Trung Quốc cảnh báo Asean về Biển Đông

clip_image001  

Bà Đồng Hiểu Linh nói Asean không nên sợ Trung Quốc

 

Đại sứ Trung Quốc tại Asean cảnh báo khối Đông Nam Á không nên để chủ đề Biển Đông làm xấu quan hệ giữa hai bên.

Báo The Straits Times của Singapore dẫn lời Đại sứ Đồng Hiểu Linh nói một số thế lực đang muốn tranh chấp lãnh thổ Biển Đông trở thành cái gai trong quan hệ giữa Trung Quốc và Asean, nhưng Trung Quốc hy vọng các nước Asean sẽ không để bị lôi kéo.

"Chúng ta cần cẩn trọng, nhất là khi các thế lực có mưu đồ biến chủ đề này thành chướng ngại vật trong quan hệ Trung Quốc - Asean".

Bà Đồng cảnh báo: "Làm lớn chuyện này không có lợi cho ai cả".

Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ có cuộc gặp quan trọng tại Côn Minh vào thứ Ba 25/01.

Giới phân tích cho rằng phát biểu của bà Đồng Hiểu Linh nhằm ám chỉ Hoa Kỳ, sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton kêu gọi các bên tìm giải pháp cho vấn đề Biển đông và nói an toàn hàng hải là quan tâm quốc gia của Mỹ hồi năm ngoái.

Bà Đồng cũng lặp lại quan điểm rằng Bắc Kinh sẽ giải quyết tranh chấp với từng nước trên cơ sở song phương.

Bà nói đây không phải vấn đề giữa Trung Quốc và cả khối Asean, và không thể để nó chen vào nghị sự cuộc họp nhân 20 năm đối thoại Trung Quốc- Asean.

Đại sứ Trung Quốc nói với các phóng viên Việt Nam và Singapore tại một cuộc họp báo: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng hội nghị sắp tới không phải về chủ đề Biển Đông".

Bà cho hay các Ngoại trưởng họp tại thủ phủ tỉnh Vân Nam sẽ bàn về tự do thương mại, an ninh phi truyền thống và trao đổi xã hội.

Theo bà, người dân các nước Đông Nam Á còn có nhiều sự hiểu lầm về Trung Quốc.

"Phải làm sao để (các nước Asean) thấy rằng chúng ta là cùng hội cùng thuyền".

"Để cho họ không sợ Trung Quốc, dù rằng chúng tôi là nước lớn và phát triển vô cùng nhanh chóng".

Khả năng xung đột

Trung Quốc là nước lớn và mạnh nhất về cả kinh tế và quân sự nên cách tiếp cận này sẽ cho phép Bắc Kinh chế ngự các nước láng giềng yếu hơn và gây chia rẽ trong Asean.

Phân tích gia Michael Richardson

Trong khi đó, cũng báo The Straits Times đưa ra cảnh báo về khả năng xung đột Biển Đông sẽ bùng nổ.

Trong một bài phân tích của tác giả Michael Richardson từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Singapore, cây bút này viết rằng sự chần chừ của Trung Quốc trong việc tìm kiếm một Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông có thể làm phức tạp thêm tình hình.

Tác giả Richardson phân tích rằng hiện tình hình giao thương giữa Asean và Trung Quốc đang phát triển tốt đẹp, sau một năm thực hiện tự do thương mại, ngân sách buôn bán hai bên nay đạt gần 293 tỷ đôla trong năm 2010.

Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn nhất của Asean.

Theo bài viết trên Straits Times, trong khi kinh tế sẽ được Trung Quốc thúc đẩy như chủ đề chính tại cuộc họp, các nước Asean vẫn có thể muốn đề cập tới vấn đề Biển Đông và như vậy, tranh cãi sẽ lại nổ ra.

"Tuy Trung Quốc đã ký Tuyên bố chung về cách ứng xử ở Biển Đông với Asean, nước này vẫn không chịu bàn về Quy tắc ứng xử chung với Asean mà chỉ muốn đàm phán với từng nước một".

Tác giả nhận định: "Trung Quốc là nước lớn và mạnh nhất về cả kinh tế và quân sự nên cách tiếp cận này sẽ cho phép Bắc Kinh chế ngự các nước láng giềng yếu hơn và gây chia rẽ trong Asean".

Theo cây bút này, chính sách của Trung Quốc có hiệu quả khi mà một số nước Đông Nam Á không vướng vào tranh chấp Biển Đông đã tỏ ra ngại ngần trong việc tham gia bất cứ động thái nào có thể làm mất lòng nước lớn.

Indonesia, quốc gia Chủ tịch Asean năm nay, đã cố gắng tìm đột phá về Quy tắc ứng xử Biển Đông, nhưng cho tới nay vẫn chưa thành công.

Hôm 05/01, trong bài viết trên cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tờ Nhân dân Nhật báo, bình luận gia quen thuộc Lý Hồng Mai lại tiếp tục khẳng định: "Biển Đông liên quan tới chủ quyền của Trung Quốc, bởi vậy luôn là chủ đề nóng".

Theo cây viết Richardson, xung quanh quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh hiện đang trong vị thế yếu hơn so với các quốc gia tranh chấp khác.

"Tuy nhiên, thái độ ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc khiến các nước trong khu vực quan ngại rằng, một lúc nào đó nước này sẽ dùng vũ lực để chiếm những gì không thể giành được qua đàm phán".

clip_image002

Nguồn: BBC

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn