Hải giám Trung Quốc: Công cụ quấy nhiễu tàu nước ngoài?

Thái An (Theo strategypage, thejakartaglobe)

clip_image001

 

Một tàu hải giám Trung Quốc. Ảnh: ChinaFotoPress Photo

 

Hải giám - một trong năm tổ chức thực thi pháp luật biển của Trung Quốc - đang được gia tăng không ngừng cả quy mô lẫn kích cỡ.

Strategy Pages, một trang tin chuyên về quân sự của Mỹ đã đăng tải bài viết về sự phát triển của cơ quan Hải giám Trung Quốc.

Những cơ quan khác gồm: Tuần duyên, một lực lượng quân sự tuần tra bờ biển; Ủy ban An toàn hàng hải phụ trách công tác tìm kiếm và cứu hộ ven biển; Cảnh sát ngư chính giám sát hoạt động đánh bắt cá; Cảnh sát hải quan ngăn chặn buôn lậu.

Thường xuyên hơn, quả quyết hơn

Hải giám Trung Quốc là một trong những cơ quan mới nhất trong số này, được thành lập năm 1998. Nó thực chất là lực lượng cảnh sát của Cục Hải dương Trung Quốc, chịu trách nhiệm giám sát các khu vực không thuộc lãnh hải Trung Quốc nhưng là những nơi nước này tuyên bố có quyền kiểm soát kinh tế (vùng đặc quyền kinh tế - EEZ), đây cũng là cơ quan thực thi pháp luật môi trường ở vùng duyên hải Trung Quốc. Chương trình phát triển Hải giám mới được công bố cho thấy, sẽ mở rộng lực lượng này từ 9.000 lên 10.000 người và mua thêm 36 tàu tuần tra mới.

Hải giám đã có 300 tàu và 10 máy bay. Ngoài ra, cơ quan này còn thu thập và phối hợp dữ liệu từ các hoạt động hải giám ở 10 thành phố lớn ven biển và 170 huyện thị duyên hải.

Tuy nhiên, sự mở rộng quy mô lực lượng hải giám Trung Quốc phần lớn tập trung vào EEZ, và sứ mệnh tuần tra của lực lượng này ngày càng thường xuyên hơn, quả quyết hơn. Luật quốc tế (Công ước LHQ về Luật biển có hiệu lực năm 1994) công nhận vùng biển 22 km tính từ đất liền thuộc thẩm quyền tài phán của quốc gia kiểm soát vùng đất gần nhất.

Điều đó có nghĩa là các tàu bè không được phép tiến vào “những vùng lãnh hải” mà không được phép. Tuy nhiên, vùng biển rộng 360km từ đất liền được coi là EEZ của quốc gia kiểm soát vùng đất gần nhất. Các chủ sở hữu EEZ có thể kiểm soát việc đánh bắt cá, có chủ quyền đối với mọi loại tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động kinh tế nhằm khai thác, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên đó, có quyền tài phán đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển, xây dựng và lắp đặt các công trình và thiết bị nhân tạo.

Nhưng theo luật quốc tế, ở EEZ, các nước khác có quyền tự do bay, tự do hàng hải, đặt dây cáp và ống dẫn ngầm tại EEZ. Trung Quốc luôn tuyên bố các tàu nước ngoài thực hiện hoạt động do thám trái phép ở các EEZ của họ. Song hiệp ước năm 1994 không nói gì tới vấn đề này. Trung Quốc đơn giản đang làm những gì mà họ đã làm trong nhiều thế kỷ, cố gắng áp đặt ý của họ với các nước láng giềng, hoặc bất kỳ ai dám “cả gan” hoạt động ở khu vực mà Trung Quốc coi là nằm trong tầm kiểm soát của họ.

Hồi chuông báo động

Trong hai thế kỷ qua, Trung Quốc đã ngăn chặn khỏi việc áp dụng “các quyền truyền thống” ở những vùng biển gần bởi sự vượt trội của hải quân nước ngoài (đầu tiên là tàu thuyền trang bị súng thần công của châu Âu và sau đó, thế kỷ 19 là những tàu chiến thép từ Nhật Bản). Tuy nhiên, khi kinh tế ngày một phát triển, Trung Quốc cũng ngày càng gia tăng nỗ lực nhằm khẳng định lại sự kiểm soát với các vùng biển mà cả thời gian dài trước họ xem là một phần của mình.

Trung Quốc thiên về xu hướng sử dụng các tàu phi quân sự hoặc bán quân sự (kiểu như tàu hải giám) để quấy nhiễu các tàu nước ngoài hoạt động ở các EEZ hoặc các vùng biển tranh chấp. Giới phân tích cho rằng, cách tiếp cận này ít có khả năng châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang và tạo sự dễ dàng khi Trung Quốc muốn tuyên bố họ là nạn nhân.

Hồi đầu tháng, tờ Nhật báo Trung Quốc dẫn lời Phó Giám đốc cơ quan Giám sát hàng hải Trung Quốc Tôn Thụ Tiên nói, nước này sẽ “tiến hành tuần tra biển thường xuyên hơn để củng cố việc thực thi luật pháp tại các vùng biển liên quan nhằm đảm bảo quyền hàng hải trong năm 2011”. Kế hoạch gia tăng khả năng giám sát được đưa ra khi Trung Quốc có cuộc tranh cãi chủ quyền về quần đảo Điếu Ngư (tiếng Nhật gọi là Senkaku) với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Trung Quốc cũng ngày một quả quyết hơn trong tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia Đông Nam Á tại Biển Đông.

Việc Trung Quốc không ngừng gia tăng các khả năng quân sự, từ lực lượng hải quân tới không quân đã trở thành hồi chuông báo động với các nước khác, trong đó có Mỹ. Đã có quan ngại rằng, nỗ lực xây dựng quân sự của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ mở đường để Trung Quốc quả quyết và thách thức hơn với láng giềng nhằm kiểm soát các khu vực có tầm quan trọng chiến lược.

Trong Báo cáo phát triển đại dương Trung Quốc do cơ quan Giám sát hàng hải nước này đưa ra, ông Tôn cho hay, Trung Quốc đang triển khai thêm nhiều nhân sự và lắp đặt các thiết bị mới để “nâng cao khả năng thực thi pháp luật của đội tàu tuần tra”. Theo báo cáo này, năm ngoái, cơ quan này đã điều động hơn 1.000 chuyến bay và 13.300 chuyến tuần tra biển để giám sát hàng trăm tàu thuyền và máy bay nước ngoài trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc.

T. A.

Nguồn: Vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn