Biển Đông sẽ ra sao sau cấp cao Trung-Mỹ?

TS Đinh Hoàng Thắng

clip_image001[4]

Ảnh: Reuters

Lợi ích của mỗi nước liên quan cần được hiện thực hóa bằng sức mạnh vừa đối lập vừa bổ sung cho nhau như Âm và Dương trong Đạo giáo. Việc giải quyết thỏa đáng các tranh chấp trong khu vực cần được xem như phép thử đối với độ trưởng thành của các mối quan hệ không chỉ giữa các nước lớn với nhau.

Cuộc họp ngày 24 và 25/1 tại Côn Minh do ngoại trưởng Trung Quốc triệu tập liệu có bàn về bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN?

Họp kín thượng đỉnh Trung-Mỹ có đề cập đến vấn đề Biển Đông không khi rõ ràng hai bên đã có sự "lắng nghe và thấu hiểu" về quan hệ liên Triều?

Sự "thiếu vắng" Biển Đông trong Thông cáo chung cũng như trong nội dung họp báo giữa tổng thống Obama và chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã gây nên sự chú ý và tăng thêm tính mập mờ trong quan điểm cũng như thỏa thuận hai bên (nếu có) về vấn đề nhạy cảm này.

Ba khả năng về Biển Đông

Cuộc họp Côn Minh được coi là sự kiện lớn trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc đầu năm nay. Đây là dịp kỷ niệm 20 năm hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, Bắc Kinh nỗ lực cùng ASEAN xúc tiến thực hiện chương trình "đối tác chiến lược" lên tầm cao mới. Sau ngày họp đầu tiên ở cấp chuyên viên, hôm sau, ngoại trưởng Dương Khiết Trì sẽ đón tiếp và họp cùng các vị đồng nhiệm ASEAN.

Báo chí Philippines cho hay Trung Quốc sẽ bàn với ASEAN về Biển Đông, "hai bên cố gắng đạt thỏa thuận mang tính ràng buộc hơn nhằm duy trì hòa bình và ổn định quanh quần đảo Trường Sa đang tranh chấp".

Trước đó, tại hội nghị không chính thức đầu năm giữa các ngoại trưởng ASEAN (ASEAN retreat) trên đảo Lombok ngày 16-17/1, ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cũng lên tiếng kêu gọi các bên cần xúc tiến tìm kiếm bộ Quy tắc ứng xử để thoát khỏi tình trạng bế tắc của các cuộc đàm phán về Biển Đông.

Tuy nhiên, cho đến ngày 24/1, chưa thấy các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc nhắc gì đến chủ đề này. Báo chí địa phương ở Côn Minh chỉ nêu vấn đề bom mìn còn sót lại từ cuộc chiến Trung-Việt.

Theo logic và lẽ phải thông thường, để xúc tiến quan hệ "đối tác chiến lược" giữa ASEAN và Trung Quốc, không thể không tính đến các diễn biến tình hình Biển Đông trong tầm trung hạn và dài hạn. Các khả năng có thể tính đến là:

i) Biển Đông sẽ giảm căng thẳng, các bên tìm kiếm giải pháp; ii) Căng thẳng tiếp tục mức hiện nay, nhưng có đàm phán ma-ra-tông, xen lẫn nhiều cuộc gặp đa phương như các cuộc 23/12/2010 và 25/1/2011 vừa qua; iii) Căng thẳng sẽ gia tăng khi quan hệ Mỹ-Việt, Mỹ-ASEAN được nâng lên thành "đối tác chiến lược", trong khi Trung-Mỹ vẫn gay gắt đối lập nhau quan điểm về Biển Đông?

Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Đồng Hiểu Linh trong một cuộc họp báo trước hội nghị Côn Minh đã bày tỏ, hội nghị ngoại trưởng lần này không sắp xếp thảo luận vấn đề Biển Đông. Nhưng do hội nghị áp dụng hình thức thảo luận tự do, cho nên nếu vấn đề Biển Đông được nêu lên thì sẽ có trao đổi.

Tuy nhiên, Trung Quốc không muốn vấn đề Biển Đông bị làm nóng lên tại bất kỳ đâu và ở bất kỳ thời điểm nào. Theo bà Đồng, ASEAN nên tập trung vào lĩnh vực hợp tác, tăng cường và củng cố mối quan hệ giữa hai bên.

Trả lời một nhà báo Việt Nam và Singapore, bà Đồng cảnh cáo rằng, việc làm nóng lên và phức tạp hóa vấn đề Biển Đông sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.

Giới phân tích cho rằng phát biểu của bà đại sứ Đồng nhằm ám chỉ Mỹ, sau khi ngoại trưởng Hillary Clinton năm ngoái đã kêu gọi các bên tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông và nói an toàn hàng hải trên đường biển này là lợi ích quốc gia của Mỹ.

Trước đó, một quan chức cấp cao Trung Quốc đã mô tả Biển Đông như một trong những “lợi ích cốt lõi” của mình và nhấn mạnh “chủ quyền không thể tranh cãi đối với vùng biển” mang tính chiến lược và có ý nghiã kinh tế cao.

Giới phân tích chờ đợi vấn đề Biển Đông được nêu lên trong chuyến thăm Mỹ của ông Hồ Cẩm Đào. Nhưng ông Hồ đã tỏ ra kín đáo đối với Biển Đông khi ông chỉ nhắc đến Đài Loan và Tây Tạng là liên quan đến “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.

Vấn đề Biển Đông đã không được nêu công khai trong bất cứ văn kiện nào của chuyến thăm thượng đỉnh vừa qua, nhưng chuyên gia Ernest Bower từ Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington vẫn nhận xét:

“Dù Trung Quốc không muốn thảo luận với Mỹ về Biển Đông, các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ chắc chắn vẫn sẽ nêu vấn đề này”.

Hiện nay đang có sự mong đợi rằng, Trung Quốc và các quốc gia ĐNÁ sẽ đối thoại về bộ Quy tắc ứng xử giúp các bên liên quan đến vùng biển này hướng đến một dàn xếp cuối cùng.

Tuy nhiên, khó khăn là ở chỗ, đứng về dài hạn, Trung Quốc muốn Mỹ rời khỏi Đông Á, trong khi Mỹ và các đồng minh lại muốn thấy sự hiện diện thường xuyên của Washington tại khu vực này. Về ngắn hạn, Biển Đông là nơi một phần của mâu thuẫn này sẽ biến thành thách thức đối với chính sách của mỗi bên.

Không chỉ là vấn đề địa-chính trị

Khi bàn về khả năng thỏa thuận Trung-Mỹ trên một số hồ sơ, giáo sư Stephen Walt (đại học Havard) đã trả lời phỏng vấn trên VNN mới đây:

"Bên cạnh những gì chúng ta biết được họ (Mỹ, Trung Quốc) trao đổi một cách công khai thẳng thắn, cũng cần phải chú ý đến những điều họ sẽ không nói ra hoặc nói nhưng không để cho chúng ta nghe được".

Những diễn tiến "tai nghe mắt thấy" trong năm 2011 sẽ trả lời câu hỏi: "Có hay không có thỏa thuận về Biển Đông giữa Trung Quốc và Mỹ?".

Mức độ căng thẳng về Biển Đông sắp tới sẽ hé lộ khả năng thúc đẩy Tuyên bố về ứng xử lên thành bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông  (DOC lên COC) nhanh hay chậm.

Tuy Trung Quốc đã ký Tuyên bố chung về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC), nước này vẫn không chịu bàn về bộ Quy tắc ứng xử (COC) mà chỉ muốn đàm phán với từng nước một.

Thậm chí cho đến nay, Trung Quốc chỉ thừa nhận đã ký DOC với từng nước ASEAN, chứ không phải ký với ASEAN như với một Hiệp hội. Trung Quốc vẫn chống lại cách tiếp cận đa phương về Biển Đông.

Năm ngoái, trong thời gian làm chủ tịch ASEAN, một sự thừa nhận chung cho rằng, Việt Nam đã tổ chức được một diễn đàn vừa khu vực (ASEAN), vừa quốc tế (EAS) khá hiệu quả.

Mặc dù bị sức ép mạnh từ Trung Quốc đòi gạt vấn đề Biển Đông ra khỏi nghị trình tại các diễn đàn này, nhưng với cương vị lãnh đạo, Việt Nam đã bảo đảm  để các vấn đề cần thiết liên quan đến Biển Đông được nêu lên.

Phần lớn các nước tham gia đã hài lòng với mức độ hợp tác và sự cố gắng của các bên trong việc hướng giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp đa phương.

Sau cấp cao Trung-Mỹ, ngày 24/1, mạng "Thời báo hoàn cầu" (Trung Quốc) nhấn mạnh ba yếu tố đóng vai trò như ba trụ cột cho tương lai quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington: duy trì lòng tin chiến lược, tìm kiếm điểm tăng trưởng lợi ích chung và tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau.

Tuy nhiên, Trung Quốc và Mỹ ngày càng có nhiều va chạm lợi ích cả về song phương lẫn trên bình diện toàn cầu. Vấn đề Biển Đông tuy mới nổi lên gần năm nay nhưng không kém phần gay gắt. Việc định vị quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai vẫn là một việc khó khăn.

Bang giao Trung-Mỹ sau thượng đỉnh Washington vẫn đứng trước hai khả năng: xấu đi (căng thẳng tiếp tục như năm qua) hoặc tốt lên (chồng lấn về lợi ích sẽ kiềm chế mâu thuẫn, thúc đẩy hợp tác).

Quan hệ Trung-Mỹ-ASEAN đã trải qua nhiều thăng trầm. Vì quan hệ tay ba này là một biến số của bang giao Trung-Mỹ nên trước mắt cũng bấp bênh, một khi phương hướng quan hệ Trung-Mỹ chưa rõ ràng.

Trung Quốc ngày càng trở thành đối tác quan trọng của ASEAN về kinh tế, sau một năm thực hiện tự do thương mại, kim ngạch buôn bán đạt gần 293 tỷ đôla trong (năm 2010). Trung Quốc thành bạn hàng lớn nhất của ASEAN, còn ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc.

Nhưng chính sự chần chừ của Trung Quốc trong việc tìm kiếm COC có thể làm cho mọi chuyện diễn biến theo chiều hướng xấu. Tác giả Michael Richardson từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Singapore đã nhận xét về một bài viết trên “Nhân dân nhật báo” như sau:

Ngày 5/1 mới đây, trong bài viết trên cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bình luận gia quen thuộc Lý Hồng Mai lại tiếp tục khẳng định: "Biển Đông liên quan tới chủ quyền của Trung Quốc, bởi vậy luôn là chủ đề nóng". Nhưng thực tế vị thế pháp lý của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông và quần đảo Trường Sa yếu hơn so với các quốc gia tranh chấp khác.

Mỹ và các nước châu Á vốn đã cảnh giác trước các động thái mạnh bạo của Trung Quốc năm qua, từ Biển Đông đến Hoàng Hải, Đông Hải. Sau cấp cao Trung-Mỹ, sự cảnh giác này càng được nâng cấp.

"Thái độ ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc khiến các nước trong khu vực quan ngại rằng, một lúc nào đó nước này sẽ dùng vũ lực để chiếm những gì không thể giành được qua đàm phán." Chuyên gia được trích dẫn trên đây từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á khẳng định.

Muốn thuyết phục Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán đa phương, điều thiết yếu là các nước, trước hết là các cường quốc, phải cùng chung một mối quan tâm và phải hợp tác với nhau.

ASEAN năm nay do Indonesia làm chủ tịch có mối quan hệ đặc biệt với các nước lớn là Trung, Mỹ, Nhật, Nga và Ấn độ đã đưa ra một số sáng kiến để thoát khỏi bế tắc hiện nay trong đàm phán về Biển Đông.

Trong khi một số nước ASEAN lo ngại về khả năng vấn đề Biển Đông sẽ bị thụt lùi trong thời gian tới, các quan chức của Indonesia, với tư cách chủ tịch năm 2011 liên tục nhấn mạnh tính cấp thiết và tầm quan trọng của việc đạt được COC.

Cảnh báo rằng Biển Đông không được phép trở thành nơi chốn của "ngoại giao pháo hạm và chính trị cường quyền", ngoại trưởng Marty Natalegawa khẳng định thúc đẩy quá trình COC tiến triển là một ưu tiên của Jakarta và Indonesia muốn can dự hoàn toàn với Trung Quốc, và đương nhiên với tất cả các đối tác liên quan khác.

Nhìn Trung Quốc trên bản đồ Đông Á có thể nhận ra hai bán đảo Triều Tiên và Đông Dương như là cái đuôi và đôi chân của chú gà trống dũng mãnh!

Một khi Trung Hoa thức giấc, nó không thể thiếu được đôi chân trong cuộc “trường chinh” mới vạn dặm. Nhưng lợi ích mỗi nước, dù là đại cường, cần được hiện thực hóa bằng sức mạnh vừa đối lập vừa bổ sung cho nhau như Âm và Dương trong Đạo giáo.

Việc giải quyết thỏa đáng các tranh chấp trong khu vực cần được xem như phép thử đối với độ trưởng thành của các mối quan hệ không chỉ giữa các nước lớn với nhau.

Đ. H. T.

Nguồn: Tuanvietnam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn