Cân bằng với Trung Quốc thông qua Việt Nam

Richard Weitz

imageViệc các phương tiện truyền thông vừa phô bày chiến đấu cơ tàng hình mới J-20, rồi dự kiến sẽ sớm xuất hiện tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc và chuyến thăm đầy băn khoăn của Bộ trưởng Gates đến quốc gia này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng phải duy trì tốt các mối quan hệ an ninh giữa Hoa Kỳ với các nước láng giềng xung quanh Hoa lục. Các ràng buộc quốc phòng với Hàn Quốc vẫn được thắt chặt, trong khi với Nhật Bản, các quan hệ này đã phục hồi từ suy thoái năm ngoái, một phần nhờ chính sách đối đầu của Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và Tokyo. Thế nhưng quan hệ an ninh Hoa Kỳ - Việt Nam lại tụt hậu một chút do di chứng của sự đối đầu và một số yếu tố khác. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã trở nên khắng khít hơn trong những năm gần đây, mặc dù họ vẫn tiếp tục bất đồng về chính sách nhân quyền và các vấn đề trong nước khác của Việt Nam. Hiện nay, sự hợp tác giữa hai nước được mở rộng, vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế và chương trình tìm kiếm hài cốt quân nhân, để giành thế chủ động ngoại giao nhằm chống lại các yêu sách bành trướng trên biển của Bắc Kinh.

Trong năm 2009, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ thông báo sẵn sàng cấp phép xuất khẩu các thiết bị quân sự "không gây chết người" (non-lethal) cho Việt Nam. Đầu tháng 8/2010, Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận bắt đầu các cuộc đàm phán Việt - Mỹ về một thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự. Cũng trong tháng đó, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tổ chức những cuộc hội đàm quốc phòng chính thức đầu tiên và lực lượng hải quân hai nước đã bố trí các bài tập đầu tiên giữa họ kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Tàu khu trục USS John McCain hướng dẫn thực hiện các bài tập với các tàu hải quân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, hàng không mẫu hạm USS George Washington đã tổ chức đón một phái đoàn kết hợp dân-quân sự của Việt Nam lên thăm ngay khi đang “dong buồm” trong vùng tranh chấp ở Biển Đông.

Các mối đe dọa

Việt Nam có chung một đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc, điều “bất hạnh” này là nguyên nhân dẫn đến không biết bao nhiêu cuộc xâm lược từ phương Bắc và các cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước trong hàng thế kỷ, lần gần đây nhất xảy ra vào cuối những năm 1970. “Họa vô đơn chí” cho Việt Nam, căng thẳng Trung-Việt thời gian gần đây lại chủ yếu liên quan đến Biển Đông (hay Biển Nam Trung Hoa). Vùng nước rộng 3,5 triệu cây số vuông này bao gồm các quần đảo, khoáng sản (trữ lượng dầu mỏ, khí đốt) và tuyến đường biển bị tranh chấp bởi các quốc gia trên tất cả các bờ. Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tất cả các quần đảo nhỏ ở Biển Đông, còn Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan tuyến bố chủ quyền một phần các đảo. Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là những hòn đảo nổi tiếng nhất khu vực, người ta cho rằng chúng được bao quanh bởi trữ lượng dầu và khí đốt dưới đáy biển.

Hải quân Việt Nam đã chiến đấu với người Trung Quốc trên các quần đảo này suốt những năm giữa thập niên 1970 và cuối những năm 1980. Trung Quốc đã chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, khi Việt Nam còn đang mải mê với cuộc nội chiến, và từ đó thành lập các đơn vị quân sự đồn trú tại đây. Nhà cầm quyền Trung Quốc cũng đã cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt trong vùng Biển Đông và bắt giữ các tàu cá của họ. Toàn bộ các ngư phủ và tàu thuyền chỉ được thả sau khi phải trả những khoản tiền phạt nặng. Người Trung Quốc cũng đã đang cảnh báo các công ty năng lượng phương Tây không được tiến hành đàm phán các hợp đồng khoan dầu ngoài khơi với chính phủ Việt Nam.

Phần lớn trữ lượng dầu của Việt Nam nằm ngoài khơi vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hơn nữa, Việt Nam phải quan tâm theo đuổi việc tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa giàu tiềm năng, bởi sự giảm sút sản lượng dầu trong nước cộng với việc tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng có thể khiến Việt Nam trở thành nước nhập khẩu dầu. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng giao nhau bởi các tuyến hàng hải thương mại xuất phát từ các cảng ở Việt Nam và nó cũng chính là khu vực đánh cá và nuôi trồng thủy sản mở rộng của Việt Nam. Tinh thần dân tộc cũng đóng một vai trò. Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp Việt Nam khi Trung Quốc công khai tuyên bố quần đảo Hoàng Sa nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền tự trị tỉnh đảo Hải Nam vào năm 2008. Thêm một nguy cơ tiềm tàng có thể dẫn tới xung đột với Trung Quốc nữa đó chính là sông Mekong. Việt Nam là điểm cuối cùng mà con sông này đi qua trước khi nó đổ ra biển, thế nên Mekong là nguồn nước tưới cho cả đồng bằng sông Cửu Long thuộc miền Nam Việt Nam. Vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long chiếm một nửa sản lượng vụ mùa của Việt Nam và là yếu tố quyết định giúp Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo - một nguồn thu ngoại tệ quan trọng đối với nhà cầm quyền Hà Nội. Đồng bằng sông Cửu Long đang bị 2 mối đe dọa lớn đó là mực nước biển dâng cao và dòng chảy bị thay đổi do việc xây đập ngày càng nhiều ở khu vực thượng nguồn thuộc Trung Quốc. Những điều này khiến cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long dễ gặp nguy hiểm khi độ mặn và xói mòn đất gia tăng.

Phản ứng

Việt Nam tiếp tục nung nấu tinh thần độc lập dân tộc dưới một hình thức mạnh mẽ và quyết chiến, điều đã được “thiết kế” để biến Việt Nam thành một "con tôm tẩm độc" mà một khi đã ngoạm phải, Trung Quốc sẽ không thể tiêu hóa. Theo sau Chiến tranh Lạnh cũng là việc chấm dứt các khoản trợ cấp kinh tế và quốc phòng hậu hĩ từ các thành viên khối Liên Xô khác, Việt Nam đã điều chỉnh lại tư thế quân sự của mình bằng cách rút khỏi Campuchia và giải quyết tranh chấp biên giới đất liền với Trung Quốc.

Tuy nhiên, với gần 500.000 binh sĩ trong tay, Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang sở hữu một trong mười đội quân lớn nhất thế giới. Ngoài ra, chính phủ vẫn khăng khăng trong việc tiếp tục mua các hệ thống vũ khí của nước ngoài để bù đắp cho lực lượng quân đội phần lớn được huấn luyện theo cách đánh du kích và các kỹ thuật chiến đấu truyền thống.

Năm 2009, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt 92,4 tỷ USD và ngân sách quốc phòng cùng năm lên đến 4 tỷ USD, tức chiếm khoảng 2% GDP. Dự đoán lạc quan nhất về ngân sách được dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam (VPA) vào năm 2018, giả định rằng khoảng 5% GDP quốc gia chi cho quốc phòng, tức chừng 10 tỷ USD, đó chính là con số tương đương với chi tiêu quốc phòng năm 2009 của Đài Loan.

Nhưng nếu như chi tiêu 5% GDP cho quốc phòng là một điển hình của các nước phát triển và thịnh vượng hơn, thì hầu hết các nước thành viên ASEAN dành 3% GDP cho nó. Theo đó, con số tương ứng 3% GDP của Việt Nam, là khoảng 5,5 tỷ USD chi tiêu cho quốc phòng vào năm 2018… Mặc dù vậy, việc mua vũ khí nước ngoài có thể tăng thêm nếu quân đội giảm quân số các cấp.

Tiếp nối Liên Xô, Nga tiếp tục là nhà cung cấp chính các loại vũ khí tinh vi cho Việt Nam, mặc dù mối quan hệ giữa Moscow và Hà Nội hiện nay dựa trên những cân nhắc thương mại và chiến lược hơn là sự tương đồng ý thức hệ (như trước đây). Các công ty Canada và châu Âu cũng đã bán một số vũ khí cho Trung Quốc.

Mặc dù không cung cấp các loại vũ khí chính cho Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ đã nới lỏng các hạn chế chuyển giao từ thời Chiến tranh Lạnh. Ngoài ra, các nhà ngoại giao Mỹ đã tỏ ra quan tâm đến đối tác Việt Nam trong công cuộc chống lại tuyên bố lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hiện nay, chính quyền Obama cho biết đã sẵn sàng bán các mặt hàng quân sự “không gây chết người” cho Việt Nam. Tất nhiên, định nghĩa chính xác của từ "không gây chết người" được bỏ ngỏ ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Hải quân

Hải quân nhân dân Việt Nam (VPN) dành phần lớn nguồn lực của mình để giám sát các hoạt động của các lực lượng hải quân nước ngoài và các đội tàu đánh bắt cá cũng như chống buôn lậu và cướp biển. Chiến lược chủ chốt của hải quân Việt Nam có thể tóm tắt trong nhiệm vụ xua đuổi, ngăn chặn lực lượng địch từ hoạt động tuần tra trong vùng biển Việt Nam, hơn là chủ ý tìm cách phô bày sức mạnh. Nga là nhà cung cấp chính tàu chiến cho Việt Nam.

Nga đã chuyển giao 2 chiếc hải phòng hạm Gepard, mỗi chiếc trang bị 8 tên lửa chống tàu KH-35U và trọng tải rẽ nước tiêu chuẩn 1.500 tấn, cho hải quân Việt Nam trong năm 2009 và 2010. Đây là những chiến binh trên biển lớn nhất của Việt Nam.

Nga và Việt Nam hiện đang đàm phán việc cung cấp thêm 2 chiếc Gepard nữa và chúng có khả năng sẽ được đóng theo giấy phép tại các xưởng đóng tàu của Việt Nam. Nhiệm vụ hàng đầu của hải phòng hạm Gepard thuộc lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam sẽ là ngăn chặn các hoạt động thương mại hàng hải của kẻ thù và giao chiến với các tàu có hành động tấn công, với tư cách là chủ sở hữu nguyên thủy các quần đảo ở Biển Đông. Trước đây, hải quân Việt Nam còn được trang bị máy bay siêu thanh, tên lửa chống tàu P-270 Moskit và P-800 Oniks từ Nga.

Trong năm 2009, Việt Nam đã ký một hợp đồng trị giá 1,8 tỷ USD để mua 6 tàu ngầm tấn công thuộc lớp Kilo quy chuẩn. Thỏa thuận này cũng bao gồm việc người Nga sẽ hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng các căn cứ tàu ngầm theo cấu trúc Nga. Các tàu ngầm Kilo - tuy bị giới hạn về tốc độ, độ bền và công suất ắc quy, nhưng lại vận hành êm ả và được vũ trang khá tốt với ngư lôi và tên lửa chống tàu.

Chúng có thể lợi dụng điểm yếu cố hữu của hải quân Trung Quốc trong phạm vi chiến tranh chống tàu ngầm nhằm quan sát, theo dõi các bài tập trận của hải quân hoa lục cũng như các nước khác. Chúng cũng có thể giúp Việt Nam thoát ra khỏi bất kỳ sự phong tỏa nào của hải quân nước ngoài. Tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam có xuất xứ từ Bắc Triều Tiên, đó là 2 chiếc tàu ngầm mini thuộc lớp Yugo mà Hà Nội đã mua vào năm 1997 với mục đích gián điệp và xâm nhập.

Trong những năm tới, có khả năng hải quân Việt Nam sẽ tập trung tìm mua những tàu chiến nhỏ mới thuộc loại tàu hộ tống hoặc tàu khu trục (với trọng tải rẽ nước từ 1.000 đến 4.000 tấn) nhằm hỗ trợ cho cả hoạt động tuần duyên lẫn thu thập kinh nghiệm khi vận hành chung với các tàu chiến lớn. Việt Nam cũng có thể sử dụng thêm các phương tiện vận chuyển hải quân để liên tục củng cố các đơn vị đồn trú đảo.

Không quân

Canada đã nổi lên như là một nguồn cung cấp chính máy bay quân sự cho Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam đã mua 6 chiếc máy bay đổ bộ DHC-6400 Twin Otter từ Canada với giá 500 triệu USD. DHC-6400 là một loại máy bay phi kích (noncombatant) chủ yếu được thiết kế để tìm kiếm cứu nạn, tuần tra hàng hải và đổ bộ thủy quân. Cảnh sát biển Việt Nam (có chức năng tương tự như Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ - US Coast Guard) đã mua 3 máy bay giám sát C212 và hệ thống radar MSS 6000 vào năm 2008 từ các hãng sản xuất châu Âu. Trong những năm 1990, Việt Nam mua một tá chiến đấu cơ cường kích Su-27 Flankers. Năm 2009, Việt Nam đã nhận 8 máy bay tiêm kích Su-30MMK và đặt thêm một tá chiếc tương tự vào năm sau với số tiền chi ra là 1 triệu USD.

Hầu hết các chiến đấu cơ mạnh nhất trong kho vũ khí của Lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam đều thuộc dòng Sukhoi Flanker, duy nhất Việt Nam có thế hệ thứ tư của dòng máy bay này. Chúng tỏ ra rất cơ động và có thể bay xa. Được trang bị tên lửa không chiến tầm xa R-77 và tên lửa R-27 tầm ngắn, trên lý thuyết, đạo quân này là đối thủ xứng hợp với bất cứ thứ gì mà Trung Quốc có thể đưa ra. Năm 2005, Việt Nam cũng mua 40 chiếc Su-22M second-hand, loại vừa tiêm kích vừa oanh tạc (fighter-bombers).

Su-22 có thể được sử dụng để hỗ trợ cho Su-30MKK trong nhiệm vụ tấn công trên biển cũng như có thể là một đài yểm trợ cận chiến. Trong báo cáo gửi Ủy ban đăng ký vũ khí thông thường Liên Hiệp Quốc (UNROCA), Cộng hòa Séc và Ukraine cũng cho biết họ đã lần lượt bán 5 và 3 chiếc Su-22M3s cho Việt Nam.

Trong tương lai, Không quân nhân dân Việt Nam có thể sẽ rất cần loại máy bay tiêm kích một động cơ hiện đại thay thế cho 200 chiếc MiG-21 đã lỗi thời. Việc thay thế MiG-21 rất có thể sẽ cần đến những loại máy bay đa nhiệm mang được các tên lửa tầm xa không-đối-không và các loại vũ khí tấn công chính xác được hướng dẫn từ mặt đất. Các ứng viên cho nhu cầu này với chi phí thấp có thể sẽ là loại LCA của Ấn Độ, MiG 29, Saab Gripen của Thụy Điển, Mirage 2000 hoặc những chiếc F-16 bán cải tiến (MLU). Trớ trêu thay, cuộc họp giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi tháng 01/2008 đã đưa ra khả năng Không quân Việt Nam có thể chọn mua chiến đấu cơ JF-17 giá rẻ của Trung Quốc (đồng sản xuất với Pakistan). Không quân nhân dân Việt Nam có thể cũng đang xem xét để có được máy bay tiếp liệu trên không cho loại máy bay Flanker của mình, nhằm tăng tầm hoạt động và thời gian bay của loại chiến đấu cơ này.

Lục quân

Nga đã thiết kế và xây dựng hệ thống phòng không hiện đại cho Việt Nam. Hai khẩu đội pháo, gồm tổng cộng mười hai bệ phóng cho loại tên lửa tầm xa đất đối không khét tiếng S-300PMU1 của Nga, đã được mua vào năm 2003. Chúng có tầm bắn 125 km. Mỗi khẩu đội, sáu bệ phóng, lần lượt được triển khai tại thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TPHCM. Việt Nam còn có một số lượng lớn súng phòng không rải đều khắp đất nước.

Quân đội nhân dân Việt Nam không có các loại trọng pháo tự hành hoặc xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại, đó là một bất lợi trong cuộc chiến trên bộ với Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa. Israel đã nâng cấp loại tăng T-55 của Việt Nam với ngòi nổ thụ động và giáp phản lực được cải thiện, một khẩu pháo 125mm lớn hơn và hệ thống điều khiển khai hỏa của Ba Lan, nhưng đây là một biện pháp tạm thời cho đến lúc Việt Nam sẽ sớm cần những chiếc tăng mới thay thế những chiếc T-55 nhỏ bé với những hạn chế cố hữu về động cơ, đạn dược và phòng thủ.

Với địa hình của hầu hết đường biên giới là đầm lầy hoặc núi, Quân đội nhân dân Việt Nam không thể tìm mua các loại xe tăng chiến đấu chủ lực có trọng lượng trên 60 tấn, điều này có nghĩa hầu hết các loại tăng của phương Tây như Leopard II và M1 Abrams đều không phù hợp. Rất có thể cái họ cần sẽ là loại T-90, với trọng lượng khoảng từ 45 đến 50 tấn. T-90 cũng ít đòi hỏi tiếp vận hơn hầu hết các loại xe tăng của NATO nhưng vẫn mang hỏa lực đáng kể.

Việt Nam đã bản địa hóa nhiều xe bọc thép M113 thu được từ quân Mỹ và Quân lực miền Nam Việt Nam, nhưng những cố gắng hiện đại hóa này chứng minh sự khó khăn do chính sách trừng phạt vũ khí của Mỹ đối với Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam còn mong muốn cải tiến các loại xe bọc thép khác mà mình có, như thay thế các khẩu pháo, các ụ súng từ xa thứ cấp, thiết bị hình ảnh trực quan, tua bin khí đốt hay các động cơ diesel tốt hơn. Giàn phóng tên lửa BM-21 Grad của Việt Nam, được triển khai lần đầu tiên năm 1963, có thể sẽ được thay thế bằng một loại vũ khí đánh chặn mới.

Người Mỹ có thể bán “hàng”

Trong quá khứ, những quan ngại chính trị ở quốc nội đã cản trở Hoa Kỳ bán vũ khí cho Việt Nam. Điều này bao gồm những ký ức đau đớn về chiến tranh Việt Nam, chính phủ Việt Nam ngược đãi người Hmong, các nhóm dân tộc thiểu số Degar, đàn áp những người bất đồng chính kiến và sự chống đối mạnh mẽ của cộng đồng người Mỹ gốc Việt đối với sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khi cân nhắc chính sách đối ngoại, lại có thêm những trở ngại khác. Bao gồm những âu lo gây tổn hại đến quan hệ giữa Hoa Kỳ với nhiều đồng minh truyền thống ở Đông Nam Á, đặc biệt là Singapore và Thái Lan. Cả hai đều đã được xác định là những đồng minh chiến lược ngoài NATO và Thái Lan đã từng đụng độ với Việt Nam ở biên giới Campuchia trong những năm 1980. Các quan chức Trung Quốc có lẽ cũng sẽ phản đối việc chuyển giao nhiều hệ thống vũ khí sát thương của Hoa Kỳ cho Việt Nam và có thể trả đũa bằng cách gửi nhiều vũ khí hơn đến các chế độ thù địch với Hoa Kỳ.

Việt Nam sở hữu một số lượng khá lớn các loại vũ khí có nguồn gốc từ Mỹ sau cuộc nội chiến. Bao gồm các chiến đấu cơ F-5 Tiger, máy bay không kích OV-10 Bronco, máy bay vận tải C-130 Hercules, trực thăng UH-1 Huey, thiết vận xa M-113 và xe tăng M-48. Hầu hết các loại vũ khí này đã được “nghỉ hưu do tuổi tác” hoặc thiếu bảo trì và phụ tùng thay thế, nhưng các máy bay vận tải, trực thăng và xe bọc thép do Mỹ chế tạo vẫn được sử dụng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và có thể đã được người Mỹ nâng cấp để tăng cường độ an toàn, phạm vi hoạt động, tải trọng, các hệ thống điện tử và các động cơ tiết kiệm nhiên liệu.

Quân đội nhân dân Việt Nam đã đặt ưu tiên cao cho việc củng cố các đơn vị đồn trú đảo, cho thấy Việt Nam có thể bị động với những tàu chiến trống trơn, không vũ khí và đã ngừng hoạt động của quân đội Mỹ. Hoa Kỳ đã bán nhiều chiếc dương vận hạm (chứa tăng) lớp Newport cho Úc, Chile, Mexico, Ma Rốc, Tây Ban Nha và Đài Loan. Loại tàu này được thiết kế thân thon thoải giúp giảm tải ở vùng nước nông, chẳng hạn như ở vùng duyên hải quần đảo Trường Sa. Các loại tàu đổ bộ có boong đỗ máy bay như Ex-USN và Austin đã lần lượt được bán cho Đài Loan và Ấn Độ. So với dương vận hạm, các loại tàu này được tăng cường khả năng hỗ trợ các hoạt động của trực thăng và sẽ nâng cao khả năng tìm kiếm, cứu hộ trên biển của Việt Nam.

Có thể Việt Nam cũng muốn có các loại trực thăng vận tải của Hoa Kỳ. Những chiếc S-70 Seahawks và UH-60 Blackhawks khá hấp dẫn đặc trưng kiểu Mỹ, ngoài việc mang tải vượt hơn 4 tấn, chúng có thể được tối ưu hóa để tác chiến trên biển, ở tầm cao và các phi vụ ban đêm. Thú vị không kém là CH-47 Chinook, loại trực thăng vận tải hạng nặng, có thể được sử dụng cho cả các hoạt động không vận và tiếp tế cho các tiền đồn xa trên núi, gần biên giới Trung Quốc. Các vận tải cơ C-130J Super Hercules và C-27A Spartan là những chọn lựa lý tưởng cho nhu cầu không vận của Việt Nam. Hai loại này có thể mang trọng tải lần lượt là 20 và 11 tấn, có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn, địa hình gồ ghề, do đó nó còn có thể rất hữu ích trong việc phân phối cứu trợ nhân đạo khi có các thiên tai xảy ra.

Trước đây, người Việt Nam đã nỗ lực tự sản xuất các phương tiện không người lái trên không với sự giúp đỡ của Israel nhưng không thành công. Các máy bay không người lái MQ-1 Predator và RQ-7 Shadow (tấn công tầm ngắn) sẽ là các vũ khí có độ bền lâu dài, khó phát hiện (bởi radar) và chi phí thấp giúp giám sát hiệu quả đường biên giới trải dài trên bộ và trên biển của Việt Nam.

Các máy bay không người lái cũng sẽ giúp cho việc phối hợp hành quân giữa lục quân và hải quân. Có thể cũng rất có lợi cho Việt Nam nếu tậu được loại máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AEW&C), như E-2T Hawkeye, đây là loại máy bay được tăng cường khả năng xử lý dữ liệu từ chiến trường, xử lý radar và truyền tin. “Nước cờ” AEW&C sẽ giúp Việt Nam có khả năng đương đầu với các máy bay KJ-2000 và KJ-200 của Trung Quốc, Phalcon Gulfstream của Singapore và Erieye Saab 340 của Thái Lan.

Hiện đại hóa quân đội cũng đòi hỏi sự đổi mới các hệ thống điều khiển và truyền tin của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nếu quan hệ Mỹ-Việt được cải thiện đáng kể, Việt Nam có thể có cơ hội để mua những máy vô tuyến tương đương Link 11 và 16, hoặc các hệ thống truyền tin đa chức năng như MIDS/LVT-1 nhằm tăng lưu lượng thông tin và an toàn cả hai mức chiến lược và chiến thuật. Sự gia tăng các khả năng xử lý tình huống và tốc độ ra quyết định từ các hệ thống lệnh số hóa sẽ cho phép Việt Nam phối hợp tác chiến trên không, trên bộ và trên biển tốt hơn…

Cuối cùng, cuộc chiến Việt Nam còn để lại hàng chục ngàn tấn bom, mìn, đạn pháo, bẫy mìn và các loại chất nổ chưa sử dụng khác khắp đất nước này, ở cả các khu đô thị đông dân cư và nông thôn. Các loại xe bọc thép chống mìn và thiết bị nổ (MRAP) và xe dọn mìn M60 Panther do Mỹ chế tạo sẽ giúp nâng cao hiệu quả, tốc độ và tính an toàn cho nỗ lực gỡ mìn của người Việt Nam, mà phần nhiều trong số đó hiện đang được thực hiện bằng tay.

Quốc Ngọc dịch từ http://www.sldinfo.com/?p=14664

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn