Không có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa: Đài Loan-Trung Quốc tuy hai mà một

Đinh Kim Phúc

imageNgày 17.4.2011, trong một bản thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Đài Loan khẳng định rằng, dưới bất kỳ góc độ nào – lịch sử, địa lý hay luật pháp quốc tế – các quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa), Tây Sa (tức Hoàng Sa), Trung Sa (Macclesfield Bank), và Đông Sa (Pratas Islands), đều thuộc chủ quyền của Đài Loan. Chính quyền Đài Bắc cũng đồng thời xác định chủ quyền của họ trên các vùng biển bao quanh các quần đảo này, cũng như vùng đáy biển hay tầng địa chất bên dưới khu vực.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đài Loan còn khẳng định, họ không chấp nhận đòi hỏi của các nước khác về chủ quyền trên các khu vực này, đồng thời kêu gọi các quốc gia chung quanh khu vực tranh chấp tôn trọng luật lệ quốc tế, tránh có những biện pháp đơn phương có thể phá vỡ tình hình hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Đài Loan là một trong sáu nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, cùng với Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei. Tương tự như Trung Quốc, Đài Loan hiện tranh chấp với Việt Nam về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, đang do Bắc Kinh chiếm giữ.

Tại vùng quần đảo Trường Sa, cũng thế, Đài Loan, Trung Quốc và Việt Nam là ba nước đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ khu vực, trong lúc Brunei, Philippines hay Malaysia chỉ tranh chấp một số đảo cụ thể mà thôi.

Về bãi đá ngầm Macclesfield, ở phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa, khu vực này đã được cả Đài Loan lẫn Trung Quốc gọi là Quần đảo Trung Sa. Đài Bắc, Bắc Kinh và Manila đều coi đó là lãnh thổ của họ.

Riêng vùng gọi là Đông Sa, tên quốc tế là Pratas, nằm ở vùng Đông Bắc Biển Đông, cách Hong Kong 350 km và cách Đài Bắc 850 km, khu vực quần đảo bao gồm ba hòn đảo này đang do Đài Loan quản lý, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.

Đài Loan muốn gì?

Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy rằng, tháng 10.1946, trong khi quân đội Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đang bận đối phó với cuộc chiến tranh toàn diện sắp xảy ra, thì bốn chiến hạm cùng các binh sĩ thuộc hạm đội đặc biệt của Trung Hoa Dân quốc xuất phát từ cảng Ngô Tùng đổ bộ lên Hoàng Sa. Ngày 29.11.1946, các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên của quân Tưởng Giới Thạch tới đảo Hoàng Sa; tàu Thái Bình và Trung Nghiệp đến Trường Sa.

Trước đây, Đài Loan luôn tuyên bố chủ quyền của mình trên vùng đất này nhưng chỉ là những lời tuyên bố vô căn cứ.

Chúng ta biết rằng, sau khi hội nghị San Francisco 1951 bế mạc, cả Trung Quốc lẫn Đài Loan không hề lên tiếng về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho tới năm 1956 khi Philippines lên tiếng đòi chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.

Lời tuyên bố đòi chủ quyền quần đảo Trường Sa của Philippines đã gặp những phản ứng mạnh mẽ, đặc biệt là Trung Quốc và Đài Loan.

Về phía Đài Loan, Chính phủ Trung Hoa Dân quốc, qua Đại sứ ở Manila, đã phản kháng dữ dội với Chính phủ Philippines và viện vào cớ là quần đảo này thuộc về Trung Hoa từ thế kỷ thứ XV (Chúng tôi không biết luận cứ của Đài Loan ra sao và căn cứ vào đâu Đài Loan cho là chủ quyền đó có từ thế kỷ thứ XV? Có thể chính quyền Tưởng Giới Thạch vin vào những viễn du của Thái giám Trịnh Hòa trong thời nhà Minh chăng?).

Song song với việc phản kháng tại Manila, phát ngôn viên Đài Loan còn loan tin Đài Loan phái một lực lượng đặc nhiệm tới quần đảo Trường Sa “có thể và chắc chắn sẽ xảy ra”, và quả thực một hạm đội Đài Loan đã được phái tới nơi trong một thời gian ngắn để thị uy.

Nhận được tin này, Ngoại trưởng Philippines vội vàng chỉ thị cho Đại sứ Philippines tại Đài Bắc là Narciso Ramos thông báo cho Chính phủ Đài Loan trấn an “không nên quá e ngại về diễn biến của tình hình”.

Trong khi đó ở đảo Ba Bình, hải quân Đài Loan đã dỡ những cột mốc đánh dấu mà họ dựng lên trên đảo trong chuyến đi thứ nhất, dựng một cột mốc của Trung Hoa Dân quốc trên cột mốc cũ của Nhật Bản và vẽ quốc huy “Trung Hoa Dân quốc” trên tường một căn nhà đổ nát trước kia thuộc trại lính Nhật Bản.

Mười lăm năm lại trôi qua khi không có dịp nào để Đài Loan lên tiếng về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mãi cho tới năm 1971.

Trong một buổi họp báo tại điện Malacanang ngày 10.7.1971, trước buổi khai mạc hội nghị cấp cao lần thứ 6 của Hiệp hội các quốc gia châu Á và Thái Bình Dương tại Manila, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos tố cáo quân đội Đài Loan, lúc đó đang chiếm đóng ở đảo Ba Bình (Ligaw theo tên Philippines) không được sự cho phép và thỏa thuận của các quốc gia đồng minh, nên Philippines đã yêu cầu Chính phủ Đài Loan rút quân đội khỏi nơi này.

Lời tuyên bố của Marcos đã gây ra phản ứng tại nhiều quốc gia. Vài ngày sau khi có lời tuyên bố này, các Chính phủ Anh và Hà Lan loan báo hai nước khước từ quyền giám hộ trên quần đảo Trường Sa.

Chính quyền Sài Gòn, qua lời tuyên bố của Ngoại trưởng Trần Văn Lắm ngày 13.7.1971, tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa mà các dữ kiện lịch sử và pháp lý chứng tỏ là thuộc về Việt Nam, ít nhất là từ thế kỷ XVIII. Ông cũng nhắc lại lời tuyên bố của cựu Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu tại hội nghị San Francisco ngày 7.9.1951.

Về phần Đài Loan, Ngoại trưởng Chu Thư tuyên bố rằng quần đảo Nam Sa từ thời xa xưa vẫn thuộc về Trung Hoa và quân đội Đài Loan đã chiếm đóng quần đảo này hơn 20 năm qua.

Đáng tiếc là Ngoại trưởng Chu Thư đã không đưa ra một chi tiết hay một thí dụ nào để chứng minh chủ quyền của Trung Hoa đối với quần đảo này “từ thời xa xưa” và cũng không cho biết là “thời xa xưa” ấy là từ bao giờ. Chúng tôi xin nhấn mạnh ở đây để nói thêm là Đài Loan đã cho leo thang thời gian chủ quyền. Trong lần phản ứng năm 1956, Đài Loan nói là Trung Hoa có chủ quyền trên hai quần đảo này từ thế kỷ thứ XV, nay lại đổi thành từ thời xa xưa. Hơn nữa, họ lại cố tình che giấu tính bất hợp pháp của việc quân đội Đài Loan chiếm đóng ở đây.

Sau khi Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1.1974, Đài Loan không những đã phụ họa với Trung Quốc trong việc đòi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn phái thêm quân đến chiếm đóng vài hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để sẵn sàng chống lại khi cần.

clip_image002

Đảo Ba Bình của Việt Nam do Đài Loan chiếm đóng trái phép

(Nguồn: www.unc.edu)

Chính phủ Tưởng Giới Thạch đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thời gian Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa.

Sau 1975 cho đến nay, Đài Loan vẫn chiếm cứ trái phép đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa và liên tục xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự như đường băng, pháo đài, nhà ở… kiên cố.

Trước đó (những năm 1980) Đài Loan đã bố trí lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến trên đảo này. Nhưng năm 1999, vì lý do khó khăn về hậu cần cho nên các lực lượng này phải rút quân và bàn giao lại cho lực lượng phòng thủ bờ biển canh giữ. Một số năm gần đây, Bộ Quốc phòng Đài Loan lo ngại trước sự gia tăng của hải quân Trung Quốc ở khu vực này và đã nhiều lần đề cập tới việc đưa hải quân trú đóng trở lại đảo Ba Bình.

Tháng 11.2007, Đài Loan đã khởi công xây dựng lại đường băng trên đảo Ba Bình, xây dựng “bia kỷ niệm công trình” và tiến hành các hoạt động viếng thăm cao cấp tới đảo này. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phản ứng về những hành động nêu trên của phía Đài Loan.

clip_image004

Bia ngụy tạo chủ quyền của Đài Loan tại đảo Ba Bình

Chữ đề trên bia này là Hải quân thu phục Tây Sa quần đảo kỷ niệm bi

(Bia kỷ niệm Hải quân thu phục quần đảo Tây Sa), Trung Hoa Dân quốc, ngày 24-11-1935)

(Nguồn: www.peoole.com.cn)

Đồng thời Đài Loan liên tục tuyên bố chủ quyền thông qua con đường ngoại giao. Ngày 08.5.2009 Bộ Ngoại giao Đài Loan lên tiếng tiếp tục khẳng định chủ quyền của họ đối với nhiều nhóm đảo trên Biển Đông sau khi Việt Nam và Malaysia gửi đơn lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc (CLCS) yêu cầu mở rộng đường ranh giới phía ngoài thềm lục địa.

Hiện nay quân đội Đài Loan có 105 quân đóng trên đảo Ba Bình và quân số trên đảo Đông Sa là 162.

Ngày 18.4.2011, Hãng thông tấn trung ương Đài Loan cho biết từ 27/4/2011, lực lượng thủy quân lục chiến, đơn vị tinh nhuệ nhất của Đài Loan, sẽ được tái điều động trên các đảo Ba Bình và Đông Sa mặc dù họ chưa có kế hoạch nâng cấp hệ thống vũ khí tại hai nơi này.

Quyết định được đưa ra chỉ một ngày sau khi chính quyền Đài Loan tuyên bố khẳng định chủ quyền "không thể tách rời" với "các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Trung Sa và Đông Sa, cùng với các vùng biển phụ cận và thềm lục địa"

Nhiều chương trình huấn luyện sẽ Cơ quan Phòng vệ Đài Loan thực hiện trong những ngày tháng tới. Những chương trình này nhằm giúp tăng cường khả năng chiến đấu của lực lượng tuần duyên đảo quốc hiện đang trú đóng trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Phụ tá Giám đốc Phòng duyên Đài Loan Vương Trọng Chi, Phụ tá Giám đốc Phòng duyên Đài Loan trả lời phỏng vấn của tờ Giải phóng thời báo xuất bản ở Đài Bắc nói rằng "Chương trình huấn luyện là điều cần thiết phải thực hiện để bảo vệ lãnh thổ".

Cũng trong ngày 18.4.2011, theo tin của Hãng thông tấn AFP, Lâm Vu Báo, quan chức cấp cao của Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cho biết Đài Loan đang lên kế hoạch chế tạo một chiến hạm có khả năng tàng hình có trọng tải 500 tấn sẽ bắt đầu vào năm 2012 và dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Theo Lâm Vu Báo, tàu này sẽ được trang bị 8 tên lửa hạm đối hạm Hùng Phong 2 và 8 tên lửa siêu thanh Hùng Phong 3.

Động thái tăng cường lực lượng phòng thủ bờ biển của Đài Loan tới đảo Ba Bình là vi phạm tới chủ quyền của Việt Nam; lý do điều động tăng cường lực lượng chống sự gia tăng của các tàu cá nước ngoài chỉ là vỏ bọc cho những hành động nhằm tiếp tục khẳng định chủ quyền và chiếm giữ bất hợp pháp của Đài Loan đối với đảo Ba Bình.

Một câu hỏi được đặt ra là vì sao Đài Loan lại lớn tiếng vào thời điểm này?

Trước hết, có thể nói rằng sự kiện Philippines, ngày 05.04.2011, đã chính thức gởi văn thư lên Liên Hiệp Quốc, bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông thể hiện trong tấm bản đồ "hình lưỡi bò" mà họ công bố hồi tháng 5 năm 2009.

Hai là, sự kiện chiều 13/4/2011, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp tướng Quách Bá Hùng (Guo Boxiong), Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc trong chuyến thăm Việt Nam từ 12-15.4.2011, tại cuộc tiếp xúc "Thủ tướng khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn chủ trương cùng Trung Quốc nỗ lực đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Trên tinh thần vừa là đồng chí, vừa là anh em, hai nước cần tích cực hơn nữa trong việc xem xét, giải quyết những vấn đề còn có nhận thức khác biệt, nhất là về Biển Đông.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị đàm phán, thảo luận hòa bình để tìm ra những giải pháp mang tính cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Đây cũng là việc làm thiết thực góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới".

Đài Loan không muốn mất phần trong bàn cờ chiến lược ở Biển Đông.

Đ. K. P.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn