Mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã gần đến giới hạn

CANG SAI GON - BOC GIO - XUONG HANG TAU BIEN

Theo GS Michael Porter, tăng trưởng hiện tại của Việt Nam đang dựa trên một mô hình kinh tế mà dư địa còn lại không nhiều. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật

 

SGTT.VN - “Ông rất dũng cảm khi cho phép công bố báo cáo như thế vì chúng ta không biết báo cáo này sẽ nói gì”, đại diện trường Chính sách công Lý Quang Diệu hướng về phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói khi kết thúc nhận định của mình tại hội thảo công bố Năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010.

Về phần mình, ông Hải cam kết Chính phủ sẽ làm nhiều hơn là chỉ nghe bản báo cáo do các học giả nước ngoài soạn giúp Chính phủ. Ông nói: “Báo cáo này được công bố đúng lúc chúng tôi đang gửi văn kiện Đại hội Đảng và chiến lược phát triển kinh tế xã hội lấy ý kiến toàn dân, và lúc Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng cần tìm ra các giải pháp mới để phát triển hiệu quả bền vững hơn”.

Phó Thủ tướng nói tiếp: “Chúng tôi sẽ suy nghĩ về những đề xuất của nhóm nghiên cứu và sẽ giao các bộ ngành đưa tinh thần của báo cáo vào những chương trình hành động, các kế hoạch trong giai đoạn tới”.

Phó Thủ tướng đã kết luận ngắn gọn như vậy trước thính giả là các học giả, doanh nhân và quan chức chính phủ trong cuộc hội thảo tổ chức hôm qua tại Hà Nội, thay vì đọc một bản báo cáo dài mười trang chuẩn bị sẵn.

Mô hình tăng trưởng tới hạn

Bản báo cáo do đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt hàng giáo sư Michael Porter hai năm trước, nhận định rằng, mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã gần đến giới hạn sau khi đã giúp đưa nền kinh tế phát triển vượt bậc trong 25 năm qua.

Giáo sư Porter nói: “Khi xem xét kỹ mô hình phát triển được áp dụng từ trước tới nay để xem có tiếp tục phù hợp với Việt Nam nữa không, câu trả lời của tôi là không”.

Ông nhận xét, trọng tâm của chính sách chủ yếu tập trung vào gia tăng đầu tư, nhất là đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước và cơ sở hạ tầng, để tạo ra tăng trưởng hơn là dựa trên năng suất và hiệu quả.

Theo giáo sư, cho dù Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng trong những thập kỷ qua, song mức thịnh vượng chung và năng suất của nền kinh tế là “quá thấp”.

Vì lẽ đó, tăng trưởng hiện tại của Việt Nam đang dựa trên một mô hình kinh tế mà dư địa còn lại không nhiều. Ông nói: “Nếu Việt Nam không vượt qua được cách thức tăng trưởng hiện nay, quốc gia sẽ bị tắc ở mức thu nhập trung bình thấp và phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước có thu nhập thấp hơn đang trỗi dậy”.

Ông nhận xét, tăng trưởng của Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa vào việc khai thác các lợi thế có sẵn như tài nguyên và nhân công giá rẻ.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ lại hướng chính sách vào việc duy trì tăng trưởng trong ngắn hạn, thay vì nâng cao năng suất trong dài hạn.

“Nhiều chính sách vĩ mô có thể kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng lại không có tác dụng, hoặc thậm chí có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng năng suất dài hạn của Việt Nam”.

Trong khi đó, chính sách vĩ mô là một điểm yếu lớn trong những năm gần đây. Chính sách tài khoá bị cản trở rất nhiều bởi các thâm hụt cơ cấu lớn của khu vực nhà nước.

Bên cạnh đó, áp lực liên tục lên tỷ giá, tỷ lệ lạm phát cao, cũng như sự phát triển nóng của thị trường tài chính trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, theo giáo sư, là những dấu hiệu về chính sách tiền tệ “còn nhiều vấn đề”.

Các mất cân đối vĩ mô lớn như cán cân thương mại và tài khoản vãng lai, tỷ lệ tiết kiệm – đầu tư, lạm phát và tỷ giá hối đoái có thể gây ra những hậu quả “không thể xem thường”.

Ông cảnh báo: “Ít nhất, chúng tạo ra tâm lý với các nhà đầu tư rằng, rủi ro khi đầu tư vào Việt Nam là rất cao. Các mất cân đối vĩ mô này có thể làm phát sinh khủng hoảng, khi niềm tin bị xói mòn và các dòng vốn nước ngoài chảy khỏi Việt Nam”.

Giáo sư nhận xét, khi đó quốc gia sẽ phải trải qua quá trình điều chỉnh rất khó khăn và phải thay đổi hoàn toàn các chính sách về tỷ giá, cắt giảm chi tiêu công, và đánh mất đi thành quả tăng trưởng của rất nhiều năm trước đó.

Ông nói: “Phản ứng chính sách gần đây của Việt Nam được quốc tế ghi nhận, nhưng vẫn còn thiếu một chiến lược tổng thể để giải quyết các thách thức một cách toàn diện, có hệ thống”.

Vai trò của Chính phủ

“Nếu Việt Nam không vượt qua được cách thức tăng trưởng hiện nay, quốc gia sẽ bị tắc ở mức thu nhập trung bình thấp và phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước có thu nhập thấp hơn đang trỗi dậy”.

GIÁO SƯ MICHAEL PORTER

Nhìn nhận vai trò của Chính phủ hiện nay, giáo sư nhận xét, những thảo luận chính sách hiện nay tại Việt Nam thường tập trung quá nhiều vào quy mô và quyền lực trực tiếp của Chính phủ, hơn là vào khả năng thực hiện những chức năng cần thiết của Chính phủ.

Vì lẽ đó, giáo sư khuyến khích rằng, Chính phủ Việt Nam cần xác định một vai trò mới cho mình, phù hợp với một nền kinh tế thị trường đang hội nhập để nó vận hành theo “nguyên tắc của nó”.

Chính phủ nên cung cấp môi trường thể chế minh bạch và hiệu quả để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần cạnh tranh với nhau một cách bình đẳng, cũng như các dịch vụ công như cơ sở hạ tầng, giáo dục.

Chính phủ nên minh bạch trong việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước, tách bạch vai trò chủ sở hữu với vai trò người điều tiết để khu vực kinh tế này tuân thủ các quy luật và kỷ luật thị trường như các thành phần kinh tế khác.

Các doanh nghiệp này phải công bố thông tin, đặc biệt là thông tin về tài chính, hiệu quả hoạt động và các mối liên hệ tài chính của Chính phủ.

Giáo sư cũng đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho Chính phủ như phải minh bạch về tài khoá, củng cố quản lý tài chính công, duy trì chính sách tiền tệ nhất quán và có thể dự đoán được, và phối hợp đồng bộ các chính sách vĩ mô.

Tổng kết lại, ông cho rằng, Việt Nam có thể duy trì mô hình này vài năm nữa nhưng nên bắt tay viết một chương mới để tạo những nền tảng, thể chế mới cho quá trình phát triển tốt hơn.

Giáo sư nói: “Tôi sẽ rất buồn nếu báo cáo này chỉ được để trên giá sách. Tôi hy vọng phó Thủ tướng sẽ giao các cơ quan nhà nước sử dụng báo cáo này trong quá trình hoạch định chính sách”.

Tư Giang (lược thuật)

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn