Không kỷ luật ai, làm sao chống được tham nhũng?

Phải xem lại vai trò của Trưởng ban phòng chống tham nhũng vì môi trường hành pháp dễ phát sinh tiêu cực, giao Chủ tịch UBND làm Trưởng ban thì khó chống tham nhũng.

Đây là một nhiệm kỳ mà thành tích cũng có [Thành tích gì nhỉ? - BVN], yếu kém cũng có [nói không tính xuể thì đúng hơn - BVN], nhưng thành tích nhiều quá. Khen thưởng, danh hiệu quá nhiều so với các nhiệm kỳ trước trong khi kỷ luật thì lại không có gì. Có đồng chí lãnh đạo bảo: “kỷ luật nhiều quá thì người đâu mà làm?”. Điều này để lại dư âm nặng nề trong cử tri.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn

Thảo luận báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng, chiều 23-3, đa số đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành, phát triển kinh tế-xã hội, cũng như nâng cao vị thế hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tình trạng tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền vẫn có dấu hiệu còn nhiều trong xã hội.

Vẫn còn “chạy chức, chạy quyền”

Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội Lê Quang Bình cho rằng trong bốn năm qua, Chính phủ chú trọng tới phát triển kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức để giải quyết các vấn đề xã hội. “Chúng ta cứ thử điều tra xã hội học, sẽ thấy người dân không lo lắng về kinh tế mà bức xúc chủ yếu là tham nhũng, chạy chức, chạy quyền. Cứ mỗi dịp đại hội các cấp, mỗi lần cơ quan có cất nhắc, đề bạt cán bộ là thấy chạy chức, chạy quyền rất rõ”.

Đại biểu Nguyễn Tấn Trịnh (Quảng Nam) thì đề nghị Chính phủ phải đánh giá công bằng hơn nữa về tình trạng chạy chức, chạy quyền. “Dư luận râm ran việc mua chức, có tiền mới có chức. Có hay không tình trạng này, Chính phủ cũng cần phải nói để dân biết”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận và đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Dăk Lăk) cũng cho rằng Chính phủ phải đánh đánh giá là có hay không tình trạng chạy chức, chạy quyền và trách nhiệm của mình để đánh giá và rút ra kinh nghiệm.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng nói: “Chính phủ đánh giá sự lãng phí, quan liêu, tham nhũng khá mờ nhạt. Tôi thấy có những vụ chỉ bắt trộm hai con vịt thôi đã bị phạt tù trong khi có những đơn vị thua lỗ, nợ đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng lại không ai bị kỷ luật cả. Như thế dân không hài lòng đâu!”.

K? h?p th? chín, Qu?c h?i khoá XII ngày 23/3

Nhiệm kỳ tới cần chú trọng chống tham nhũng

“Kỳ vọng của tôi trong nhiệm kỳ tới là vấn đề phòng chống tham nhũng, chạy chức chạy quyền. Nhiều nơi muốn xin việc là phải có quyền. Tôi có cô cháu ở quê đi xin việc thì mẹ cháu bảo với cô ấy: “Phải quyết định cho rõ là muốn đi làm hay học tiếp để còn tính, vì xin việc không phải là xin không!”. Chúng ta cũng cần có cơ chế cạnh tranh công bằng để tìm người tài và tốt nhất. Trong phòng chống tham nhũng, chúng ta có biện pháp đủ rồi, vấn đề còn lại là hành động”.

Đại biểu NGÔ MINH HỒNG, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM

Khen thưởng nhiều quá

Đây là một nhiệm kỳ mà thành tích cũng có, yếu kém cũng có nhưng thành tích nhiều quá. Khen thưởng, danh hiệu quá nhiều so với các nhiệm kỳ trước trong khi kỷ luật thì lại không có gì. Có đồng chí lãnh đạo bảo: “kỷ luật nhiều quá thì người đâu mà làm?”. Điều này để lại dư âm nặng nề trong cử tri. Vụ Vinashin chẳng hạn - không kỷ luật ai cả. Không phải chúng ta muốn kỷ luật nhưng cũng phải có người chịu trách nhiệm với những tồn tại đó chứ!.

Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội

Đối với các vấn đề Vinashin, đại biểu Ngô Minh Hồng (Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) cho rằng báo cáo Chính phủ nói có sai sót, có kiểm điểm nhưng chưa đến mức kỷ luật. “Nói thế cử tri không bằng lòng! Một tập đoàn nắm giữ tài sản của Nhà nước, nhân dân như thế rồi nợ nần, tái cơ cấu tốn kém bao nhiêu để khoanh nợ, giản nợ, cho vay… Cái gì của tập đoàn thì tập đoàn chịu trách nhiệm nhưng trách nhiệm Chính phủ đến đâu, phải nói rõ cho nhân dân biết. Không thể đơn giản không đến mức kỷ luật thì chỉ nghiêm túc rút kinh nghiệm, như thế là chưa thuyết phục”.

Nghiên cứu lại vai trò của Ban phòng chống tham nhũng

Về công tác phòng chống tham nhũng, bà Hồng cho rằng: “Cử tri cho là chúng ta chưa quyết tâm. Ví như chúng ta đã thực hiện kê khai tài sản nhưng đã công khai chưa, giải trình nguồn gốc tài sản chưa? Những động thái đó là thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng. Quyết tâm đó thể hiện đến đâu sẽ củng cố lòng tin đến đó”.

Đại biểu Nguyễn Phụ Đông (Bắc Ninh) băn khoăn về vai trò của Trưởng ban phòng chống tham nhũng: “Suốt cả nhiệm kỳ qua mà Trưởng ban phòng chống tham nhũng nói là không xử lý ai thì còn trông mong gì”.

Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng Lê Quang Bình cũng cho rằng hoạt động của Ban phòng chống tham nhũng hiện không ổn. “Cử tri nói hành pháp là nơi có nguy cơ, môi trường cho tham nhũng nhất, lại để chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo thì khó chống tham nhũng được. Ngay trong Đảng đang có những kiến nghị tái lập Ban nội chính ở trung ương và Ban nội chính ở tỉnh, thành. Khóa tới cần nghiên cứu sâu vấn đề này” - ông Bình kiến nghị.

Tương tự bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị nhiệm kỳ tới cần xét lại thể chế, xem các Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng nên tổ chức thế nào? Có nên để Chủ tịch UBND làm trưởng ban chỉ đạo hay không?

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) thì đề nghị cần xem xét và đề cập rõ hơn đến tính quyền lực của Chính phủ và Thủ tướng. “Nếu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhưng cấp dưới chưa thực hiện hoặc không thực hiện thì khó quá. Vụ Vinashin chẳng hạn, Thủ tướng chỉ đạo không được mua tàu cũ nhưng đơn vị này vẫn mua. Vì thế, phải đánh giá tính chấp hành của cấp dưới của Chính phủ” - bà Hà nói.

Hoạt động Chủ tịch nước góp phần thúc đẩy hội nhập

Đánh giá về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, đa số các đại biểu đều tán thành với nhận định: Nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đã thực hiện rất tốt chức năng đối nội, đối ngoại, hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, Chủ tịch nước có những hoạt động góp phần thúc đẩy hội nhập rất rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội Lê Quang Bình cho rằng cần nghiên cứu về chức năng, quyền hạn của Chủ tịch nước để Chủ tịch nước có thực quyền. “Trong lần họp tổng kết, đánh giá nhiệm kỳ công tác của Chủ tịch nước nhiệm kỳ trước, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương bảo rất lúng túng. Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng quốc phòng an ninh nhưng anh Lương nói chỉ dự họp có một hai lần. Còn vai trò “thống lĩnh các lực lượng vũ trang” ghi trong Hiến pháp thì có lẽ từ trước tới giờ, chỉ có Cụ Hồ thực sự là “thống lĩnh”. Vì thế, nhiều đồng chí trong quân đội đề nghị nên nghiên cứu sao cho Chủ tịch nước cũng là Bí thư Quân ủy trung ương để thống lĩnh các lực lượng vũ trang”.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn: Phapluattp.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn