩu là một cách để một số chế độ kiểm soát người dân.

Và nó đã được dùng làm một phương tiện kèm theo trong vụ bắt giữ ông Cù Huy Hà Vũ.

Quyền nói

Một quyền nữa mà người dân và chính phủ của một số nước phải giành giật nhau là quyền được nói.

Và trong màn kéo co này, người dân hầu như bao giờ cũng chịu phần thua thiệt.

Về lý thuyết họ có quyền được nói.

Nhưng khi họ không được phép ra báo, lập đài phát thanh, truyền hình như chính phủ, hay có những trang blog mà không sợ bị đe dọa, thì quyền đó cũng chỉ là quyền tượng trưng.

clip_image004

Ông Hà Vũ bị bắt khi đang ở trong khách sạn cùng một nữ luật sư [Theo Vietnamnet ngày 11/11/2010 (http://vietnamnet.vn/xahoi/201011/Co-gai-bi-mat-voi-ong-Cu-Huy-Ha-Vu-khoi-kien-946937/), cô gái này không phải là luật sư. Bài báo này hiện nay đã bị rút xuống – BVN]

Trong khi đó nhà nước khai thác triệt để quyền này.

Sau khi ông Hà Vũ bị bắt, một số báo nhà nước đồng loạt đưa tin với đủ loại chi tiết giật gân, nổi bật nhất là các chi tiết "bắt khẩn cấp", "gái mại dâm", "bao cao su đã qua sử dụng".

Chi tiết "gái mại dâm" đã được chứng minh là hoàn toàn sai sự thật.

"Bao cao su đã qua sử dụng" giờ còn chưa được giám định.

Còn "bắt khẩn cấp" là một cụm từ được dùng nhiều bởi ngành công an Việt Nam.

Theo luật, người ta chỉ bắt khẩn cấp những người đang có lệnh truy nã, phạm tội quả tang bị bắt và những đối tượng phạm pháp có nguy cơ bỏ trốn.

Ngoại trừ ngành công an có luật cho riêng họ hoặc muốn làm chuyện tương tự như các nhà báo thích "giật tít", chuyện phải "bắt khẩn cấp" ông Cù Huy Hà Vũ nghe có vẻ khiên cưỡng.

Còn việc ông Vũ có tội hay không có tội cho tới giờ chưa thể khẳng định.

Một người chỉ có tội sau khi đã được xét xử bởi một tòa án công minh.

Cho tới nay phiên tòa còn chưa định ngày.

Thế nhưng phiên tòa công luận coi như đã xử xong.

Báo Quân đội Nhân dân, của một cơ quan nhà nước và dùng tiền thuế của dân, trong đó có cả những đồng thuế mà ông Cù Huy Hà Vũ đóng, chỉ gọi ông bằng tên tục và phán:

"Theo dõi các hành động của Vũ, xem các bài báo Vũ viết trên các trang điện tử thì thấy rõ Vũ là người ngông cuồng, nghĩ rằng mình đứng trên mọi người, đứng trên pháp luật, Vũ cho rằng xã hội u mê cả, mình Vũ tỉnh".

Ở những xã hội có nền tư pháp phát triển, Quân đội Nhân dân rất có thể bị phạt vì tội "coi thường tòa án" khi đưa ra những nhận định có thể làm các quan tòa thiên vị khi xét xử.

Quyền đại diện

Trong vụ bắt ông Vũ cũng như trong nhiều vụ khác, một quyền nữa của người dân đã bị hạn chế.

Đó là quyền được có đại diện khi bị bắt giữ, khám xét và thẩm tra.

Chú của ông Vũ nói vị Tiến sỹ luật đã đề nghị để người chú của ông tới khi công an khám xét, nhưng đề nghị của ông đã bị từ chối.

Luật sư Trần Đình Triển đã đề nghị được đại diện cho ông Hà Vũ nhưng ngành công an không có phản hồi.

Đương nhiên nhà nước được lợi khi người dân bị bắt giữ trong tình trạng chỉ có công an chứng kiến việc công an làm.

Đỡ rắc rối, không có bằng chứng gì nếu công an lạm quyền và phần thẩm vấn và cả điều mà người ta cáo buộc là "trấn áp và ép cung" có thể dễ dàng được thực hiện.

Nhưng từ trước tới nay, ngành công an Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận họ làm gì sai khi bắt những người bất đồng chính kiến.

Như vậy trong ít nhất ba khía cạnh, quyền tự do cư trú, quyền tự do ngôn luận và quyền được đại diện về mặt pháp lý, nhà nước đã quyết định kéo tấm chăn tự do về phía mình.

Nếu điều này xảy ra trong một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh như các nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam vẫn tuyên bố họ muốn mang lại cho Việt Nam, ngành công an có nhiều khả năng sẽ phải hầu tòa.

Báo chí độc lập sẽ gây sức ép và vấn đề sẽ được mang ra Quốc hội bàn thảo.

Nhưng từ trước tới nay, ngành công an Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận họ làm gì sai khi bắt những người bất đồng chính kiến.

Báo chí luôn có quán tính đi đúng lề và quốc hội đã coi vụ bắt bớ này là chuyện không đáng để bàn, kể cả các dân biểu Hà Nội, những người có thể coi là đại diện cho ông Cù Huy Hà Vũ.

Những cách hành xử này trái ngược với sự độ lượng của các xã hội tư bản mà trước đây những người Cộng sản vẫn lên án là "mục ruỗng".

Đó là chuyện người ta sẵn sàng hoãn phiên xử một kẻ vô gia cư chỉ vì anh ta không có đại diện pháp lý.

Đó là chuyện cảnh sát chấp nhận cả chuyện họ có thể bị thương để bảo vệ quyền biểu tình của hàng chục ngàn sinh viên.

Đó là chuyện các đảng phái chính trị chấp nhận đa đảng cho dù họ có thể mất quyền lực.

Đó là sự cao thượng của những người quân tử khi họ nói rằng "Tôi không thích những gì anh nói, nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền được nói của anh".

N. H.

Nguồn: BBC

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn