Con nhà lính, tính nhà quan!

Nguyễn Quang Thân

imagePN - Theo tính toán của Bộ Công thương, trong tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu năm 2010 sắp qua, Việt Nam dành 10 tỷ trong hơn 80 tỷ đô la nhập khẩu để nhập các mặt hàng thuộc diện không khuyến khích.

Mặt hàng diện “không khuyến khích” gồm những thứ không là nhu yếu phẩm của đời sống và sản xuất, chủ yếu là những thứ xài sang của nhà giàu, như ô tô, mỹ phẩm cao cấp v.v... Đáng ngạc nhiên là chúng ta đã nhập tới 264 triệu đô la trái cây, là thứ hàng nước ta luôn có nguy cơ khủng hoảng thừa và cũng có nhiều thứ nổi tiếng ngon nhưng vẫn bị chê do sính đồ ngoại. Điều ấy có nghĩa là, tuy vẫn thuộc hạng nước nghèo nhưng dân ta vẫn quyết xài sang! “Dân ta” đây chắc chắn không phải mấy cô thợ may xanh xao ở Biên Hòa, Bình Dương mà là các vị đại gia lắm tiền nhiều của, trong số đó cũng không ít cơ quan nhà nước tiêu tiền chùa, với những ông sếp sẵn sàng ném tiền qua cửa sổ. Nền kinh tế oằn lưng dưới gánh nặng nhập siêu, thứ bệnh trầm kha năm nào cũng được “cảnh báo” nhưng vẫn chưa thấy điểm dừng.  

Cũng theo Bộ Công thương, nhập siêu chủ yếu là mất cân đối mậu dịch với Trung Quốc (TQ). Cuộc chạy việt dã thương mại giữa ta và TQ bao giờ ta cũng lẽo đẽo phía sau. Khoảng cách hai bên ngày một xa và đến nay, xuất khẩu của họ sang ta đã lớn gấp ba lần ta sang họ. Kể từ năm, sáu năm nay, buôn bán giữa ta và TQ phát triển cực nhanh, nhưng phần thiệt luôn thuộc về ta. Hàng TQ thâm nhập không kiểm soát nổi, chèn ép hàng nội, thậm chí đẩy lùi cả hàng hóa của nhiều nước khác đã hoặc đang tìm cách có mặt ở thị trường nước ta. Riêng trong năm nay, ta phải bỏ ra 19 tỷ USD để mua hàng TQ, trong khi, chỉ thu về được 6,4 tỷ USD từ nước này. Nhập siêu là chảy máu ngoại tệ, là mất công ăn việc làm, là kém phần chủ động, là phụ thuộc vào nóng lạnh của kinh tế nước ngoài. Tỷ trọng nhập khẩu từ TQ chưa có biểu hiện hạ xuống thật sự gây choáng.

Nhập nhiều, xuất ít đơn giản là bóc được ngắn mà cắn lại dài. Là xài nhiều, xài sang hơn mức mình có thể làm ra, vượt qua sức chịu đựng của nền kinh tế. Đó là cái nết từng được cha ông cảnh báo: con nhà lính, tính nhà quan! Chuyện này không mới mẻ gì, có vẻ như đã là căn bệnh mãn tính của dân ta. Hãy nghe lại một bài giảng về kinh tế cách đây hơn một trăm năm ở trường Đông Kinh Nghĩa Thục: “Nước Đại Nam ta vốn là một nước lớn, văn minh. Nói về vị trí ở vào khoảng nhiệt đới và ôn đới. Đất tốt, khí hậu điều hòa, thóc lắm, tằm nhiều, các nguồn lợi miền núi, miền biển hơn cả thiên hạ. Dân trong nước làm ăn dễ dàng. Nhưng nay thì  sao? Của báu núi rừng, nguồn lợi đó ta không được hưởng. Trăm thứ hàng hóa, quyền lợi đó ta không được nắm. Cho đến các hàng vóc nhiễu, nhung len, vải, lụa, giày dép, khăn tay, mục kỉnh, dù che, dầu hỏa, đồ sứ, đồ pha lê, đồng hồ, phong vũ biểu, hàn thử biểu, hàn thử châm, ống nói, kính hiển vi, kính ảnh, bút giấy, son Tàu, mực Tàu, kim chỉ, khuy, cúc, phẩm nhuộm, xà phòng, nước hoa, diêm, bánh sữa, kẹo mứt, dược phẩm, thuốc lá, chè, rượu, v.v. không mua của Tàu thì mua của Tây cả. Thử lấy cái bảng kê số xuất khẩu, nhập khẩu trong một năm mà tính, thì sẽ thấy rằng một khi gánh vàng đi đổ ra ngoài rồi, thì không sao mong Châu về Hợp Phố nữa. Của nước như thế thật đáng tiếc!” (Văn minh tân học sách, 1904, Đặng Thai Mai dịch).

Phải chăng một trăm năm qua, cái tính mê xài đồ ngoại, kể cả vì ham rẻ mà thích xài đồ ngoại nhái, giả, chóng hỏng vẫn chưa có gì thay đổi hay sao? Những thứ hàng các cụ "Nghĩa Thục" kể ra trên nếu thêm vào tivi, tủ lạnh, Wave Tàu, đồ chơi trẻ con, tăm tre, đũa trúc, v.v. nữa thì ai cũng tưởng là lời than phiền trên một tờ báo thời hội nhập ngày nay. Của đau con xót đã đành, nhưng nguy cơ phá sản một gia đình, một công ty cũng như đại họa mất nước cho cả một dân tộc thường chỉ bắt nguồn từ thói xài sang, ăn tiêu xả láng mà không biết trong túi mình có bao nhiêu tiền, không đếm xỉa đến điều răn: tiết kiệm là quốc sách và sản xuất thật nhiều hàng tốt, tin dùng hàng nội chính là yêu nước cụ thể, thiết thực, hơn một ngàn lần những lời yêu nước hoa mỹ!

N. Q. T.

Nguồn: Phunuonline

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn