Mỹ rút ra bài học gì từ quan hệ giữa Nga với ASEAN và Việt Nam?

Nguyễn Trung

clip_image001

Hình: DOD

Thưa quý vị, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev từng tuyên bố, Việt Nam là một trong các đối tác chiến lược quan trọng của Moscow ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khi tới tham dự cuộc họp các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Hà Nội năm ngoái. Không chỉ hợp tác với Việt Nam, Nga cũng tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị với các quốc gia ASEAN khác như Singapore. Trong cuộc phỏng vấn với Nguyễn Trung, ông Stephen Blank, Giáo sư nghiên cứu về an ninh quốc gia, tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trường đại học Chiến tranh của Lục quân Hoa Kỳ, cho rằng các nước Đông Nam Á tiến gần tới Nga để ‘cân bằng cán cân quyền lực với Trung Quốc’. Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi với Giáo sư Blank trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.

Việt Nam đã trở thành khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga trong năm 2009, với các hợp đồng mua sáu tàu ngầm Project 636 hạng Kilo trị giá tới 4 tỷ đôla cũng như tám máy bay chiến đấu Su-30 trị giá 400 triệu đôla.

Giáo sư Stephen Blank nói: 'Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác đang tìm cách cân bằng quyền lực với Trung Quốc. Một trong các biện pháp đó là mua vũ khí từ Nga nhằm hiện đại hóa quân đội. Ngoài ra, Nga cũng hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á trong lĩnh vực khai thác năng lượng'.

VOA: Trong bài bình luận mới đây được Trung tâm Đông – Tây (Hoa Kỳ) đăng tải, ông nhận định rằng cả chính quyền của Tổng thống Barack Obama lẫn các học giả Mỹ đều không coi Nga là một cường quốc ở châu Á. Vì sao vậy, thưa ông?

Giáo sư Stephen Blank: Tôi cho rằng khi họ nhìn vào nước Nga, họ thấy một quốc gia có xu hướng châu Âu cả về mặt văn hóa lẫn các chính sách an ninh cơ bản. Tôi không nghĩ họ đánh giá từ thực tế rằng phần lớn lãnh thổ của Nga nằm ở châu Á. Họ coi nước Nga ngày nay kém phát triển về mặt kinh tế, trong khi về mặt chính trị thì lại quá chú trọng vào châu Âu.

Tôi nghĩ rằng họ có lẽ nghĩ rằng Nga nằm một phần ở châu Á, nhưng không thuộc về châu Á. Cho tới gần đây, Nga khá lơ là với chính sách ngoại giao ở Viễn Đông, không coi đây là vùng mang tính cạnh tranh về mặt kinh tế. Chính vì vậy, ít người thực sự coi Nga là một cường quốc ở châu Á. Đây có lẽ cũng là lý do chính dẫn tới sự kém phát triển của vùng Viễn Đông Nga.

VOA: Vậy theo đánh giá của ông, Nga hiện có ảnh hưởng như thế nào đối với khu vực Đông Nam Á?

Giáo sư Stephen Blank: Tôi cho rằng Nga ngày càng có nhiều ảnh hưởng trong bối cảnh nước này gia tăng quan hệ về chính trị và kinh tế với các quốc gia trong vùng này. Moscow cũng ngày càng được chấp thuận làm đối tác cũng như thành viên của các tổ chức quốc tế mà tổ chức ASEAN lập nên như Diễn dàn Khu vực ASEAN chẳng hạn. Năm sau, họ sẽ tổ chức hội nghị APEC.

Tôi nghĩ Nga vẫn duy trì vị thế ở Đông Nam Á. Moscow bán cho các nước trong khu vực nhiều vũ khí rồi cả tham gia hợp tác khai thác năng lượng với các quốc gia đó, đặc biệt là với Việt Nam. Chúng ta đang chứng kiến mối quan hệ đối tác tăng cường giữa Nga và ASEAN.

VOA: Kinh tế và quân sự có phải là các yếu tố chính đưa các quốc gia Đông Nam Á tiến gần hơn tới Nga không?

Giáo sư Stephen Blank: Đúng. Chính xác là như vậy.

VOA: Vậy còn yếu tố Trung Quốc thì sao, thưa ông?

Giáo sư Stephen Blank: Vâng, đó là một yếu tố khiến họ xích lại gần nhau, bởi lẽ Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác đang tìm cách cân bằng quyền lực với Trung Quốc. Một trong các biện pháp đó là mua vũ khí từ Nga nhằm hiện đại hóa quân đội. Ngoài ra, Nga cũng hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á trong lĩnh vực khai thác năng lượng.

Nga đang ngày càng có ảnh hưởng về kinh tế vì lĩnh vực quốc phòng của họ giành được thị phần tại khu vực này. Đó là những dấu hiệu mà các quốc gia ASEAN muốn nhắn nhủ tới Trung Quốc, rằng chúng tôi còn có đối tác khác, và rằng Bắc Kinh có thể đối mặt với nguy cơ nào đó nếu gây trở ngại. 

VOA: Các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, hưởng lợi ra sao từ sự gia tăng ảnh hưởng của Nga trong khu vực?

Giáo sư Stephen Blank: Nếu có thêm các nước đóng vai trò lớn, có quyền lợi sống còn và hiện hữu ở Đông Nam Á, thì một cường quốc nào đó sẽ khó có thể thống trị ở khu vực. Họ cân bằng sức mạnh bằng cách lôi kéo nhiều bên cùng tham gia hành động.

VOA: Theo nhận định của ông, Hoa Kỳ có thể học được điều gì từ mối quan hệ giữa Nga với các nước ASEAN nói chung, và Việt Nam nói riêng?

Giáo sư Stephen Blank: Tôi cho rằng Washington đã và đang rút ra bài học rằng điều Hoa Kỳ cần làm là phải nghiêm túc hợp tác với tất cả các quốc gia ASEAN, nếu có thể được, về một loạt các lĩnh vực như chính trị, kinh tế và quân sự.

Ngoại trưởng Hillary Clinton nhấn mạnh điều đó trong bài phát biểu gây phản ứng mạnh từ Trung Quốc hồi năm ngoái (về quyền lợi của Hoa Kỳ trong việc giải quyết ôn hòa tranh chấp biển Đông). Washington không thể để cho Trung Quốc tuyên bố biển Đông là quyền lợi cốt lõi của họ, và các quốc gia khác phải tránh, không được can dự, bởi lẽ điều đó rõ ràng vi phạm chủ quyền của các nước ASEAN. Hoa Kỳ cần phải làm mọi điều có thể trong khả năng nhằm duy trì cán cân quyền lực theo như cách mà các nước như Malaysia, đặc biệt là Việt Nam, mong muốn vì nước này hiện có tham vọng về quân sự, trong khi tiềm lực kinh tế gia tăng thời gian qua.

Tôi cho rằng sự hợp tác giữa Washington và các quốc gia này cần phải có lợi cho đôi bên và cần tiến hành trong phạm vi rộng như khai thác năng lượng, phát triển kinh tế, thương mại, quân sự hay diễn tập hải quân. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ hiểu được thông điệp từ những việc đó.

N.T

Nguồn: voanews.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn