Tô Lâm điện đàm hai lần với Trump: Động thái ngoại giao hay bước ngoặt chiến lược?

Dù ở kịch bản nào, động lực phát triển lớn nhất của Việt Nam hiện nay đến từ các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao: bán dẫn, AI, trung tâm dữ liệu và năng lượng tái tạo. Apple, Samsung, Intel… đang mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng

Hà Nội, tháng 7/2025 – Hai cuộc điện đàm trong cùng một quý giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald J. Trump đã làm dậy sóng giới quan sát cả trong lẫn ngoài nước. Sự cởi mở của Tô Lâm được Trump đón nhận nồng nhiệt, nhưng chuyến thăm Hoa Kỳ của ông đã bị hoãn lại. Hiện chưa rõ liệu hai cuộc điện đàm này có dẫn đến việc ký kết các thỏa thuận quan trọng hay không.

Donald Trump – bất chấp các rối loạn nội bộ tại Hoa Kỳ – vẫn là một nhân vật trung tâm trong cấu trúc quyền lực toàn cầu. Với chủ trương “nước Mỹ trên hết” và phương pháp ngoại giao “thỏa thuận – áp lực”, ông tiếp tục đóng vai trò đặc biệt trong định hình trật tự khu vực “Ấn Thái Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP).

Đối với Việt Nam, Trump không chỉ là Tổng thống Mỹ có lập trường khác biệt, mà còn là một nhà lãnh đạo đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong quan hệ song phương. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều năm 2019 tại Hà Nội, tuy không đạt đột phá, vẫn giúp Việt Nam khẳng định vai trò trung lập, tích cực trong các hồ sơ quốc tế nhạy cảm. Dưới thời Trump 2, cho đến nay, thặng dư thương mại song phương Việt – Mỹ liên tục lập kỷ lục, bất chấp cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

Hai cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng Bí thư Tô Lâm – người nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ vai trò cao nhất sau Đại hội XIV – không chỉ thể hiện sự tiếp nối về mặt đối ngoại, mà còn phản ánh bước chuyển quan trọng trong cấu trúc quyền lực chính trị nói chung của Việt Nam. An ninh quốc gia, kinh tế số, công nghệ và định vị chiến lược ngày càng gắn bó chặt chẽ với các quyết định ở tầm cao nhất. Trên nền bối cảnh các kịch bản nhân sự đang được thảo luận sôi động trong nội bộ Đảng, các cuộc điện đàm với Trump không loại trừ khả năng là những thông điệp chính trị có chủ đích – vừa hướng ra ngoài, vừa củng cố vị thế bên trong.

Những “trụ cột trường tồn” của bang giao Việt–Mỹ

Dù trải qua nhiều biến động – từ chiến tranh, cấm vận, bình thường hóa, đến những thời kỳ lạnh nhạt hoặc nồng ấm – quan hệ Việt–Mỹ vẫn giữ được tính ổn định nhờ một số trụ cột bền vững:

Lợi ích chiến lược song trùng: Cả hai cùng quan tâm đến việc duy trì ổn định khu vực, bảo vệ tự do hàng hải và cân bằng ảnh hưởng Trung Quốc.

Sự hội tụ về kinh tế và công nghệ: Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ từ Mỹ, trong khi Mỹ cần một đối tác tin cậy ngoài chuỗi cung ứng Trung Quốc.

Sức mạnh mềm của cộng đồng: Gần 2,3 triệu người Mỹ gốc Việt đóng vai trò cầu nối văn hóa, giáo dục và kinh tế bền vững.

Đó là “những nhân tố trường tồn” giúp bang giao hai nước vượt qua khác biệt thể chế và tư tưởng. Quả như Ngoại trưởng Macro vừa ghi nhận, kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt – Mỹ (11/7/1995 – 11/7/2025) là hành trình đáng nhớ và tái cam kết cùng nhau thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và an ninh trong một cấu trúc FOIP đa tầng.

Ba xu hướng phản ứng và bài toán cân bằng chiến lược

Trước các động thái ngoại giao mới, giới phân tích chia thành ba xu hướng:

Xu hướng lạc quan xem đây là bước chủ động cần thiết để chuẩn bị cho mọi kịch bản chính trị tại Mỹ, kể cả trong tình huống bất định.

Những người thận trọng lo ngại Việt Nam có thể đặt cược quá sớm vào một chính quyền Mỹ không ổn định, từ đó làm rạn nứt thế cân bằng giữa các cường quốc.

Nhóm trung dung cho rằng đây mới chỉ là bước khởi động cho một chiến lược đa phương, nơi Việt Nam vẫn giữ nguyên sách lược “không chọn phe”.

Từ năm 2022, Hà Nội đã có xu hướng dịch chuyển về phía Mỹ và các đối tác phương Tây. Việc nâng cấp quan hệ song phương lên “Đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) năm 2023 là minh chứng rõ rệt. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại số một; Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí chủ lực (chiếm 56% theo SIPRI 2023). Việt Nam đang dần đa dạng hóa nguồn cung từ Israel, Ấn Độ, Hàn Quốc… nhằm giảm lệ thuộc.

Đại hội XIV và những kịch bản nền tảng

Dự kiến diễn ra đầu năm 2026, Đại hội XIV không chỉ là sự kiện nhân sự mà còn là điểm rẽ chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng khốc liệt. Ba câu hỏi then chốt được đặt ra:

1. Việt Nam sẽ “ngả nhiều hơn” về phía Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ, biển đảo, quốc phòng – hay vẫn giữ thế cân bằng? Sự hỗn loạn về thuế quan và những tuyên bố bất nhất của Trump, biết đâu chẳng là lời cảnh báo hữu ích cho Việt Nam.

2. Ai sẽ là những gương mặt chủ chốt trong Bộ Chính trị sau Đại hội – cảm tình với Mỹ, sẵn sàng “chia sẻ tương lai” và “trung thành với lời hẹn ước ban đầu” với Trung Quốc hay “phe trung lập”?

3. Việt Nam có đủ dũng khí để thúc đẩy cải cách thể chế, phù hợp với nền kinh tế số toàn cầu? Từ trên đỉnh cao, Tô Lâm đã thấy các hệ lụy của định chế “vua tập thể” kéo dài 50 năm qua. Hẳn ông hiểu, dân chủ rất cần cho đất nước vươn mình, nhưng dân chủ lúc nào, mới là quyết định!

Từ những yếu tố trên, các chuyên gia dự báo 4 kịch bản tiếp biến sau Đại hội:

1. Kịch bản nền tảng: Cân bằng chiến lược duy trì

Việt Nam tiếp tục đi dây giữa các cường quốc. Hợp tác kinh tế với Trung Quốc, mở rộng công nghệ với phương Tây, giữ quốc phòng ở mức “phòng ngừa rủi ro”.

2. Kịch bản thuận lợi: Nghiêng về phương Tây

Nếu Mỹ ổn định, Trung Quốc suy yếu hoặc co cụm, Việt Nam tăng tốc hội nhập với Mỹ, Nhật, EU về công nghệ, AI, quốc phòng. Kinh tế số bùng nổ, Việt Nam trở thành trung tâm mới của Đông Nam Á.

3. Kịch bản rủi ro: Thủ thế bảo thủ

Nếu Trump thất bại, Trung – Nga gây áp lực lớn, Việt Nam quay về mô hình “ổn định trên hết”, giảm hợp tác quốc phòng phương Tây, trì hoãn cải cách thể chế.

4. Kịch bản cơ hội: Trung Quốc bất ổn, Việt Nam bứt phá

Nếu nội bộ Trung Quốc khủng hoảng chính trị hoặc kinh tế, Việt Nam có thể tranh thủ “làn sóng tháo chạy chiến lược” để vươn lên vị thế công nghệ và logistics then chốt.

Thể chế là điểm nghẽn lớn nhất

Dù ở kịch bản nào, động lực phát triển lớn nhất của Việt Nam hiện nay đến từ các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao: bán dẫn, AI, trung tâm dữ liệu và năng lượng tái tạo. Apple, Samsung, Intel… đang mở rộng đầu tư vào Việt Nam. HSBC dự báo nếu cải cách thể chế đủ mạnh, Việt Nam có thể trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu Đông Nam Á vào năm 2030.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục kiểm soát chặt Internet, truyền thông và trì hoãn cải cách tư pháp, Việt Nam sẽ khó thu hút được làn sóng đầu tư chiến lược từ phương Tây. Trong cuộc đua công nghệ – thể chế – quyền lực mềm, thể chế là điểm nghẽn lớn nhất.

*

Hai cuộc điện đàm giữa ông Tô Lâm và ông Donald Trump không chỉ là động thái ngoại giao, mà còn là bước chuẩn bị cho Đại hội XIV. Trong một thế giới nơi địa-chính trị và công nghệ ngày càng hòa làm một, năng lực lãnh đạo không chỉ nằm ở chỗ ai nắm quyền, mà còn ở tầm nhìn cải cách nào sẽ được hiện thực hóa.

Liệu Việt Nam sẽ tiếp tục “chờ đợi và phản ứng”, hay sẽ mạnh dạn bước ra khỏi thế cân bằng để định hình vai trò mới như một cường quốc công nghệ và an ninh khu vực?

Đại hội XIV trả lời câu hỏi đó – và lịch sử sẽ là người phán xét!

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn