Từ biến cố nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima, nghĩ gì về dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận

Âu Dương Thệ

Trong những ngày qua cả thế giới chia sẻ với nhân dân Nhật Bản về những thiệt hại nhân sự và tài sản do động đất, sóng thần, và cũng đang chia sẻ nhiều hơn nữa những lo âu về tai nạn của các nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) ở Fukushima - đang đe dọa sinh mạng hàng triệu người, không chỉ ở Nhật mà cả nhiều khu vực khác trên thế giới, nếu những cố gắng của các chuyên viên không thành công.

Từ những gì đã và đang xảy ra tại Fukushima, khi nghĩ về dự án điện hạt nhân của Việt Nam với nhà máy dự kiến đặt tại Ninh Thuận, không thể không đặt ra vô số câu hỏi.

1. Sự cố của các NMĐHN ở Fukushima đã khiến cho nhiều nước công nghiệp tiên tiến nhất, trong đó có cả Mỹ và EU, đang phải xét lại chính sách điện hạt nhân. Riêng tại Đức, một nước công nghiệp hàng đầu trong EU, Thủ tướng Đức Merkel đã phải quyết định cho ngưng hoạt động 7 NMĐHN và trong các năm tới sẽ đóng cửa các NMĐHN còn lại để chuyển sang dùng các năng lượng mặt trời, gió… sản suất điện.

Nhưng bất chấp tất cả những điều đó, trong cuộc họp báo ngày 16/3 tại Hà nội, PGS. TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN vẫn khẳng định:

“Nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam - Ninh Thuận, sẽ sử dụng công nghệ của Nga - thế hệ lò phản ứng thứ 3. Công nghệ này được coi là hiện đại nhất hiện nay, áp dụng nguyên lý an toàn thụ động rất tốt, có tích nước sẵn trong lò. Nếu xảy ra sự cố tương tự như ở Nhà máy Fukushima thì Nhà máy Ninh Thuận sẽ tự động giải nhiệt bằng các cơ chế tự nhiên, không cần sự tác động của con người cũng như không cần sử dụng nguồn điện bổ sung” (Công an Nhân dân 17/3).

Với trách nhiệm của một chuyên gia và cũng là người đứng đầu cơ quan năng lượng nguyên tử ở VN, ngay trong lúc này liệu có thể quả quyết một cách tuyệt đối như trên được không?

2. Trong khi các chuyên viên Nhật về nguyên tử năng được coi là thượng thặng trên thế giới đang phải đối phó vất vả, có lúc tưởng chừng như tuyệt vọng trong việc cứu chữa các NMĐHN ở Fukushima, tại sao ông Vương Hữu Tấn lại có thể tin tưởng tuyệt đối vào lĩnh vực kĩ thuật của các nhà máy điện hạt nhân do Nga chế tạo như vậy được?

3. Có bốn khâu rất quan trọng trong việc xây dựng và điều hành NMĐHN là địa chất, kĩ thuật, nhân sự (chuyên viên nhiều ngành) và ngân sách. Trong đó lĩnh vực nhân sự mang tính quyết định nhất. Hiện nay VN đã có được bao nhiêu chuyên viên giỏi thành thạo và có lương tâm về điện hạt nhân (ĐHN) để có thể vài năm nữa điều hành thành thạo NMĐNT đầu tiên ở Ninh thuận?

4. Vấn đề an toàn của một NMĐHN tùy thuộc rất lớn vào sự thanh tra thường xuyên. Điều này đòi hỏi phải có các đoàn kiểm soát có đủ trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm thật cao, dám suy nghĩ độc lập và báo cáo trung thực. Nhìn vào các biến cố lớn trong thời gian gần đây, như vụ tham nhũng động trời PMU 18, dự án Bauxite Tây Nguyên và món nợ khổng lồ của Tập đoàn nhà nước Vinashin gây ra, thì có cho phép chúng ta yên tâm tin vào khả năng và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra của Đảng và Nhà nước được không?

5. Ngay trong vụ Vinashin, Bộ Chính trị cũng phải nhìn nhận đã có tới 9-10 đoàn kiểm tra, từ  Ban Kiểm tra Trung ương tới các Bộ và Thanh tra Chính phủ, nhưng hầu hết đều đã có những báo cáo tốt, trước khi vụ nợ khổng lồ trên 86.000 tỉ đồng (4,5 tỉ USD) bị vỡ ra! Hãy hình dung: Sau khi NMĐNT Ninh Thuận hoạt động, nhiều đoàn kiểm tra của Đảng cũng như Chính phủ được phái tới thanh tra, nhưng đều có báo cáo tốt. Nếu biến cố xảy ra tại NMĐNT thì ai sẽ nhận trách nhiệm?

Quan trọng hơn nữa là ý thức trách nhiệm thực sự của những người đứng đầu chế độ như thế nào và có thể tin được không?  Một dẫn chứng rõ ràng nhất vừa được Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, đại diện Chính phủ, báo cáo trước Quốc hội ngày 21.3 nói về việc Bộ chính trị - cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng CSVN - trong quyết định xác định trách nhiệm vụ Vinashin: “Căn cứ kết quả kiểm phiếu và theo quy định của Điều lệ Đảng, Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân” (Báo cáo số 39/BC-CP, điện tử Chính phủ 21.3). Ai còn có thể không bàng hoàng và không sợ hãi trước một thái độ khó lý giải đến như thế của Bộ chính trị  - nếu xét theo lý trí thông thường?

6. VN là một nước hẹp và dân đông, chứ không rộng lớn như Nga và Mỹ, cho nên nếu NMĐHN xảy ra tai nạn thì những hậu quả trước mắt và lâu dài cho nhân dân và đất nước sẽ khủng khiếp như thế nào?

Lấy một thí dụ: Nếu NMĐHN đầu tiên ở Ninh Thuận xảy ra tai nạn thì hậu quả sẽ như thế nào toàn khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên trước mắt và lâu dài mấy chục năm do hậu quả của phóng xạ nguyên tử?  Ngoài số hàng chục ngàn nhân dân có thể bị thiệt mạng ngay còn có thể hàng triệu người khác bị các bệnh ung thư trong các thập niên sau. Tai hại nữa là các trung tâm kinh tế, quốc phòng và du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Cam Ranh và Đà Lạt sẽ không còn du khách nào dám tới và không thể sử dụng được nữa! 

Nếu suy nghĩ sâu xa và chín chắn, rút ra bài học từ sự cố Fukushima, thì liệu có thản nhiên tiếp tục tiến hành Dự án Điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận? Hay tốt hơn hết phải dứt khoát chọn giải pháp tìm nguồn điện năng khác sạch và an toàn như nhiều nước công nghiệp khác cũng đang có quyết định khôn ngoan?

Â. D. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn